Năm 2006, Alistair Begg chia sẻ một bài giảng có tựa đề “Mù Lòa Từ Lúc Sinh Ra.” Ông suy ngẫm về món quà cứu rỗi được ban cho miễn phí qua sự chết của Đấng Christ. Và để minh họa điều này, ông dẫn chứng về tên tội phạm ăn năn trên thập tự giá:
Các bạn biết đấy, tôi luôn nghĩ về điều này khi liên hệ đến tên tội phạm ăn năn trên thập tự giá khi anh ta đến trước cổng thiên đàng. Bạn có tưởng tượng được buổi phỏng vấn sẽ diễn ra như thế nào không?
“Anh làm gì ở đây?”
“Tôi không biết”
“Vậy ai gởi anh tới đây?”
“Gì chứ? Không ai gởi tôi đến đây hết. Tôi… Tôi… Tôi tự nhiên ở đây!”
“Vậy, anh… đã được xưng công bình bởi đức tin chưa?Anh có làm hòa với Đức Chúa Trời chưa?”
“Tôi không biết.”
“Vậy, anh không biết gì hết à?”
“À…có”
“Vậy anh biết gì?”
“Người đàn ông trên cây thập giá ở giữa nói tôi có thể đến đây.”
Begg đã đúng khi lưu ý rằng tên tội phạm ấy được cứu chỉ bởi Đấng Christ, không phải bởi việc lành, giỏi thần học, hay công đức gì khác. Xét cho cùng, bản lý lịch thuộc linh của anh ta hẳn rất ngắn.
Trong minh họa này, Begg đã dùng tên tội phạm ăn năn để nhấn mạnh sự cứu rỗi chẳng bởi việc làm. Nhưng những Cơ Đốc nhân khác trong lịch sử Hội Thánh đã dùng câu chuyện này để nhấn mạnh các lẽ thật khác. Ví dụ, Theodore Beza (1519-1605) đã dùng câu chuyện về tên tội phạm này để nhắc nhở người đọc rằng dù những việc lành không cứu được ta, chúng nhất thiết phải đi kèm với đức tin cứu rỗi.
Quyển Sách Nhỏ Về Những Hỏi-Đáp Dành Cho Cơ Đốc Nhân Của Beza
Nhà thần học Cải Chánh người Pháp Beza phụng sự trong vai trò hiệu trưởng đầu tiên của Học Viện Geneva do John Calvin (1509-64) thành lập. Như Ryan McGraw lưu ý, những học giả Cải Chánh như Beza dành công sức học thuật của họ cho lĩnh vực chăn bầy. Là một mục sư-học giả, họ nghiên cứu cho hội thánh. Điều này đặc biệt thấy rõ trong quyển sách xuất bản năm 1570 của Beza: “Quyển Sách Nhỏ Về Những Hỏi Đáp Dành Cho Cơ Đốc Nhân”
Trong phần về sự thánh hóa, Beza diễn giải mối quan hệ giữa đức tin và việc làm. Ông biện luận rằng “việc lành không giúp một người được xưng công bình, nhưng [việc lành] sẽ đi theo người tín hữu đã được xưng công bình trong Đấng Christ, cũng như những trái tốt không làm cho cái cây trở nên tốt, nhưng một cây được biết là tốt nhờ trái của nó.” (Hỏi đáp số 152)
Mối liên hệ giữa đức tin và việc làm dẫn cuộc đối thoại tưởng tượng của Beza tới một câu hỏi sâu sắc: “Vậy ý ông là việc lành là điều cần thiết để được cứu rỗi?” Beza trả lời bằng một tam đoạn luận khẳng định: “Nếu đức tin là cần thiết cho sự cứu rỗi, và việc lành nhất thiết sẽ ra từ đức tin thật (là thứ không thể ngồi không), suy ra, việc lành là cần thiết cho sự cứu rỗi.” Beza nói rõ hơn: “Nhưng [việc lành] không phải là nguyên nhân để được cứu rỗi (vì chúng ta được xưng công bình, và sống, chỉ bởi đức tin vào Đấng Christ), nhưng [việc lành] là điều cần thiết đi kèm với đức tin thật (Hỏi đáp số 154). Với Beza (trích dẫn Rô-ma 8:14, 1 Giăng 3:7, và Gia-cơ 2:21), đức tin thật cần sản sinh việc lành, vốn không phải là nguyên nhân nhưng là kết quả quan trọng và đi cùng với sự cứu rỗi.
“Vì tất cả những ai được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt đều là con của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 8:14)
“Hỡi các con bé nhỏ, đừng để ai lừa dối các con. Ai làm điều công chính là người công chính, như chính Ngài là Đấng công chính.” (1 Giăng 3:7)
“Chẳng phải Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, đã được xưng công chính bởi hành động khi ông dâng con mình là Y-sác trên bàn thờ sao?” (Gia-cơ 2:21)
Beza Phân Tích Về Tên Tội Phạm Ăn Năn Trên Thập Tự Giá

Người đối thoại tưởng tượng của Beza tiếp tục đặt câu hỏi về tên tội phạm ăn năn trên thập tự giá: “Vậy sẽ ra sao nếu một người không có đức tin cho tới ngay trước khi chết? Vì việc này có vẻ đã xảy ra với tên tội phạm trên thập tự giá. Người như vậy có thể làm được việc lành gì?” (Câu hỏi số 155). Là một mục sư và nhà thần học, Beza đã lắng nghe những câu hỏi và nhu cầu thần học của những tín đồ bình thường ở Geneva. Do đó, câu hỏi này không phải là vấn đề suy đoán của giới học thuật.
Geneva là ngôi nhà của phong trào tự do phóng túng. Nhóm này, dẫn đầu bởi các gia đình Perrin, Favre, và Berthelier, chống lại sự lãnh đạo của John Calvin và các đồng nghiệp, đặc biệt là sự nhấn mạnh của họ vào kỷ luật hội thánh. Những người tự do phóng túng chối bỏ sự cần thiết của việc lành trong đời sống Cơ Đốc, khiến họ trở thành những người cổ vũ cho tư tưởng “ân điển rẻ tiền” mà Dietrich Bonhoeffer chống nghịch. Câu hỏi “Thế còn tên tội phạm trên thập giá thì sao?” có lẽ là lời phản đối thường gặp của những người tự do phóng túng.
Đáp lại, Beza khẳng định: “Không, đức tin của tên tội phạm trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó đã hoạt động vô cùng mạnh mẽ .” Rồi ông liệt kê 5 việc lành mà tên tội phạm trên thập tự giá đã làm trước khi chết:
1. “Anh ta quở trách sự báng bổ và gian ác của tên tội phạm kia.”
Beza biện luận rằng trong khi tên tội phạm không ăn năn hùa theo đám đông nhạo báng Chúa Giê-xu (Lu-ca 23:39), tên tội phạm ăn năn “quở trách hắn” bằng cách hỏi: “Mầy đang chịu cùng một hình phạt, còn chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? Chúng ta bị phạt là đúng, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm; nhưng người nầy không hề làm một điều gì sai trái.” (Lu-ca 23:40-41). Anh ta nhận biết cả tội lỗi của tên tội phạm đang báng bổ kia và sự vô tội của Đấng Christ.
2. “Anh căm ghét tội lỗi của chính mình.”
Trong câu Kinh Thánh trích dẫn ở trên, tên tội phạm cũng nhận ra mình bị tử hình là đúng vì mình đã phạm tội. Bằng việc này, Beza lập luận, anh thể hiện sự hạ mình trước sự vô pháp của bản thân.
3. “Với đức tin đơn sơ và kỳ diệu, anh thừa nhận Đấng Christ là Vua đời đời trong khi Ngài đang chịu sự sỉ nhục của thập tự giá.”
Tên tội phạm nói: “Lạy Giê-xu, khi Ngài vào vương quốc mình rồi, xin nhớ đến con!” (Lu-ca 23:42). Bằng việc thừa nhận rằng Chúa Giê-xu có một vương quốc, tên tội phạm khẳng định quyền làm chủ của Đấng Christ. Beza lưu ý rằng anh ta không làm việc này trong lúc Đấng Christ đang được mọi người ca tụng và làm các phép lạ mạnh mẽ, nhưng trong lúc Ngài đang chịu sự sỉ nhục trên thập tự giá.
4. “Trong khi tất cả các môn đồ đều nín lặng, tên tội phạm này xưng nhận [Chúa Giê-xu] là Đấng Cứu Rỗi của mình.”
Beza quan sát rằng các sách Phúc Âm nhấn mạnh việc các môn đồ bị tản lạc, chỉ có Giăng ở lại dưới chân thập tự giá. Không ai trong 12 sứ đồ lên tiếng cho Chúa Giê-xu hay làm chứng về đức tin của mình khi Ngài đang chịu đóng đinh; chỉ duy tên tội phạm làm việc lành này.
5. “Anh công khai quở trách sự tàn ác và những lời chống nghịch Chúa của người Do Thái.”
Quay lại ý đầu của mình, Beza nhấn mạnh cách tên tội phạm không ăn năn lặp lại lời của đám đông, những người đã hét to lên rằng: “Nó đã cứu kẻ khác. Nếu nó thật là Đấng Christ, người được chọn của Đức Chúa Trời, thì hãy để nó tự cứu mình đi!” (Lu-ca 23:35). Khi quở trách tên tội phạm không ăn năn, anh ta cũng chỉ ra tội lỗi của đám đông xung quanh cây thập tự.
Beza thừa nhận rằng mặc dù cái chết ngăn cản tên tội phạm này làm những việc theo điều răn lớn thứ hai (“yêu người lân cận như mình” – Mác 12:31), nhưng anh đã làm “những việc tuyệt vời nhất của điều răn lớn nhất”. Trong trường hợp của tên tội phạm, “đức tin của anh không thể bị xem là không có việc làm.” (Trả lời câu 155). Tên tội phạm có đức tin, vậy nên anh nhất thiết sẽ làm những việc lành. Xét theo quãng đời làm Cơ Đốc nhân ngắn ngủi trên đất của anh, 5 việc lành anh làm trên thập tự giá lại càng kỳ diệu hơn nữa.
Kết nối Beza và Begg

Cả Beza và Begg đều đúng khi bàn về lẽ thật kỳ diệu của Tin Lành. Mặc dù tên tội phạm ấy đã làm những việc lành cần thiết xuất phát từ đức tin của mình, anh ta được chào đón vào thiên đàng chỉ bởi công đức và lời mời của “người đàn ông trên cây thập giá ở giữa.”
Câu chuyện này vừa minh họa sự ban cho miễn phí và quyền năng biến đổi của Tin Lành. Khi suy ngẫm về tên tội phạm trên thập giá, chúng ta có thể nhớ rằng không chỉ “vì ân điển cứu chuộc của Đức Chúa Trời dành cho mọi người đã được bày tỏ”, mà còn ân điển này cũng “dạy chúng ta từ bỏ sự không tin kính và dục vọng trần gian để sống một cách tiết độ, công chính và tin kính trong đời nầy”, và khiến chúng ta “sốt sắng làm các việc lành” (Tít 2:11-14).
Dịch: Richard Huynh
Nguồn: TheGospelCoalition.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com