Home Chuyên Đề Sự Thô Tục Của Thập Tự Giá Và Chiến Thắng Của Sự Phục Sinh

Sự Thô Tục Của Thập Tự Giá Và Chiến Thắng Của Sự Phục Sinh

by Sưu Tầm
30 đọc

Sự thô tục của thập tự giá ở La Mã cổ đại

Cách Đấu Trường La Mã và Khải Hoàn Môn Constantine vài dãy nhà, một miếng thạch cao được gắn trên tường của Bảo Tàng Palatine. Thoạt nhìn, nó như trống trơn, và ta có thể tự hỏi sao mảnh thạch cao này lại được gắn cẩn thận vào tường như vậy. Nhưng khi nhìn kỹ hơn, ta sẽ thấy một hình vẽ thô sơ được khắc trên đó.

Hình khắc “Alexamenos thờ phượng Chúa” ở Bảo Tàng Palatine

Bản khắc thô tục này có từ cuối thế kỷ thứ hai hoặc đầu thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên, và mô tả hình một người đàn ông có cái đầu con lừa bị treo trên thập tự giá với phần sau để trần. Dưới chân thập tự giá, một người đàn ông mặc chiếc áo không tay của nô lệ đang cầu nguyện với cánh tay dang rộng. Có ba từ được khắc xung quanh hình người cầu nguyện; câu tiếng Hy Lạp sai chính tả có thể dịch sang tiếng Anh là “Alexamenos thờ phượng Chúa”.

Được tìm thấy trong một ký túc xá nơi đào tạo người giúp việc của hoàng gia, bức hình này có vẻ mô tả Chúa Giê-xu trên thập tự giá với cái đầu của một con lừa.

Mục đích của người họa sĩ vô danh này có vẻ là chế giễu một nô lệ tên là Alexamenos, người tôn thờ Chúa Giê-xu. Hiện vật này là nhắc nhớ thầm lặng về việc những lời kể về Chúa Giê-xu nghe sốc như thế nào trong mắt người La Mã cổ đại. Người của đạo giáo mới này đã dâng đời mình cho một vị thần phải chịu cái chết dành riêng cho những kẻ phản bội và bọn nô lệ. “Đóng đinh trên thập tự giá” là một từ thô tục thời La Mã cổ đại, chỉ được nói cách dè dặt trong các hội nhóm lịch sự. Sử gia Do Thái Josephus gọi việc bị đóng đinh trên thập tự giá là “cái chết khốn khổ nhất trong những cái chết”.

Dù vậy, Cơ Đốc nhân vẫn kiên trì tôn vinh một vị thần bị đóng đinh trên thập tự giá. Thậm chí còn đáng xấu hổ hơn theo góc nhìn của những người hàng xóm cổ đại, thần của người Cơ Đốc có vẻ như không từ bỏ cơ thể của mình lại đằng sau sau khi chết và thăng thiên lên cõi các thần, là điều mà bất kỳ vị thần có lòng tự trọng chắc chắn sẽ làm. Thay vào đó, theo Cơ Đốc nhân, chính cơ thể đầy sẹo đã chết đó được phục sinh và biến đổi trở thành dấu hiệu đầu tiên của sự tạo dựng mới của Chúa.

Thông Điệp Đã Chinh Phục Một Đế Chế

Mặc dù đưa ra những tuyên bố gớm ghê như vậy, phong trào Cơ Đốc vẫn phát triển mạnh mẽ. Đến cuối thế kỷ thứ nhất, tin tức rằng một người Do Thái bị đóng đinh trên thập tự giá rồi sống lại đã lan truyền khắp đế quốc La Mã từ Syria đến Tây Ban Nha, và bốn bản kể lại cuộc đời của ông ta được lưu truyền ở những thành phố lớn nhất của đế quốc. Dù lâu lâu lại có những cuộc bắt bớ cục bộ, các cộng đồng dâng hiến đời mình cho Chúa Giê-xu vẫn tiếp tục thu hút thêm người tin theo.

Sau khi thất bại trong việc nghiền nát các cộng đồng Cơ Đốc qua những đợt bắt bớ toàn đế quốc vào nửa cuối thế kỷ thứ ba đến đầu thế kỷ thứ tư, các hoàng đế La Mã cuối cùng cũng từ bỏ nỗ lực bắt Cơ Đốc nhân dâng tế cho những vị thần tôn kính của đế quốc.

Nhìn lại chuỗi sự kiện khác lạ này, Augustine ở Hippo thấy đây là bằng chứng rằng sự phục sinh thực sự đã xảy ra. Ông viết:

Hiện chúng ta có ba điều thật không thể tin được, và cả ba đều đã xảy ra: Thứ nhất, thật không thể tin được rằng Đấng Christ đã sống lại trong thể xác và thăng thiên cùng thể xác mình lên thiên đàng. Thứ hai, thật không thể tin được rằng thế giới lại tin vào một chuyện thật không thể tin được như vậy. Thứ ba, thật không thể tin được rằng một số người vô danh, không có địa vị hay học vấn gì, lại có thể thuyết phục cả thế giới… về một chuyện thật không thể tin được. Trong ba điều thật không thể tin được này, những người mà chúng ta tranh luận với từ chối tin vào điều đầu tiên, họ buộc phải thừa nhận điều thứ hai, nhưng họ không thể giải thích điều thứ hai xảy ra như thế nào trừ khi họ tin vào điều thứ ba. (Bản dịch của tác giả)

(Người dịch: lập luận của Augustine là những người không tin Chúa Giê-xu và tranh luận với ông buộc phải thừa nhận là cả thế giới tin theo Chúa. Chỉ có 2 lý do giải thích chuyện thật không thể tin được này lại xảy ra: một là Chúa Giê-xu thực sự đã sống lại trong thể xác và thăng thiên lên thiên đàng cùng thể xác mình, hai là vài người vô danh không học vấn hay địa vị gì lại có thể thuyết phục cả thế giới. Nếu họ không chịu tin lý do 1 là Chúa Giê-xu thực sự đã sống lại thì họ buộc phải tin lý do 2. Mà khi nó đứng một mình thì rất vô lý. Vậy nên điều hợp lý duy nhất là lý do 1 thực sự đúng, lúc đó lý do 2 mới hợp lý.)

Với Augustine, việc hội thánh lan rộng sau khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá đã cho ta bằng chứng rằng sự phục sinh là thật. Trừ khi những nhân chứng đầu tiên thực sự nhìn thấy cái chết bị đảo ngược, chuyện họ tiếp tục kiên trì rao truyền về một người bị đóng đinh chết trên thập tự giá là gần như không thể.

“Người sáng lập của các tôn giáo lớn khác trên thế giới đều qua đời cách bình an, giữa những người tin theo mình, và biết rằng phong trào của mình đang phát triển”, Tim Keller từng chỉ ra. “Ngược lại, Chúa Giê-xu đã chết trong ô nhục, bị phản bội, bị chối bỏ, bị mọi người bỏ rơi”. Không như Khổng Tử và Phật Thích Ca, những người dành nhiều năm để dạy dỗ các môn đồ mình, Chúa Jesus chỉ dạy cho các môn đồ mình khoảng ba năm. Khác với Mô-ha-mét, Chúa Giê-xu đã chết trong sỉ nhục, không quân đội, không của cải, và không có người thừa kế. Nhưng thông điệp về sự chết và sự phục sinh của Chúa cuối cùng đã chinh phục một đế chế.

Niềm Khao Khát Kêu Gọi Ta Đến Với Đức Tin

Trong ta luôn có khao khát về một sự phục sinh

Phần lớn bằng chứng cho niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Giê-xu là bằng chứng lịch sử (người dịch: tức là các sự kiện đã xảy ra được ghi chép lại), nhưng có một mảnh bằng chứng mang tính cá nhân hơn là lịch sử. Dù ta nghĩ việc Chúa Giê-xu phục sinh có đã xảy ra hay không, thì ta vẫn có một khao khát về sự phục sinh bên trong mình. Ta khao khát một thế giới nơi mọi thứ đều được làm đúng và mới. Ta khao khát một vùng đất nơi cái chết không còn ngự trị. Ta có thể không muốn Chúa Giê-xu. Giống như người “nghệ sĩ” thô tục đằng sau bức họa Alexamenos, ta có thể nghĩ rằng ý tưởng về một vị thần bị đóng đinh trên thập tự giá là vô lý. Nhưng ta muốn sự phục sinh.

Có lẽ những khao khát này chỉ là ảo tưởng trống rỗng và suy nghĩ mơ mộng. Nhưng sẽ ra sao nếu chúng không phải vậy? Sẽ ra sao nếu ta được tạo ra với khao khát về một đời sống không có kết thúc? Nếu vậy, có lẽ đau đáu về sự sống đời đời của ta không phải là một lỗi lầm của tâm trí, mà là một phần trong thiết kế của ta. Nếu bạn không tin vào sự phục sinh, hoặc không chắc mình sẽ nghĩ như thế nào về một người trở về từ cõi chết, thì tôi kêu gọi bạn hãy đọc bốn Phúc Âm Tân Ước với một đầu óc cởi mở. Hãy suy xét những tuyên bố của Chúa Giê-xu, và nghe lời mời này mà Augustine đã nói với hội thánh thế kỷ thứ năm của mình:

Chúa Giê-xu… đã hứa ban cho chúng ta sự sống của Ngài, nhưng điều mà Ngài thực sự đã làm còn khó tin hơn nữa; Ngài đã trả trước cho chúng ta cái chết của Ngài. [Nó như thể Chúa Giê-xu đã nói,] “Ta mời các con đến với đời sống của Ta, nơi không ai chết, nơi đời sống thực sự hạnh phúc… đến vùng đất của các thiên sứ, đến với mối tương giao với Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh, đến với bữa tiệc đời đời, đến để trở thành anh chị em của Ta… Ta mời các con đến với đời sống Ta.”

Bằng cách chịu đựng sự trừng phạt vì tội lỗi thay cho chúng ta, Đấng Christ bị đóng đinh đã mở ra cho ta một con đường để có sự thông công với Ngài qua đức tin. Qua sự phục sinh của Ngài, cũng chính Đấng Christ đó đã mở ra cánh cửa cho ta vào chia sẻ sự sống đời đời của Ngài. Liệu bạn ít nhất cũng chịu khó suy xét xem khả năng tất cả những điều này có thể là thật?

Chiến Thắng Biến Đổi Thế Giới

Nếu Chúa Giê-xu thực sự đã sống lại từ cõi chết, thì mọi chiến thắng đều đã giành được. Vương quốc còn chưa đến này đã bùng nổ trong thế giới hiện tại của chúng ta, và vương quốc hiện-tại-nhưng-còn-ở-tương-lai đó là ngôi nhà thực sự của mọi người tin Chúa. Sự phục sinh của Chúa Giê-xu đảm bảo sự đổi mới của thế giới. Đó là lý do tại sao chúng ta không như những người không có hy vọng hay chỉ hy vọng vào hy vọng. Sự phục sinh cho thấy rằng thế giới này không phải là nhà của chúng ta. Bởi vì mọi điều sai trái sẽ được sửa chữa, ta có thể tha thứ, tin tưởng rằng Chúa sẽ xử lý mọi tội lỗi và lạm dụng thế giới tạo hóa của Ngài trong thời điểm và theo đường lối Ngài.

Vì Chúa Giê-xu đã được bày tỏ là Vua phục sinh của mọi tạo vật, ta có thể được giải thoát khỏi việc phải đặt hy vọng của mình vào những bổn phận với các thể chế trần gian. Vì ngôi nhà tương lai của ta được đảm bảo là nơi có sự bình an và công chính hoàn hảo, ta có thể tập trung vào thực hành bình an và công chính trong hiện tại. Như Esau McCaulley đã nói, “Nếu sự phục sinh là thật, và Cơ Đốc nhân đặt cược toàn bộ sự tồn tại của mình vào tính chân thực của nó, thì việc làm chứng cách bình an của chúng ta bày tỏ ra cho một đường lối làm người mới và tốt hơn, vượt lên trên vòng xoáy bạo lực bất tận của thế gian này”

Nếu Chúa Giê-xu để lại đằng sau một ngôi mộ trống – và có bằng chứng mạnh mẽ rằng Ngài đã làm vậy – thì điều đó thay đổi mọi thứ. Sự phục sinh sẽ làm thay đổi cho bạn những gì?

Người dịch: Richard Huynh (bachkhoa.name.vn)

Theo TheGospelCoalition.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like