“Nhưng phải thận trọng, kẻo quyền tự do của anh em gây cớ cho người yếu đuối vấp ngã. Nếu một người có lương tâm yếu đuối thấy bạn, là người hiểu biết, ngồi ăn trong đền miếu thần tượng thì chẳng phải người ấy được khuyến khích ăn của cúng thần tượng sao? Thế thì sự hiểu biết của bạn đã làm hư mất người yếu đuối ấy, là người anh em mà Đấng Christ đã chết thay cho. Như vậy, khi phạm tội đối với anh em, làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ là bạn đã phạm tội với Đấng Christ. Cho nên, nếu thức ăn tạo cớ vấp phạm cho anh em, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt, để khỏi tạo cớ vấp phạm cho anh em tôi.” (1 Cô-rinh-tô 8:9-13)
Người Cô-rinh-tô viết thư cho Phao-lô. Trong thư, họ hỏi ông về nhiều vấn đề, một trong số đó liên quan đến việc ăn của cúng thần tượng.
Thế giới Hy Lạp-La Mã là thế giới đa thần. Việc thờ cúng các vị thần và nữ thần diễn ra ở khắp mọi nơi. Đó không chỉ là một hành động tôn giáo mà còn thâm nhập vào xã hội, vào đời sống (thậm chí đến rạp hát cũng đưa vấn đề dâng của cúng cho các vị thần lên sân khấu).
Trong Công-vụ 15, các trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem cấm những Cơ Đốc Nhân không phải là người Do Thái ăn thịt đã cúng cho thần tượng. Nhưng rõ ràng là các tín đồ ở Cô-rinh-tô lại nêu vấn đề này trong bức thư gửi cho Phao-lô. Họ không còn tin vào các vị thần nữa; họ đã hướng về một Đức Chúa Trời chân thật duy nhất. Ăn thịt đã cúng cho thần tượng sẽ giúp họ “hòa nhập” vào đời sống xã hội với tư cách là công dân ở đây.
Tuy nhiên, Phao-lô đã nhìn thấy một vấn đề lớn. Ông nói về những người còn “khiếm khuyết” hoặc “yếu đuối” trong đức tin trái ngược với những tín đồ ở Cô-rinh-tô, vốn có kiến thức về lời Chúa. Những người này vẫn là người theo thuyết đa thần và vẫn chưa hoàn toàn chuyển sang đức tin Cơ Đốc.
Phao-lô nói với các tín đồ rằng sự tự do của họ không thể là nguồn gốc khiến người ngoại vấp phạm.
Nếu người ngoại nhìn thấy người tin Chúa ăn đồ cúng thần tượng, điều đó làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu thông điệp của những người tin Chúa có đúng không. Tại sao họ giảng một đằng làm một nẽo. Điều đó thậm chí có thể khẳng định với người ngoại rằng họ có thể chỉ cần thêm Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su vào danh sách các vị thần của họ. Phao-lô sẽ không cho phép điều này.
Ngày nay chúng ta thích nói về “sự tự do” và “quyền tự do”. Chúng ta thường dè dặt trước bất cứ điều gì có vẻ như xâm phạm đến quyền của chúng ta với tư cách là Cơ Đốc Nhân. Phao-lô đã chỉ thị cho người Cô-rinh-tô hãy tự giới hạn quyền tự do của họ vì lợi ích của những người yếu đuối trong đức tin.
Là người tin Chúa, chúng ta sống vì người khác, không phải vì chính mình. Cuộc sống của chúng ta phải phản ánh Chúa Giê-su.
Sự tự do của chúng ta có đang gây cho người khác vấp phạm không? Thế gian và những người ở trong đó đang dõi theo chúng ta. Đời sống của chúng ta có cho họ thấy Đức Chúa Trời chân thật không? Hay chúng ta khuyến khích họ chỉ cần thêm Chúa Giê-su vào danh sách những vị thần mà họ đang thờ lạy, mà không phải là vứt bỏ hết những thần tượng hư không đó để bước đi theo Chúa mà thôi?
Cha ơi, xin giúp chúng con hôm nay biết sống cho người khác, nhất là những người chưa biết đến danh Cha. Xin cho họ thấy nơi chúng con một đời sống quy phục Cha, một đời sống thu hút nhiều người đến với Cha. Amen.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: cbnisrael.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com