“Không ai có thể làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hoặc trọng chủ nầy mà khinh chủ kia. Các con không thể vừa phục vụ Đức Chúa Trời lại vừa phục vụ tiền tài nữa.” (Ma-thi-ơ 6:24)
Chúng ta ai cũng biết đồng tiền là quan trọng, và ai cũng phải lao lực để kiếm tiền. Kinh Thánh nói tiền tài cạnh tranh vị trí làm chủ con người với Đức Chúa Trời , và ta phải chọn người mà mình sẽ yêu quý và phục vụ (Ma-thi-ơ 6:24). Bài này sẽ trình bày về bản chất và giới hạn của đồng tiền, cũng như các cám dỗ của nó, để ta so sánh chọn lựa xem ai sẽ người chủ tốt hơn?
I. Tiền Tài
Đầu tiên tiền đâu, ai cũng biết sức mạnh của đồng tiền. Ngày xưa con nít ai cũng thuộc lòng bài “Tiền là tiên là Phật, là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, tiền là hết ý, có tiền mua tiên cũng được”. Nó thực ra cũng đúng ở mức nào đó. Tuổi trẻ cần tiền để ăn học mới bật được cao. Tuổi già cần tiền để chăm sóc chữa bệnh. Tiền có thể giúp các đại gia được nổi tiếng, lo lót khỏi vòng lao lý, và cặp với ca sĩ hoa hậu. Đây là ví dụ kinh điển của việc thần tượng hóa, là khi người ta tôn vinh một thứ hữu ích như đồng tiền, công danh… lên làm thần, ca tụng nó như toàn quyền toàn năng, và hình tượng nó như một thần có thể lắng nghe và ban phước cho kẻ phụng sự mình.
Nhưng thật ra tiền không toàn năng. Steve Jobs có hàng chục tỷ USD, nhưng chúng không cứu được ông khỏi chết. Bà Trương Mỹ Lan có hàng ngàn tỷ VND, nhưng cũng không thoát khỏi án tử hình. Tiền có thể mua được tiên nâu hay tiên trắng, nhưng không mua được người phụ nữ tài đức. Đây là sai lầm của việc thần tượng hóa, nó tôn vinh một điều lên quá mức thực tế.
Để đặt đồng tiền vào đúng vị trí của nó, ta cần hiểu bản chất và giới hạn của đồng tiền, cũng như các cám dỗ đầy nguy hiểm của nó.
a. Bản chất của đồng tiền
Nói đơn giản thì đồng tiền là phương tiện để con người trao đổi những thứ mình có, như sức lao động, của cải, hay thẩm quyền cho phép [A] [B]. Ta bán sức lực, của cải, quyền cho phép của mình để đổi lấy đồng tiền, rồi dùng tiền đó mua lại sự phục vụ, của cải, hay sự cho phép mà mình muốn. Tiền giúp con người thuận tiện trong việc trao đổi đáp ứng nhu cầu của nhau.

Tiền tệ là phương tiện để đo lường giá trị và trao đổi hàng hóa
b. Giới hạn của đồng tiền
Ai có nhiều tiền sẽ mua được sự phục vụ chu đáo, tài sản giá trị, được cho phép nhiều điều. Tuy nhiên, tiền chẳng phải là thần, nó không có sức mạnh siêu nhiên. Vì là công cụ trao đổi giữa con người, tiền có những giới hạn sau:
1. Tiền chỉ mua được những gì được bán:
Những gì người ta không bán hay không làm được thì tiền không thể mua cho ta. Như vì không ai có thể chữa bệnh ung thư cho Steve Jobs, hàng tỷ USD không giúp gì được ông. Vậy nên tiền không toàn năng, vì dù con người làm được rất nhiều thứ, vẫn có nhiều thứ họ không làm được, như chữa bệnh nan ý, hay giúp sống đời đời, v.v… Tiền không thể làm phép màu siêu nhiên.
“Chúng tin cậy nơi tài sản mình, khoe khoang của cải dư dật của mình. Không ai chuộc được anh em mình, hoặc trả giá chuộc người ấy nơi Đức Chúa Trời. Để cho người ấy được sống mãi mãi, không hề thấy sự hư nát.” (Thi Thiên 49:6-8)
2. Tiền bị mất giá khi hoàn cảnh đổi thay
Một sự thật người ta hay quên rằng tiền là giấy. Nó không có giá trị tự thân mà thay đổi theo hoàn cảnh, thường là trượt giá. Hồi tôi đi học giá ổ mì trứng là 2,000 VNĐ, giờ là 20,000 VNĐ. Khi kinh tế Zimbabwe sụp đổ, tiền nó mất giá tới độ tờ 100 ngàn tỷ đồng chỉ tương đương 10,000 VNĐ. Khi có chiến tranh, chính phủ sụp đổ, hay khi ta chết, tất cả tiền bạc ta có sẽ trở nên vô nghĩa.
“Khi con liếc mắt vào sự giàu sang, có phải nó đã bay mất rồi không? Chắc chắn nó mọc cánh như chim đại bàng, Và tung cánh bay lên trời cao.” (Châm Ngôn 23:5)

Tờ 100 ngàn tỷ dollar Zimbabwe (trị giá gần 10 ngàn VNĐ)
3. Tiền đòi hỏi ta phải lao khổ trước khi được hưởng thụ:
Vì tiền bạc là công cụ trao đổi, ta muốn gì thì phải bỏ ra tương ứng. Nhiều người chỉ nghĩ “nếu mình có tiền”, “giá mình có tiền”, mà quên mất rằng đồng tiền chỉ là công cụ trao đổi, họ không có tiền nghĩa là chưa làm và tích lũy đủ. Ai càng muốn được hưởng nhiều thì càng phải làm nhiều, trừ khi được hưởng công sức của người khác như được ai đó cho tiền hay đi lừa đảo cướp bóc.
“Thà đầy một lòng bàn tay mà được thư thái còn hơn là đầy cả hai bàn tay mà phải lao khổ, Và chạy theo luồng gió thổi.” (Châm Ngôn 23:4)
“Anh em tham lam mà chẳng được, nên anh em giết người. Anh em thèm muốn mà không thể đạt được, nên xung đột và tranh chiến…” (Gia-cơ 4:2)
c. Cám dỗ của tiền tài
Khi đồng tiền được thần tượng hóa, nó thành tiền tài mà Kinh Thánh còn gọi là ma-môn. Đồng tiền thì vô tri nhưng ma-môn thì có sức cám dỗ và làm chủ con người, hứa hẹn ban ơn, bảo vệ, và thỏa mãn các ham muốn dục vọng nên nó được nhiều người yêu mến phục vụ.
1. Tiền tài cám dỗ tham muốn dục vọng, gây ra tranh chiến, xung đột
“Những sự tranh chiến, xung đột giữa anh em đến từ đâu? Chẳng phải từ những dục vọng đang giao tranh trong chi thể anh em sao?” (Gia-cơ 4:1)
Tiền tài hứa hẹn thỏa mãn dục vọng của con người nếu họ có tiền, cả những ước muốn tội lỗi nhất. Vì vậy, nhiều người bị cám dỗ và trở nên tham lam, hay xung đột, tranh chiến, gây nhiều khổ đau cho chính mình và những người xung quanh để có thêm tiền.
2. Tiền tài cám dỗ con người sa vào những cạm bẫy

“Còn những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy, sa vào những tham muốn dại dột và nguy hại, là những điều nhận chìm con người trong sự hủy diệt và hư mất.” (1 Ti-mô-thê 6:9)
Vì muốn có nhiều tiền mà không phải bỏ sức lao động tích lũy tương ứng, nhiều người đã dại dột lao vào thứ trò hứa hẹn giàu nhanh, 1 vốn 10 lời, làm chuyện phi pháp, rồi sa vào bẫy.
3. Tiền tài cám dỗ con người bỏ bê những thứ quan trọng giá trị khác trong cuộc sống
“Hãy cẩn thận, đề phòng mọi thứ tham lam, vì sự sống của con người không cốt tại của cải mình dư dật.” (Lu-ca 12:15)
Nhiều người bị tiền tài làm mờ mắt đến độ bỏ bê sức khỏe, gia đình, xã hội, và cả Đức Chúa Trời. Cuối cùng họ bị sức khỏe suy sụp, gia đình tan vỡ, xã hội ghen ghét, Chúa trừng phạt.
II. Đức Chúa Trời
Nhiều người tưởng tượng Đức Chúa Trời như ông thần đèn ban điều ước, rồi nói rằng Chúa không có thật. Tất nhiên là chẳng có Chúa nào như vậy. Nhận Chúa là chủ có nghĩa là phải phục vụ và vâng lời Ngài. Chọn Chúa hay chọn tiền tài thì ta cũng phải làm việc. Nhưng Chúa là một người chủ rất khác với tiền tài:
1. Chúa đặt để cho ta công việc trên đất, và ban thưởng cho ta theo ý Ngài
Đồng tiền cơ bản là công cụ trao đổi sức lao động, của cải, và sự cho phép giữa con người. Vậy nên ta chỉ cần làm việc hết lòng, tạo ra sản phẩm chất lượng cao thì tự khác có tiền, khỏi cần thờ phượng tôn vinh nó. Khi ta nhận Chúa là chủ, Ngài sẽ sắp xếp công việc và chủ nhân của ta trên đất. Ngài sẽ ban cho ta cơ nghiệp theo ý Ngài, xứng đáng với sự trung tín và chất lượng làm việc của ta, cả khi gặp môi trường xa lạ, thù nghịch, gian dối như Gia-cốp ở nhà La-ban (Sáng Thế Ký 31:7), Giô-sếp ở Ai Cập (Sáng Thế Ký 39-41) hay Đa-ni-ên ở Ba-by-lon (Đa-ni-ên 1,6). Vậy nên ta hãy cầu nguyện xin Chúa dẫn dắt và ban phước cho công việc mình, rồi làm việc hết lòng, và ta sẽ được phần thưởng tương xứng từ Ngài.
“Hỡi những nô lệ, hãy vâng phục chủ về phần xác trong mọi sự, không chỉ vâng phục trước mặt, như kẻ cố làm đẹp lòng người, nhưng vì kính sợ Chúa, vâng phục với lòng chân thành. Khi làm bất cứ việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ nhận được cơ nghiệp từ Chúa làm phần thưởng. Anh em đang phục vụ Đấng Christ là Chúa.” (Cô-lô-sê 3:22-23)
“Chính các bà cũng biết rằng tôi đã dốc sức phục vụ cha các bà mà ông ấy lại lường gạt tôi, và thay đổi tiền công của tôi đến mười lần. Nhưng Đức Chúa Trời không cho phép ông ấy làm hại tôi.” (Sáng Thế Ký 31:6-7)
2. Chúa cho ta tri thức, khả năng hiểu biết, sự khôn ngoan và dẫn dắt
Càng có tri thức, hiểu biết, khôn ngoan, đường lối đúng thì sẽ càng làm việc hiệu quả chất lượng và càng được nhiều tiền. Chúa sẽ ban cho ta những điều này khi ta cầu xin Ngài, suy ngẫm học thuộc Lời Ngài, và bước đi theo sự dẫn dắt chỉ bảo của Đức Thánh Linh.

Giô-sếp ở trước mặt Pha-ra-ôn
“Chúng ta tìm đâu ra một người như người nầy, một người có Thần của Đức Chúa Trời?… Vì Đức Chúa Trời bày tỏ cho ngươi biết tất cả những việc nầy, nên chẳng còn ai khôn ngoan sáng suốt hơn ngươi cả.” (Sáng Thế Ký 41:38-39)
“Đức Chúa Trời ban cho bốn thanh niên nầy tri thức và khả năng hiểu biết mọi thứ văn chương cùng sự khôn ngoan… Khi vua hỏi họ những câu hỏi về mọi sự khôn ngoan sáng suốt thì thấy họ giỏi gấp mười lần những thuật sĩ và pháp sư trong toàn vương quốc mình.” (Đa-ni-ên 1:17,20)
“Các điều răn Chúa làm cho con khôn ngoan hơn kẻ thù con, vì các điều răn ấy ở cùng con luôn luôn. Con thấu hiểu hơn tất cả những người dạy con, vì con suy ngẫm các chứng ước Chúa.” (Thi Thiên 119:98-99)
“Nếu người nào trong anh em thiếu sự khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ban cho, vì Đức Chúa Trời là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không lời phiền trách.” (Gia-cơ 1:5)
3. Chúa giữ ta khỏi các tham muốn dục vọng có hại, giúp ta tránh rơi vào cạm bẫy
Nếu tiền tài kích thích ham muốn dục vọng của con người khiến họ dễ sa vào cạm bẫy và chìm trong sự hủy diệt hư mất thì Chúa dạy cho ta biết thỏa lòng, tránh những ham muốn nguy hại, và bảo vệ ta khỏi cám dỗ khi ta cầu xin và vâng giữ Lời Ngài.
“Vậy hãy giết chết những dục vọng trần tục như gian dâm, bất khiết, tình dục dâm đãng, ước muốn xấu xa và tham lam; vì tham lam là một hình thức thờ hình tượng;” (Cô-lô-sê 3:5)
“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để các con khỏi sa vào chước cám dỗ. Tâm linh thì tha thiết, mà xác thịt lại yếu đuối.” (Ma-thi-ơ 23:41)
4. Chúa dạy ta biết thỏa lòng và tập trung vào những điều ý nghĩa giá trị
Tiền tài luôn kích thích ham muốn dục vọng của ta đến những thứ mới lạ, cao cấp hơn, và bắt ta lao khổ vì chúng. Nhưng Lời Chúa luôn nhắc nhở ta hãy thỏa lòng khi đủ ăn đủ mặc, hãy tập trung vào tìm kiếm nước Chúa và đời sống công chính. Sống theo Chúa sẽ cho ta sự cân bằng giữa công việc với gia đình và xã hội, cho ta sự bình an và nghỉ ngơi cần thiết cho cả sức khỏe thuộc thể lẫn thuộc linh.
“Sự tin kính cùng sự thỏa lòng chính là nguồn lợi lớn. Vì khi chào đời chúng ta chẳng đem gì theo thì lúc lìa đời cũng không thể mang gì đi được; vì vậy, có cơm ăn, áo mặc thì phải thỏa lòng.” (1 Ti-mô-thê 6:8)
“Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho các con mọi điều ấy nữa.” (Ma-thi-ơ 6:31-33)
5. Chúa có quyền năng làm điều siêu nhiên

Chúa tách biển đỏ giải cứu người Y-sơ-ra-ên
Tiền tài không thể làm điều con người không thể làm, nhưng Đức Chúa Trời có quyền năng làm điều siêu nhiên. Các chuyện con người làm được thì Chúa sẽ kết nối và cho ta được ơn trong mắt những người có thể giúp đỡ, tạo cơ hội cho họ làm việc lành. Nhưng với chuyện không ai làm được, nếu đẹp ý Chúa, thì Ngài sẽ làm điều không thể. Đi nhiều trong hội thánh sẽ gặp những người được Chúa chữa bệnh nan y như ung thư hay AIDS giai đoạn cuối, chữa nghiện ma túy mà từ lâu gia đình xã hội đã bất lực, v.v…
“Loài người không thể làm được việc nầy, nhưng với Đức Chúa Trời thì khác; vì Đức Chúa Trời làm được mọi sự.” – Mác 10:27
Có một điều siêu nhiên mà Chúa hứa sẽ làm cho tất cả những ai chọn Ngài: đó là cứu chuộc họ khỏi bị trừng phạt vì tội lỗi và cho họ sự sống đời đời phước hạnh trong Ngài. Đây là điều có hàng trăm tỷ USD cũng không mua được, nhưng là món quà ân điển của Chúa.
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời… Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy.” (Giăng 3:16,36)
Tổng Kết
Tiền tài là một đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ tồi. Tiền tài hay được ca tụng như toàn quyền toàn năng, nhưng thật ra khả năng của nó là giới hạn. Nó hứa hẹn thỏa mãn mọi tham muốn dục vọng của ta, nhưng bắt ta phải lao khổ phục vụ. Nó cám dỗ ta vào những thứ nguy hại, khiến ta bỏ bê những điều quan trọng khác trong cuộc sống. Khi gặp các tai họa lớn như khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, hay cái chết thì nó tan biến. Vậy nên ta phải làm chủ đồng tiền và đặt nó ở vị trí đúng: một công cụ để con người trao đổi và đáp ứng nhu cầu lẫn nhau.
“Tiệc tùng để mua vui, Rượu làm cho đời vui vẻ, Và tiền bạc đáp ứng nhu cầu.” (Truyền Đạo 10:19)
Ngược lại, Đức Chúa Trời là một ông chủ tuyệt vời. Chúa đặt để cho ta công việc trên đất và ban thưởng cho ta theo ý Ngài, theo sự trung tín và chất lượng công việc của ta. Chúa ban cho ta tri thức, khả năng hiểu biết, sự khôn ngoan và dẫn dắt để ta sống và làm việc được tốt. Chúa giữ ta khỏi các tham muốn dục vọng có hại và giúp ta tránh rơi vào cạm bẫy. Chúa dạy ta biết thỏa lòng và tập trung vào những điều ý nghĩa giá trị. Chúa có quyền năng làm điều siêu nhiên để cứu ta khỏi những điều không thể với con người, và ban cho ta sự sống đời đời trong Ngài.
Một minh chứng cho sự chu cấp rời rộng của Chúa là theo thống kê về tài sản và tôn giáo, Cơ Đốc nhân sở hữu 55% tài sản toàn cầu chỉ với 30% dân số [C]. Chúa không sợ dân mình nghèo. Ngài chỉ sợ họ giàu có rồi kiêu ngạo mà quên ơn Đấng đã ban cho họ sức lực để tạo dựng cơ đồ, như điều hiện đang xảy ra ở Âu Mỹ: “Vậy, phải cẩn thận, đừng tự bảo rằng: ‘Chính năng lực và sức mạnh của đôi tay ta đã tạo dựng cho ta cơ đồ nầy.’ Nhưng phải tưởng nhớ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em, vì chính Ngài là Đấng ban cho anh em sức lực tạo dựng cơ đồ nầy…” (Phục Truyền 8:17-18)
Vậy nên đừng để tiền tài làm chủ mình, hãy chọn yêu quý và phục vụ Chúa.
“Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng.” (Ma-thi-ơ 11:28)
Richard Huynh
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
Bài Đọc Thêm
1. Chúng ta đã trở thành kẻ giàu có khờ dại như thế nào?
https://hoithanh.com/54847/ta-da-tro-thanh-ke-giau-co-ngu-dai-nhu-the-nao.html
2. 5 Lời Kinh Thánh Dạy Để Trở Nên Giàu Có
https://hoithanh.com/52466/5-loi-kinh-thanh-day-de-tro-nen-giau-co.html
Bài Tham Khảo
[A] Tiền tệ là gì? Bản chất và chức năng của tiền tệ
https://luatvietnam.vn/linh-vuc-khac/tien-te-la-gi-883-93295-article.html
[B] Tiền tệ
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BB%81n_t%E1%BB%87
[C] Wealth and religion
https://www.business-standard.com/article/pti-stories/christians-hold-largest-percentage-of-global-wealth-report-115011400822_1.html