Ngạn ngữ tây phương có câu: “Tư tưởng lớn gặp nhau”. Điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp của Pascal, Planck và Gödel. Thật vậy, ba nhà tư tưởng lớn này có chung một quan điểm về nhận thức luận, rằng tư duy duy lý không thể giải thích được bí mật cuối cùng của tự nhiên.
Bí mật cuối cùng của tự nhiên là những bí mật thuộc về bản chất tận cùng hoặc nguồn gốc tận cùng của sự vật mà ta muốn khám phá. Thí dụ:
- Nguồn gốc vũ trụ
- Nguồn gốc sự sống
- Nguồn gốc loài người
- Bản chất của ý thức
- …
Những thảo luận về bản chất hoặc nguồn gốc tận cùng của sự vật được gọi là “bản thể luận” (Ontology). Từ hàng ngàn năm nay, loài người vẫn trăn trở với những câu hỏi lớn về bản thể luận, nhưng đến nay vẫn không tìm thấy câu trả lời.
Trong bài báo: “Khoa học không thể trả lời những câu hỏi về bản thể luận”[2] trên trang viethungpham.com ngày 19/06/2021, tôi đã khẳng định rằng tư duy lý lẽ không bao giờ có thể trả lời được những câu hỏi về bản thể luận, tức những câu hỏi về bí mật cuối cùng của tự nhiên.
Hôm nay chúng ta một lần nữa thảo luận về chủ đề này thông qua sự đồng điệu về tư tưởng của 3 trong số những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đai: Blaise Pascal (1623-1662), Max Planck (1858-1947) và Kurt Gödel (1906-1978).
Pascal và Gödel
Xét về khả năng nhận thức, mọi vật thụ tạo trong vũ trụ đều thuộc hai tầng khác nhau – tầng vô tri và tầng có tri giác. Tầng vô tri là thế giới không sống, tầng có tri giác là thế giới sống. Thuyết tiến hóa cho rằng sự sống đầu tiên sinh ra một cách ngẫu nhiên từ tầng vô tri, nhờ sự kết hợp tình cờ của các phân tử, nguyên tử vô tri. Đây là một niềm tin mơ hồ, vô bằng chứng và bị toán học xác suất bác bỏ[3]. Vì thế, nhiều nhà thông thái coi thuyết tiến hóa là một lý thuyết ngụy khoa học (pseudo-science), thậm chí một “trò hề” (a farce)[4]. Bất chấp những Giải Nobel gần đây cố tình tô vẽ một cách giả tạo cho Thuyết tiến hóa[5], việc khám phá ra Mã DNA đã đẩy thuyết tiến hóa tới bế tắc cùng đường, vì học thuyết này chịu chết không thể trả lời được câu hỏi “Mã DNA từ đâu mà ra?”. Câu hỏi này thách thức giới tiến hóa bằng một Giải thưởng trị giá 10 triệu USD, nhưng giới tiến hóa tảng lờ, không thảo luận.
Tại sao vậy? Vì sinh học đã bắt đầu đụng phải bức tường giới hạn của vật lý và hóa học: đó là vấn đề thông tin của sự sống, và nhất là bí mật của ý thức! Đức Đạt Lai Lạt Ma rất có lý khi Ngài khẳng định rằng ý thức, tức sự tri giác, là yếu tố phân biệt thế giới vô tri với sự sống[6].
Trong tầng tri giác, tức sự sống, lại chia ra tầng tri giác sơ cấp và tầng tri giác cao cấp. Động vật, thực vật thuộc tầng sơ cấp. Con người thuộc tầng cao cấp. Cái gì phân biệt tầng ý thức sơ cấp với tầng cao cấp?
Chúng ta không bao giờ có thể đo lường được chính xác khả năng nhận thức của động thực vật, không biết chính xác chúng có thể nhận thức được tới đâu, nhưng có thể phân biệt ý thức của động thực vật với con người theo khái niệm chương trình. Cụ thể: Ý thức của động thực vật chỉ dừng lại ở bản năng, tức những phản xạ đã được lập trình, trong khi con người có ý thức vượt khỏi bản năng, tức là ý thức không được lập trình. Đó là cái mà triết học Tây phương gọi là “Ý chí tự do” (Free Will), hoặc ý thức sáng tạo, ý thức về những sự vật không thể trực tiếp quan sát bằng giác quan, nhận thức về những đối tượng trừu tượng, nói gọn là nhận thức triết học hoặc tư tưởng!
Chúng ta có thể biết con khỉ rất khôn, con vẹt rất láu cá, con voi, con ngựa, con chó, con cá heo … rất hiểu ý người … Nhiều bằng chứng cho thấy loài vật cũng vui, buồn, thương nhớ … nhưng liệu chúng có biết tưởng tượng không? Liệu chúng có biết đến cái gọi là “thân phận” không? Liệu con ngựa có biết “thân phận” của chúng sinh ra là để làm “tôi tớ” cho con người không? Liệu con cừu có biết ý nghĩa cuộc đời của chúng là cung cấp len cho loài người và để rồi loài người ăn thịt chúng không? Có lẽ không, bởi nếu biết, chúng sẽ phải tìm cách chống lại loài người. Nhưng tuyệt nhiên không, cừu luôn luôn là cừu, cừu luôn luôn ngoan ngoãn phục vụ con người. Dường như chúng đã được lập trình để sống như vậy. Đúng rồi, động thực vật là những cỗ máy đã được lập trình, để chúng cứ theo chương trình mà sống. Nhà lập trình là Ông Trời, là Chúa. Những cỗ máy do Chúa chế tạo ra, những chương trình do Chúa viết ra, kỳ diệu tới mức những cỗ máy ấy có khả năng tự nhân bản, mà không cần Chúa phải trực tiếp chế tạo ra từng cỗ máy. Nếu hiểu điều này thì loài người sẽ khiêm tốn, vì loài người vĩnh viễn sẽ không bao giờ chế tạo ra được những cỗ máy tự nhân bản!
Nhưng dù kỳ diệu đến mấy, động thực vật vẫn chỉ là những cỗ máy hoạt động theo chương trình, vì thế chúng không có khả năng sáng tạo, không có khả năng tư duy triết học, không có vật báu kỳ diệu nhất mà Chúa dành riêng cho loài người, đó là tư tưởng! “Chuyện kể của một con chó” (A Dog’s Tale)[7] của Mark Twain không phải là chuyện kể của một con chó, mà của một con người. Chó không có khả năng tư duy triết học, bởi nếu nó có khả năng ấy, thì nó sẽ biến thành người. Khả năng tư duy triết học là nhận thức cao cấp, một đặc trưng riêng biệt của con người và chỉ của con người mà thôi. Con người cần phải ý thức được báu vật ấy, như Kinh Thánh đã nói, rằng con người được Chúa tạo ra theo hình ảnh của Ngài! Mark Twain đã nhắc nhở chúng ta về báu vật đó khi ông nói: “Điều này vượt xa bản năng. Đấy là sự tư duy, mà nhiều con người được may mắn sinh ra trên thế gian này lại thiếu thốn”.
Cái vượt xa bản năng ấy là tư tưởng. Đã là con người thì phải có tư tưởng. Tư tưởng chính là cái làm nên tính người. Chương trình Chat JPT gần đây làm cho nhiều người hoảng sợ trước một thực tế là ngày nay khoa học AI (trí tuệ nhân tạo) có thể tạo ra những sản phẩm thay thế hay thậm chí vượt trội so với con người về khả năng tư duy. Nhưng những ai đã thấm nhuần Định lý Bất toàn (Theorem of Incompleteness) của Kurt Gödel đều biết rằng đó là chuyện khôi hài và ảo tưởng. Để tránh ảo tưởng này, chỉ cần ghi nhớ tuyên bố của nhà khoa học AI hàng đầu thế giới Douglas Hofstadter, sau khi Chương trình Deep Blue đánh cờ thắng vua cờ Garry Kasparov:
“Khi một hoạt động trí não nào đó đã được chương trình hóa thì người ta sẽ mau chóng ngừng coi nó là một thành phần chủ yếu của tư duy thực sự”.
Tất cả những gì AI làm được đều chứng tỏ đó không phải là phần mang tính người nhiều nhất – tính người nằm ở những chỗ mà AI không thể! Có những người cho rằng không có gì mà AI không thể, vấn đề chỉ là thời gian. Ai nghĩ như thế chứng tỏ người ấy không hiểu gì về Định lý Gödel! Định lý này chỉ ra rằng tư duy logic có giới hạn, và “tồn tại rất nhiều thứ ở phía bên kia tầm với” (Pascal). Con người có thể tiếp cận với những thứ ở phía bên kia tầm với không phải bằng khoa học, bằng logic, mà bằng trực giác. Đó chính là cái mà Hofstadter gọi là “tư duy thực sự”.
Khái niệm “tư duy thực sự” ở đây ám chỉ những tư duy không thể chương trình hóa! Trí thông minh nhân tạo vĩnh viễn không bao giờ vượt qua chính những chủ thể đã sáng tạo ra chúng, giống như con người không bao giờ vượt qua được Đấng đã sáng tạo ra con người.
Nhiều người lại tin rằng có thể có một nền văn minh khác con người và thậm chí hơn con người trong vũ trụ. Nhưng cho đến nay không có một bằng chứng khả tín nào để xác nhận điều đó. Có nghĩa là cho đến nay, loài người vẫn là chủ thể duy nhất có khả năng nhận thức sự hiện hữu của thế giới và của chính mình. Nói cách khác, trong những loài thụ tạo, con người là chủ thể duy nhất có tư tưởng! Chính vì thế, vấn đề nhận thức là vấn đề mang tính người nhiều nhất – thảo luận về vấn đề nhận thức chính là thảo luận về vấn đề mang tính người nhiều nhất. Cuốn sách “Người người nhất” (The Most Human Human) của Bryan Christian đã gợi ý cho chúng ta rằng tư duy cơ giới – bất kể trình độ cơ giới cao bao nhiêu – không bao giờ đạt tới trình độ nhận thức được gọi là “tư tưởng” – giá trị người nhất của con người. Điều này đã được Blaise Pascal, nhà toán học và triết học trứ danh của thế kỷ 17, thảo luận rất kỹ trong tác phẩm bất hủ của ông, cuốn “Pensées” (Những suy tưởng), xuất bản năm 1669 (7 năm sau khi ông mất), trong đó ông nhấn mạnh:
“Con người trở nên vĩ đại là vì nó ý thức được nỗi đau khổ của mình. Cái cây không biết mình đau khổ. Cho nên biết mình đang đau khổ là đau khổ; nhưng thật tuyệt khi một người biết mình đang đau khổ. Tư tưởng làm cho con người trở nên vĩ đại. Con người chỉ là một cây sậy, một thứ yếu ớt nhất trong tự nhiên; nhưng nó là cây sậy có tư tưởng. Toàn bộ vũ trụ không cần phải vũ trang để nghiền nát nó: chỉ một hơi nước, một giọt nước cũng đủ để giết chết nó. Nhưng, khi vũ trụ nghiền nát nó, thì con người vẫn cao quý hơn cái đã giết chết nó, vì nó biết nó đang chết, trong khi vũ trụ thì chẳng biết gì về cái lợi thế mà nó có so với con người. Do đó, tất cả phẩm giá của chúng ta nằm trong tư tưởng. Chính từ đó mà chúng ta được tôn lên chứ không phải từ không gian và thời gian mà chúng ta không thể lấp đầy. Do đó, chúng ta hãy làm việc để suy nghĩ thấu đáo: đây là nguyên tắc đạo đức”[8].
Pascal không thể tưởng tượng được một con người mà không có tư tưởng, bởi tư tưởng mới là cái làm nên giá trị thực sự của con người. Một cách nào đó có thể suy luận rằng đối với ông, một hình nhân không có tư tưởng không phải là con người!
Tuy nhiên, không ai biết bản chất của tư tưởng là cái gì? Nó không phải là vật chất để khoa học có thể nghiên cứu, đo lường, khảo sát. Khoa học bất lực trong việc xác định bản chất của tư tưởng. Khoa học không thể tìm được những định luật chi phối tư tưởng, giống như những định luật chi phối vật chất. Do đó, vấn đề nhận thức luận, trong một thời gian rất dài, không phải là đối tượng của khoa học, mà là đối tượng của triết học. Và vì nó là đối tượng của triết học nên đã hình thành nên hai xu hướng nhận thức đối chọi nhau về vai trò của nhận thức:
● Xu hướng thứ nhất cho rằng con người, với công cụ nhận thức sắc bén và hiệu quả là khoa học, trước sau có thể biết hết mọi sự thật, vấn đề chỉ là thời gian. Xu hướng này được gọi là chủ nghĩa duy lý (rationalism) với đại biểu tiêu biểu là David Hilbert, nhà toán học lỗi lạc trong thế kỷ 20. Câu châm ngôn nổi tiếng của ông, “Chúng ta phải biết; chúng ta sẽ biết” (Wir mussen wissen; Wir werden wissen), đã được khắc trên bia mộ của ông ở Göttingen. Với uy tín của Hilbert, chủ nghĩa duy lý là xu hướng thống trị trong toán học ba phần tư đầu thế kỷ 20, ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của phần lớn các nhà khoa học. Nếu không có sự xuất hiện của Định lý Bất toàn của Kurt Gödel năm 1931 thì có lẽ chủ nghĩa duy lý sẽ tiếp tục thống trị trong nhận thức của nhân loại cho đến tận hôm nay, và đó sẽ là một tổn thất lớn cho khoa học, vì cuối cùng Định lý Gödel đã cho thấy chủ nghĩa này sai! Thật vậy, Định lý Bất toàn của Gödel đã giáng cho chủ nghĩa duy lý một đòn chết người không thể gượng dậy được, khi nó chỉ ra rằng luôn luôn tồn tại những sự thật của toán học mà toán học không thể chứng minh và cũng không thể bác bỏ. Từ nay không còn ai dám tuyên bố ngạo mạn như Hilbert nữa, rằng chúng ta phải biết và chúng ta sẽ biết.
● Trái với xu hướng của chủ nghĩa duy lý, xu hướng thứ hai không tôn sùng tư duy lý lẽ, mà cho rằng nó có sức mạnh giới hạn – luôn luôn tồn tại những sự thật không thể giải thích được, nhưng có thể tiếp cận được bằng trực giác. Quan điểm này đã được Blaise Pascal trình bày rất rõ ràng ngay từ thế kỷ 17, nhưng người đời không chú ý lắng nghe. Thật vậy, trong tiểu luận “Về nghệ thuật thuyết phục” (L’Art de persuader), Pascal đã nhấn mạnh rằng những nguyên lý đầu tiên, tức hệ tiên đề của toán học, “chỉ có thể nắm bắt được bằng trực giác, và rằng sự thật này khẳng định sự cần thiết phải nhờ cậy đến Chúa trong việc khám phá chân lý”[9]. Toán học là lĩnh vực nhận thức mạnh nhất về logic mà còn phải dựa vào trực giác, huống chi những lĩnh vực nhận thức khác, vốn kém chặt chẽ hơn so với toán học. Sau Pascal 3 thế kỷ, David Hilbert, không thấm nhuần triết học Pascal, đã lao vào chương trình tìm kiếm một hệ thống toán học hoàn hảo cho phép chứng minh mọi thứ của toán học. Định lý Gödel cho thấy chương trình Hilbert là một ảo tưởng. Nhưng Hilbert, mặc dù đã có 12 năm để suy ngẫm về Định lý Bất toàn của Gödel, đã không bao giờ lên tiếng thừa nhận định lý này. Đây là một tổn thất vô cùng lớn của khoa học thế kỷ 20, vì uy tín của Hilbert rất lớn. Nếu ông sớm thừa nhận Định lý Gödel thì nhân loại sẽ sớm tỉnh ngộ. May mắn thay, sự phát triển của khoa học computer cuối thế kỷ 20 đã giúp nhân loại tỉnh ngộ, nhận ra rằng Gödel đúng, Hilbert sai! Ngày nay, không ai còn suy nghĩ như Hilbert, và nhân loại đã sực tỉnh để vỡ nhẽ ra rằng bất chấp mọi tiến bộ của khoa học, khoa học rốt cuộc vẫn phải dựa trên những niềm tin nhất định, dựa trên những cảm nhận trực giác “Trời cho”. Nói cách khác, trực giác vẫn là ngọn đèn soi đường cho chúng ta khám phá sự thật.
Nhưng trực giác là gì, nếu không phải là những thông tin đến với chúng ta một cách bất chợt từ một Trung tâm Thông tin vô hình nào đó? Nicola Tesla đã nói khá rõ về điều này:
“Bộ não của tôi chỉ là một cỗ máy tiếp nhận, trong Vũ trụ có một tâm lõi mà từ đó chúng ta thu nhận được kiến thức, sức mạnh và cảm hứng. Tôi chưa thâm nhập được vào những bí mật của tâm lõi này, nhưng tôi biết nó tồn tại”[10]
Đó chính là lý do để Pascal nói rằng rốt cuộc loài người vẫn phải “nhờ cậy đến Chúa trong việc khám phá chân lý”.
Đó là nhận thức logic của Pascal, và logic ấy ăn khớp với Đức tin của ông. Ông là người có Đức tin mạnh mẽ vào Chúa. Thậm chí, ông có một ghi chép về việc thị kiến Chúa, nhan đề là “Feu” (Lửa)[11]. Ông đã cất giấu ghi chép này mãi cho đến khi ông mất người ta mới tìm thấy mảnh giấy ghi chép được khâu trong một tay áo khoác của ông, chiếc áo ông thường mặc nhiều nhất. Nhưng điều thú vị đáng nói nhất ở đây là cả nhận thức logic và Đức tin của Pascal đều đồng điệu với Gödel, hay nói ngược lại thì đúng hơn, tư tưởng và Đức tin của Gödel đồng điệu với Pascal.
Nhận thức logic của Gödel thể hiện rõ trong Định lý Bất toàn của ông. Định lý này chỉ ra rằng mọi hệ logic (có thể diễn tả bằng số học) không thể tự chứng minh tính phi mâu thuẫn của hệ tiên đề của nó. Nói cách khác, mọi hệ logic không thể chứng minh hệ tiên đề của nó mà không tham chiếu đến một yếu tố nằm bên ngoài hệ tiên đề. Thí dụ, muốn chứng minh tính phi mâu thuẫn của hệ tiên đề hình học, phải sử dụng đến số học. Thực ra kết luận của Gödel chỉ là một cách nói chặt chẽ không thể tranh cãi của cái mà Pascal đã kết luận, rằng mọi hệ logic không thể chứng minh hệ tiên đề của nó. Và do đó, toán học nói riêng và khoa học nói chung, rốt cuộc vẫn phải dựa trên những niềm tin ban đầu, và niềm tin ấy dựa trên trực giác – thông tin từ tâm lõi của vũ trụ đến với con người. Dù bạn có tin vào sự hiện hữu của tâm lõi này hay không, nhưng logic mà Pascal, Gödel đã chỉ ra cho thấy niềm tin của Tesla là phù hợp với logic! Đó là lý do để Perry Marshall, trong bài báo của ông nhan đề “Định lý Bất toàn của Gödel, đột phá toán học số 1 của thế kỷ 20”, đã kết luận một cách chí lý rằng:
“Không có thời kỳ nào trong lịch sử nhân loại mà đức tin vào Chúa lại trở nên có lý hơn, logic hơn, hoặc hoàn hảo hơn bằng khi nó được hỗ trợ bởi chính khoa học và toán học”[12].
Nhưng bản thân Gödel có tin vào Chúa không? Câu trả lời là có! Ông không những tin vào Chúa mà còn có một chứng minh toán học về sự hiện hữu của Chúa. Độc giả có thể tìm hiểu vấn đề này trong bài báo “Gödel chứng minh sự hiện hữu của Chúa”[13] trên viethungpham.com ngày 17/09/2014.
Planck và Gödel
Năm 2009, tôi viết bài “Cú hích của Max Planck”, đăng trên tạp chí Khoa học & Tổ quốc số Tháng 04/2009, để giới thiệu cuốn “Max Planck, người khai sáng Thuyết Lượng tử”, do NXB Tri Thức xuất bản, nhân kỉ niệm 150 năm ngày sinh của Cha đẻ Thuyết Lượng tử. Bài báo này không chỉ dành những lời có cánh cho cuốn sách, mà cho chính Max Planck. Tuy nhiên, cho đến lúc ấy, trong con mắt của tôi, mặc dù với đầy sự thán phục, Max Planck vẫn chỉ là một nhà vật lý thuần túy, một trong những thiên tài mở màn cho thế kỷ 20, thế kỷ sôi sục của các khám phá khoa học. Từ đó đến nay, 14 năm đã trôi qua, cái nhìn của tôi đã trở nên sâu sắc hơn rất nhiều. Với tôi hôm nay, Max Planck không chỉ là một nhà vật lý, mà còn có dáng dấp của một nhà hiền triết thâm thúy có tầm nhìn xa trông rộng. Ấn tượng này hình thành trong đầu tôi khi đọc những câu nói của Planck về mối quan hệ giữa vật lý học với tôn giáo, và đặc biệt, những ý kiến cho thấy Planck có những quan điểm về nhận thức luận rất giống Gödel. Đúng là tư tưởng lớn gặp nhau! Những ai đã thấm nhuần ý nghĩa triết học của Định lý Gödel, đặc biệt về mặt nhận thức luận, đều thấy định lý này không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với toán học và khoa học lập trình, mà còn đóng vai trò nền tảng trong khoa học về nhận thức. Khó có thể có một nhận thức đúng đắn về tương lai của khoa học nếu không trang bị kiến thức về Định lý Gödel. Do đó, với tư cách một người thấm nhuần Định lý Gödel, tôi thực sự sung sướng và xúc động mạnh khi tìm thấy những phát ngôn, những tư tưởng đồng điệu với Gödel, ở những nhà khoa học khác, đặc biệt ở những nhà khoa học lớn như Max Planck. Về mặt lịch sử, Planck sống đến năm 1947 mới mất, có nghĩa là về nguyên tắc, ông có thể biết Định lý Gödel và chịu ảnh hưởng bởi định lý này. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa Max Planck với cá nhân Gödel cũng như với Định lý Gödel. Bản thân Planck không hề nhắc đến định lý này, mặc dù những phát biểu của ông về nhận thức luận cho thấy ông có quan điểm rất phù hợp với Định lý Gödel. Theo tôi, đây hoàn toàn là sự gặp gỡ của những tư tưởng lớn. Planck có nhiều phát biểu mang đậm suy tư triết học giống như những hệ quả của Định lý Gödel mặc dù hoàn toàn độc lập với định lý này và với Gödel. Trong câu chuyện hôm nay, xin trích 2 ý kiến[14] tiêu biểu nhất sau đây:
1/ Về bí mật cuối cùng của tự nhiên
Planck khẳng định:
“Khoa học không thể giải quyết được bí mật cuối cùng của tự nhiên. Ấy là vì, trong những phân tích cuối cùng, bản thân chúng ta là một phần của cái bí ẩn mà chúng ta đang cố giải quyết” (Science cannot solve the ultimate mystery of nature. And that is because, in the last analysis, we ourselves are a part of the mystery that we are trying to solve).
Ý kiến này giống như một tiên tri, vì quả thật khoa học thế kỷ 20 đã chạm tới 2 bí mật cuối cùng và đều bế tắc trong việc giải thích 2 bí mật ấy:
- Một là bí mật về “Nguyên tử nguyên thủy”, liên quan đến vấn đề nguồn gốc vũ trụ,
- Hai là bí mật về “Nguồn Mã DNA”, liên quan đến vấn đề nguồn gốc sự sống.
Nguyên tử nguyên thủy (The Primeval Atom)
Để hiểu rõ vấn đề “nguyên tử nguyên thủy”, xin độc giả tìm đọc cuốn “Định lý Gödel, Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại”, của Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức 2019 và 2022, trang 142-161, trong đó đã chỉ ra rằng:
Nguyên tử nguyên thủy, tức điểm ban đầu của vũ trụ, cùng với Lý thuyết Big Bang, là một khái niệm táo bạo do Georges Lemaître, một nhà vật lý toán kiêm thầy tu Công giáo người Bỉ, nêu lên như một hệ quả trực tiếp của Thuyết tương đối tổng quát của Albert Einstein. Nếu bạn muốn bác bỏ nguyên tử nguyên thủy, bạn phải bác bỏ những suy luận toán học của Georges Lemaître từ Thuyết tương đối tổng quát. Thậm chí bạn phải bác bỏ chính Thuyết tương đối tổng quát, có nghĩa là bác bỏ vật lý học hiện đại. Điều đó là bất khả thi. Ngược lại, hai nhà vật lý toán hàng đầu trong nửa sau thế kỷ 20 là Stephen Hawking và Roger Penrose cũng đã giải phương trình trường của Thuyết tương đối tổng quát để đi đến kết luận vũ trụ ắt phải có điểm khởi đầu. Hai ông cùng kết luận vũ trụ không thể tránh khỏi điểm ban đầu và không thể tránh khỏi một lịch sử phát triển theo thời gian, thay vì cố định và hằng hữu như các nhà khoa học hằng nghĩ, kể từ Aristotle. Chính Einstein lúc đầu cũng không tin vào lý thuyết của Lemaître, mặc dù ông thừa nhận tất cả những chứng minh toán học. Nhưng sau nhiều lần gặp gỡ trao đổi với Lemaître, cuối cùng Einstein đã tuyên bố bất ngờ:
“Đây là lời giải thích tuyệt vời và thỏa đáng nhất về sự sáng tạo mà tôi từng được nghe” (Định lý Gödel, sách đã dẫn, trang 149)
Thậm chí, Định luật 2 của Nhiệt động lực học cũng ủng hộ sự tồn tại của điểm khởi đầu của vũ trụ, đơn giản vì nếu vũ trụ là hằng hữu như vốn có thì nó đã bị tàn lụi từ lâu rồi, bởi sự tăng entropy.
Georges Lemaître mất năm 1964. Trước khi mất khoảng một tuần, ông nhận được tin hai nhà khoa học là Arno Penzias và Robert Wilson phát hiện thấy “tiếng ồn vi sóng vũ trụ”, dấu vết của Big Bang, xác nhận Lý thuyết Big Bang của ông.
Ngày nay, Lý thuyết Big Bang, với sự đóng góp của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế kỷ 20, được coi là cuộc trường chinh vĩ đại nhất của khoa học, và đang tiếp tục được nghiên cứu và phát triển nhằm thỏa mãn hiểu biết của con người về lịch sử vũ trụ. Không còn ai chống lại khái niệm một vũ trụ có lịch sử phát triển, thay vì cố định hằng hữu như trước đây vẫn tưởng. Nhưng không ai biết nguyên tử nguyên thủy từ đâu mà ra, và cũng không ai biết ai đã châm ngòi cho vụ nổ Big Bang! Đây là ĐIỂM DỪNG của vật lý và vũ trụ học – một điểm chết người đẩy giới khoa học vô thần và chủ nghĩa tự nhiên tới bế tắc. Họ đã cố sáng chế ra những giả thuyết mới để vượt qua bế tắc này, điển hình là thuyết đa vũ trụ (Multiverse), nhưng giả thuyết này bị chính các nhà khoa học vô thần khác bác bỏ, vì nó giả tạo và tuyệt đối vô bằng chứng, đồng thời không bao giờ có thể kiểm chứng.
Sự bế tắc này là điều tất yếu, vì Định lý Gödel đã chỉ ra rằng mọi hệ logic không thể chứng minh hệ tiên đề của nó. Nguồn gốc của một hệ logic chính là hệ tiên đề của hệ ấy. Vũ trụ là một hệ logic, nguồn gốc của vũ trụ là tiên đề của vũ trụ học. Khoa học không thể giải thích nguồn gốc của vũ trụ, vì khoa học là một bộ phận nằm bên trong vũ trụ. Mọi nỗ lực nằm bên trong vũ trụ muốn giải thích vũ trụ đều rơi vào cạm bẫy của hệ tự quy chiếu (self-referential system). Theo Định lý Gödel, mọi hệ tự quy chiếu đều bất khả tự chứng hoặc dẫn tới nghịch lý. Không ai nói rõ điều này hơn Stephen Hawking trong bài báo “Gödel và sự kết thúc của vật lý”[15], bài giảng của ông trong giai đoạn 2002-2003, trong đó Hawking nói:
“Chúng ta không phải là thiên thần nhìn vũ trụ từ bên ngoài. Thay vào đó, cả chúng ta lẫn các mô hình của chúng ta đều là một bộ phận của vũ trụ mà chúng ta đang mô tả. Như vậy, một lý thuyết vật lý là một hệ tự quy chiếu, như trong định lý của Gödel. Do đó người ta có thể cho rằng nó hoặc không nhất quán hoặc không đầy đủ. Cho đến nay, các lý thuyết hiện có vừa không nhất quán vừa không đầy đủ.”
Trái với các nhà khoa học vô thần theo chủ nghĩa tự nhiên, các nhà khoa học tin vào Đấng Sáng tạo coi Lý thuyết Big Bang và nguyên tử nguyên thủy của Lemaître là bằng chứng không thể chối cãi của Đấng Sáng tạo vũ trụ. Điều này đã được trình bày một cách chi tiết trong bài báo “Phép Màu”[16] trên viethungpham.com ngày 26/11/2013, xin độc giả tìm đọc.
Mã DNA (DNA Code)
Mã Di truyền, tức chương trình kiến tạo sự sống, cũng là một bí mật cuối cùng của tự nhiên mà khoa học không thể giải thích. Nếu Định lý Gödel chỉ ra rằng có nhiều sự thật toán học mà toán học không thể quyết định thì sự sống cũng có rất nhiều sự thật mà sinh học không thể giải thích. Câu hỏi lớn nhất hiện đang được treo với Giải thưởng khổng lồ 10 triệu USD là câu hỏi “Mã DNA từ đâu mà ra?”.
Độc giả có thể tìm hiểu kỹ câu hỏi và Giải thưởng khủng này trong Chương 3 cuốn “Louis Pasteur – Gregor Mendel và cuộc cách mạng sinh học – y khoa” của Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức ngày 23/12/2022, trong đó đã chỉ ra rằng:
Sự sống là một cỗ máy được kiến tạo và duy trì nhờ một chương trình được “viết” bởi 4 chữ cái – 4 phân tử hóa học kết hợp thành 2 cặp đôi: A (Adenine) kết hợp với T (Thymine), và G (Guanine) kết hợp với C (Cytosine). Những phân tử này là những mã, các mã kết hợp thành từ, từ kết hợp thành câu – những mệnh lệnh chỉ thị hướng dẫn mọi hoạt động vật lý và hóa học bên trong sự sống. Việc khám phá ra chương trình của sự sống là một trong những khám phá vĩ đại nhất của khoa học hiện đại, kể từ đó sinh học trở thành một khoa học về thông tin của sự sống. Nhiệm vụ to lớn nhất của nhà sinh học ngày nay là giải mã chương trình của sự sống. Kể từ những năm 1960 đến nay, nhiều công trình giải mã sự sống đã đạt được, tạo nên cuộc cách mạng chưa từng có về hiểu biết bản chất sự sống. Sự nghiệp này vẫn đang tiếp tục và sẽ không bao giờ chấm dứt, cuốn sách sự sống sẽ không có trang cuối cùng.
Nhưng không ai biết Mã DNA từ đâu mà ra. Lý thuyết thông tin chỉ ra rằng mọi chương trình đều có nhà lập trình, mọi thông tin đều được gửi đi bởi một nguồn trí tuệ thông minh, nhằm một mục đích xác định. Vậy ai viết ra chương trình kiến tạo và duy trì sự sống? Đây là câu hỏi bất ngờ đối với giới khoa học vô thần và chủ nghĩa tự nhiên. Chính xác hơn, đây là câu hỏi đẩy khoa học vô thần và chủ nghĩa tự nhiên tới bước đường cùng. Họ hy vọng rằng các phản ứng hóa học một lúc nào đó sẽ đạt tới độ phức tạp cần thiết để tự nó sẽ tạo ra thông tin. Đây là một hy vọng điên rồ, và … dốt nát, bởi một khi đã hiểu Lý thuyết thông tin sẽ biết rằng thông tin là một thực tại phi vật chất (non-material entity), và do đó không bao giờ nảy sinh từ vật chất. Điều này đã được khẳng định trong biên bản của Hội nghị quốc tế lần thứ 7th về Nguồn gốc sự sống diễn ra từ ngày 10 đến 15/07/1983 tại Mainz, Cộng hòa Liên bang Đức. Đó là thời điểm đánh dấu sự sụp đổ của mô hình sự sống của Lamarck-Darwin – mô hình cho rằng sự sống chỉ là một cỗ máy vật chất thuần túy vật lý và hóa học.
Ngày nay một học sinh lớp 12 cũng biết rằng không có Mã DNA – thông tin của sự sống – sẽ không có sự sống. Nhưng không ai biết Mã DNA từ đâu mà ra. Vì thế, Ian Sample, biên tập viên khoa học của tờ The Guardian ở Anh ngày 26/01/2019 đã làm nhiều nhà sinh học nản lòng khi ông tuyên bố: “Nếu sinh học được định nghĩa như một lý thuyết nghiên cứu sự sống thì nó đã thất bại” (If biology is defined as the study of life, on this it has failed to deliver)[17].
Vô tình, Ian Sample đã làm cho chúng ta nghĩ đến Planck, khi Cha đẻ thuyết lượng tử nói rằng khoa học sẽ thất bại trong việc giải thích những bí mật cuối cùng của tự nhiên. Bí mật của “nguyên tử nguyên thủy” (điểm khởi đầu của vũ trụ) và “nguồn mã DNA” (chương trình kiến tạo sự sống) chính là những bí mật cuối cùng của tự nhiên.
Nhà triết học vô thần nổi tiếng người Anh trong thế kỷ 20 là Antony Flew, một lãnh tụ triết học của Thuyết tiến hóa, đã quay ngoắt 180 độ khi tuyên bố: Mã DNA là bằng chứng cho thấy ắt phải có Nhà Thiết kế (viết ra chương trình kiến tạo sự sống).
Francis Collins, nguyên Giám đốc Dự án Bản đồ Gene Người, đã xuất bản cuốn sách “The Language of God” (Ngôn ngữ của Chúa), chỉ ra rằng Mã DNA là ngôn ngữ do Chúa viết ra.
Các nhà khoa học vô thần và chủ nghĩa tự nhiên không muốn thừa nhận Chúa. Họ tưởng rằng quan điểm của họ là khoa học, nhưng thực ra là dốt khoa học, vì chính khoa học cho thấy ắt phải có nguyên nhân ban đầu. Bạn có thể gọi đó là Chúa, hoặc Nhà Thiết kế, … Dù tên gọi thế nào thì đó cũng là tác giả của nguyên tử nguyên thủy và mã DNA. Đó mới là tư tưởng khoa học đích thực. Pascal, Planck, Gödel đều tin vào sự cần thiết của Chúa, như nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ và sự sống. Nguyên nhân ấy không thể phát hiện bằng các công cụ vật lý, nhưng có thể tiếp cận bằng trực giác, và bằng lý thuyết tiên đề: Chúa chính là Tiên đề số 1 của mọi nhận thức, bao gồm nhận thức khoa học!
2/ Về bản chất của ý thức
Planck nói:
“Tôi coi ý thức là nền tảng. Tôi coi vật chất là một khái niệm bắt nguồn từ ý thức. Chúng ta không thể tìm ra cái gì đằng sau ý thức. Mọi thứ mà chúng ta nói đến, mọi thứ mà chúng ta coi là tồn tại, đều do ý thức mặc nhận” (I regard consciousness as fundamental. I regard matter as derivative from consciousness. We cannot get behind consciousness. Everything that we talk about, everything that we regard as existing, postulates consciousness).
Có 2 lý do để khoa học không bao giờ có thể khám phá ra bản chất của ý thức:
Một, khi cố gắng giải thích ý thức là gì, chúng ta đang sử dụng ý thức để giải thích ý thức, có nghĩa là chúng ta rơi vào cạm bẫy của hệ tự quy chiếu. Như đã nói ở trên, mọi hệ tự quy chiếu đều không thể tự chứng hoặc dẫn tới nghịch lý. Đây chính là tư tưởng cốt lõi của Định lý Gödel – nghịch lý tự quy chiếu là xuất phát điểm để Gödel chứng minh Định lý Bất toàn bất hủ của ông.
Hai, ý thức không phải là vật chất, mọi phương tiện vật lý không thể cân đong đo đếm ý thức, do đó ý thức là một thực tại nằm ngoài khoa học vật chất. Nói cách khác, khoa học không thể khám phá ra bản chất của ý thức.
Hiện nay có một xu thế bao gồm nhiều nhà vật lý cho rằng có thể mô tả ý thức dưới dạng trường lượng tử, hoặc dùng những khái niệm lượng tử để giải thích bản chất của ý thức. Tham vọng này cho thấy những nhà vật lý này vẫn không biết hoặc không thấm nhuần Định lý Gödel.
Trong con mắt của tôi, tư tưởng quy mọi thực tại khách quan về vật lý là một nhận thức sai lầm. Đã đến lúc khoa học phải thừa nhận những thực tại khách quan phi vật lý, phi vật chất. Thông tin là bằng chứng điển hình. Ý thức là một cái gì đó còn khó hiểu gấp bội so với thông tin, mặc dù ý thức biểu lộ qua việc giải mã thông tin. Đối với Planck, ý thức là nền tảng, là điều kiện đầu tiên của mọi nhận thức, do đó việc dùng khái niệm lượng tử hay bất cứ khái niệm nào khác để giải thích ý thức cũng đều rơi vào cạm bẫy của hệ tự quy chiếu. Như Định lý Gödel đã khẳng định, mọi hệ tự quy chiếu đều bất khả tự chứng hoặc dẫn tới mâu thuẫn. Vì thế, mọi ý đồ giải thích bản chất của ý thức đều chứng tỏ một trình độ nhận thức ấu trĩ, không hiểu gì về Định lý Gödel. Bản thân Max Planck là Cha đẻ của Thuyết Lượng tử, nhưng ông không bao giờ có ý nghĩ điên rồ cho rằng lý thuyết lượng tử có thể giải thích được ý thức. Với Planck, ý thức là cái không thể giải thích, mà chỉ có thể mặc nhận, và xét cho cùng, mọi thứ được coi là tồn tại thực ra cũng do ý thức mặc nhận. Tại đây, tư tưởng của Planck dường như đồng điệu với triết lý của Nhà Phật, rằng “Nhất thiết duy tâm tạo”, nghĩa là muôn sự, muôn vật, muôn loài đều do tâm mà hình thành, hiện hữu[18]. Xuất phát từ quan điểm đó, Nhà Phật đề ra con đường tu tâm để đạt tới ĐẠO.
Kết luận
Tôi không biết Planck có quan tâm đến Phật giáo hay không, nhưng tôi biết chắc chắn rằng Planck là người có Đức tin tôn giáo nồng nhiệt. Ông là người theo đạo tin lành và có quan điểm rất khoan dung đối với các tôn giáo nói chung. Đức tin của ông vừa là đức tin của một cơ đốc nhân, vừa là đức tin của một nhà khoa học, với nền tảng là niềm tin vào Chúa, tức Đấng Sáng Tạo. Đối với ông, Chúa là điều kiện tiên quyết của tôn giáo và là kết luận cần thiết cuối cùng của khoa học.
Thật vậy, Planck tuyên bố:
“Cả tôn giáo lẫn khoa học tự nhiên đều đòi hỏi niềm tin vào Chúa cho các hoạt động của mình, đối với tôn giáo, Ngài là điểm khởi đầu và đối với khoa học là đích đến của mọi quá trình tư duy. Đối với tôn giáo, Ngài là nền tảng, đối với khoa học, Ngài là đỉnh cao tột cùng của tòa lâu đài của mọi quan điểm tổng quát về thế giới” (Both religion and natural science require a belief in God for their activities, to the former He is the starting point, and to the latter the goal of every thought process. To the former He is the foundation, to the latter, the crown of the edifice of every generalized world view.
Với cách nhìn đó, khoa học và tôn giáo không mâu thuẫn loại trừ lẫn nhau, mà ngược lại, bổ sung cho nhau. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với hệ quả triết học của Định lý Gödel, mà Perry Marshall đã trình bày trong bài báo xuất sắc nhan đề “Định lý bất toàn của Gödel – Đột phá toán học #1 của thế kỷ 20”, trong đó viết:
“Đức tin và Lý lẽ không phải là kẻ thù của nhau. Thực ra điều ngược lại mới đúng! Cái này nhất thiết cần cái kia để tồn tại. Mọi lý lẽ rốt cuộc đều quay trở lại niềm tin vào một cái gì đó mà bạn không thể chứng minh.”[19]
Đó là kết luận!
PVHg, Sydney 27/05/2023
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com
[1] Les grands esprits se rencontrent
[2] https://viethungpham.com/2021/06/19/science-cannot-answer-ontological-questions-khoa-hoc-khong-the-tra-loi-nhung-cau-hoi-ve-ban-the-luan/
[3] Sir Fred Hoyle: “The likelihood of the formation of life from inanimate matter is one to a number with 40,000 naughts after is… It is big enough to bury Darwin and the whole theory of evolution. There was no primeval soup, neither on this planet nor any other, and if the beginnings of life were not random, they must therefore have been the product of purposeful intelligence” https://www.theguardian.com/education/2001/aug/23/highereducation.peopleinscience
[4] http://www.cstnews.com/Code/FaithEvl.html
[5] https://viethungpham.com/2018/10/05/nobel-prize-in-chemistry-2018-giai-nobel-hoa-hoc-2018/ https://viethungpham.com/2023/03/15/on-the-2022-nobel-prize-in-medicine-ve-giai-nobel-y-khoa-2022/
[6] https://viethungpham.com/2017/07/04/consciousness-the-key-of-life-y-thuc-chia-khoa-cua-su-song/
[7] https://viethungpham.com/2012/05/06/chuyen-ke-cua-mot-con-cho-a-dogs-tale-by-mark-twain/ https://diendantoanhoc.org/topic/146698-chuy%E1%BB%87n-k%E1%BB%83-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%99t-con-ch%C3%B3/
[8] Pensée fait la grandeur de l’homme: La grandeur de l’homme est grande en ce qu’il se connaît misérable. Un arbre ne se connaît pas misérable. C’est donc être misérable que de se connaître misérable ; mais c’est être grand que de connaître qu’on est misérable. Pensée fait la grandeur de l’homme. L’homme n’est qu’un roseau, le plus faible de la nature ; mais c’est un roseau pensant. Il ne faut pas que l’univers entier s’arme pour l’écraser : une vapeur, une goutte d’eau, suffit pour le tuer. Mais, quand l’univers l’écraserait, l’homme serait encore plus noble que ce qui le tue, parce qu’il sait qu’il meurt, et l’avantage que l’univers a sur lui, l’univers n’en sait rien. Toute notre dignité consiste donc en la pensée. C’est de là qu’il nous faut relever et non de l’espace et de la durée, que nous ne saurions remplir. Travaillons donc à bien penser: voilà le principe de la morale. (Pascal, Pensées (1660), 347-348, éd. Brunschvicg) http://t.m.p.free.fr/textes/pascal_pensees_347.PDF
[9] Xem “Định lý Gödel – Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại”, của Phạm Việt Hưng, NXB tri Thức 2022, trang 50.
[10] My brain is only a receiver, in the Universe there is a core from which we obtain knowledge, strength and inspiration. I have not penetrated into the secrets of this core, but I know that it exists https://www.goodreads.com/quotes/753175-my-brain-is-only-a-receiver-in-the-universe-there
[11] https://viethungpham.com/2013/12/16/lua-cua-pascal-pascals-fire/
[12] Xem “Định lý Gödel – Nền tảng của khoa học nhận thức hiện đại” của Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức 2022, trang 86-94
[13] https://viethungpham.com/2014/09/17/godel-chung-minh-chua-hien-huu-godel-proved-that-god-exists/
[14] https://www.goodreads.com/author/quotes/107032.Max_Planck
[15] Xem “Định lý Gödel…” của Phạm Việt Hưng, sách đã dẫn, trang 124.
[16] https://viethungpham.com/2013/11/26/phep-mau-miracles/
[17] https://www.theguardian.com/science/2019/jan/26/i-predict-great-revolution-physicists-define-life-paul-davies
[18] https://giacngo.vn/tam-tao-ra-tat-ca-post29944.html
[19] Xem “Định lý Gödel, Nền tảng của khoa học nhận thức hiện đại”, của Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức 2019 và 2022, trang 90.