Kinh Thánh: Thi Thiên 90:1-12
Câu 12 (câu gốc): “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, Hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan.
1/CHÚA TẠO DỰNG THỜI GIAN – VŨ TRỤ – CON NGƯỜI
Thời gian là một cái gì hết sức kỳ cục… những ngày nghỉ hè, một buổi chiều với vị hôn thê hay một cuộc đàm thoại với một người bạn cũ đều làm thời gian cảm giác như trôi đi thật nhanh chóng. Trái lại, có rất nhiều việc khác lại có vẻ như trôi đi một cách vô cùng chậm chạp, mệt mỏi như việc chờ đợi vị hôn thê đến, một giờ tập luyện trong trại binh hay 10 phút trên ghế của ông nha sĩ. Nếu thời gian chịu trôi đi chậm hoặc nhanh theo ý chúng ta muốn, khi chúng ta vui thú hoặc lúc chúng ta buồn tủi thì hay biết mấy nhưng thời gian lại không theo ai cả, mà cứ làm tròn bổn phận của nó là cứ tiếp tục trôi đi biền biệt như sông nước vậy. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương trong tác phẩm “Mong ước kỷ niệm xưa” thì xin thời gian dừng trôi như muốn níu kéo nó lại, muốn giữ lại những kỷ niệm đẹp đẽ:
“..Nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa
Đặt bàn tay lên môi giữ chặt tiếng nấc nghẹn ngào
Xin thời gian sao đi mau xin hãy dừng trôi..
Nếu có ước muốn cho cuộc đời nầy
Hãy nhớ ước muốn cho thời gian ở lại
Cho bao khát vọng đam mê cháy bỏng
Sẽ yêu mãi trong tim mọi người..”
Nội dung bài hát cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc: “Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại”… nhưng thời gian vẫn cứ thế trôi đi..
Ngược lại, nhạc sĩ Lam Phương thì xin thời gian mau qua, như tên tác phẩm của nó “Xin thời gian mau qua”:
“..Thương những đêm trăng tàn soi xóm vắng
Đưa em về anh viết thành bài ca
Thương những khi trưa hè nghiêng nghiêng đổ
Hắt hiu buồn tiếng vọng nhẹ nhàng đưa
Buồn nào hơn đêm nay
Buồn nào hơn đêm nay
Khi tình xuân đã úa bụi đời
Vẫn thấy lòng hoang vu
Cuộc đời là hư vô..”
Dù nhạc sĩ có xin thời gian qua mau, thì chính thời gian vẫn cứ bình tĩnh trôi đi chứ không vội vàng chi cả.
Thưa quý vị cùng các bạn thân mến!
Kinh Thánh cho chúng ta biết ngàn năm trước mắt Chúa như một ngày và một ngày như một ngàn năm. Như vậy, thời gian đối với chúng ta luôn di chuyển còn đối với Đức Chúa Trời là hiện tại. Thời gian đối với chúng ta là qua mau, chính vì vậy chúng ta có hiện tại , quá khứ và tương lai. Vì con người là hữu hạn chịu sự chi phối bởi không gian và thời gian. Đức Chúa Trời đã tạo ra thời gian, sách Sáng thế ký đoạn 1 câu 1 chép “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” từ ngày thứ nhất đến ngày thứ năm, mỗi ngày dựng nên Chúa đều phán “Mọi sự là tốt lành, vậy có buổi chiều và buổi mai..” Chúa dựng nên trời đất, đây là một câu thật ngắn nhưng chứa đựng nhiều vấn đề thần học cùng một lúc, chữ ban đầu ở đây là bắt đầu tuyệt đối khởi điểm của thời gian, nói cách khác chúng ta có thời gian bắt đầu từ chữ “ban đầu” này. Đây là một lời long trọng của Đấng Tạo Hóa thông báo có một sự khởi đầu do chính Ngài đặt ra cho công cuộc sáng tạo con người. Nói cách khác, vũ trụ do Thượng Đế sáng tạo làm chuẩn cho thời gian thì trước đó không có thời gian. Thi Thiên 90:2 “Trước khi núi non chưa sanh ra, Đất và thế gian chưa dựng nên, từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời”, câu 4 “Vì một ngàn năm trước mắt Chúa, khác nào ngày hôm qua đã qua rồi, giống như một canh của đêm”. Trong khi đó Tân ước 2Phi-e-rơ 3:8 ‘..ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày”.
2/THỜI GIAN CHÓNG QUA – ĐỜI NGƯỜI NGẮN NGỦI
Khi còn nhỏ đi học chúng ta nhớ mãi bài học thuộc lòng nói về thời gian:
“..Thì giờ ngựa chạy tên bay
Hết trưa lại tối hết ngày lại đêm
Đông qua xuân đã tới liền
Hè về rực rỡ êm đềm thu sang..”
Rõ ràng, thời gian đang di chuyển một cách nhanh chóng, Thi nhân Cao bá Quát đã phải thốt lên:
“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cõi phù du trông thấy cũng nực cười”
Quả thật, đời người ngắn ngủi vì thời gian trôi qua không một chút nuối tiếc, mới ngày nào chúng ta còn là một em bé, giờ đây đã là một trung niên, lão niên, thời gian thôi thúc theo nhịp đập con tim như lặp đi lặp lại “mau lên..mau lên..mau lên..” Bạn hãy nghe tiếng đồng hồ quả lắc treo trên tường như nhắc đi nhắc lại cho bạn cùng một điệp khúc “tích tắc..tích tắc” hoặc “mau lên..mau lên..” Thi sĩ Tường Lưu – một nhà thơ Cơ đốc nỗi tiếng với hàng ngàn thi phẩm, qua các thi tập, nhiều đêm nằm mà không sao chợp mắt được có bài “Nỗi buồn mênh mông”:
“..Nằm chờ giấc ngủ cô đơn
Vô tình khơi dậy nỗi buồn.. xa xăm
Tiếng đêm..sầu lắng vào khuya
Hồn ơi! Đã ngủ say chưa..nỗi buồn?
(Trích Thách đố Tâm Linh 12)
Sách Sáng thế ký 47:8-9 chép như sau: “..Gia-cốp tâu rằng: Những năm tôi sống ở đời phiêu lưu hết thảy là một trăm ba mươi năm; các năm của đời tôi lấy làm ngắn ngủi và lại nhọc nhằn, chẳng bằng những năm bình sanh của tổ phụ tôi khi người ở phiêu lưu đó”.
Đúng như Đa-vít đã nói “Tuổi tác chúng tôi đến được bảy mươi, Còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm. Vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay đi mất”. Cũng thi sĩ Tường Lưu trong bài: “Đếm thử đời người”:
“..Đếm thử đời người bao ngày vui
Sao còn héo úa chút môi cười?
Cây im, gió đứng, không gian tĩnh
Hững hờ mấy chiếc lá vàng rơi
Đếm thử đời người bao ngày buồn
Khiến cho mắt lệ đọng sầu thương
Có nghe rộn rã chim quen hót
Ấm lại con tim khách gió sương..”
(Thi tập 12 Thách đố Tâm Linh)
Vậy, chúng ta phải đếm lại các ngày của chúng ta trên đất các bạn ạ! Kinh Thánh lời Đức Chúa Trời ở 1Sử ký 29:15 có chép: “..Các ngày chúng tôi lại trên đất, khác nào cái bóng không ở lâu được”.
Khi William bị dẫn lên đoạn đầu đài ông đã lấy chiếc đồng hồ trong túi ra và đưa cho người y sĩ chăm sóc ông rồi nói: “..Xin ông làm ơn giữ hộ chiếc đồng hồ này cho tôi, vì tôi không cần đến nó nữa, bây giờ tôi sắp bước vào cõi đời đời rồi”.
Thi Thiên vua Đa-vít 103:15-16: “..Đời loài người như cây cỏ; Người sanh trưởng bông hoa nơi đồng; Gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, Chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa”. Thi Thiên 90:5-6 “..Chúa làm chúng nó trôi đi như nước chảy cuồn cuộn; chúng nó khác nào một giấc ngủ, Ban mai họ tựa như cây cỏ xanh tươi; Sáng ngày cỏ nở bông và tốt tươi; Buổi chiều người ta cắt nó và nó héo”. Người xưa có câu: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (người bảy mươi tuổi xưa nay hiếm). Tuổi thọ loài người bị giảm dần theo thời gian, từ thời thượng cổ người ta đã sống hàng năm bảy trăm năm, thậm chí người sống lâu nhất là ông Mê-tu-sê-la sống 969 tuổi (Sáng thế ký 5:27) nhưng đến đời Môi-se chỉ còn 120 tuổi mà thôi.
Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn trong tác phẩm “Cát bụi” miêu tả một thân phận, một kiếp người bọt bèo, trôi nổi qua lời bài hát như sau:
“..Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi! Cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi mệt nhoài..”
Tóm lại, đời người ngắn ngủi chóng qua, cuộc sống buồn thảm bởi vì đoán ngữ công bình của Đấng Tạo Hóa dành cho kẻ có tội là sự chết, nhưng chết chưa phải là hết mà bắt đầu cho sự sống hồi sinh. Truyền đạo 12:7: “Bụi tro trở về đất y nguyên cũ nhưng thần linh trở về Đức Chúa Trời là Đấng ban nó”. Thân thể này được tạo dựng bởi cát bụi rồi phải trở về với cát bụi y nguyên cũ và thần linh thì trở về cùng Đức Chúa Trời. Truyền đạo 11:9 “..Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét..”, nhân loại một ngày gần đây sẽ đứng trước tòa án trắng của Chúa để chịu xét xử phân minh. Loài người bất toàn tội lỗi còn đặt ra khen thưởng, xử phạt, có bằng khen, giấy khen, có huân chương, huy chương, có nhà tù, có trường bắn huống hồ gì là Thượng Đế công bình vĩ đại, chắc chắn Ngài sẽ xử phạt nghiêm minh.
3/BÍ QUYẾT ĐỂ ĐƯỢC SỰ KHÔN NGOAN
Thi Thiên 90:12 “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, Hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan”
Biết đếm ở đây là chúng ta biết sử dụng, biết quản trị thì giờ một cách khôn ngoan. Ông bà chúng ta có câu: “Sinh ký giã tử hề quy”. Vậy quý vị có biết là sau khi chết quý vị “Quy” về đâu chưa? Tất cả chúng ta đều biết chúng ta đang sống đây là sống tạm, rồi một ngày chúng ta sẽ “quy” về, mà về đâu mới là vấn đề quan trọng, một trong hai nơi mà con người ắt phải quy về ấy là Thiên đàng hoặc Địa ngục chỉ vậy thôi.
Chúng ta phải chọn một trong hai nơi mà sau này mình phải đến, Kinh Thánh nói sử dụng thì giờ một cách khôn ngoan. Truyền đạo 11:9 Vua Sa-lô-môn vị vua khôn ngoan nhất của nước Do Thái đã nói: “Hởi kẻ trẻ kia, hãy vui mừng trong buổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích, nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét”. Còn người già cả ông khuyên: “Lại hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi, trước khi dây đứt và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối, và bánh xe gãy ra trên giếng” (Truyền đạo 12:7) Kinh Thánh Tân ước có nhắc đến việc tận dụng thời gian trong Ê-phê-sô 5:16: “Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu”, theo bản Kinh Thánh Anh ngữ: Hãy cứu vãn, hãy cứu chuộc, ý muốn nói rõ hơn việc nắm bắt cơ hội và thời gian. Trong bản tiếng Hy Lạp dịch sát nghĩa thì là “mua lấy các cơ hội” còn bản Kinh Thánh diễn ý của cố Mục sư Tiến sĩ Lê Hoàng Phu ở 2Cô-rinh-tô 6:2: “Hiện nay là thì thuận tiện, hiện nay là thì cứu rỗi”. Đức Chúa Trời khuyên quý vị hãy tìm kiếm sự khôn ngoan, tất cả những câu Kinh Thánh Sa-lô-môn đều khẳng định kính sợ Chúa là khởi đầu của sự khôn ngoan, chỉ có Thi Thiên 53:2 vua Đa-vít là thân phụ ông có nói: “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: Chẳng có Đức Chúa Trời. Chúng nó đều bại hoại, phạm tội ác gớm ghiếc; Chẳng có ai làm điều lành”.
Theo thống kê gần đây: Trong 400 nhà khoa học trong các thế kỷ vừa qua có 380 tin vào Thượng Đế, họ là những người khôn ngoan bậc nhất của nhân loại chẳng hạng như: Ampere, Volta, Pasteus, Copenic, Keple, Newton, Lavoisier, Liverier, Nacorni, Edixon, Albert Einstein.
Để kết thúc bài này tôi xin trích một phần phỏng vấn phi hành gia James Irwin do phóng viên Nguyễn Văn An thực hiện:
Ngày 29 tháng 10 năm 1972 phi hành gia Đại tá không quân James Irwin đến thăm Việt Nam Cộng Hòa trong chuyến du hành vòng quanh thế giới của ông để truyền giảng Tin Lành dưới sự bảo trợ của Hội Thánh truyền giáo Baptist. Phi hành gia James Irwin đã lái phi thuyền Apolo 15 đáp xuống mặt trăng vào cuối tháng 9 năm 1971. Ông đã ở trên nguyệt cầu 78 giờ đồng hồ, đã lái nguyệt xa thám hiểm vùng núi Hailey Apennine cách xa địa điểm đổ bộ 28 km và chính ông tìm được một mẫu đá xưa nhất của vũ trụ lúc bấy giờ.
Một trong những câu hỏi: Chương trình không gian của Hoa Kỳ có đem lại tia sáng nào về sự sáng tạo vũ trụ không? Với nhiều lý thuyết mới được đề ra liên quan đến sáng tạo, hầu hết các khoa học gia có tin rằng Kinh Thánh vẫn đúng không?
James Irwin đáp: Tôi không biết câu nói đùa mà người ta nói về thuyết tiến hóa và thuyết sáng tạo, và tôi cũng không thể phát biểu cho các nhà khoa học gia khác. Tôi chỉ phát biểu cho chính cá nhân tôi là: James Irwin với kinh nghiệm của tôi, tôi không thể nào tin rằng tất cả trật tự hiện hữu trong vũ trụ là do tiến hóa mà có, bất cứ một điều gì có thể nói tên, điều đó phải được hoạch định, phải được sáng tạo trước đã.
Một câu hỏi khác: Trong số các phi hành gia của Hoa Kỳ có nhiều tín đồ không?
Đáp: Có rất nhiều, đúng hơn là hầu hết, có thể nói là 75%.
(Thánh Kinh Nguyệt San số 401 tháng 12 năm 1972 Cơ quan bồi linh của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam)
Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng lên tất cả mọi vật tren thế gian và những điều vô cùng kỳ lạ như thời gian, trên hết tất cả Ngài yêu thương loài người đến nỗi ban Con một cho nhân loại. Hãy tìm đến với Đức Chúa Trời để có được sự khôn ngoan thật từ chính Ngài. Chúa phán: “..Các ngươi tìm kiếm ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm ta cách hết lòng”, Giê-rê-mi 29:13.
Muốn thật hết lòng..!
HỒ THI THƠ
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com