Quan điểm của chúng ta đôi khi gió chiều nào theo chiều đó. Chúng ta thay đổi suy nghĩ tùy vào tâm trạng, hoặc vì chúng ta tiếp nhận được thông tin mới, hay khi trưởng thành thì con người ta cũng dễ thay đổi. Đây là một trong những điểm khác biệt giữa chúng ta với Chúa – Ngài mãi mãi y nguyên, không hề thay đổi về bản chất, sự toàn hảo, ý định và lời hứa của Ngài.
Vậy chúng ta phải hiểu như thế nào với một câu như Xuất Ê-díp-tô Ký 32:14, trong đó nói rằng “Đức Giê-hô-va đổi ý không giáng tai họa mà Ngài định giáng xuống trên dân Ngài”? Hay 1 Sa-mu-ên 15:11, có chép, “Ta lấy làm tiếc đã lập Sau-lơ làm vua, vì người đã quay khỏi Ta, không làm theo lời Ta”? Có vẻ như Chúa chắc chắn sẽ thay đổi ý định của Ngài. Phải chăng Ngài cũng mắc sai lầm?
Kế hoạch của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, tư tưởng của lòng Ngài còn đời nầy sang đời kia.Thi-thiên 33:11 |
Những câu này cho thấy có sự biến đổi trong mối quan hệ của Đức Chúa Trời với chúng ta. Ngài ẩn mình đi rồi lại bày tỏ chính mình Ngài. Ngài đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta. Ngài thậm chí còn thay đổi cách cư xử của Ngài với chúng ta tùy vào sự đáp ứng của chúng ta với Ngài. Mối quan hệ của chúng ta với Chúa không hề cố định; đó thực sự là mối quan hệ giữa hai người có năng lực suy nghĩ, ý chí và hành vi.
Tuy nhiên, không có gợi ý nào cho thấy Chúa không biết trước những thay đổi chúng ta thấy trong Kinh Thánh. Khi Chúa “lấy làm tiếc” về một điều gì đó, từ này cũng được dịch là “hối tiếc” hay thậm chí là “hối hận,” Ngài đang hành động theo sự biết trước tối thượng. Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 32, Đức Chúa Trời biết dân Ngài sẽ ăn năn, nên Ngài cũng biết rằng Ngài sẽ không giáng hình phạt mà Ngài đã đe dọa họ trước đó. Nhưng điều này không làm cho lời đe dọa phán xét trở nên bớt thực tế hơn. Thật vậy, những lời đe dọa và cảnh báo của Chúa là phương tiện để làm thành những ý định của Ngài. Cũng vậy, Đức Chúa Trời biết rằng Sau-lơ sẽ quay lưng lại với Ngài. Điều này không làm cho nỗi đau của Ngài trước sự phản nghịch của Sau-lơ bớt chân thực hơn, nhưng dẫn đến việc Ngài cất vương quốc khỏi tay Sau-lơ.
Cách Chúa hành động như thể Ngài đang đổi ý là một trong những cách Chúa hạ mình xuống ngang tầm với chúng ta để chúng ta có thể hiểu được Ngài. Từ góc nhìn của cõi đời đời, kế hoạch của Ngài không hề thay đổi. Nhưng Đức Chúa Trời giao tiếp bằng ngôn ngữ của chúng ta bởi vì từ góc nhìn hữu hạn của chúng ta, đấy giống như sự thay đổi. Điều Ngài thực sự đang bày tỏ là không có sự mâu thuẫn nào giữa khả năng biết trước của Ngài và trách nhiệm của chúng ta. Chúa biết chúng ta sẽ làm gì, Ngài nắm quyền kiểm soát tối cao, nhưng chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình. Từ góc nhìn hạn chế của chúng ta, những lẽ thật đó có vẻ mâu thuẫn, nhưng từ quan điểm của Chúa thì chúng hoàn toàn nhất quán. Quyền tể trị và sự biết trước của Đức Chúa Trời không giúp chúng ta thoát khỏi trách nhiệm tội lỗi hoặc cho phép chúng ta lười biếng trong đời sống thuộc linh. Đúng hơn là, chúng ta có trách nhiệm tìm kiếm Chúa, ăn năn tội lỗi và cố gắng hết sức để vâng lời Chúa. Và đổi lại, Ngài đáp lại lời cầu xin lòng thương xót của chúng ta.
Tác giả: Nancy Taylor & Philip Ryken
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com