Home Chuyên Đề Câu Chuyện Về Người Đàn Bà Sa-ma-ri Bên Giếng Và Những Điều Đáng Suy Ngẫm

Câu Chuyện Về Người Đàn Bà Sa-ma-ri Bên Giếng Và Những Điều Đáng Suy Ngẫm

by Sưu Tầm
30 đọc

Tại sao câu chuyện về người đàn bà bên giếng nước lại là bước ngoặt đối với phụ nữ, không chỉ Cơ Đốc giáo nói riêng mà còn trên thế giới? “Người đàn bà bên giếng nước” hay người đàn bà Sa-ma-ri là một câu chuyện nổi tiếng, trong đó Chúa Giê-xu tiết lộ Ngài là ai với phụ nữ. Câu chuyện có thể được tìm thấy trong Giăng chương 4.

Nam giới ở thế kỷ thứ nhất hiếm khi bắt chuyện với phụ nữ ở nơi công cộng. Trên thực tế, phụ nữ vào thời điểm đó và trong nền văn hóa đó bị coi là tài sản và không được trao bất kỳ địa vị xã hội nào. Họ không được bỏ phiếu, không được vào bên trong nơi thánh, họ không có tiếng nói trong gia đình và họ rất lo sợ nếu bị chồng để bỏ. Trong câu chuyện này chúng ta thấy những người nữ phải lấy nước sinh hoạt cho cả nhà, bao gồm cả những người nam, họ phải làm việc nặng nhọc và không được đánh giá cao về những cống hiến của mình cho gia đình.

Người Sa-ma-ri bị người Do Thái coi là “ngoại lai”. Họ là sự pha trộn giữa chủng tộc Do Thái và người ngoại giáo. Họ bị đối xử như con lai của người Mỹ bản địa kết hôn với người da trắng. Có rất nhiều sự căm ghét và kỳ thị đối với người Sa-ma-ri đến nỗi khi người Do Thái đi đến xứ Giu-đê, họ sẽ chọn đi đường vòng để tránh đi vào địa phận của người Sa-ma-ri.

Một điều gây sốc khác là Chúa Giê-xu, một người nam thánh thiện, đã bắt chuyện với một người phụ nữ tai tiếng. Lý do chị này đi lấy nước vào buổi trưa – thời điểm nóng nhất trong ngày – là vì chị muốn tránh mặt những người khác, chị biết họ coi thường mình vì đời sống tình cảm phức tạp và chị đã tái hôn nhiều lần. Điều tệ hơn là người phụ nữ này đang sống như vợ chồng với một người đàn ông không phải chồng mình. Ngay cả đối với người Sa-ma-ri, điều này cũng khó chấp nhận. Người nữ Sa-ma-ri này phải lấy nước vào thời điểm nóng nhất trong ngày, trong khi phần lớn phụ nữ lấy nước vào sáng sớm, trước khi mặt trời lên cao. Sự kỳ thị mà người phụ nữ này phải chịu đựng trong cộng đồng chắc hẳn rất gay gắt. Chị hẳn đã bị tất cả những người sống ở đó xa lánh, vì vậy hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của chị khi Chúa Giê-xu đến và bắt chuyện với chị. Ngài thậm chí còn gọi chị là “người phụ nữ” (câu 21), một dấu hiệu của sự tôn trọng và phẩm giá mà chị không tìm thấy ở bất cứ đâu vào thời điểm đó.

Cơ Đốc giáo và phụ nữ

Trong nhiều thế kỷ, phụ nữ ở hầu hết mọi nền văn hóa đều bị coi là tài sản và không được tôn trọng. Nếu một người nữ đứng phát biểu trước công chúng, cô có thể bị ném đá. Nếu nấu bữa tối không được vừa miệng, cô có thể bị bị chồng ly hôn. Nếu người chồng không còn yêu vợ mình nữa, anh ta có thể chỉ cần viết cho cô ấy một tờ để – và tòa án (do nam giới thống trị) sẽ luôn đứng về phía người chồng. Do đó, phụ nữ không có địa vị xã hội và không có vị thế kinh tế. Đàn ông thời đó coi gia súc quan trọng hơn phụ nữ… Nhưng Cơ Đốc giáo thì khác. Chúa nâng cao địa vị của phụ nữ lên thành những người đồng thừa kế trong sự cứu rỗi và có địa vị bình đẳng với nam giới trước mặt Chúa.

Phi-e-rơ khuyên những người làm chồng hãy “quý trọng vợ như phái yếu hơn, vì họ sẽ cùng anh em thừa hưởng ân điển sự sống, để không có điều gì ngăn trở sự cầu nguyện của anh em” (1 Phi-e-rơ 3:7). Phao-lô nói, “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, xả thân vì Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5:25) – điều này chắc chắn khá lạ lẫm trong các nền văn hóa và quốc gia thời đó và trong vô số thời đại trước đó.

Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại và trong hầu hết mọi tôn giáo trên thế giới, phụ nữ được nâng lên một địa vị mà họ xứng đáng có được; là những người đồng thừa kế trong xã hội và đồng thừa kế ơn cứu rỗi của Đấng đã dựng nên họ – cả nam và nữ – theo ảnh tượng của Ngài. Chúa xem trọng phụ nữ như nam giới. Chúa không thiên vị ai cả. Ngài không thiên vị bất kỳ giới tính nào. Ngay cả khi vẫn còn những nơi trên thế giới phụ nữ bị coi là thấp kém và hạ đẳng, nhưng với Chúa, họ ngang hàng với nam giới. Cơ Đốc giáo là tôn giáo đầu tiên trên thế giới coi trọng phụ nữ và trao cho họ một vị trí xứng đáng với danh phận của họ. Chúa Giê-xu đã chết cho những người nữ cũng như Ngài đã chết cho những người nam. Ngài đã gánh hết mọi sự rủa sả trên những người nữ cũng như những gì Ngài đã làm cho những người nam. Nên nếu Ngài chọn một người nữ và đặt để nàng ở một vị trí mà Ngài muốn ban cho nàng thì chúng ta là ai mà có quyền ý kiến?

Nam giới hãy hiểu rằng phụ nữ rất quý giá đối với Chúa đến nỗi Ngài đã hy sinh cho họ. Ngài đã chọn để tượng hình bên trong một người nữ và được sinh ra bởi người nữ; Ngài cũng chọn hiện ra với một người nữ sau khi Ngài phục sinh. Trong suốt lịch sử Hội Thánh, Chúa cũng nhiều lần sử dụng những người nữ một cách mạnh mẽ như cách Ngài sử dụng những người nam. Chúa đang nói rằng phụ nữ xứng đáng được tôn trọng và có thể làm chứng nhân cho Ngài. Trong văn hóa Do Thái và nhiều nơi khác trên thế giới, phụ nữ không được lái xe, không được phát biểu trước công chúng và thậm chí không được làm chứng hoặc buộc tội ai đó trước tòa án. Chúa đã thay đổi tất cả những điều đó. Thật đáng buồn khi nhiều người nam vẫn còn giữ tư tưởng trọng nam khinh nữ và cảm thấy khó chấp nhận khi phụ nữ giữ chức vị cao (hơn mình). Chúa luôn đúng và Ngài có quyền thực hiện ý Ngài muốn dù chúng ta có đồng ý hay không.

Chúa đã lấy một xương sườn của A-đam và tạo ra Ê-va. Đối với tôi, điều này có nghĩa là người nữ phải sát cánh với người nam. Thế giới cần được giúp đỡ để bắt kịp tình yêu vô điều kiện và sự đối xử bình đẳng với phụ nữ mà Chúa dành cho họ. Đó là lý do tại sao Chúa Giê-xu trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng nước. Ngài làm gương. Đó là lý do tại sao nam giới cũng phải tôn trọng phụ nữ như cách Chúa Giê-xu đối xử với họ. Đó là điều Chúa muốn chúng ta làm.

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: whatchristianswanttoknow.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like