Thường vào cuối tháng 12 bước sang tháng 1, nhiều người sẽ đưa ra các quyết tâm cho năm mới. Có thể đó là quyết tâm bỏ thuốc lá, thân thiện hơn với mọi người hoặc… giảm cân. Tuy nhiên, có một quyết tâm đứng trên tất cả những quyết tâm khác, đó là quyết tâm đặt niềm tin vào công cuộc cứu rỗi của Chúa Giê-xu Christ và sống cho Ngài.
Cầu nguyện nhiều hơn
Rất nhiều lần, khi tôi tranh chiến, phương sách cuối cùng của tôi là cầu nguyện. Đáng lẽ đó phải là phương sách đầu tiên của tôi, nhưng tôi thường cố gắng tự mình giải quyết mọi việc mà không ‘làm phiền’ Chúa. Sau đó, khi mọi thứ không diễn ra như tôi mong đợi, và đôi khi còn trở nên tồi tệ hơn, tôi chợt nhận ra rằng tôi nên mang vấn đề của mình đến với Chúa trước nhất. Phao-lô nói với chúng ta, “Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Giê-xu” (Phi-líp 4:6-7). Ai lại không cần thêm một chút bình an? Tôi nghĩ Ma-thi-ơ 6:25-34 cũng có thể đặt cạnh câu này, “…Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho các con mọi điều ấy nữa…”
Năm vừa qua có những thăng trầm mà tôi đã xử lý theo nhiều cách khác nhau; một số theo cách của Chúa, một số thì không theo cách của Chúa. Tuy nhiên, mỗi lần tôi cố tình phó thác mọi sự trong tay Chúa, Ngài đều giải quyết tình hình theo cách vượt xa bất cứ điều gì tôi từng nghĩ đến…lần nào cũng vậy. Năm nay, tôi muốn sắp xếp các ưu tiên của mình sao cho phù hợp với ý muốn của Chúa, để mọi nỗ lực của tôi đều phù hợp với những gì Ngài muốn nơi tôi.
Đọc toàn bộ Kinh Thánh
Kinh Thánh có một Tác giả; có nhiều người viết, nhưng chỉ có một Tác Giả. Từ trang đầu đến trang cuối, Kinh Thánh phán với tấm lòng chúng ta. “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống động và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, xuyên thấu đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, phán đoán các tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12). Kinh Thánh bắt đầu bằng sự sáng tạo và kết thúc bằng cõi đời đời. Tôi nhớ mình đã cảm thấy phước hạnh như thế nào khi lần đầu tiên đọc Kinh Thánh. Thật vậy, có một số phần khó hiểu, và có nhiều lần tôi không hiểu hết những gì mình đang đọc. Tuy nhiên, khi đọc từ đầu đến cuối, tôi thấy mọi thứ khớp với nhau… và điều đó có ý nghĩa hơn nhiều đối với tôi. Kinh Thánh giúp tôi hiểu Chúa hơn, và bản thân điều đó khiến cho việc đọc Kinh Thánh đôi khi khó khăn trở nên xứng đáng từng giây từng phút.
Học Lời Chúa nhiều hơn
Giăng 6:68 cho chúng ta biết Chúa Giê-xu có lời của sự sống đời đời. Không có quyển sách nào sánh bằng Kinh Thánh. Không có quyển sách triết học, khoa học, toán học, y học hay bất kỳ môn học nào khác của con người lại có nền tảng cho mọi thứ như Kinh Thánh. Tầm quan trọng của việc nghiên cứu Lời Chúa không thể bị xem nhẹ. Kinh Thánh nói rằng, “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính” (2 Ti-mô-thê 3:16). Nếu chúng ta muốn biết Đức Chúa Trời và cách để làm đẹp lòng Ngài, chúng ta phải nghiên cứu Lời Ngài.
Yêu thương gia đình nhiều hơn
Nhiều lúc, sự hối hả và nhộn nhịp của cuộc sống khiến chúng ta có rất ít thời gian quý báu để dành cho những người thân yêu của mình. Chúng ta quá bận rộn với công việc, sự nghiệp, sở thích, thậm chí là việc hội thánh, khiến thời gian dành cho gia đình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, gia đình là món quà của Chúa; và chúng ta không được bỏ bê những món quà tuyệt vời này. Gia đình, đặc biệt là người bạn đời, là chỗ dựa tinh thần của chúng ta. Chúa đã thiết lập gia đình khi tạo ra A-đam và Ê-va rồi mang họ đến với nhau; điều này cho thấy Ngài rất coi trọng gia đình; chúng ta cũng nên như vậy.
Trở thành một nhân viên tốt hơn
Mỗi ngày, tôi càng nhận ra mình được phước biết bao khi có công việc để làm. Vì vậy, tôi nên cố gắng sống với đức tin của mình tại nơi làm việc để tôn vinh Chúa. Tôi là nhân chứng cho Ngài ở bất cứ nơi nào tôi đến, và tôi dành rất nhiều thời gian ở nơi làm việc. Những đồng nghiệp biết tôi là Cơ Đốc nhân đang nhìn cách tôi sống. Một số người hy vọng rằng tôi sẽ giữ vững đức tin của mình; những người khác tin rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi tôi sa ngã. Tuy nhiên, mọi người đang dõi theo tôi và tôi muốn đại diện cho Cứu Chúa của mình tốt nhất có thể.
Phi-líp 2:15 cho chúng ta biết rằng chúng ta phải “trở nên không chỗ trách được và thanh sạch, là con cái toàn hảo của Đức Chúa Trời giữa một thế hệ xảo quyệt và sa đọa; giữa thế hệ đó, anh em hãy chiếu rạng như ánh sáng trong thế gian.”
Chăm sóc bản thân tốt hơn
Khi có tuổi, tôi nhận ra rằng cơ thể này không còn mạnh mẽ như trước nữa. Nếu tôi không chăm sóc bản thân và không thể sống trọn số ngày Chúa định cho tôi chỉ vì lối sống không lành mạnh, tôi đã không tôn trọng đền thờ của Ngài. Do đó, tôi nên chăm sóc bản thân mình tốt hơn.
Chia sẻ Phúc Âm cho nhiều người hơn
Tôi thích trình bày Phúc Âm của Cơ Đốc giáo cho những ai cần nghe. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mục tiêu của biện giáo không chỉ đơn thuần là giành chiến thắng trong một cuộc tranh luận, mà là giới thiệu mọi người đến với Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế. Tôi muốn kết thúc mọi bài diễn thuyết bằng sứ điệp Phúc Âm về sự cứu rỗi thông qua đức tin nơi Chúa Giê-xu Christ. Tôi cầu nguyện rằng Chúa sẽ hướng dẫn những suy nghĩ và động cơ của tôi để mọi điều tôi nói và làm trong quá trình thảo luận biện giáo sẽ thu hút mọi người đến với Ngài. “…hãy tôn cao Đấng Christ là thánh, là Chúa trong lòng anh em. Luôn sẵn sàng để trả lời những kẻ chất vấn về niềm hy vọng trong anh em, nhưng phải ôn tồn và trân trọng.” (1 Phi-e-rơ 3:15)
Tôi muốn khích lệ mỗi người chúng ta hãy đánh giá lại hành trình theo Chúa của mình để xem chúng ta có ‘bước đi cách xứng đáng’ với Chúa hay không. Nếu không, có lẽ đã đến lúc đưa ra một số quyết tâm mang tính cách mạng mà sẽ giúp chúng ta thay đổi bản thân mình theo hướng tích cực, ngay ở hiện tại và cả trong cõi đời đời.
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: whatchristianswanttoknow.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com