Home Chuyên Đề Lúc Khởi Đầu…

Lúc Khởi Đầu…

by Viethungpham.com
30 đọc

Mã DNA là bằng chứng không thể chối cãi cho thấy Chúa tạo ra sự sống. Sự thật này đã được TS Werner Gitt chứng minh một cách khoa học trong cuốn sách của ông, “Khởi đầu đã có thông tin”. Thực ra, tên cuốn sách này là sự nhắc lại một thông điệp của Kinh Thánh: “Khởi đầu đã có Ngôi Lời” (Giăng 1:1) …

Bất chấp nhiều bằng chứng khoa học cho thấy ắt phải có Chúa, nhiều nhà khoa học vẫn khăng khăng không chịu thừa nhận sự thật này. Nhưng câu hỏi “mã DNA từ đâu mà ra?” đã đẩy họ tới bế tắc nếu họ không thừa nhận Chúa, đến nỗi tờ The Guardian ở Anh ngày 26/01/2019 đã viết: “Nếu sinh học được định nghĩa như một nghiên cứu về sự sống thì nó đã thất bại trên định nghĩa này”[1]. Tại sao thất bại? Vì nó vĩnh viễn không biết ai viết ra mã DNA, như chúng ta sẽ thấy trong câu chuyện hôm nay.

“Khởi đầu đã có thông tin”

Năm 1865, một linh mục ở Tu viện Thánh Thomas thuộc Dòng Augustine ở Brno, Austria, là Gregor Mendel đã đưa ra một tiên đoán lạ lùng không ai hiểu, rằng trong sự sống ắt phải tồn tại những đơn vị rời rạc làm công việc di truyền, mà ông gọi là “elemente”. Sau 35 năm chìm trong im lặng, Di truyền học Mendel được tái khám phá vào năm 1900. Các nhà khoa học bừng tỉnh, lao vào tìm kiếm “elemente”, lúc này được gọi là các “gene”. Năm 1910, Thomas Hunt Morgan khám phá ra rằng gene sắp xếp thành chuỗi dọc theo nhiễm sắc thể bên trong nhân tế bào, nhờ đó ông được tặng Giải Nobel về sinh lý học và y khoa năm 1933. Năm 1953, tiên đoán của Mendel hoàn toàn trở thành hiện thực khi James Watson và Francis Crick khám phá ra cấu trúc của DNA – phân tử di truyền chứa các gene, nhờ đó hai ông được tặng Giải Nobel về sinh lý học và y khoa năm 1962. Những khám phá liên tiếp này đã dẫn tới một nhận thức cách mạng về bản chất của sự di truyền và bản chất của sự sống: hóa ra sự di truyền được thực hiện theo một chương trình chính xác đáng kinh ngạc – các phân tử và nguyên tử không ngẫu nhiên tập hợp lại để hình thành nên sự sống như thuyết tiến hóa rao giảng, mà tập hợp lại theo một chương trình nghiêm ngặt bao gồm những thông tin hướng dẫn được viết bằng 4 chữ cái (các ba-zơ) là A, T, C, G, sao cho tế bào hình thành theo đúng những thiết kế có mục đích rõ ràng và xác định.

Tương tự như hệ điều hành của computer chứa thông tin điều khiển computer, chương trình kiến tạo sự sống cũng chứa thông tin điều khiển sự sống. Nói cách khác, sự sống chỉ có thể hình thành và hoạt động khi có thông tin của sự sống, tức mã DNA. Có nghĩa là thông tin của sự sống phải có ngay từ đầu, trước khi sự sống hình thành, giống như hệ điều hành của computer phải có ngay từ đầu, trước khi computer đi vào hoạt động. Hiển nhiên là hệ điều hành của computer do nhà lập trình của computer viết ra, vậy chương trình kiến tạo sự sống do ai viết ra? Nói cách khác, ai là tác giả của mã DNA?

Một giải thưởng trị giá 10 triệu USD hiện vẫn đang được treo để sẵn sàng trao cho bất kỳ ai tìm được câu trả lời hợp lý, ngoại trừ câu trả lời cho rằng Chúa là tác giả của mã DNA.

Đây là một giải thưởng khoa học lớn chưa từng có, lớn gấp 10 lần Giải Nobel, nhưng rất ít sách báo và kênh truyền thông đưa tin, nhất là những sách báo và kênh truyền thông ủng hộ thuyết tiến hóa. Họ im lặng đến mức gần như tảng lờ giải thưởng này. Tại sao vậy? Có lẽ vì họ biết khoa học động lực học (vật lý, hóa học) hoàn toàn bất lực trước câu hỏi này. Tình trạng bế tắc đến nỗi tờ The Guardian ở Anh ngày 17/06/2019 đã viết: “Nếu sinh học được định nghĩa như một khoa học nghiên cứu bản chất sự sống thì nó đã thất bại” (If biology is defined as the study of life, on this it has failed to deliver)[2]? Tại sao lại thất bại? Vì sinh học không biết mã DNA từ đâu mà ra!

Werner Gitt, với tư cách là một chuyên gia hàng đầu về khoa học thông tin, khẳng định mạnh mẽ rằng các khoa học thuần túy dựa trên vật lý và hóa học sẽ thất bại trước câu hỏi này, vì thông tin là một thực thể phi vật chất (non-material entity) không bao giờ nẩy sinh từ bản thân vật chất, mà luôn luôn bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh.

Để vượt qua thách đố này, chỉ có một lựa chọn duy nhất hợp lý: thừa nhận một nguyên nhân nằm bên ngoài sự sống tạo ra thông tin của sự sống, nguyên nhân ấy được gọi là Nhà lập trình cho sự sống, hoặc Chúa, tùy theo văn hóa của bạn. Sự thừa nhận này không phải là một niềm tin mơ hồ, huyền bí, mà là một lập luận logic dựa trên Định lý Gödel – định lý khẳng định rằng mọi hệ logic đều cần đến một chỗ dựa nằm bên ngoài nó. Vấn đề này sẽ được thảo luận thêm, nhưng ngay bây giờ có thể khẳng định rằng mã DNA là một bằng chứng khoa học không thể chối cãi của Chúa – Tác giả của mã DNA!

Tất cả những nhận định nói trên đều đã được trình bày một cách hệ thống, chi tiết, khúc chiết, logic, sắc bén và hoàn toàn thuyết phục về mặt khoa học bởi Werner Gitt, một trong những nhà khoa học thông tin hàng đầu thế giới hiện nay, nguyên Giám đốc Viện Vật lý và Công nghệ CHLB Đức, trong cuốn sách nổi tiếng của ông, “In the beginning was information” (Khởi đầu đã có thông tin), ra mắt lần đầu tiên ngày 01/12/2000.

Sau khi trình bày những nguyên lý nền tảng của thông tin phổ quát, Werner Gitt đi tới những khẳng định sau đây:

Mã DNA, tức thông tin của sự sống, là điều kiện tiên quyết và thiết yếu để kiến tạo nên sự sống. Mã DNA phải có ngay từ đầu trước khi có sự sống, giống như một hệ điều hành phải có ngay từ đầu trước khi một chiếc computer đi vào hoạt động. Nói cách khác, không có Mã DNA sẽ không có sự sống. Do đó, bài toán nguồn gốc sự sống quy về bài toán nguồn mã DNA: Mã DNA từ đâu mà ra? Ai viết ra Mã DNA? Vì Mã DNA là thông tin, một thực thể phi vật chất, nên mọi tương tác vật chất thuần túy không thể và không bao giờ tạo ra thông tin. Vậy, mọi lý thuyết về nguồn gốc sự sống thuần túy dựa trên các tương tác vật lý và hóa học sẽ luôn luôn thất bại. Hơn nữa, khoa học thông tin khẳng định rằng thông tin luôn luôn bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh. Vậy câu trả lời duy nhất hợp lý về nguồn mã DNA là thừa nhận Chúa như Nhà lập trình cho sự sống – Người viết ra Mã DNA.

Chú ý rằng khoa học không chỉ có một, mà có nhiều bằng chứng về sự hiện hữu của Chúa, nhưng mã DNA là một bằng chứng đặc biệt có sức thuyết phục mạnh đến nỗi đã biến nhiều người vô thần thành hữu thần, điển hình như:

Antony Flew (1923 – 2010), một nhà triết học vô thần nổi tiếng người Anh trong thế kỷ 20, Giáo sư Đại học Oxford, từng được coi là một lãnh tụ triết học của thuyết tiến hóa, một người mạnh mẽ bác bỏ Chúa vì lý do không có bằng chứng khoa học nào đủ sức thuyết phục ông rằng có Chúa. Nhưng Chúa đã gửi bằng chứng cho ông: mã DNA! Đứng trước bằng chứng này, Flew đã thay đổi lập trường 180 độ và tuyên bố có Chúa. Năm 2007, ông công bố cuốn sách “THERE IS NO A GOD” (Không Có Chúa), gây chấn động giới học thuật, làm cho các nhà khoa học vô thần thất vọng sâu xa, thậm chí họ kết tội ông là kẻ phản bội. Đây, xin lắng nghe ông nói:

Bây giờ tôi tin có Chúa … tôi nghĩ rằng bằng chứng chỉ ra một Trí thông minh sáng tạo gần như hoàn toàn nhờ vào những nghiên cứu về DNA. Điều tôi cho rằng phân tử DNA đã làm được là nó đã cho thấy, bằng sự phức tạp gần như không thể tin được của những sắp xếp cần thiết để tạo ra sự sống, rằng trí thông minh chắc hẳn đã tham gia vào việc làm cho các yếu tố đa dạng lạ thường này hoạt động phối hợp với nhau”. (I now believe there is a God…I now think it [the evidence] does point to a creative Intelligence almost entirely because of the DNA investigations. What I think the DNA material has done is that it has shown, by the almost unbelievable complexity of the arrangements which which are needed to produce life, that intelligence must have been involved in getting these extraordinarily diverse elements to work together)[3].

Francis Collins, nguyên Giám đốc Dự án Bản đồ Gene Người, hiện là Giám đốc Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, đã cho ra mắt cuốn sách “The Language of God” (Ngôn ngữ của Chúa), trong đó ông nói rõ mã DNA là ngôn ngữ do Chúa viết ra, và Chúa của ông vừa là Đấng sáng tạo ra vũ trụ và sự sống, vừa là Đấng quan phòng đến số phận của con người. Thật vậy, ông viết:

Chúa của Kinh Thánh cũng là Chúa của bộ gene. Ngài có thể được tôn thờ trong nhà thờ hoặc trong các phòng thí nghiệm. Công trình sáng tạo của Ngài thật vĩ đại, đáng kính sợ, cao siêu phức tạp và đẹp đẽ tráng lệ” (The God of the Bible is also the God of the genome. He can be worshipped in the cathedral or in the laboratory. His creation is majestic, awesome, intricate, and beautiful).

Độc giả sẽ hiểu rõ ý kiến của Collins hơn nếu biết rằng trong giới khoa học tây phương, niềm tin vào Chúa có hai “cấp độ”: niềm tin mạnh và niềm tin yếu.

Niềm tin mạnh là niềm tin vào một vị Chúa vừa là Đấng sáng tạo ra thế giới, vừa là Đấng quan phòng đến số phận con người. Đó là “Chúa của Abraham, Isaac, Jacob”, theo cách gọi của Kinh Thánh, mà Blaise Pascal thường nhắc lại. Có thể liệt kê một danh sách rất dài những nhà khoa học giỏi nhất tin vào “Chúa của Abraham, Isaac, Jacob” như Nicolaus Copernicus, Blaise Pascal, Isaac Newton, Louis Pasteur, Gregor Mendel, Lord Kelvin, Max Planck, Thomas Edison, Nicola Tesla, Werner Heisenberg, Kurt Gödel, …

Niềm tin yếu là niềm tin vào một vị Chúa chỉ sáng tạo ra thế giới nhưng không bận tâm tới số phận của con người. Pascal gọi vị Chúa này là “Chúa của các nhà khoa học”. Albert Einstein rất tin vào Chúa, là người thường xuyên nhắc tới Chúa, nhưng Chúa của ông chỉ là “Chúa của các nhà khoa học”.

Thật thú vị khi thấy Francis Collins từ một người vô thần đã trở thành một người hữu thần có niềm tin vào “Chúa của Abraham, Isaac, Jacob”. Cái gì đã làm cho một người vô thần như Collins lại trở thành một người hữu thần có niềm tin vào Chúa mạnh như thế? Cuốn “Ngôn ngữ của Chúa” là câu trả lời: các định luật vật lý, luật đạo đức, và đặc biệt, mã DNA và những “phép lạ” kỳ diệu khác là những bằng chứng rõ nhất cho thấy có Chúa.

Đọc “Ngôn ngữ của Chúa”, tôi thầm nghĩ: Con người được sinh ra không phải ngẫu nhiên, mà có một sứ mệnh đặc biệt, đó là nhận biết được sự hiện hữu của Đấng đã sáng tạo ra những điều kỳ diệu mà mình chứng kiến, bao gồm chính bản thân mình, sản phẩm kỳ diệu nhất của Tạo Hóa. Nếu con người không làm việc này thì không tạo vật nào khác sẽ làm, và khi đó vũ trụ sẽ trở thành vô nghĩa. Sứ mệnh của con người là thưởng thức được ý nghĩa của vũ trụ, của sự sống, và cái làm nên ý nghĩa của vũ trụ và sự sống chính là thông tin!

Thông tin tạo nên trật tự, trật tự tạo nên sự sống, sự sống tạo nên con người. Tất cả đều bắt nguồn từ Đấng đã tạo ra thông tin, đó là Chúa, mà sách Phúc âm của Thánh John[4] gọi là Ngôi Lời (The Word).

“Khởi đầu đã có Ngôi Lời”

Một trong những thông điệp bất hủ nhất trong Kinh Thánh là câu mở đầu sách Phúc Âm (Gospel) của Thánh John, nguyên văn tiếng Anh như sau:

● “In the beginning was the Word, and the Word was with God, and the Word was God.” (John 1:1) (bản của NIV – New International Version)

Câu này được dịch ra tiếng Việt với nhiều phiên bản khác nhau đôi chút về từ ngữ, nhưng thống nhất về ý nghĩa. Thí dụ:

● “Đầu tiên đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Kinh Thánh do Toà Tổng Giám mục Hà-nội xuất bản năm 1985, trang 1949)

● “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Kinh Thánh Tân Ước, sách bỏ túi, NXB Tôn giáo Hà-nội, 2014, trang 289)

● “Ban đầu Ngôi Lời đã hiện hữu, Ngôi Lời đã hiện hữu với Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời[5] (Thư viện Tin Lành, Giăng: Chương 1, Ngôi Lời 1, câu 1).

Tại sao Đức Chúa Trời được gọi là Ngôi Lời? Chữ “Word” trong tiếng Anh là “Lời”, tại sao được dịch là “Ngôi Lời”, tức Đức Chúa Trời?

Đây là một câu hỏi khó, liên quan đến học thuật và nghiên cứu Kinh Thánh, xin phép giải thích ở mức tối thiểu như sau: chữ “Word” ở đây được viết hoa, hàm ý một Đấng cao cả đã ban ra “lời” – những đạo luật, định luật, quy luật, chương trình, chỉ thị, mệnh lệnh, hướng dẫn, … nhằm sắp xếp vũ trụ và sự sống thành những tổ chức có trật tự theo ý muốn của Đấng cao cả. Nhưng để hiểu sâu hơn, rõ hơn, phải trở về với cội nguồn của Kinh Thánh.

Kinh Thánh tiếng Việt chủ yếu được dịch từ Kinh Thánh tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, và Kinh Thánh tiếng Anh, tiếng Pháp lại được dịch từ tiếng Hy Lạp hoặc tiếng Do Thái. Chữ “Word” trong tiếng Anh được dịch từ chữ “Logos” trong tiếng Hy-lạp. Vậy chữ “Logos” có ý nghĩa gì?

Trong một bài báo nhan đề “Ý nghĩa và nguồn gốc của câu Khởi đầu đã có Ngôi Lời” (The Meaning and Origin of ‘In the Beginning Was the Word’)[6], TS Oliver Tearle thuộc Đại học Loughborough ở London, cho biết:

Logos là một từ đa nghĩa, và ‘Ngôi Lời’ chỉ là một trong các ý nghĩa của từ này. Thuật ngữ ‘Ngôi Lời’ không xuất hiện trong Cựu Ước, và việc sử dụng thuật ngữ này trong Tân Ước hoàn toàn do cách hiểu của Thánh John. Một nhà nghiên cứu rất thông thái là Isaac Asimov từng liên hệ khái niệm ‘Ngôi Lời’ của Thánh John với triết học của Thales (một nhà toán học và triết học nổi tiếng cổ Hy-lạp). Thales cho rằng thế giới thực sự vận hành theo các quy luật chắc chắn của tự nhiên, và những quy luật này có thể được khám phá bằng lý trí và quan sát. Điều này có nghĩa là Chúa đã tạo ra thế giới dựa trên một nguyên tắc rõ ràng và có thể biết được, và rằng nguyên tắc này là bất biến, không thay đổi tùy tiện. Triết học đó là mầm mống của triết học duy lý. Một trong những môn đồ của Thales là Heraclitus đã sử dụng thuật ngữ Logos để chỉ nguyên tắc duy lý đó. Vì thế, Logos không chỉ có nghĩa là từ ngữ, mà còn biểu thị toàn bộ cấu trúc tri thức hợp lý như Thales và Heraclitus đã mô tả. Và khi thuật ngữ Logos ngày càng được nhiều triết gia sử dụng, nó không chỉ phản ánh một thực thể trừu tượng, mà còn đề cập đến một sự vật, thậm chí là một con người: người đã tạo ra hệ thống tri thức và các nguyên tắc trật tự của thế giới. Khi đó Logos đã được nhân cách hóa. Truyền thống này lan rộng ra ngoài thế giới Hy-lạp, và được tiếp nhận bởi những người Do Thái theo Thiên Chúa giáo Cựu Ước. Vào thời Chúa Jesus, một người Do Thái tên là Philo đã phổ biến thuật ngữ Logos để chỉ khía cạnh lý trí của Đức Chúa Trời. Vì vậy, khi Thánh John bắt đầu viết sách Phúc Âm của mình bằng cách đưa chúng ta trở lại thuở ban đầu – của thời gian và của thế giới vũ trụ – thì đó là lúc ông đang sử dụng thuật ngữ Logos dưới ánh sáng của triết học Hy-lạp này. Vì vậy “Khởi đầu đã có Ngôi Lời” có nghĩa là “Khởi đầu đã có Logos”, có nghĩa là vào lúc khởi đầu của mọi thứ, có một thực thể mà chúng ta gọi là Chúa, Đấng tạo ra những nguyên tắc hợp lý mà mọi thứ đều tuân thủ, mà Thánh John đã viết như thể thi ca: “Khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời”. Nghĩa là, lúc bắt đầu vạn vật đều có Logos, đấng tạo ra mọi thứ. Và Logos không chỉ ở với Chúa, Logos còn chính là Chúa. Như hai câu tiếp theo trong Phúc Âm của Thánh John đã nói, Logos và Đức Chúa Trời là một.

Trong một bài báo khác nhan đề “Câu Kinh Thánh ‘Khởi đầu đã có Ngôi Lời’ nói gì với chúng ta về Chúa?”[7], Mag Bucher đưa ra những giải thích dễ hiểu hơn:

Các triết gia đã sử dụng thuật ngữ “Logos” hay “Ngôi Lời” để biểu thị lý trí siêu phàm xếp đặt vũ trụ thành những tổ chức có trật tự. Trong tiếng Hy-lạp, Logos có nghĩa là từ ngữ, thông điệp, bản tin. Theo Thánh John, “Logos có ngay từ ban đầu, ở cùng Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa”. Nếu lời nói tiết lộ tâm trí của con người thì Chúa Jesus, Con Đức Chúa Trời, được sai đến để tiết lộ tâm trí của Cha Ngài cho thế giới. Dường như đó là lý do rõ ràng nhất giải thích tại sao Con Đức Chúa Trời được gọi là Ngôi Lời.

Tuy nhiên, lời giải thích hay nhất về “Ngôi Lời” nằm trong bài báo “What is the Logos?”[8] (Ngôi Lời là gì?) trên trang “Compelling Truth” (Chân lý thuyết phục):

Logos là một từ Hy-lạp được dịch theo nghĩa đen là từ ngữ, lời nói, sự bày tỏ. Tuy nhiên, trong triết học Hy-lạp, Logos biểu thị lý trí thần thánh hoặc sức mạnh khiến thế giới trở nên có ý nghĩa, tạo ra trật tự thay vì hỗn loạn. Đó là ý tưởng về một từ được thốt lên bởi một giọng nói sống động thể hiện một khái niệm hoặc truyền dạy một học thuyết. Đó là cách các tư tưởng được truyền đạt và đưa vào cuộc sống. Triết học Do Thái có một khái niệm tương tự như Logos của Hy-lạp, trong đó chính Đức Chúa Trời ban sự sống được nhắc đến trong thuật ngữ “Lời của Đức Chúa Trời” (The Word of God). Trong Sáng thế ký 15:1, Kinh thánh nói, “Sau các việc ấy, có lời Đức Chúa trời phán với Abraham trong một khải tượng: “Hỡi Abraham, đừng sợ, ta là khiên thuẫn của ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn”. Các ra-bi (tu sĩ) Do Thái đã dùng cụm từ này, “Lời Đức Chúa Trời,” để chỉ chính Đức Chúa Trời. Vì vậy, cả triết học Hy-lạp và Do Thái đều sử dụng thuật ngữ “Ngôi Lời” để chỉ Đức Chúa Trời, lý trí siêu phàm của Ngài và mối liên hệ của Ngài với thế giới.

Tóm lại, “Logos”, hay “The Word”, hay “Ngôi Lời” chính là Đức Chúa Trời – Đấng đã ban ra “Lời”, những lời thể hiện lý trí thần thánh và siêu phàm của Ngài, bao gồm các chương trình kiến tạo vũ trụ và sự sống, các định luật vũ trụ và sự sống, các chỉ thị, mệnh lệnh, hướng dẫn để tất cả mọi thứ do Ngài tạo ra được tập hợp lại thành những hệ thống tổ chức có trật tự, thay vì ngẫu nhiên và hỗn loạn.

Khái niệm về “Lời” như vừa trình bày ở trên cũng chính là khái niệm “thông tin” trong khoa học thông tin hiện đại. Vì thế, câu Kinh Thánh “Khởi đầu đã có Ngôi Lời” có thể hiểu là “Khởi đầu đã có Đấng ban hành thông tin kiến tạo vũ trụ và sự sống”. Cách hiểu này có thể rút gọn lại thành “Khởi đầu đã có thông tin”, đó chính là phát biểu của Werner Gitt, được lấy làm tựa đề cho cuốn sách rất hay của ông về khoa học thông tin, đồng thời chỉ ra một nguyên lý cơ bản của vũ trụ và sự sống mà Kinh Thánh đã khẳng định từ hai ngàn năm trước: Chúa là Đấng tạo ra vũ trụ và sự sống!

Thật vậy, Phúc Âm của Thánh John đã nói rất rõ:

Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành; không có Người, chẳng có gì được tạo thành. Trong Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng của toàn nhân loại / Through him all things were made; without him nothing was made that has been made. In him was life, and that life was the light of all mankind” (John 1:3-4).

Toàn bộ câu chuyện ở trên cho thấy chưa bao giờ khoa học và Kinh Thánh lại ăn khớp và bổ sung cho nhau một cách rõ ràng và hiệu quả như hiện nay, đúng như Perry Marshall đã nhận xét trong bài báo của ông, nhan đề “Định lý bất toàn của Gödel, đột phá số 1 của toán học thế kỷ 20”:

Không có thời kỳ nào trong lịch sử nhân loại mà đức tin vào Chúa lại trở nên có lý hơn, logic hơn, hoặc hoàn hảo hơn bằng khi nó được hỗ trợ bởi chính khoa học và toán học[9].

Nếu Mã DNA là một hỗ trợ mang tính quyết định của khoa học thông tin đối với đức tin vào Chúa, thì Định lý Gödel là một hỗ trợ quyết định của toán học.

Thay lời kết: Từ Định lý Gödel đến Mã DNA

Một trong những hệ quả triết học sâu sắc nhất của Định lý Gödel là: “Mọi hệ logic đều dựa trên một nguyên nhân nằm bên ngoài nó[10].

Cho đến nay nhiều người vẫn chưa thấm nhuần Định lý Gödel, do đó chưa thấm nhuần hệ quả triết học nói trên. Đó là một hệ quả “chết người” đối với chủ nghĩa tự nhiên – chủ nghĩa cho rằng toàn bộ thế giới là những gì trông thấy và có thể thực chứng, ngoài ra không có gì khác. Định lý Gödel bác bỏ chủ nghĩa tự nhiên khi nó chỉ ra rằng có những thực tại không thể thực chứng – những thực tại nằm bên ngoài thế giới có thể thực chứng hoặc chứng minh. Nguồn mã DNA chính là một thí dụ điển hình cho hệ quả triết học của Định lý Gödel. Vậy hãy trở lại với Định lý Gödel để tìm hiểu sự thật rõ hơn.

Trước khi Định lý Bất toàn (Theorem of Incompleteness) của Kurt Gödel ra đời, hầu hết các nhà toán học đều theo đuôi David Hilbert, lao vào tìm kiếm một lý thuyết toán học hoàn hảo, cho phép chứng minh hoặc bác bỏ mọi sự thật toán học. Nhưng Định lý Gödel ra đời năm 1931 chỉ ra rằng khát vọng của Hilbert là ảo tưởng, không tồn tại một lý thuyết toán học nào như Hilbert mong muốn. Toán học là hệ logic mạnh nhất mà còn “yếu” như thế thì lập tức suy ra rằng không tồn tại bất cứ một lý thuyết khoa học nào đủ mạnh để cho phép giải thích mọi sự thật mà con người có thể nhận thức được, qua giác quan hoặc trực giác. Hơn thế nữa, Định lý Gödel còn chỉ ra rằng mọi lý thuyết đều phụ thuộc vào hệ tiên đề của nó, tức những nguyên nhân nằm bên ngoài lý thuyết đó.

Đó là lý do để GS Tạ Quang Bửu thốt lên: “Cái đúng của toán học nằm bên ngoài toán học”.

Vậy cái đúng của sinh học – khoa học về sự sống – nằm ở đâu, nếu không phải ở bên ngoài sự sống? Câu hỏi này tương đương với câu hỏi: Nguồn mã DNA năm ở đâu?

Theo Định lý Gödel, cái đúng của khoa học về sự sống ắt phải nằm bên ngoài sự sống – Nguồn mã DNA nằm bên ngoài mã DNA. Theo khoa học thông tin, đó là Nhà lập trình của sự sống – Đấng viết ra mã DNA, như mô tả trong hình sau đây:

PVH, 05/05/2023

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com


[1] If biology is defined as the study of life, on this it has failed to deliver. https://www.theguardian.com/science/2019/jan/26/i-predict-great-revolution-physicists-define-life-paul-davies

[2] https://www.theguardian.com/science/2019/jan/26/i-predict-great-revolution-physicists-define-life-paul-davies

[3] https://www.goodreads.com/author/quotes/143385.Antony_Flew#

[4] Tên các vị thánh trong Kinh Thánh tiếng Việt được phiên âm từ nhiều nguồn khác nhau, thí dụ: St John = Thánh Giô-an = Thánh Giăng. Vì thế, để tiện đối chiếu, tra cứu, tránh nhầm lẫn, bài này sẽ viết tên các vị thánh theo bản tiếng Anh, thứ ngôn ngữ phổ biến nhất hiện nay.

[5] http://www.wiki.thuvientinlanh.org/index.php?title=Gi%C4%83ng:_Ch%C6%B0%C6%A1ng_1

[6] https://interestingliterature.com/2021/06/john-in-the-beginning-was-the-word-with-god-analysis-meaning/#

[7] In the Beginning Was the Word, What does this Verse Tell Us about God? https://www.ibelieve.com/faith/in-the-beginning-was-the-word.html

[8] https://www.compellingtruth.org/what-is-the-Logos.html

[9] Xem “Định lý Gödel – Nền tảng của khoa học nhận thức hiện đại”, Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức, 2022, trang 94

[10] Xem “Định lý Gödel – Nền tảng của khoa học nhận thức hiện đại”, Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức, 2022, trang 102

Bình Luận:

You may also like