Home Chuyên Đề CHÚNG TA SẼ ĐẶT TÊN CON LÀ GÌ? – Chương 9: Con Trẻ, Món Quà Của Đức Chúa Trời (Sa-mu-ên)

CHÚNG TA SẼ ĐẶT TÊN CON LÀ GÌ? – Chương 9: Con Trẻ, Món Quà Của Đức Chúa Trời (Sa-mu-ên)

by Sưu Tầm
30 đọc

Nếu bạn có thể chọn một kỹ năng cho con mình, bạn sẽ chọn kỹ năng nào? Liệu bạn sẽ chọn một số kỹ năng thiên về thể chất, chẳng hạn như năng lực để chơi các môn thể thao? Hay bạn sẽ chọn năng khiếu trí tuệ—khả năng học tập và thông thạo các môn học khác nhau? Có lẽ điều bạn quan tâm nhất là con mình có được những kỹ năng xã hội—biết cách kết bạn và duy trì các mối quan hệ bạn bè, sống hòa đồng với người khác, biết cách để làm tốt công việc, biết thể hiện cảm xúc của mình. Hoặc có thể trên hết là bạn muốn con mình có được kỹ năng quản lý tài chính để các con có thể kiếm đủ tiền rồi nghỉ hưu sớm và tận hưởng cuộc sống.

Trong khi tất cả những kỹ năng này đều là những thứ đáng ao ước hoặc thậm chí là cần thiết, tôi tin rằng còn có một kỹ năng quan trọng hơn hết thảy. Kỹ năng này có thể giúp con bạn có được mọi thứ mình cần trong cuộc sống. Kỹ năng tuyệt vời nhất mà con cái chúng ta có thể học được là gì? Khả năng cầu nguyện. Khi một người biết cách cầu nguyện, người đó có câu trả lời cho mọi vấn đề. Người biết cách giải quyết mọi khó khăn và đáp ứng mọi nhu cầu. Người có thể đánh bại mọi kẻ thù mình. Người hay cầu nguyện có nhân cách tốt. Họ biết cách hầu việc Đức Chúa Trời. Bởi vì họ luôn hiệp thông với Đức Chúa Trời và cởi mở với sự dẫn dắt của Ngài, nên Ngài có thể sử dụng họ.

Nhưng cũng giống như bất kỳ kỹ năng nào, khả năng cầu nguyện theo ý muốn của Đức Chúa Trời không phải là điều chúng ta có thể làm được một cách tự nhiên. Học cách cầu nguyện sao để Chúa đáp lời đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự suy ngẫm trong Lời Ngài.

Trong số tất cả những người nam và người nữ mạnh mẽ trong sự cầu nguyện của Kinh Thánh, có lẽ không ai là hình mẫu về khả năng cầu nguyện tốt hơn Sa-mu-ên. Câu chuyện về Sa-mu-ên được bao phủ trong sự cầu nguyện. Không chỉ Sa-mu-ên là một chiến binh cầu nguyện mạnh mẽ, mà chính sự tồn tại của người cũng là câu trả lời trực tiếp cho lời cầu nguyện. Bằng cách xem xét cuộc đời của Sa-mu-ên, chúng ta có thể học được một số bí quyết để thành thạo kỹ năng cầu nguyện và dạy lại những điều này cho con cái chúng ta.

Được sinh ra nhờ lời cầu nguyện

Đời sống của Sa-mu-ên có liên quan gì tới cầu nguyện? Trước tiên, chúng ta thấy rằng Sa-mu-ên được sinh ra nhờ lời cầu nguyện. Sự ra đời của người là một câu trả lời trực tiếp cho những lời cầu nguyện của mẹ người, An-ne. Giống như Ra-chên, An-ne được chồng (là Ên-ca-na) hết mực yêu thương. Tuy nhiên, bà đã không thể sinh con cho ông. Ên-ca-na cũng có một người vợ khác đã sinh được nhiều con trai và con gái. Người này tìm đủ mọi cách để chọc tức An-ne. Mỗi năm khi gia đình đi lên Đền-tạm ở Si-lô để thờ phượng và dâng của tế lễ, An-ne lại bị nhắc nhở về sự son sẻ của mình. Bà thường khóc và không chịu ăn (I Sa-mu-ên 1:1-7).

Chúng ta tìm thấy trong I Sa-mu-ên 1 lời cầu nguyện đầu tiên được ghi lại bởi một người nữ trong Kinh Thánh. Đó là một lời cầu nguyện thì thầm. Bà không cầu nguyện lớn tiếng, nhưng chúng ta biết bà nói gì. Khi An-ne bắt đầu cầu nguyện để xin một con trai, bà đã làm điều đó với sự cay đắng (câu 10). Khi cầu nguyện, bà phát nguyện: “Ôi, Đức Giê-hô-va của vạn quân, nếu Ngài đoái xem nỗi sầu khổ của con đòi Ngài, nhớ lại nó chẳng quên, và ban cho con đòi Ngài một đứa trai, thì tôi sẽ phú dâng nó trọn đời cho Đức Giê-hô-va, và dao cạo sẽ chẳng đưa ngang qua đầu nó” (câu 11). Chẳng bao lâu sau sự cay đắng của bà đã biến thành phước hạnh và sự sầu khổ thành vui mừng, vì Đức Chúa Trời tôn trọng lời cầu nguyện và lời hứa nguyện tha thiết của bà.

Sa-mu-ên thật may mắn khi có một người mẹ luôn cầu nguyện. Ngay cả khi An-ne phải đối mặt với một số hoàn cảnh khó khăn và gây hiểu lầm, điều này vẫn không ngăn cản bà cầu nguyện. Chắc chắn hoàn cảnh của bà ở nhà cũng không mấy dễ chịu. Cảm giác mặc cảm và phiền muộn mà bà phải chịu vì sự son sẻ của mình càng trở nên trầm trọng hơn khi có sự hiện diện của người vợ thứ hai kia, Phê-ni-na cùng các con của bà. Phê-ni-na có thể đã chế nhạo An-ne về việc bà có thể sinh con cho Ên-ca-na trong khi An-ne thì không.

Ngoài ra, An-ne đã không sống ở một thời điểm dễ dàng trong lịch sử. Đó là thời điểm chuyển giao giữa thời kỳ các quan xét và thể chế quân chủ. Đất nước bị chia rẽ về mặt chính trị. Quân Phi-li-tin thì rình rập, chực chờ tấn công. Dân Y-sơ-ra-ên đang gặp nguy hiểm. Về mặt thuộc linh, cả dân tộc đang trong tình trạng bi thảm. Chúng ta đọc trong I Sa-mu-ên 3:1: “Trong lúc đó, lời của Đức Giê-hô-va lấy làm hiếm hoi, và những sự hiện thấy chẳng năng có [ít khi xảy ra].” Đức Chúa Trời không bày tỏ chính mình Ngài cho dân Ngài nữa. Sự thờ phượng của họ chỉ dựa trên truyền thống đã chết. Ngoài ra, thầy tế lễ Hê-li không phải là một người tin kính (2:27-36). Các con trai của ông đều gian ác và đồi bại (câu 12). Mặc dù thế giới mà con trẻ sinh ra sẽ đầy nguy hiểm và xấu xa, An-ne vẫn khao khát có một con trai.

Tôi có nghe một vài cặp vợ chồng nói thế này, “Thế giới ngày nay tồi tệ đến mức chúng tôi thậm chí không nghĩ đến việc có con.” Tuy nhiên, theo như tất cả những gì chúng ta biết, thì con trẻ đó có thể là công cụ Chúa sẽ sử dụng để làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Như chúng ta sẽ thấy ở phần sau, Sa-mu-ên đã trở thành câu trả lời cho những nan đề của Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời đã nghe lời cầu nguyện của Sa-mu-ên cho dân tộc mình và ban cho dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng trên người Phi-li-tin (xem chương 7). Những lời cầu nguyện của Sa-mu-ên đã đoàn kết cả dân tộc và làm mới lại sự dâng mình của họ đối cùng Đức Chúa Trời (xem chương 8-12).

Các cặp vợ chồng đôi khi cũng xem con cái là yếu tố cản trở hạnh phúc của họ. Nhưng cha mẹ đừng bao giờ coi con cái là gánh nặng. Thay vào đó, hãy nên xem các con như một phước lành từ Chúa. Thi-thiên 127:3 nói với chúng ta, “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng.” Có vẻ mỉa mai khi chúng ta thấy rất nhiều người trong Kinh Thánh cầu nguyện cho vấn đề con cái, trong khi xã hội ngày nay lại đang săn lùng những đứa trẻ vô tội. Trẻ em ngày nay đang sống trong một thế giới nguy hiểm. Chúng ta nghe nói có rất nhiều em nhỏ bị bắt cóc hoặc lạm dụng bởi chính cha mẹ và những người thân hoặc bị lợi dụng trong ngành công nghiệp khiêu dâm và các tội lỗi khác. Các chương trình và quảng cáo trên truyền hình lợi dụng trí óc cởi mở, dễ tiếp thu của các em để trục lợi. Giống như An-ne, nhiều người ngày nay đang cầu xin Chúa ban cho họ những đứa con, trong khi hàng triệu người khác đang sát hại con mình bằng cách phá thai. Phước cho đứa trẻ nào mà sự ra đời của em được cha mẹ mong muốn và cầu nguyện liên tục. Phước cho đứa trẻ nào được sinh ra trong một mái ấm tin tưởng vào lời cầu nguyện.

Khi hoàn cảnh khó khăn và dường như những lời cầu nguyện của chúng ta không được đáp lại, chúng ta có xu hướng ngưng cầu nguyện. Tuy nhiên, đó là những lúc chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn nữa. An-ne có thể đã nản lòng. Chắc chắn bà đã cầu nguyện trong nhiều năm rằng Chúa sẽ cho bà mang thai. Tuy nhiên, ngay cả trong nỗi cay đắng, bà vẫn không ngừng cầu nguyện. Bà thậm chí còn không dừng lại khi bị thầy tế lễ hiểu lầm. Khi thầy tế lễ Hê-li thấy An-ne cầu nguyện không ra tiếng, ông đã tưởng nhầm là bà đang say và quở trách bà (xem I Sa-mu-ên 1:13,14). An-ne thưa rằng, “Chẳng phải vậy, chúa; tôi vốn một đàn bà có lòng buồn bực, chẳng uống rượu hay là vật gì uống say; nhưng tôi giãi bày lòng tôi ra trước mặt Đức Giê-hô-va” (câu 15). Lần cuối cùng bạn cầu nguyện cho con cái hay một gánh nặng nào đó một cách mãnh liệt đến nỗi hành động của bạn bị hiểu lầm là khi nào?

An-ne trung tín và nhiệt thành trong lời cầu nguyện. Đức Chúa Trời đã tôn trọng lời khẩn cầu của bà, và Sa-mu-ên ra đời. Khi con cái Đức Chúa Trời cầu nguyện cách chân thành, trung tín và trông đợi theo ý muốn của Chúa, Ngài sẽ đáp lại những lời cầu nguyện đó theo những cách kỳ diệu.

Được đặt tên từ lời cầu nguyện

Sa-mu-ên được sinh ra nhờ lời cầu nguyện của mẹ người. Bên cạnh đó, người cũng được đặt tên từ lời cầu nguyện. Trong I Sa-mu-ên 1:20 chúng ta đọc thấy: “Đương trong năm, An-ne thọ thai và sanh một con trai, đặt tên là Sa-mu-ên, mà nói rằng: Tôi đã cầu xin nó nơi Đức Giê-hô-va.”

An-ne thọ thai ngay sau khi cầu nguyện với Đức Chúa Trời ở tại Si-lô, bà nhận ra Chúa đã thực sự đáp lời cầu nguyện của mình. Bà biết rằng con trẻ này là một món quà đặc biệt từ Ngài. Bà đã chọn một cái tên phản ánh lẽ thật này. Tên Sa-mu-ên có nghĩa là “Đức Chúa Trời đã nghe thấy” hoặc “Đức Chúa Trời nhậm” trong tiếng Do Thái. Mỗi khi nghe đến tên mình, Sa-mu-ên sẽ được nhắc nhở rằng mình là kết quả của lời cầu nguyện được nhậm. Đây có lẽ là một sự khích lệ dành cho người trong suốt khoảng thời gian khó khăn khi thi hành chức vụ của mình. Không có gì lạ khi Sa-mu-ên trở thành một con người mạnh mẽ trong sự cầu nguyện. Người được sinh ra và được đặt tên qua lời cầu nguyện. Người biết Chúa sẽ làm khi dân sự của Ngài cầu nguyện.

Sa-mu-ên là một nhân chứng sống cho chúng ta ngày nay biết rằng Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện. Khi đối mặt với những thời điểm khó khăn, gánh nặng hoặc những quyết định cấp bách, chúng ta có thể nhớ đến tên “Sa-mu-ên” và nhận ra rằng Đức Chúa Trời cũng sẽ nghe và đáp lại những lời cầu nguyện của chúng ta.

Được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện

Trong khi điều quan trọng là cầu nguyện xin Chúa ban cho món quà con cái và tạ ơn Chúa khi Ngài đáp lại lời cầu nguyện đó, thì điều quan trọng hơn là con cái chúng ta phải được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện. Lưu ý rằng khi Sa-mu-ên chào đời, An-ne đã không ngừng cầu nguyện. Thực ra, bà có lẽ còn cầu nguyện cho người một cách nhiệt thành hơn nữa.

Sau khi sinh Sa-mu-ên, An-ne đã hoàn thành lời hứa nguyện mà bà đã thề với Chúa. Bà đã hứa với Chúa rằng nếu Ngài cho bà một đứa con, thì bà sẽ dâng hiến con đó để hầu việc Chúa. Vậy nên, khi con trai đủ lớn, An-ne dứt sữa cho con rồi đưa con đến gặp thầy tế lễ Hê-li. Bà nói, “Ấy vì đứa trẻ nầy mà tôi cầu nguyện… Vì vậy, tôi cũng dâng nó cho Đức Giê-hô-va; tôi cho Đức Giê-hô-va mượn nó trọn đời nó” (I Sa-mu-ên 1:27,28). Sau khi An-ne thờ phượng Đức Chúa Trời trong Đền-tạm, bà để Sa-mu-ên ở lại với Hê-li để học cách hầu việc Chúa.

An-ne đã hoàn toàn giao Sa-mu-ên cho Chúa. Thường thì nhiều người không ý thức được tác động từ lời hứa nguyện của An-ne. Trong Cựu Ước, chi phái Lê-vi được Đức Chúa Trời chọn để hầu việc Chúa trọn thời gian trong nhà Ngài. Nhưng người Lê-vi chỉ được yêu cầu phục vụ trong 25 năm. Họ bắt đầu ở tuổi 25 và nghỉ hưu ở tuổi 50. Tương tự như vậy, nhiều người đã phát nguyện Na-xi-rê để phụng sự Đức Chúa Trời. Họ không cạo râu hay cắt tóc và chỉ ăn một số loại thực phẩm nhất định như một phần trong sự kết ước của mình. Thông thường, những người đã thực hiện lời thề này chỉ bị ràng buộc trong một thời gian ngắn. Thời hạn thường là 30 ngày. Nhưng cũng có khi kéo dài tới 100 ngày. An-ne đã làm được điều mà trước bà ít ai làm được—bà đã hiến dâng Sa-mu-ên cho Chúa trọn đời người.

Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng biết rằng An-ne đã phải khó khăn ra sao khi bỏ lại đứa con của mình. Không phải chỉ vì bà đã chờ đợi quá lâu để có được con trai này, mà vì bà biết rằng Hê-li không phải là một thầy tế lễ trung tín và các con trai ông lại càng không trung tín. Chắc chắn bà lo lắng về ảnh hưởng của họ đối với Sa-mu-ên. Tôi chắc rằng An-ne đã cầu nguyện cho Sa-mu-ên hàng ngày, cầu xin Chúa bảo vệ người khỏi cái ác.

Giống như An-ne, chúng ta nên sẵn lòng và toàn tâm toàn ý dâng hiến con cái mình cho Chúa và hàng ngày bao phủ các con với lời cầu nguyện. Chúng ta không thể cách ly các con mình khỏi thực tại hoặc khỏi những tội lỗi và cám dỗ của đời này, chúng ta cũng không nên cố gắng làm như vậy. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm cho vững vàng và bảo vệ các con bằng những lời cầu nguyện của chúng ta để các con có sức mạnh vượt qua những ảnh hưởng xấu trong đời sống.

Một khi An-ne đã hoàn toàn giao Sa-mu-ên cho Chúa, bà không cố gắng níu kéo người. Bà để cho người tự phát triển. Mỗi năm, An-ne đến thăm Sa-mu-ên và mang cho người một chiếc áo dài mới (2:19). Chúng ta đọc trong I Sa-mu-ên 2:21: “Còn gã trai trẻ Sa-mu-ên khôn lớn trước mặt Đức Giê-hô-va.” Thật là một cách tuyệt vời để con trẻ trưởng thành! Câu 26 cho biết thêm, “Còn gã trai trẻ Sa-mu-ên cứ lớn lên, Đức Giê-hô-va và người ta đều lấy làm đẹp lòng người.” Trong tay Đức Chúa Trời, sự trưởng thành của Sa-mu-ên gần giống với sự trưởng thành của Chúa Giê-su (xem Lu-ca 2:52). Người đã phát triển một đời sống quân bình và sống cho Chúa trên mọi phương diện—thể chất, trí tuệ, xã hội và tâm linh.

Tôi rất biết ơn những ông bố bà mẹ đã cho phép con cái họ tự do phát triển. Họ ý thức được rằng con cái mình sẽ không còn là em bé nữa, và họ cũng không cố gắng giữ cho các con cứ mãi như vậy. Thay vào đó, họ nuôi nấng các con trong sự khuyên bảo của Chúa và nuôi dưỡng các con bằng lời cầu nguyện của mình.

Mạnh mẽ trong sự cầu nguyện

Bởi vì Sa-mu-ên được sinh ra nhờ lời cầu nguyện, được đặt tên từ lời cầu nguyện và được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, nên người đã trở nên mạnh mẽ trong đời sống cầu nguyện của mình. Chắc chắn tấm gương của An-ne đã ảnh hưởng sâu sắc đến Sa-mu-ên. Người thấy tầm quan trọng và quyền năng của sự cầu nguyện trong đời sống bà và đã bắt chước làm theo cho đời sống mình.

Kết quả là, Sa-mu-ên được biết đến trong Kinh Thánh như một trong những chiến binh cầu nguyện vĩ đại nhất. Thi-thiên 99:6 nói, “Trong vòng các thầy tế lễ Ngài có Môi-se và A-rôn; Trong vòng các người cầu khẩn danh Ngài có Sa-mu-ên; Họ đã kêu cầu Đức Giê-hô-va, và Ngài đáp lại cho.” Giê-rê-mi 15:1 cho biết thêm, “Đức Giê-hô-va bèn phán cùng tôi rằng: Dầu Môi-se và Sa-mu-ên đứng trước mặt Ta, nhưng lòng Ta cũng chẳng hướng về dân nầy. Hãy đuổi chúng nó khỏi trước mắt ta, cho chúng nó đi ra.” Trong những phân đoạn này, Sa-mu-ên được xếp ngang hàng với Môi-se như một người có quyền năng trong sự cầu nguyện. Lời Đức Chúa Trời phán với Giê-rê-mi cho thấy sức tác động từ những lời cầu nguyện của họ, cũng như mức độ tội lỗi của Y-sơ-ra-ên. Thực chất, Đức Chúa Trời phán với Giê-rê-mi rằng, “Ngay cả khi Môi-se và Sa-mu-ên thay mặt dân chúng cầu xin Ta, thì Ta cũng sẽ không thay đổi sự phán xét mà Ta đã định cho chúng.” Sa-mu-ên cũng được liệt kê trong Hê-bơ-rơ 11 giữa vòng những anh hùng vĩ đại của đức tin (xem câu 32).

Sa-mu-ên được nhớ đến như một con người cầu nguyện vĩ đại. Khi mọi người nhìn lại và đánh giá cuộc đời bạn, họ sẽ nhớ điều gì nhất ở bạn? Liệu họ sẽ nói “Bill vui tính lắm” hay “Jane nấu ăn rất ngon”? Tôi tự hỏi liệu có ai trong chúng ta sẽ được nhớ đến như những con người hay cầu nguyện không. Thân thể của Đấng Christ ngày nay rất cần những chiến binh cầu nguyện.

Sa-mu-ên là một quan xét giải quyết các nan đề qua lời cầu nguyện. Khi đọc I Sa-mu-ên, bạn sẽ phát hiên ra người đã giải quyết các nan đề của mình theo cách thuộc linh. Người biết cách điều hành chiến trận thuộc linh. Các quan xét khác sử dụng quân đội và gươm giáo để hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng Sa-mu-ên đã dùng gươm của Thánh Linh—Lời của Đức Chúa Trời—và lời cầu nguyện để xây dựng và bảo vệ đất nước khỏi những kẻ thù nghịch.

Trong I Sa-mu-ên 3, bạn tìm thấy lời cầu nguyện đầu tiên của một con trẻ trong Kinh Thánh. Sa-mu-ên có thể đã là một thiếu niên vào thời điểm đó. Người đang ngủ thì Đức Chúa Trời gọi người ba lần. Mỗi lần như thế, Sa-mu-ên đều tưởng Hê-li gọi mình. Sau khi Sa-mu-ên đến gặp Hê-li lần thứ ba, thầy tế lễ nhận ra Đức Chúa Trời đang gọi Sa-mu-ên. Ông bảo Sa-mu-ên quay trở lại và chờ Chúa phán lần nữa (xem câu 1-9). Cuối cùng, “Đức Giê-hô-va đến đứng tại đó, gọi như các lần trước: Hỡi Sa-mu-ên! Hỡi Sa-mu-ên! Sa-mu-ên thưa: Xin hãy phán, kẻ tôi tớ Ngài đương nghe!” (câu 10). Đây là lời cầu nguyện đầu tiên của Sa-mu-ên được ghi lại trong Kinh Thánh.

Lời cầu nguyện đầu tiên của Sa-mu-ên dạy chúng ta một bí quyết quan trọng của việc cầu nguyện: Cầu nguyện là sự giao tiếp hai chiều. Nếu chúng ta mong đợi Chúa lắng nghe và nhậm lời cầu nguyện của chúng ta, thì chúng ta phải cởi mở và sẵn lòng lắng nghe Ngài. Khi chúng ta nói với Chúa, “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Ngài đang nghe,” thì một ngày nào đó, Ngài cũng sẽ phán với chúng ta, “Hỡi tôi tớ Ta, hãy nói đi, vì Chúa của con đang lắng nghe.” Sa-mu-ên kiên nhẫn chờ đợi Đức Chúa Trời phán và Chúa đã bày tỏ cho người biết về sự phán xét sắp xảy ra cũng như các phước lành hầu đến (xem câu 11-14). Tương tự như vậy, những lời cầu nguyện của chúng ta phải khá hơn một danh sách toàn những lời thỉnh cầu. Chúng ta cũng nên thưa với Chúa, “Lạy Chúa, xin nói cho con biết điều Ngài muốn con biết” rồi sau đó hãy mở rộng tâm trí cùng tấm lòng mình để đón nhận Lời Ngài.

Sa-mu-ên đã làm theo khuôn mẫu cầu nguyện này trong suốt cuộc đời mình. Khi quân Phi-li-tin chuẩn bị tấn công Y-sơ-ra-ên, dân chúng đến gặp Sa-mu-ên và nói, “Xin chớ vì chúng tôi mà ngừng kêu cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi, để Ngài giải cứu chúng tôi khỏi tay dân Phi-li-tin” (7:8). Sa-mu-ên cầu nguyện cho dân sự mình, và Đức Chúa Trời đánh bại kẻ thù.

Khi Sa-mu-ên trải qua sự thất vọng và đau lòng, điều đầu tiên người làm là cầu nguyện. Trong I Sa-mu-ên 8, dân chúng kéo đến gặp vị quan xét già và xin một vị vua. Họ không còn muốn Sa-mu-ên cai trị trên họ nữa, và điều này khiến lòng người tan nát. Nhưng quan trọng hơn hết thảy, Sa-mu-ên có thể thấy trước mọi nan đề sẽ phát sinh từ việc có một vị vua. Người cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời để biết mình phải làm gì (xem câu 6). Cũng vậy, khi cả nước được tái dâng cho Chúa, Sa-mu-ên đã gọi dân chúng lại và cầu nguyện cho họ (xem chương 12). Người đã cho dân sự thấy quyền năng của lời cầu nguyện. Khi Sa-mu-ên cầu nguyện, Đức Chúa Trời ban sấm sét và mưa xuống để chứng tỏ rằng Ngài thực sự đã nhậm lời (Câu 18). Dân sự kính sợ Đức Chúa Trời và xin Sa-mu-ên cầu nguyện cho họ (câu 19). Sa-mu-ên đáp, “Còn ta đây, cũng chẳng phạm tội cùng Đức Giê-hô-va mà thôi cầu nguyện cho các ngươi” (câu 23). Và khi Vua Sau-lơ thất bại thảm hại, Sa-mu-ên đã cầu nguyện suốt đêm cho người (xin xem 15:11).

Sa-mu-ên là người được sinh ra nhờ lời cầu nguyện, được đặt tên từ lời cầu nguyện, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và mạnh mẽ trong sự cầu nguyện. Người đã thành công và được phước trong suốt cuộc đời mình—và hơn thế nữa—người thành thạo kỹ năng cầu nguyện. Phước lành lớn nhất mà những bậc cha mẹ có thể ban cho con cái mình là cầu nguyện. Chúng ta nên thường xuyên nói với các con mình, “Cha mẹ sẽ không ngừng cầu nguyện cho các con để cha mẹ khỏi phạm tội cùng Chúa” (I Sa-mu-ên 12:23). Khi chúng ta làm gương như những bậc cha mẹ hay cầu nguyện, nuôi dưỡng và hướng dẫn con cái trong lời cầu nguyện, thì đến lượt chúng ta sẽ nhận được phước lành lớn nhất mà cha mẹ có thể nhận được—phước lành từ những đứa con hay cầu nguyện.

Tác giả: Warren W. Wiersbe – Giám-đốc điều hành Mục-vụ Back to the Bible

Nguồn: Sưu Tầm

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like