Bạn đã bao giờ bị gia đình ngược đãi chưa? Sếp của bạn có bao giờ nói dối về bạn? Bằng hữu có lúc quên mất bạn? Bạn đã làm thế nào để xử lý những tổn thương này trong cuộc sống? Có một con người trong Kinh Thánh đã trải qua tất cả những sự ngược đãi này. Chàng đã trải qua những đau khổ tột cùng, nhưng chàng đã tìm thấy bí quyết để có một tấm lòng vui vẻ. Người đó, không ai khác, chính là Giô-sép.
Khi đề cập đến tên Giô-sép, chắc chắn trong tâm trí bạn sẽ hiện lên nhiều hình ảnh khác nhau. Bạn có thể nhớ đến Giô-sép, người em trai bị hiểu lầm. Các anh trai đã ghen tị và ghét ông đến mức họ sẵn sàng giết chàng. Tuy nhiên, một đoàn lái buôn đi đến, và rồi họ đã bán chàng làm nô lệ. Hoặc bạn có thể nghĩ về Giô-sép, người làm công trung tín. Chàng trở thành quản gia của Phô-ti-pha, và Đức Chúa Trời ban phước cho chàng. Tương tự như vậy, bạn sẽ nhớ Giô-sép, người tù khốn khổ. Khi bị vợ của Phô-ti-pha cám dỗ, chàng không chịu khuất phục trước sự dụ dỗ của cô. Vì vậy cô đã nói dối về chàng, và Phô-ti-pha đã tống chàng vào ngục. Trong 13 năm, Giô-sép đã đi qua những thăng trầm, trải qua đau khổ và vinh quang. Cuối cùng, ở tuổi 30, chúng ta nhìn thấy Giô-sép, vị thống đốc khôn ngoan. Chàng đã giải mộng cho Pha-ra-ôn và được giải phóng khỏi nhà tù rồi có được vị trí thống đốc Ai Cập. Với tư cách là người có quyền hành đứng thứ hai chỉ sau Pha-ra-ôn, Chúa đã sử dụng Giô-sép để cứu gia đình chàng và nhiều người khác khỏi nạn đói.
Giô-sép thực sự là một con người tuyệt vời. Chàng đã bị hiểu lầm và ghen ghét bởi các anh mình, nhưng chàng không bao giờ ngừng yêu thương họ. Chàng bị chủ ngược đãi, nhưng vẫn làm một người làm công trung tín. Bản thân chàng là một tù nhân khốn khổ, nhưng chàng đã tiếp cận và phục vụ những người bạn tù. Chàng là một thống đốc khôn ngoan, người đã sử dụng quyền hành của mình để giúp đỡ người khác thay vì bản thân.
Bí quyết chiến thắng của Giô-sép giữa đau khổ và nghịch cảnh là gì? Chúng ta tìm thấy bí mật của chàng trong những cái tên chàng đã đặt cho các con mình. Khi Giô-sép được cất nhắc lên vị trí thống đốc, Pha-ra-ôn đã chọn một cô dâu cho chàng. Giô-sép và vợ có hai con trai: “Trước khi đến năm đói kém, thì Ách-nát, con gái Phô-ti-phê-ra, thầy cả thành Ôn, sanh cho Giô-sép hai con trai. Giô-sép đặt tên đứa đầu lòng là Ma-na-se, vì nói rằng: Đức Chúa Trời đã làm cho ta quên điều cực nhọc, và cả nhà cha ta. Người đặt tên đứa thứ nhì là Ép-ra-im, vì nói rằng: Đức Chúa Trời làm cho ta được hưng vượng trong xứ mà ta bị khốn khổ” (Sáng-thế 41:50,52).
Lưu ý rằng Giô-sép đã đặt những cái tên Hê-bơ-rơ cho các con trai mình thay vì tên của người Ai Cập. Tên “Ma-na-se” có nghĩa là “làm cho quên.” Tên “Ép-ra-im” có nghĩa là “kết quả.” Những cái tên này tiết lộ thái độ của Giô-sép về mọi điều đã xảy ra với chàng kể từ khi đến Ai Cập. Thay vì nuôi dưỡng sự tức giận và lòng oán hận, Giô-sép lại bắt đầu nhìn ra mục đích của Đức Chúa Trời trong sự khổ nạn của chàng và có thể tha thứ cho những người đã làm sai với mình. Chàng đã học được ba bài học quan trọng từ những năm tháng đau khổ và nô lệ đó.
Bài học về sự lãng quên
Chúng ta cần học ba bài học mà Giô-sép đã học được từ những thử thách này. Trong khi Giô-sép phải rất khó khăn mới khám phá ra được những lẽ thật này—từ trải nghiệm cá nhân—thì chúng ta không cần phải chịu những đau khổ tương tự. Chúng ta chỉ cần học hỏi từ tấm gương của chàng và áp dụng những bài học này vào các hoạt động hàng ngày của chúng ta.
Những bài học mà Giô-sép đã học được là gì? Bài học số một là bài học về sự lãng quên: “Giô-sép đặt tên đứa đầu lòng là Ma-na-se, vì nói rằng: Đức Chúa Trời đã làm cho ta quên điều cực nhọc, và cả nhà cha ta” (Sáng-thế 41:51). Những năm tháng ở Ai Cập đã dạy cho Giô-sép biết cách tha thứ và quên đi.
Trong số tất cả những nhân vật trong Kinh Thánh, không ai có lý do để nuôi lòng oán hận hoặc tìm cách trả thù hơn Giô-sép. Chỉ cần nghĩ đến cách mà mười người anh của chàng đã đối xử với chàng! Đức Chúa Trời phán với Giô-sép qua hai giấc mơ rằng một ngày nào đó chàng sẽ trở thành một người cai trị và các anh em của chàng sẽ sấp mình xuống trước mặt chàng. Khi Giô-sép kể lại giấc mơ này cho các anh mình, họ ganh ghét và chế nhạo chàng (xem 37:5-11). Lòng đố kỵ của họ nhanh chóng biến thành thù ghét. Một ngày nọ, khi Giô-sép được sai ra đồng, các anh đã nhìn thấy cơ hội để loại bỏ chàng. Họ lập mưu để giết chàng nhưng sau đó bị Ru-bên thuyết phục bèn ném chàng xuống một cái hố. Không nghi ngờ gì nữa, Giô-sép đã van xin để được tha, “Xin đừng làm điều này với em! Em là em trai của các anh mà!” Nhưng họ không chịu nghe lời cầu xin của chàng. Khi những lái buôn Ma-đi-an đi ngang qua, họ đã bán Giô-sép làm nô lệ và cứ đứng yên nhìn chàng bị dẫn qua một nước khác (xem câu 13-28).
Giô-sép cũng có thể phẫn nộ với nhiều người ở Ai Cập đã làm tổn thương chàng. Vợ của chủ, Phô-ti-pha, đã vu khống chàng làm chuyện tệ hại. Và mặc dù Giô-sép trung thành phục vụ Phô-ti-pha nhiều năm và là người làm thân tín nhất của ông, Phô-ti-pha vẫn chọn nghe những lời dối trá của vợ mình hơn là kiểm tra tính xác thực của câu chuyện. Ông đã tống Giô-sép vào tù, nơi chàng có thể sẽ phải ở suốt đời nếu Đức Chúa Trời không can thiệp (xem chương 39). Trong tù Giô-sép chăm sóc các tù nhân khác. Chàng giải mộng cho quan tửu chánh và quan thượng thiện của Pha-ra-ôn. Quan tửu chánh hứa với Giô-sép rằng nếu ông được thả, như lời Giô-sép nói, thì ông sẽ đưa trường hợp của Giô-sép ra trước Pha-ra-ôn nhờ phân xử. Nhưng sau khi được trả tự do, quan tửu chánh đã hoàn toàn quên mất Giô-sép trong suốt hai năm tròn (chương 40). Nếu bạn đã từng giúp đỡ mọi người, để rồi họ không nhớ gì đến bạn, thì bạn biết Giô-sép đã cảm thấy thế nào.
Đức Chúa Trời đã ở đâu trong những thử thách này? Ngài ở ngay bên cạnh Giô-sép. Bất chấp sự đau khổ và khốn cùng của mình, Giô-sép không bao giờ ngừng tin cậy Chúa. Đức tin của chàng đã giúp chàng bước tiếp trong khoảng thời gian khó khăn ấy và cũng giúp chàng nhận ra rằng việc nuôi lòng thù hận sẽ chỉ tạo ra nhiều nan đề hơn mà thôi. Vậy nên, sau này Giô-sép đã có thể nói, “Ta sẽ đặt tên cho con trai đầu này là Ma-na-se, vì Chúa đã giúp ta quên đi những gì ta đã trải qua và những gì nhà cha ta đã làm với ta” (xem 41:51).
Khi chúng ta bắt đầu tập trung vào những tổn thương của mình và oán giận những người đã làm sai với chúng ta, thì chúng ta chỉ đang làm tổn thương chính mình mà thôi. Tuy nhiên, tất cả chúng ta dường như thích bới lại những ký ức về những điều đã xảy ra cho chúng ta trong quá khứ và nhấm nháp những vết thương cũ đó. Chúng ta lãng phí thời gian để nghĩ về những người đã đối xử tệ với chúng ta và tự hỏi liệu Chúa sẽ làm gì để trả thù cho chúng ta. Chúng ta cần nhớ rằng tấm lòng của chúng ta giống như một khu vườn. Bông trái mà chúng ta sản sinh ra phụ thuộc vào loại hạt mà chúng ta gieo trồng. Khi chúng ta gieo những hạt giống của sự giận dữ, ghen tị và oán hận, chúng sẽ sớm nảy mầm thành cỏ dại làm nghẹt ngòi bông trái tốt đẹp của Thánh Linh trong đời sống chúng ta. Khi chúng ta nuôi lòng oán hận người khác, thì chúng ta không làm tổn thương họ nhiều bằng chúng ta làm tổn thương chính mình.
Vậy nghĩa là chúng ta không được nhớ những điều sai trái mà người khác đã gây ra cho chúng ta sao? Không. Khi Kinh Thánh nói về việc quên đi điều gì đó, không có nghĩa là chúng ta phải xóa bỏ hoàn toàn điều đó khỏi tâm trí mình. Điều này sẽ không thể thực hiện được. Trên thực tế, bạn càng cố quên đi điều gì đó, thì điều đó lại càng chôn chặt vào lòng bạn và càng gây ra nhiều phiền muộn. Vậy làm thế nào để chúng ta học được bài học về sự lãng quên này? Bằng cách làm cho người khác những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta. Trong Hê-bơ-rơ 8:12, chúng ta đọc thấy: “Nhân Ta sẽ tha sự gian ác của họ, và không nhớ đến tội lỗi họ nữa.” Điều này được lặp lại một lần nữa trong Hê-bơ-rơ 10:16,17: “Chúa phán: Nầy là giao ước Ta lập với chúng nó sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp Ta vào lòng chúng nó và ghi tạc nơi trí khôn, Lại phán: Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa.”
Trong những phân đoạn này, Đức Chúa Trời đang nói về những tội lỗi chúng ta đã phạm chống lại Ngài. Vì Chúa là Đấng toàn tri và có thể nhìn thấy quá khứ, hiện tại và tương lai, nên Ngài sẽ đi ngược lại bản chất của Ngài nếu xóa sạch toàn bộ ký ức có liên quan đến tội lỗi của chúng ta. Vậy Chúa có ý gì khi Ngài nói với chúng ta rằng, “Ta sẽ tha sự gian ác và không nhớ đến tội lỗi của các con nữa”? Thực tế là Ngài đang nói, “Ta sẽ không chấp nhất tội lỗi của các con. Tất nhiên, Ta biết các con đã phạm những tội gì; trên thực tế, Ta biết nhiều về tội lỗi của các con hơn là các con biết đấy. Nhưng mặc dù Ta nhớ những gì mà các con đã làm, Ta sẽ không lấy đó chống lại các con đâu.”
Khi Giô-sép nhận ra Chúa đã tha thứ cho mình nhiều như thế nào, thì chàng đã có thể noi gương Chúa trong việc tha thứ cho người khác. Mặc dù Giô-sép nhớ tất cả những gì mình đã phải chịu đựng, nhưng chàng đã chuyển những nỗi đau này sang cho Đức Chúa Trời. Chàng nói, “Các anh của con đã phản bội con, Phô-ti-pha và vợ người đã ngược đãi con, và quan tửu chánh đã quên mất con. Con đã trải qua thử thách và hoạn nạn, nhưng con sẽ phó thác tất cả cho Chúa. Con không muốn giữ lại bất kỳ điều nào chống lại những người này nữa.”
Mỗi chúng ta đều có một danh sách những người đã làm tổn thương mình theo cách này hay cách khác. Phản ứng của bạn khi nhìn thấy những người này là gì? Bạn có ngay lập tức nhớ lại những gì họ đã làm với mình hay không? Tôi hy vọng rằng bạn không còn ghi nhớ tội lỗi của họ nữa. Bạn nên đối xử với họ như thế nào? Ê-phê-sô 4:32 cho chúng ta biết, “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” Tướng Anh James Oglethorpe từng nói với John Wesley thế này, “Tôi không bao giờ tha thứ cho ai cả.” Về điều này, Wesley trả lời một cách khôn ngoan, “Vậy thì, thưa ngài, tôi hy vọng ngài không bao giờ phạm tội.” Trong khi chúng ta muốn người khác tha thứ cho mình, thì chúng ta thường không sẵn sàng tha thứ cho người khác. Nếu chúng ta không tha thứ cho người khác, thì chúng ta không nên ngạc nhiên khi những người mà chúng ta đã làm sai đối xử với chúng ta bằng thái độ oán giận và thù địch.
Giô-sép đã có thể vượt qua bất kỳ sự oán hận nào mà chàng có thể cảm thấy bởi vì chàng biết rằng Đức Chúa Trời đang kiểm soát mọi sự. Chàng nhớ lại giấc mơ mà Chúa đã ban cho mình, và chàng biết rằng một ngày nào đó chàng sẽ chiến thắng. Chàng biết rằng những người đã làm sai với mình cuối cùng sẽ phải cúi đầu trước mặt chàng. Giô-sép không sống dựa vào những lời giải thích; chàng sống bằng những lời hứa. Không có lời giải thích nào cho những bất công trong cuộc sống. Cho dù các triết gia và nhà thần học vật lộn với câu hỏi này qua bao nhiêu thế kỷ, họ vẫn sẽ không bao giờ có thể giải thích được những sự bất bình đẳng và những tổn thương trong cuộc sống. Nhưng chúng ta không cần một lời giải thích; tất cả những gì chúng ta cần làm là công bố hàng trăm lời hứa mà chúng ta tìm thấy trong lời của Đức Chúa Trời.
Khi so sánh mình với Giô-sép, chúng ta có thể bị cám dỗ để bào chữa cho hành động của mình, rằng, “Chà, không lạ gì Giô-sép có thể quên được quá khứ. Ông ấy quá thành công. Ông ấy có địa vị, sự giàu có và một gia đình đáng yêu. Ông ấy không phải đối mặt với những nan đề của mình nữa.” Hoặc chúng ta có thể lý luận, “Tất cả chúng ta đều biết rằng thời gian sẽ chữa lành những vết thương cũ. Đơn giản là Giô-sép đã có đủ thời gian để quên.” Nhưng cả hai phát biểu này đều không đúng. Khi chúng ta nuôi lòng oán giận và chất chứa hận thù, thì không có thời gian hay thành công nào có thể khiến chúng ta quên được.
Cách duy nhất để chúng ta có thể thoát khỏi những tổn thương cũ là trao chúng cho Chúa. Phao-lô nói, “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 3:13,14). Khi chúng ta cứ mãi mang theo mớ hành trang cũ kỹ chất đầy những tổn thương và oán hận, thì đôi tay và tấm lòng của chúng ta sẽ không được rảnh rang để đón nhận những gì Chúa muốn ban cho chúng ta ngày hôm nay. Trừ khi chúng ta vứt bỏ quá khứ, nếu không quá khứ sẽ tiếp tục cản trở bước đi Cơ-đốc của chúng ta.
Bài học về sự kết quả
Giống như Giô-sép, chúng ta cần học bài học về sự lãng quên. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần rút ra bài học về sự kết quả. Khi con trai thứ hai của Giô-sép ra đời, chàng đặt tên là Ép-ra-im, cái tên có nghĩa là “kết quả.” Tại sao chàng lại đặt cho con mình cái tên này? “Vì nói rằng: Đức Chúa Trời làm cho [khiến] ta được hưng vượng trong xứ mà ta bị khốn khổ” (Sáng-thế 41:52).
Lưu ý trình tự của những tuyên bố được đưa ra trong Sáng-thế Ký 41:51,52: “Đức Chúa Trời đã làm cho ta…. Đức Chúa Trời đã [khiến] ta….” Giô-sép là người được Chúa tạo dựng. Đức Chúa Trời, Đấng đã dựng nên Giô-sép cũng đã đặt để chàng ở Ai Cập. Và chính những trải nghiệm của chàng ở Ai Cập đã khiến Giô-sép trở thành một người đàn ông thực sự như con người hiện tại của chàng. Chàng đã bước vào lò thử luyện như một khối kim loại còn lẫn tạp chất và bước ra khỏi đó sau khi đã được tinh luyện thành vàng ròng. Đầu tiên, Đức Chúa Trời đã làm cho Giô-sép trở thành một con người mà Ngài có thể sử dụng, rồi sau đó Ngài khiến chàng kết quả.
Nếu bạn muốn kết quả trong đời sống Cơ-đốc của mình, trước hết bạn phải để cho Chúa nhào nặn bạn. Chúa làm điều này như thế nào? Qua thử thách và nghịch cảnh. Chúng ta tìm thấy một minh họa hoàn hảo cho điều này trong tự nhiên. Để một người nông dân có thể thu được trái cây, trước tiên người đó phải cày xới đất và trồng cây. Sau đó người cẩn thận chăm bón và tưới nước cho những cái cây đó. Cuối cùng, cây bắt đầu ra hoa và kết trái. Tuy nhiên, để cây cho nhiều trái, người trồng phải cắt tỉa cành theo thời gian. Cũng như vậy, những thử thách mà chúng ta trải qua sẽ giúp xới tung mảnh đất linh hồn của chúng ta lên và chuẩn bị cho những hạt giống mà Đức Chúa Trời muốn gieo trồng. Sau đó, để đạt đến sự trưởng thành, chúng ta phải chịu khó cắt tỉa theo thời gian. Chúng ta không thể trở thành một Cơ-đốc nhân kết quả nếu không trải qua quá trình chịu khổ này trước tiên.
Bài học về sự thành tín của Đức Chúa Trời
Sự lãng quên và sự kết quả có được là nhờ sự thành tín của Đức Chúa Trời. Thường thì Chúa cho phép con người và hoàn cảnh làm tổn thương chúng ta để Ngài dạy chúng ta bài học về sự thành tín. Những năm tháng đau khổ của Giô-sép đã dạy cho chàng một chân lý quan trọng: Đức Chúa Trời là Đấng kiểm soát mọi sự. Chúa đã cho phép chàng quên đi quá khứ và làm cho chàng được kết quả. Đức Chúa Trời là Đấng đã làm cho cội rễ linh hồn của Giô-sép được đâm sâu và gia tăng đức tin cho chàng.
Thường thì bạn và tôi hay sống theo cảm xúc và hoàn cảnh của mình. Có đức tin chân chính nghĩa là chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời và vâng lời Ngài bất chấp việc chúng ta đang cảm thấy thế nào cũng như hoàn cảnh của chúng ta ra sao. Khi chúng ta sống bằng đức tin, chúng ta không quyết định dựa trên việc chúng ta cảm thấy như thế nào vào lúc này. Nếu Giô-sép sống theo cảm xúc của mình, thì chàng đã sụp đổ. Thay vào đó, chàng tin cậy Chúa và do đó đã học được bài học về sự thành tín của Đức Chúa Trời. Học được bài học về sự thành tín không có nghĩa là chúng ta phải có một đức tin lớn—chỉ là chúng ta đặt niềm tin giản đơn của mình vào sự thành tín lớn lao của Đức Chúa Trời chúng ta.
Khi Giô-sép tin cậy Chúa sẽ chăm lo cho cuộc đời mình, Chúa đã thành tín khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho chàng. Mặc dù vào thời điểm đó, Giô-sép không thể thấy điều ích lợi nào sẽ đến từ những thử thách ở Ai Cập, nhưng cuối cùng thì chàng cũng thấy được Chúa đã hành động qua những thử thách đó như thế nào. Giô-sép nói với các anh mình, “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi” (Sáng-thế 50:20). Chúng ta cũng tìm thấy lẽ thật này được bày tỏ trong Rô-ma 8:28: “Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.”
Tôi thà biết về một điều gì đó còn hơn là nhìn thấy điều đó. Bề ngoài thường là giả dối. Tôi đã từng nhìn thấy những thứ không hề tồn tại. Tôi nhớ lại một đêm nọ thức dậy trong phòng bệnh và nhìn thấy một số thứ mà tôi chưa từng thấy trước đây. Nhưng chúng thực sự không có ở đó. Loại thuốc mà các bác sĩ đưa cho tôi đã khiến tôi tưởng tượng ra nhiều thứ. Tuy nhiên, khi chúng ta biết điều gì đó là sự thật, thì không gì chúng ta thấy hoặc trải nghiệm nào chúng ta có có thể làm lung lay đức tin của chúng ta vào sự thật đó. Vậy nên, giờ chúng ta có thể biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích, ngay cả khi hoàn cảnh dường như không có vẻ gì là như vậy.
Sự thành tín của Đức Chúa Trời cũng được thấy qua sự hiện diện thường trực của Ngài trong đời sống của chúng ta. Chúa đã ở với Giô-sép trong những thử thách của chàng. Nhiều lần trong Sáng-thế Ký 39, chúng ta được nhắc nhở rằng Chúa đã ở cùng Giô-sép (câu 2, 3, 21, 23). Dù Giô-sép ở đâu—trong hầm hố, nhà tù hay cung điện—Đức Chúa Trời vẫn ở cùng chàng. Tương tự như vậy, chúng ta có lời hứa của Chúa: “Và nầy, Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20).
Chúng ta có thể được an ủi trong sự khổ nạn của mình khi biết rằng Đức Chúa Trời sẽ thành tín thực hiện kế hoạch của Ngài vì lợi ích của chúng ta. Chúng ta thấy điều này bởi sự quan phòng của Ngài, bởi sự hiện diện của Ngài và sự chu cấp của Ngài dành cho chúng ta. Khi Giô-sép kêu cầu cùng Chúa, Chúa đã ban cho chàng ân điển, sự kiên nhẫn và sự khôn ngoan mà chàng cần để sống—và trưởng thành—qua những thử thách của mình. Đức Chúa Trời đã hứa ban cho Giô-sép ngôi cai trị, và Ngài đã giữ lời hứa của Ngài. Giô-sép biết rằng Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành mọi điều Ngài đã phán rằng Ngài sẽ làm.
Bạn và tôi biết rằng thập tự giá của Đấng Christ đã giúp chúng ta có thể kinh nghiệm được sự lãng quên, sự kết quả và sự thành tín của Đức Chúa Trời. Nhưng ngay cả Giô-sép cũng được ban cho một bức tranh về điều này (xem Sáng-thế 48). Khi chàng đưa các con trai mình đến trước cha, là Gia-cốp để được người chúc phước, chàng đã cố tình sắp xếp sao để tay phải của Gia-cốp ở trên Ma-na-se (con đầu lòng) còn tay trái của người ở trên Ép-ra-im (con thứ hai). Thay vào đó, Gia-cốp lại bắt chéo hai tay, đặt tay phải lên Ép-ra-im và tay trái lên Ma-na-se. Điều này nhắc nhở chúng ta một lần nữa rằng Đức Chúa Trời từ chối sự ra đời đầu tiên nhưng chấp nhận sự ra đời thứ hai của chúng ta. Và chính tại thập tự giá đó mà sự ra đời thứ hai tức sự sinh lại trở nên khả thi.
Bạn có đang trải qua khó khăn và thử thách? Các thành viên trong gia đình, bạn bè hoặc những người trong Hội Thánh của bạn có làm tổn thương bạn không? Bạn có bị bắt bớ vì đang hầu việc Chúa không? Tất cả những điều này có cám dỗ bạn nuôi lòng oán giận? Trước khi cho phép sự cay đắng bén rễ và đầu độc linh hồn mình, hãy học những bài học mà Đức Chúa Trời đã dạy cho Giô-sép và làm theo những gì chàng đã làm. Đừng cố tự mình xoay sở với các nan đề cũng như cảm xúc của bản thân. Đừng cố tìm cách để lấy ác trả ác cho người khác. Và đừng che giấu sự phẫn uất cũng như oán giận trong lòng. Thay vào đó, hãy giao mọi sự cho Chúa. Hãy xưng tội và tha thứ cho những người đã làm điều sai quấy với mình. Sau đó, hãy cầu xin Chúa ban cho bạn ân điển để quên và phước lành để kết quả vì sự thành tín của Ngài. Để khi Sa-tan cố gắng khơi dậy những tổn thương của bạn, thì bạn sẽ có thể chống cự lại sự thôi thúc muốn đắm chìm vào trong đó một lần nữa bởi vì bạn đã giao hết mọi sự đó cho Chúa rồi. Một khi nan đề của bạn nằm ngoài tầm tay của bạn, thì bạn có thể tin cậy Chúa rằng Ngài sẽ lo chuyện đó. Ngài luôn luôn giữ lời hứa.
Tác giả: Warren W. Wiersbe – Giám-đốc điều hành Mục-vụ Back to the Bible
Nguồn: Sưu Tầm
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com