Home Chuyên Đề CHÚNG TA SẼ ĐẶT TÊN CON LÀ GÌ? – Chương 1: Người Được Nắn Nên Từ Đất Sét (A-đam)

CHÚNG TA SẼ ĐẶT TÊN CON LÀ GÌ? – Chương 1: Người Được Nắn Nên Từ Đất Sét (A-đam)

by Sưu Tầm
30 đọc

Chúng ta nên đặt tên gì cho con? Đôi khi việc chọn tên cho con có thể là một vấn đề khó khăn. Vợ chồng tôi có một vài người bạn không biết đặt tên cho đứa con thứ năm là gì khi bé chào đời. Thực ra, họ vẫn chưa quyết định được cái tên nào cho đến khi đưa cháu bé rời khỏi bệnh viện.

Nếu con của các bạn là con trai, các bạn có thể trở lại với cái tên cổ nhất trong lịch sử loài người—A-đam. Trong một cuộc khảo sát gần đây ở Nebraska, tên A-đam đứng thứ 10 trong số những cái tên phổ biến nhất dành cho bé trai. Nhưng thật ra đây là cái tên mà tất cả chúng ta đều mang, vì tất cả chúng ta đều thuộc đòng dõi A-đam.

Chúng ta hãy xem qua một vài em bé trong Kinh Thánh và nghiên cứu tên của những nhân vật này để xem liệu chúng ta có thể học được những bài học thuộc linh nào từ đấy. Hai chương đầu của sách sẽ không nói gì đến con trẻ vì chúng ta muốn xem xét A-đam và Ê-va, những người đã không bắt đầu sự sống trong hình hài trẻ con. Nhưng chúng ta có thể học được một số bài học quan trọng từ tên của họ.

Chúng ta tìm thấy bản ký thuật về việc tạo dựng A-đam và Ê-va trong Sáng-thế Ký 1:26-28: “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình Ta và theo tượng Ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất. Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.”         

Sáng-thế Ký 2:7 nói thêm điều này: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” Sáng-thế Ký 5:1,2 cho chúng ta cái tên mà chúng ta muốn nghiên cứu: “Đây là sách chép dòng dõi của A-đam. Ngày mà Đức Chúa Trời dựng nên loài người, thì Ngài làm nên loài người giống như Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ, ban phước cho họ, và trong ngày đã dựng nên, đặt tên là người [A-đam].

Tên A-đam có nghĩa là “đất,” có thể là “một loại đất có màu hung hoặc đỏ.” Chúng ta tìm thấy một cái tên có liên quan trong Sáng-thế Ký 25:30—Ê-đôm. Ê-sau được đặt cho biệt danh là “Ê-đôm” hay “đỏ” sau khi ông bán quyền trưởng nam của mình để đổi lấy một bát canh đậu đỏ. Vậy, tên A-đam ám chỉ thứ đất đỏ là chất liệu mà từ đó con người được tạo ra.

Thực ra có bốn từ khác nhau trong tiếng Do Thái được sử dụng chủ yếu cho con người trong suốt Kinh Thánh. Một từ có nghĩa là “đất.” Một từ khác có nghĩa là “phái nam đối lập với phái nữ.” Từ thứ ba có nghĩa là “một chiến binh, một người đàn ông mạnh mẽ.” Từ thứ tư thì nghĩa là “người dễ bị cám dỗ, yếu đuối.” Từ A-đam, có nghĩa là “đất,” rất quan trọng vì từ này dạy chúng ta rất nhiều về bản thân của chúng ta. Thật tốt khi biết được gốc gác của mình, và để chúng ta có mấy lời nhắc nhở rất đặc biệt về xuất thân, cội nguồn, bất cứ khi nào chúng ta nghĩ về cái tên A-đam.

Chúng ta từ đâu đến

Tên A-đam nhắc nhở chúng ta, trước hết là chúng ta đến từ đâu. Đức Chúa Trời đã nắn nên con người từ bụi đất. Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “bụi đất” ở đây bắt nguồn từ chữ “A-đam.” Như Sáng-thế Ký 2:7 nhắc nhở chúng ta, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người [A-đam], hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.

Quan trọng là chúng ta phải nhớ mình đến từ đâu vì điều này giúp chúng ta hiểu mình phải sống thế nào và làm gì với cuộc đời mình. Tôi nghĩ một trong những vấn đề của giới trẻ ngày nay là họ được dạy rằng họ xuất thân từ động vật. Họ lý luận nếu họ tiến hóa từ động vật, thì họ cũng có thể sống như một con vật. Đây là lý do tại sao chúng ta thấy tình trạng vô pháp vô thiên và vô đạo đức ở những người trẻ tuổi—và cả những người trưởng thành—bởi vì con người đang hành động tồi tệ hơn cả con vật.

Được Đức Chúa Trời tạo dựng

Nghĩ đến cái tên A-đam nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được Đức Chúa Trời tạo dựng. Ít nhất có 20 phân đoạn trong Kinh Thánh nói rõ chúng ta được dựng nên bởi Đức Chúa Trời. Chúng ta không tiến hóa—chúng ta được tạo dựng. Chính Chúa Giê-su Christ đã nói về việc dựng nên người nam và người nữ (Ma-thi-ơ 19:4). Trên thực tế, Đức Chúa Trời vẫn đang tham gia vào công cuộc sáng tạo sự sống cho loài người bất cứ khi nào một em bé được thụ thai.

Thi-thiên 139:13-16 nói, “Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm. Khi tôi được dựng nên trong nơi kín, chịu nắn nên cách xảo tại nơi thấp của đất, thì các xương cốt tôi không giấu được Chúa. Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; Số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy.” Nói cách khác, phân đoạn này nói rõ rằng quá trình thụ thai và tượng hình một em bé vẫn do Đức Chúa Trời giám sát.

Điều này không có nghĩa là Chúa chịu trách nhiệm về những gì có thể xảy ra với một em bé vì cha hoặc mẹ của em đã không cư xử phải lẽ. Thật bất hạnh khi một em bé sinh ra bị tật nguyền do sự bất tuân và tội lỗi của cha mẹ. Điều mà tác giả thi thiên đang nhấn mạnh ở đây là Đức Chúa Trời biết về sự thụ thai của mọi em bé. Ngài ở đó để giám sát; và nếu có vấn đề, thì Chúa cũng đã biết hết rồi và sẽ giải quyết vấn đề đó vì sự vinh hiển của Ngài. Hiểu theo nghĩa này tức là Đức Chúa Trời vẫn đang dựng nên con người.

Được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời

Chúng ta được Đức Chúa Trời tạo dựng và chúng ta cũng được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời. “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ” (Sáng-thế 1:27). Điều này có nghĩa là chúng ta có nhân cách. Chúng ta có tâm trí để suy nghĩ, cảm xúc để cảm nhận, và ý chí để đưa ra quyết định. Chúng ta cũng có một khía cạnh thiêng liêng về bản chất của mình. Bạn có nhận thấy trong Sáng-thế Ký 2:7 nói rằng con người là sự kết hợp giữa bụi đất và thần linh không? Đức Chúa Trời đã nắn nên con người từ bụi đất rồi sau đó hà sinh khí vào người. Chúng ta là sự kết hợp của đất và trời. Chúng ta có một bản chất xác thịt đánh bại chúng ta và hạ chúng ta xuống, nhưng chúng ta cũng có một tâm linh bên trong muốn vươn tới Đức Chúa Trời. Những người chưa được cứu có một tâm linh đã chết bên trong họ, nhưng tâm linh đó có thể được hồi sinh nhờ đức tin vào Chúa Giê-su Christ.

Khi bạn nói với con trẻ rằng các con được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, bọn trẻ bắt đầu cảm nhận được chân giá trị của việc được làm người. Nhưng nếu bạn nói với các con rằng các con được tiến hóa từ động vật, thì chúng sẽ hành động như con vật. Vì chúng ta được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời, chúng ta phải chịu trách nhiệm trước Đấng Tạo Hóa của mình. Chúng ta cần phải sống một cách có trách nhiệm, tôn trọng hình ảnh của Đức Chúa Trời tại xã hội của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta sở hữu đều được Chúa ban cho. Việc nhớ rằng chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời giúp chúng ta nhận thức được Chúa đã thực sự làm gì cho chúng ta.

Được dựng nên từ bụi đất

Cái tên A-đam nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đến từ đâu: Chúng ta được Đức Chúa Trời tạo dựng và được dựng nên theo ảnh tượng của Ngài. Nhưng chúng ta cũng được tạo ra từ bụi đất. “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người” (Sáng-thế 2:7). Điều này có nghĩa là con người được cấu thành từ các nguyên tố cơ bản của đất. Con người thường yếu đuối bởi vì người được tạo ra từ bụi đất. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta được làm ra từ thép, nhưng chúng ta thực sự được nắn nên từ bụi đất. Chúng ta thường quên mất mình được tạo ra từ bụi đất và bắt đầu hành động như thể chúng ta bất tử. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời nhớ thành phần cấu tạo của chúng ta và biết những yếu đuối của chúng ta: “Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài, khác nào cha thương xót con cái mình vậy. Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất” (Thi-thiên 103:13,14).

Nói về sự yếu đuối của xác thịt, chúng ta tìm thấy một cụm từ thú vị trong Gióp 4:19: “Phương chi những kẻ ở chòi đất sét được cất trên nền bụi cát, bị chà nát như loài sâu mọt?” Chúng ta thấy trong bối cảnh này Ê-li-pha đang hỏi Gióp một câu hỏi. Trong câu 18, ông nhắc Gióp rằng Đức Chúa Trời “không tin cậy các tôi tớ Ngài, Ngài thường trách sự điên dại của thiên sứ Ngài.” Vậy nên Ê-li-pha đã hỏi rằng, “Huống chi những người nam và người nữ, là những người sống trong chòi đất thì Đức Chúa Trời còn ít chú ý đến họ tới mức nào?Sống trong một ngôi nhà bằng đất sét có nền trên đá thì sẽ không sao cả, nhưng sống trong một ngôi nhà bằng đất sét lập nền trên bụi đất thì thật là nguy hiểm. Trên thực tế, Ê-li-pha nói rằng căn nhà có thể bị phá hủy thậm chí chỉ bởi một con mọt!

Thân thể vật lý của chúng ta giống như một ngôi nhà đất sét làm từ bụi đất. Đó là một minh họa hay cho sự yếu đuối của chúng ta. Nhưng trong đất đó lại có tiềm năng rất lớn. Một bức tranh khác mà chúng ta cần phải xem qua là hình ảnh về người thợ gốm và đất sét. Từ “nắn nên” trong tiếng Hê-bơ-rơ được sử dụng trong Sáng-thế Ký 2:7 là một thuật ngữ của nghề gốm và từ đó được dịch là “thợ gốm” trong Giê-rê-mi 18:4: “Cái bình đã nắn ra bằng đất sét bị hư trong tay người thợ gốm, thì nó lấy mà nắn cái bình khác, tùy ý mình muốn làm.” Đức Chúa Trời tạo ra chúng ta từ đất sét vì đất sét có tiềm năng to lớn.

Chúa muốn tạo ra một điều gì đó từ cuộc đời của chúng ta. Tại sao Ngài lại tạo dựng chúng ta để bắt đầu những chuyện này? Ê-sai 43:7 nói, “Ta đã dựng nên họ vì vinh quang Ta; Ta đã tạo thành và đã làm nên họ.” Thật quá rõ ràng. Đức Chúa Trời tạo ra chúng ta vì sự vinh hiển Ngài. Ngôi nhà bằng đất sét của chúng ta có tiềm năng kỳ diệu. Chúa có thể nhào nặn và uốn nắn chúng ta theo ý muốn của Ngài. Đó là lý do tại sao chúng ta không nên kháng cự Chúa. Chúng ta nên để cho Ngài làm những gì Ngài chọn sẽ làm với chúng ta. “Khốn thay cho kẻ cãi lại với Đấng tạo nên mình! một bình trong các bình bằng đất! Đất sét há dễ nói cùng thợ gốm là người nhồi mình rằng: Ngươi làm chi? hoặc việc ngươi làm ra há nói rằng: Nó không có tay?” (Ê-sai 45:9). Câu này cho thấy sẽ thật là ngu ngốc khi đất sét chất vấn hoặc chống lại người thợ gốm. Đất sét phó mình trong tay người thợ gốm và để cho người tùy ý làm theo cách của mình. Và như Ê-sai 64:8 nhắc nhở chúng ta, “Bây giờ Ngài là Cha chúng tôi! Chúng tôi là đất sét, Ngài là thợ gốm chúng tôi; chúng tôi thảy là việc của tay Ngài.

Bởi vì tất cả chúng ta đều được tạo ra từ cùng một chất liệu—là bụi đất—nên cả nhân loại có một sự thống nhất. “Vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người” (Công-vụ 17:25,26). Ghi nhớ điều này sẽ giúp chúng ta kiên nhẫn và biết thông cảm với người khác. Điều này giúp hạ chúng ta xuống để nhớ rằng mình chỉ là bụi đất.

Chúng ta sẽ đi về đâu

Khi chúng ta nghĩ đến tên A-đam, cái tên này không chỉ nhắc nhở chúng ta từ đâu đến mà còn là chúng ta sẽ đi về đâu. Chúng ta đến từ cát bụi và chúng ta sẽ trở về với cát bụi. A-đam và Ê-va muốn giống như Đức Chúa Trời (xem Sáng-thế 3:5), nhưng cuối cùng họ chỉ còn là cát bụi! Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, Đức Chúa Trời phán với A-đam rằng, “Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây Ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (câu 17-19).

Tội lỗi của A-đam đã mang lại sự chết cho toàn thể nhân loại. Rô-ma 5:12 nói, “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.” Chúng ta đến từ đâu? Từ bụi đất. Chúng ta sẽ đi về đâu? Về với bụi đất. A-đam với tư cách là người đứng đầu của tạo vật cũ đã nhấn chìm vạn vật vào cát bụi của sự chết. Đó là lý do tại sao Chúa Giê-su Christ phải đến thế gian. “Vả, vì chưng bởi một người [A-đam] mà có sự chết, thì cũng bởi một người [Chúa Giê-su] mà có sự sống lại của những kẻ chết. Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại” (I Cô-rinh-tô 15:21,22).

Một ngày nào đó thân thể chúng ta sẽ trở về cát bụi nếu chúng ta chết trước khi Chúa tái lâm, nhưng sẽ có sự phục sinh. Chúa Giê-su sẽ trở lại và làm cho những người chết sống lại; rồi chúng ta sẽ có những thân thể mới. Nhưng cho đến lúc đó chúng ta phải đối mặt với cái chết. “Cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế 3:19). Mọi em bé được sinh ra trên thế gian này đều ngay lập tức phải bắt đầu tranh chiến với sự chết, bởi vì chúng ta đang trở về với cát bụi.

Chúng ta biết cuối cùng mình sẽ đi về đâu, nhưng câu hỏi đặt ra là, Bạn đã chuẩn bị chưa? Bạn có sợ phải đối mặt với cái chết và sự phán xét không? Nếu có, thì bạn sẽ vui mừng khi biết những gì Đức Chúa Trời đã làm cho bạn. “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Chúng ta phải làm gì

Cái tên A-đam không chỉ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta từ đâu đến (bụi đất) và chúng ta sẽ đi về đâu (bụi đất), mà còn cho chúng ta biết chúng ta phải làm gì. Bởi vì A-đam đầu tiên đã đẩy loài người vào cát bụi của sự chết. Đức Chúa Trời đã sai một A-đam khác đến để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta biết điều này từ I Cô-rinh-tô 15:42-49. “Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh hồn sống. A-đam sau hết [Chúa Giê-su Christ] là thần ban sự sống” (câu 45).

Trong phân đoạn này, Sứ-đồ Phao-lô đã làm tương phản A-đam đầu tiên với A-đam cuối cùng. A-đam đầu tiên là đầu của tạo vật cũ. Chúa Giê-su, A-đam cuối cùng là đầu của tạo vật mới. Tại một khu vườn (Ê-đen), A-đam đã thất bại và không vâng lời Đức Chúa Trời, nhưng cũng trong một khu vườn (Ghết-sê-ma-nê), Chúa Giê-su Christ đã thành công bằng cách đầu phục và vâng lời Đức Chúa Trời. Ngài nói, “Xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi” (Lu-ca 22:42). A-đam nói, “ý tôi.” Chúa Giê-su Christ nói, “ý Cha.” A-đam đầu tiên mang tội lỗi và sự chết vào thế gian, nhưng A-đam cuối cùng đã mang sự công bình và sự sống vào thế gian. A-đam đầu tiên là một tên trộm; ông bị bắt quả tang khi đang ăn trộm trái từ một cái cây và bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng. A-đam cuối cùng quay sang một tên trộm và nói, “Quả thật, Ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với Ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43). A-đam đầu tiên ẩn mình sau một cái cây, cố gắng chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời. A-đam cuối cùng bị treo trên cây gỗ mang lấy tội lỗi của bạn và tôi.

A-đam đầu tiên đã đưa chúng ta vào sự khó khăn, hủy diệt, chết chóc và bụi đất. A-đam cuối cùng mang lại chiến thắng và sự sống cho chúng ta—sự sống đời đời và vinh quang vĩnh cửu. Đức Chúa Trời muốn phục hồi hình ảnh của Ngài trong bạn và tôi, và điều đó bắt đầu bằng sự cứu rỗi. “Nếu Tin lành của chúng tôi còn che khuất, là chỉ che khuất cho những kẻ hư mất, cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời….Vì Đức Chúa Trời,là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm!đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Giê-su Christ” (II Cô-rinh-tô 4:3,4,6).

Sự phục hồi hình ảnh của Đức Chúa Trời bắt đầu khi chúng ta để cho ánh sáng của Chúa Giê-su Christ chiếu rọi trong lòng mình. Điều này bắt đầu với sự cứu rỗi; và tiếp tục với sự thánh hóa. Khi chúng ta bước đi với Chúa, hình ảnh của Chúa được làm mới lại trong đời sống của chúng ta. “Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng công việc nó, mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy” (Cô-lô-se 3:9,10). Đó là đời sống Cơ-đốc—được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Và mặc dù một ngày nào đó thân thể chúng ta có thể kết thúc trong bụi đất (nếu chúng ta chết trước khi Chúa trở lại), tâm linh chúng ta sẽ được về với Chúa.

Bước cuối cùng để khôi phục lại hình ảnh của Đức Chúa Trời sẽ là sự vinh hiển—khi chúng ta được giống như Chúa Giê-su Christ. Rô-ma 8:29 nói, “Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài.” Nhưng Chúa Giê-su đã phải nằm trong bụi tro của sự chết để cho chúng ta có thể có được sự sống đời đời (Thi-thiên 22:15). Ngài đã bị rủa sả; Ngài đã gánh chịu mọi buồn phiền, mọi đau đớn, mọi gai góc cho chúng ta vì tội lỗi của A-đam.

Sáng-thế Ký 5:1 bắt đầu, “Đây là sách chép dòng dõi của A-đam.” Ma-thi-ơ 1:1 bắt đầu với “Gia phổ Đức Chúa Giê-su Christ.” Thật chúng ta phải biết ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã sai Chúa Giê-su Christ đến làm A-đam cuối cùng! Sự chết không còn gây kinh hoàng cho chúng ta nữa vì chúng ta có thể mong đợi cho tới ngày được lên thiên đàng. Cái tên A-đam nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đến từ đâu. Chúng ta được Đức Chúa Trời tạo dựng, theo ảnh tượng của Ngài, từ bụi đất; nhưng đất đó có tiềm năng to lớn. “A-đam” cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta sẽ đi về đâu—trở về cát bụi. Bởi tội lỗi của mình, A-đam đã đẩy tất cả tạo vật vào tro bụi của sự chết. Nhưng cái tên A-đam cũng nhắc nhở chúng ta rằng có một A-đam thứ hai, và cuối cùng—Chúa Giê-su Christ. Vì sự chết thay của Ngài cho chúng ta, chúng ta biết mình phải làm. Chúng ta phải tin cậy Ngài để được cứu rỗi. Để khôi phục hình ảnh của Đức Chúa Trời mà tội lỗi của A-đam đã làm cho lu mờ, chúng ta phải đặt đức tin của mình nơi Đấng Christ để được cứu rỗi, thánh hoá và vinh hiển. Bạn có thuộc về Chúa Giê-su Christ, A-đam cuối cùng không? Bạn đã tin Ngài chưa?

Tác giả: Warren W. Wiersbe – Giám-đốc điều hành Mục-vụ Back to the Bible

Nguồn: Sưu Tầm

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like