Chúng ta đã đi được rất nhiều trong quyển sách ngắn này. Chúng ta đều thấy sự vô nghĩa của những quan điểm như mọi tôn giáo đều như nhau, bạn tin điều gì cũng được chỉ cần bạn sống thành tâm, các tôn giáo đều dẫn tới Chúa. Chúng ta thấy rằng Cơ đốc thật sự khó có thể bị đánh đồng là tôn giáo. Tôn giáo đơn giản là hệ thống do con người lập nên để vươn tới Đấng Thánh. Và các tôn giáo đều khác nhau bởi quan điểm của con người về thánh thần rất đa dạng. Nhưng Cơ đốc giáo nhận ra cách tiếp cận này sẽ không bao giờ kết quả. Chúng ta không thể bắt đầu tiếp cận Chúa đến khi chúng ta biết chắc Ngài là ai. Và con người chỉ có thể suy đoán trừ khi và cho đến khi Ngài đến bày tỏ chính Ngài. Đức tin duy nhất trên thế giới tuyên bố Ngài đã làm vậy là đức tin Cơ đốc. Đó là Đức Chúa Trời thực sự đã bày tỏ chính Ngài chứ không chỉ ý muốn của Ngài (như Hồi giáo) cho chúng ta. Hơn thế, Ngài đã giải cứu chúng ta khỏi sự tự tôn và nổi loạn mù loà bằng cách mang lấy gánh tội lỗi của chúng ta trên thập tự giá. Hơn hết, Ngài sống lại và đến sống trong tấm lòng và cuộc đời những người có Ngài thông qua Đức Thánh Linh. Điều này sẽ bắt đầu một mối quan hệ mà sự chết không thể chia cắt. Đó là điểm mấu chốt của Cơ đốc giáo. Như chúng ta đã thấy, đó không phải là một tôn giáo mà là một mặc khải, sự giải cứu và mối quan hệ.
Hiển nhiên điều này dẫn chúng ta đến một câu hỏi. Nếu chúng ta đồng ý là Chúa Giê-su rất đặc biệt, vì chẳng có ai bày tỏ Đức Chúa Trời cho chúng ta, hay triệt để xử lý sự xấu xa của chúng ta, hay phá bỏ rào cản của sự chết hay muốn đến và bước vào cuộc đời của những ai mời Ngài vào – chúng ta nên đáp ứng sao? Chúng ta sẽ làm gì cho Chúa Giê-su?
Chỉ có ba khả năng.
Có thể chúng ta khước từ Chúa Giê-su. Nếu chúng ta làm vậy với nhận thức đầy đủ về những vấn đề kèm theo và hậu quả của sự lựa chọn này, thì chúng ta gặp rắc rối to rồi. Tất nhiên chúng ta luôn có cơ hội đổi ý. Nhưng có thể không. Một cơn đau tim hay tai nạn có thể chấm dứt cuộc đời chúng ta ngay lập tức. Và sau đó, chúng ta sẽ đi tới cõi đời đời không có Chúa. Tôi hi vọng không có độc giả nào có tầm nhìn hạn hẹp sẽ nói “Không, cảm ơn” tới Chúa yêu bạn và phó chính mình cho bạn. Kết quả sẽ thật bất hạnh.
Mặt khác, chúng ta có thể trì hoãn quyết định. Khi xưa, có những người dù được lẽ thật của phúc âm bắt phục, vẫn chẳng làm gì và chỉ chịu báp-têm khi nằm chờ chết! Dù không đến nỗi vậy nhưng thái độ của chúng ta có thể tương tự vậy. “Vâng, có thể tôi có sự thúc giục nhưng tôi không muốn làm gì bây giờ. Rất bất tiện cho các kế hoạch, sự thoải mái và thứ tự ưu tiên của tôi”. Bạn có cho rằng đây là một đáp ứng phù hợp tới Đấng Phao-lô gọi là “Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi”? (Ga-la-ti 2:20). Tôi từng nghe về một người trong toa xe lửa ngạc nhiên khi thấy một người lính chăm sóc tận tình cho người bạn liệt tay chân, thỉnh thoảng ngất đi và liên tục chảy dãi. Khi được hỏi tại sao anh có thể chăm sóc tận tình đồng đội của mình tới vậy thì anh lính trả lời, “Người đàn ông này là một sĩ quan trong Chiến tranh Việt Nam. Tôi ở trong trung đội của anh ta. Anh ta đã hi sinh chính mình cứu tôi khỏi trận lửa lớn. Hậu quả là như mọi người thấy đó. Tôi sẵn sàng làm mọi điều cho anh ta”. Vâng, Chúa Giê-su không mạo hiểm cuộc sống Ngài cho chúng ta. Ngài trao hết thảy. Và chắc chắn sự đáp ứng phù hợp nhất là nói “vâng” tới Đấng đã nói “có” cho chúng ta khi những chiếc đinh nhọn đóng vào thân thể Ngài. Tất nhiên, có một lý do khác cho thấy sự trì hoãn là không khôn ngoan. Kinh Thánh khích lệ chúng ta “hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va đang khi mình gặp được; hãy kêu cầu đang khi Ngài ở gần” (Ê-sai 55:6). Và nếu bạn cảm nhận được Ngài ở gần và quay lưng lại với Ngài, bạn sẽ gặp khó khăn hơn để đáp ứng trong dịp khác. Không phải là không thể nhưng khó hơn vì bạn đã cứng lòng.
Chắc chắn hành động khôn ngoan và biết ơn nên là mở toàn bộ con người bạn với Chúa Cứu Thế. Khó có thể tìm được ngôn từ miêu tả quyết định quan trọng này. Kinh Thánh sử dụng những gì như “tin” Chúa Giê-su, “ăn năn và đức tin”, “đến với Ngài”, “ở trong Ngài”. Điểm mấu chốt của những từ này là Chúa Giê-su và chúng ta có mối quan hệ sống động. Chúng ta kết nối với Ngài. Chúa chủ động để chúng ta kết nối với Ngài và phần của chúng ta là đáp ứng lại. Tôi thích câu chuyện Người con trai hoang đàng (mà tôi đã nhắc đến trước đó) đã xúc động trước tình yêu của cha mà xin làm đầy tớ để rồi thấy mình được tôn trọng bằng những thứ tốt nhất và chào đón như một người con yêu dấu (Lu-ca 15:11-24). Ý nghĩa “trở về nhà” thật cảm động và chính xác! Tôi cũng thích câu chuyện trong sách phúc âm về người đàn ông được hỏi rằng ông có tin rằng Chúa Giê-su có thể cứu con trai bị bệnh của ông. Câu trả lời, “tôi tin; xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi” (Mác 9:24) dường như rất phù hợp giai với đoạn bất an của chúng ta. Nhưng trên hết, tôi thích lời hứa của Chúa Giê-su trong Khải huyền 3:20. Ngài nói:
“Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy…”
Có lẽ bạn từng thấy một bức tranh nổi tiếng minh hoạ lời hứa đó, bởi hoạ sĩ Holman Hunt theo trường phái Raphaelite. Ông vẽ hai bản, một bản treo ở trường Keble, Oxford và bản khác ở Nhà thờ Phao-lô. Đó là một bức tranh bày tỏ ý nghĩa của lời hứa Chúa Giê-su dành cho chúng ta. Có một căn nhà có dây leo bám trên cánh cửa không có tay cầm. Chúa Giê-su đứng người cửa với một cái đèn lồng (bởi Ngài là Ánh sáng của thế gian), mặc áo dài trắng với áo choàng đỏ tượng trưng cho cuộc đời vô tội và cái chết cứu chuộc được nhấn mạnh bằng mão gai trên đầu và bàn tay có dấu đinh gõ cửa. Dây leo ngoài cửa chứng minh Ngài đã đợi lâu lắm rồi. Cửa không có tay cầm cho thấy cửa phải được mở từ bên trong. Tôi yêu lời hứa và hình ảnh đó bởi vì đây là hai điều khiến tôi tin cậy Chúa từ nhiều năm trước.
Quan điểm rất rõ ràng. Ngôi nhà tượng trưng cho cuộc đời chúng ta. Chúa Giê-su, phải đứng bên ngoài, dựng nên căn nhà khi chúng ta sinh ra và chuộc lại với một giá cao trên thập tự giá khi chúng ta, người thuê nhà, đã ăn cắp nó từ tay Ngài. Ngài đã dựng nên nó rồi Ngài mua lại. Ngôi nhà thuộc về Ngài. Ngài đứng đó như một Đấng thánh không thể hiệp cùng với ma quỷ và Đấng phó chính mình chịu cực hình nơi thập giá cho chúng ta. Ngài đứng đó kiên nhẫn gõ cửa. Với tôi, tôi thấy Ngài hẳn đã chờ ở đó nhiều năm rồi. Còn bạn thì sao?
Tại sao Ngài không vào? Vì người thuê không mời Ngài vào. Tôi cho rằng đó là chiều sâu của tội lỗi nhân loại: không phải là làm những điều tệ hại, mà là nuôi dưỡng một thái độ khước từ đi theo ý riêng và để Chúa Giê-su, con người vĩ đại và yêu thương nhất từng sống, ở ngoài cuộc đời chúng ta.
Liệu Ngài có bỏ cuộc? Không. Ngài đứng đó gõ cửa. Lời hứa của Ngài là bước vào cuộc đời của “bất cứ ai” nghe tiếng Ngài và “mở cửa”. Ý của Ngài được bày tỏ rất rõ. Cơ đốc giáo thật nằm ở chỗ có sự hiện diện không thấy được của Chúa Giê-su (tức là Đức Thánh Linh như Cơ đốc nhân thường gọi) sống trong tấm lòng và cuộc đời chúng ta. Chúa Giê-su đề nghị vào – nếu chúng ta có Ngài. Ngài không chỉ đề nghị mà còn hứa rằng bất cứ ai (gồm cả bạn) mở cửa thì Ngài sẽ vào. Không phải “có thể” mà là Ngài sẽ vào.
Thật là một đề nghị kỳ lạ. Đấng Christ sống từ lâu lắm rồi sao có thể bước vào cuộc đời con người? Bằng Đức Thánh Linh hằng sống của Ngài. Đó là cách giải thích tốt nhất của tôi rồi. Còn lại thì tuỳ vào bạn. Bạn có thể và sẽ kinh nghiệm điều đó nếu bạn mời Ngài vào.
Nhưng tôi có phải dọn sạch các việc làm của tôi trước và trang trí lại ngôi nhà? Không. Ngài chấp nhận con người chúng ta, và dần dần Ngài sẽ là người trang trí lại. Nếu chúng ta có thể tự trang trí nhà mình thì Chúa đã không phải rời thiên đàng đến giải cứu chúng ta!
“Nhưng tôi không hiểu hết,” bạn có thể nói vậy. Tôi cũng không hiểu. Bạn có thể hiểu tình yêu như thế nào? Bạn không thể đặt nó trong ống thí nghiệm và phân tích nó. Bạn dang tay chào đón người mình yêu. Đó là cách Chúa Giê-su mời bạn đáp ứng tình yêu của Ngài.
Hành động này phải trả giá đắt sao? Đúng vậy. Bạn sẽ phải trả giá là những tội lỗi ưa thích, vết bẩn trên tấm thảm phòng khách. Chúa Giê-su là người có máy hút bụi. Phần của Ngài là dọn vết bẩn còn phần của bạn là để Ngài làm vậy. Điều này gọi là “sự ăn năn”! Theo Chúa Giê-su, bạn phải trả giá là tội lỗi của bạn, vâng, và sự tự tôn của bạn nữa. Dần dần bạn sẽ bị nhổ đi vài cái dằm và nhận ra Chúa Giê-su mới là chủ trên nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc đời bạn. Sự thuần phục và môn đồ hoá không thể diễn ra ngay, nhưng cần có trong đời sống Cơ đốc. Bạn cũng phải trả giá là sự bí mật của bạn. Bạn thấy đấy, kết quả sẽ không phải là giao dịch bí mật với Chúa Giê-su và mong là không có ai để ý tới. Mọi người sẽ nhận ra nếu bạn trung tín với Chúa. Và Chúa Giê-su nói rõ là nếu chúng ta không xưng nhận Ngài trước mặt người khác thì Ngài cũng sẽ không xưng nhận chúng ta trước Cha trên trời. Sứ đồ Phao-lô lại nói:
“Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu.” (Rô-ma 10:9)
Niềm tin bí mật và tuyên xưng công khai hoàn toàn trái ngược nhau. Vâng, trở thành Cơ đốc nhân phải trả giá. Nhưng không là Cơ đốc nhân còn trả giá cao hơn. Tức là không có sự tha thứ, niềm vui, mối tương giao với Đấng Christ và dân sự của Ngài trên đất, và không có thiên đàng. Trả giá rất lớn. Gần giống như hôn nhân. Bạn nói tạm biệt với đời sống cũ khi bạn đón nhận kết ước mới và công khai bằng lễ cưới và đeo nhẫn mà không bận tâm bị ai thấy. Hơn thế, bạn cố gắng làm vừa lòng người phối ngẫu không phải vì bắt buộc mà vì bạn muốn. Cũng như vậy với Chúa Giê-su. Và không ai quay đầu nhìn lại cuộc đời và nói rằng, “Cái giá phải trả quá lớn để theo Ngài, Chúa Giê-su. Thật không đáng!”
Bạn băn khoăn, “Liệu điều này có bền lâu?” Có. Không phải vì bạn bỗng nghiên trở thành siêu nhân, nhưng vì Chúa hứa rằng Ngài sẽ không bao giờ lìa hay bỏ bạn (Hê-bơ-rơ 13:5). Tức là Ngài sẽ không bao giờ khiến bạn thất vọng hay từ bỏ bạn.
Có lẽ bạn đang hỏi chính mình: “Chính xác tôi có thể bắt đầu mối quan hệ với Chúa Giê-su như thế nào? Dường như chỉ mời Ngài bước vào và làm chủ cuộc đời tôi thì quá dễ rồi”. Dễ nhưng không vô lý đâu. Mọi người thường không hiểu vì họ lỡ phức tạp hoá câu hỏi này. Nghĩ thử xem. Khi ai đó được nhận vào làm, họ phải ký hợp đồng xác nhận phải không? Khi ai đó vào quân đội cũng phải ký giấy xác nhận đúng không? Là một sĩ quan quân đội, tôi phải thực hiện lời thề trung thành trước những người lính. Họ ký, và từ lúc đó họ là những người lính và có được những quyền lợi và thách thức dành cho vị trí đó. Và tất nhiên cũng tương tự như khi chúng ta kết hôn. Người làm lễ hỏi chú rể, “Anh có tiếp nhận người nữ này dù tốt hay xấu, giàu hay nghèo, đến khi cái chết chia lìa không?” và anh ta trả lời, “Vâng”. Câu hỏi tương tự cho cô dâu, và cô cũng trả lời, “Vâng”. Sau đó người làm lễ sẽ đặt tay họ với nhau và tuyên bố họ là vợ chồng. Rồi ông nói, “Điều gì Chúa kết hiệp, không ai có thể chia tách”. Một mối quan hệ mới hoàn toàn bắt đầu và được hoạch địch sẽ kéo dài. Hãy bắt đầu mối quan hệ với Chúa Giê-su bằng một điều tương tự như vậy. Chúng ta nhìn lên Ngài và nói, “Ngài có tha thứ và chấp nhận con bước vào mối quan hệ mật thiết với Ngài?” và Ngài trả lời, “Ta có”. Sau đó chúng ta quyết định chúng ta có bên Ngài dù tốt hay xấu, giàu hay nghèo, đến khi cái chết chia lìa”! Nếu như vậy, thì đây cũng giống như hôn nhân. Và phép báp-têm của Cơ đốc giáo cũng giống như nhẫn trong hôn nhân: đó là dấu hiệu trông thấy của sự khởi đầu cuộc đời mới mà ngày càng tốt đẹp hơn theo năm tháng.
Quyển sách này không giải thích về cuộc sống Cơ đốc sau đó. Tôi đã viết về điều này trong quyển New Life, New Lifestyle (tạm dịch: Cuộc Đời Mới, Cách Sống Mới, Hodder). Nhưng hãy nghĩ về người lính mới: anh ta sẽ có lương, súng trường, đồng phục và nhiều lợi ích khác – nhưng anh cũng phải chịu những huấn luyện cơ bản (ít nhất anh không phải làm một mình mà là với những người khác trong đội). Hãy nghĩ về người vợ mới: cô thấy tài chính của chồng cũng là của cô, nhưng cô phải mang tên chồng và thay đổi chính mình theo cách của anh.
Môn đồ hoá cần sức mạnh của Đấng Christ, bằng cách xin khi cần. Chúng ta phải mặc lấy bộ đồng phục và không hổ thẹn bày tỏ Đấng Christ và các giá trị của Ngài ở chỗ làm và tại nhà. Tức là tìm một nhóm những Cơ đốc nhân khác để được giúp trong những ngày đầu sống như một Cơ đốc nhân: Giáo trình Alpha hiện tại nổi tiếng và dễ tìm nhất. Và nó sẽ giúp bạn liên kết với Đấng yêu thương mà bạn không thấy được. Như thế nào? Như bạn với những người bạn ở xa. Bằng thư từ, người đó cho bạn biết mình là ai, có thể giúp gì được, bạn có thể làm được gì cho người đó, và người đó yêu bạn dường nào. Và với Chúa, bạn có thể phản hồi bằng cách nhấc điện thoại là lời cầu nguyện – nói chuyện với Ngài về những vui buồn, nan đề và những người bạn muốn giới thiệu với Chúa. Đây là một vài cách để tăng trưởng trong mối quan hệ với Chúa Giê-su. Nhưng nó không thể tăng trưởng đến khi nó bắt đầu. Bạn không thể chia sẻ kinh nghiệm của bạn với ai đó tới khi bạn được giới thiệu. Bạn không thể trở thành người phối ngẫu của ai đó tới khi bạn nói “Có”. Vậy bạn phải làm gì? Từ từ. Suy ngẫm về thực tế Chúa Giê-su mang Đức Chúa Trời tới bạn và mong đợi mang bạn đến với Chúa. Ngài chết trên thập tự giá để dọn đường. Ngài còn sống để chào đón bạn và đặt để Thánh Linh không thấy được của Ngài trong tấm lòng bạn, nếu bạn xin Ngài.
“Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy…”
Xin Ngài. Nói những câu đại loại như này, bằng ngôn ngữ của bạn:
“Chúa Giê-su, con đã để Ngài ở ngoài quá lâu rồi. Mời Ngài vào và cho con sự mật thiết với Chúa mà con không thể tìm thấy ở đâu. Xin bước vào hôm nay. Xin vào và ở lại”.
Và sau đó cảm tạ Ngài vì đã đến, giữ lời hứa và nếu Ngài nói Ngài đã vào thì Ngài quả đã nhận lời cầu xin của bạn. Bạn có thể cảm thấy sự khác biệt ngay hoặc không. Điều quan trọng là mối quan hệ được bắt đầu, và bạn có cả cuộc đời và đời đời để phát triển nó.
Nguồn: Sưu Tầm
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com