Home Chuyên Đề Nuôi Dạy Một Em Bé Siêu Nhạy Cảm

Nuôi Dạy Một Em Bé Siêu Nhạy Cảm

by Hongan Doan
30 đọc

Kai, một em bé có làn da mẫn cảm vì vậy thức ăn, sữa tắm, nước giặt, không khí môi trường sống đều phải chắt lọc rất kỹ, vì chỉ một vài thành phần nhỏ cũng có thể tác động rất ghê gớm đến làn da của Kai. Năm đầu tiên mình đã rất vật vã để có thể cân bằng mọi thứ và tìm ra mọi dị nguyên có nguy cơ tác động đến là da của Kai. Thiết nghĩ mọi sự nhạy cảm chỉ dừng ở đó. Nhưng không, sau khi Kai được chữa lành về tình trạng eczema trên da, mình vẫn phải vật vã hàng ngày hàng đêm với vô vàn những sự nhạy cảm khác của con và rồi nhận ra Kairos không chỉ nhạy cảm về da mà còn là một em bé siêu nhạy cảm:

  • Nằm trên người mẹ cả một năm đầu đời.
  • Rất khó vào giấc ngủ và khi ngủ sẽ thức giấc  2 tiếng 1 lần để đòi mẹ.
  • Đến 4 tuổi vẫn cần mẹ ở bên mỗi đêm để xoa dịu trước khi ngủ.
  • Rất khó chịu khi đến nơi đông người.
  • Vô cùng nhạy cảm với âm thanh, chỉ một tiếng động nhỏ hay những lời nói vi vu bên ngoài cũng làm Kai khó chịu.
  • Không thích những điều không sạch sẽ, đi ăn ở hàng quán hơi cũ hay lụp xụp sẽ không ăn, bàn hơi ướt, chén dính chút xíu nước cũng không đụng đến.
  • Bất cứ ai không nói trước mà đụng vào người đều sẽ bị phản ứng dữ dội.
  • Rất nguyên tắc, những gì đã được mặc định nhưng thay đổi đột ngột đều sẽ là ngòi nổ gây kích động cực mạnh.
  • Rất dè dặt trước những trải nghiệm mới và chỉ khi nào dò xét thấy an toàn mới dám làm. Dễ bị kích động hay căng thẳng.
  • Rất sâu sắc, nhưng cũng hay suy nghĩ quá mức và dễ lo lắng.
  • Nắm bắt cảm xúc của người khác rất nhanh nhưng bản thân lại rất khó để kiểm soát cảm xúc, thường quơ tay đánh đá người nhà khi tức giận.
  • Kai được coi là em bé khó tính vì sự khó ăn, khó ở, khó chiều của mình.

Bạn biết đấy, hành trình nuôi dạy một đứa trẻ bình thường đã khó,  nhưng nuôi dạy một đứa trẻ siêu nhạy cảm còn khó hơn gấp nhiều lần.

Mình đã từng tự trách bản thân, là một người mẹ không đủ giỏi vì con mình không tự ngủ được như những đứa trẻ theo easy, đã từng cảm thấy mệt mỏi đến kiệt sức vì hằng đêm phải thức giấc vì con không thể ngủ xuyên đêm như những đứa trẻ khác. Đã từng cảm thấy xấu hổ vì sự phản ứng thiếu lịch thiệp của con ở nơi đông người khi con chỉ vì không chịu nổi tiếng nói chuyện của người xung quanh. Đã từng cảm thấy bất lực vì không thể kiểm soát được cảm xúc bộc phát của con, khi con quờ quạng đánh đấm người khác. Mình đã muốn hét với bản thân và chỉ trích chính mình rằng mình là một người mẹ thất bại. Quan điểm dạy con không bạo lực nhưng con lại dùng sự đánh đấm để bày tỏ sự tức giận của mình, dạy con sự tử tế nhưng con vẫn cư xử bất lịch sự, muốn con tự lập không bám mẹ nhưng con lại không thể rời mẹ… Sau những bất lực mà mình trải qua và dưới ánh mắt chỉ trích của những người xung quanh mình đã từng cho rằng mình thật là một người mẹ tồi.

Kai ngày hôm nay đã trưởng thành hơn rất nhiều, không phải vì con đã thay đổi, mà chính mình là người mẹ gánh vác một đứa con siêu nhạy cảm phải thay đổi. Thay đổi để tin tưởng con nhiều hơn vì không một đứa trẻ nào không muốn làm tốt nếu chúng có thể. Thay đổi để đủ kiên nhẫn hơn với con, điều tiết chính cảm xúc của mình trước những cơn kích động của con để giúp con định hướng được cảm xúc của mình. Thay đổi để lắng nghe con nhiều hơn, giao tiếp với con tốt hơn, và chấp nhận con là chính mình.

Thật ra tất cả những khó khăn mà mình trải qua chỉ là vì mình chưa hiểu được con mà thôi. Phải hiểu được rằng con là một đứa trẻ nhạy cảm, và điều đó không phải là vấn đề nghiêm trọng để mình đem con đi chẩn đoán hay điều trị, đơn giản đó chỉ là một trong những nhóm tính cách khác nhau. Có người có nhóm tính cách giống như cỏ dại, mỏng manh nhưng mãnh liệt, và cũng có người lại như hoa hồng, gai góc nhưng rực rỡ….

Hiểu được rằng sự nhạy cảm của con không phải là vấn đề nhưng chúng là sức mạnh và là món quà từ Đấng Tạo Hoá. Vì:

  • “Những đứa trẻ nhạy cảm cao có hệ thống thần kinh nhận thức nhiều hơn và phản ứng nhanh hơn bình thường. Đặc tính này chỉ xuất hiện ở khoảng 20% trẻ em . – The Highly Sensitive Child.
  • “Những nghiên cứu trên chụp não cho thấy ở những người quá nhạy cảm, các nguồn gương liên quan đến thấu cảm và xã hội hoạt động mạnh hơn. các kết nối với kích thích sáng tạo cũng xuất hiện nhiều hơn” – Tiến sĩ Tracy Cookes
  • Sự nhạy cảm đó chính là khả năng đồng cảm, thấu hiểu cảm xúc và dễ dàng chia sẽ xoa dịu nỗi đau của người khác, giúp con kết nối với xã hội và cộng đồng một cách riêng biệt mà không phải ai cũng có thể làm được.
  • Sự nhạy cảm làm con con có những giác quan thần sầu, những đứa trẻ nhạy cảm với âm thanh sẽ dễ dàng cảm nhận được những rung động nhỏ nhất của âm thanh và nếu đi đúng hướng chúng sẽ dễ dàng kết hợp và tạo ra được những dòng nhạc đặc sắc. Những đứa trẻ nhạy cảm với thị giác sẽ dễ dàng trong việc sáng tạo kết hợp màu sắc tạo ra không gian sống hoặc sáng tạo mỹ thuật ấn tượng.

Là một đứa trẻ nhạy cảm, Kai đã có được:

  • Sự nhạy bén với âm nhạc:  trở thành một em bé đánh trống từ 15 tháng tuổi. Và với thính giác nhạy bén, 4 tuổi đã phân biệt được các âm thanh và cao độ, cường độ, trường độ và âm sắc khác nhau của các nhạc cụ trong một bản nhạc. Ghi nhớ giai điệu rất nhanh, và làm ra được giai điệu mới cho những khúc luyến láy của bản nhạc.
  • Sự sâu sắc về cảm xúc: Kai biết cách đồng cảm và chia sẻ nỗi buồn của người khác rất nhanh. Rất nhạy bén và tinh tế khi an ủi ai đó.
  • Nhận biết chính mình và tiếp xúc với thế giới theo một cách riêng vô cùng sáng tạo: Kai không biết cách để nói ra cảm xúc của mình nhưng lại có thể diễn giải cảm xúc của mình qua hàng ngàn bức tranh vẽ sáng tạo với các màu sắc khác nhau.
  • Sự nhanh nhạy: nắm bắt vấn đề rất nhanh, để ý từng chi tiết, phân loại và sắp xếp chúng một cách rất độc đáo. Luôn biết cách quản lý – tự lên kế hoạch và tự định hướng để hoàn thiện nó.
  • Nguyên tắc và rất chính kiến độc lập, khi đã quyết tâm thì khó có gì có thể xoay chuyển được.
  • Khả năng ghi nhớ và ngôn ngữ: ngoài tiếng mẹ đẻ và tiếng anh như ngôn ngữ chính thứ hai,  Kairos chỉ tham dự vài buổi học ngoại khoá tiếng Nga ở trường, mình cũng không quan tâm nhiều nhưng lại khá bất ngờ khi Kai có thể giao tiếp với những em bé Nga một cách lưu loát.

Mình viết về những điều này  tích cực này của Kai để nhắc nhở bản thân rằng mọi kiểu tính cách đều có ưu nhược điểm khác nhau, điều chắc chắn rằng không có nhóm tính cách nào có ưu điểm hoàn toàn. Vậy nên chúng ta cần hiểu được rằng nhược điểm của nhóm tính cách nhạy cảm là vì chính nó chứ không phải lỗi của con hay của chúng ta. Và khi Đấng Tạo Hoá trao cho bạn nuôi dạy một đứa trẻ nhạy cảm, nghĩa là Ngài cũng trao cho bạn khả năng và năng lực để nuôi dạy tốt đứa trẻ đó. Bạn không phải là người mẹ bất lực, vì năng lực của bạn là bản năng làm mẹ mà Đức Chúa Trời đã trao tặng cho bạn như là sự đảm bảo và món quà đính kèm cho sự nuôi dạy một đứa trẻ nhạy cảm mà Ngài đã ban cho.

Hongan Doan

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like