Home Chuyên Đề Tám Dấu Hiệu Nhận Biết Bạn Cần Được Chữa Lành Nội Tâm Và Cảm Xúc Bên Trong

Tám Dấu Hiệu Nhận Biết Bạn Cần Được Chữa Lành Nội Tâm Và Cảm Xúc Bên Trong

by Hongan Doan
30 đọc

Bạn đã từng bị tổn thương, đã từng trải qua sự đau đớn, cô đơn và dằn vặt? Rồi thời gian trôi qua bạn nghĩ “mình vẫn ổn”, mọi thứ đều đang lặng yên miễn là đừng ai đụng vào. Nhưng bạn biết không? Thật sự không ổn chút nào. Khi không thể đối diện với nỗi đau, con người thường tìm cách phủ nhận nó. Nhưng dù có phủ nhận như thế nào thì sự thương tổn vẫn ở đó, sâu thẳm trong tấm lòng của bạn. Và có một điều chắc chắn, sự thương tổn đó sẽ đeo bám vĩnh viễn không buông nếu như bạn không được Chữa Lành bên trong. Sự thương tổn mà bạn đang mang tưởng chừng như ngủ yên và vô hại nhưng thực tế lại đem đến những cảm xúc tiêu cực và cứ dần kiểm soát bạn trong mọi lối suy nghĩ, cảm xúc hành vi, niềm tin và liên tiếp ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh một cách tiêu cực. Như là làm cho bạn cảm thấy cảm thấy mình vô giá trị, lúc thì cô đơn, hoảng sợ, lúc thì giận dữ, mặc cảm tội lỗi, tự chối bỏ hay ghét bỏ bản thân…Càng để lâu, những viên gạch của sự tổn thương càng chất chứa, sau cùng trói chặt bạn trong ngục tù của sự thương tổn. Rối loạn tâm lý đi kèm như trầm cảm, nghiện ngập, hay tự kết liễu chỉ là kết quả của việc bạn bị bóp nghẹt bởi sự tổn thương đó mà thôi. Chỉ khi bạn được chữa lành bạn mới được giải thoát, an bình và sống trong hạnh phúc. Bạn mới thực sự sống và hiểu được ý nghĩa của cuộc sống.

Sau đây là tám dấu hiệu nhận biết bạn cần được chữa lành nội tâm và cảm xúc bên trong:

1. Nhạy Cảm Với Những Diễn Biến Xung Quanh

Khi tổn thương, con người thường nhạy cảm hơn rất nhiều. Những điều nhỏ nhặt vu vơ, những vấn đề bình thường trong cuộc sống cũng được khuếch đại theo cách nhìn nhận sự việc của một tấm lòng bị thương tổn. “Nhảy cảm” giống như bạn từng có cảm giác người khác không thích mình, từng có suy nghĩ ai đó đang nói xấu mình, rồi từng mặc cảm rằng người ta đang chỉ trích mình.

“Tình yêu thương chẳng nghi ngờ sự dữ”(I Cô-rinh-rô 13:5).

Một tấm lòng không chứa tình yêu là một tấm lòng không khoẻ mạnh. Vậy nên nếu bạn đang trong trạng thái nghi ngờ, quá nhạy cảm với những diễn biến xung quanh, hãy nhìn nhận một sự thật rằng: bạn đang mang một tấm lòng bị tổn thương. Tấm lòng bị tổn thương đó đã không còn đủ chỗ cho tình yêu, không đủ chỗ cho sự bao dung, cảm thông hay chỉ là nhìn nhận vấn đề theo nghĩa thiết thực nhất. Tấm lòng đó chỉ còn lại là sự nghi ngờ, suy nghĩ tiêu cực và gặm nhấm với nỗi đau.

2. Mặc Cảm Tội Lỗi (bị định tội)

Mỗi ngày bạn đều bị tiếng nói lương tâm lên án (mình xấu xa, không xứng đáng, dơ bẩn, ngu ngốc…) những tiếng nói định tội cứ liên tục vang lên, khiến bạn bị dằn vặt trong đau đớn, bạn bị cầm giữ và trói buộc, cảm giác đầy tội lỗi. “Khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi.” (Rô-ma 7:21) Bạn muốn đến gần Chúa, muốn thoát ra khỏi vũng bùn sai lầm mà mình đã mắc phải, nhưng sự định tội cứ cuốn lấy bạn, nói với bạn rằng bạn không còn xứng đáng nữa, không còn được yêu thương và chấp nhận nữa, Đức Chúa Trời ghê tởm và chán ghét tội lỗi của bạn dường nào. Và rồi những lời định tội đó, khiến bạn mặc cảm và xa cách những mối quan hệ lành mạnh, xa cách Hội Thánh và xa dần khỏi sự hiện diện của Chúa. Và bởi sự định tội đó mà bạn quên mất một Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ, chậm giận và hay thay đổi tai vạ. Một Đức Chúa Trời đang quan tâm và sẵn sàng tha thứ, xoá bỏ mọi vách ngăn khi bạn quay trở lại ăn năn với Ngài.

3. Sợ Hãi – Lo Lắng, Căng Thẳng Liên Tục

Khi bị tổn thương con người sẽ không thể chịu được áp lực cao nên dễ dàng rơi vào trạng thái căng thẳng lo âu và sợ hãi. Sự nóng giận hay mất kiểm soát cũng từ đó mà bọc lộ ra. Tấm lòng tổn thương không thể nuôi hy vọng ở trong tim, vì vậy niềm tin – sự tin tưởng đều bị phai nhạt dần. Mất dần sự tin tưởng nơi các mối quan hệ và đức tin nơi Đức Chúa Trời nên con người bên trong dần mất đi năng lực và đóng băng cảm xúc. Làm sao có thể vui vẻ hạnh phúc khi trái tim cứ mãi ở trong nỗi đau? Những cảm xúc tiêu cực cứ chi phối mạnh mẽ thì những cảm xúc tích cực sẽ dần tan biến. Vậy nên bạn cần được chữa lành không những nội tâm sâu thẳm bên trong kia mà cả những cảm xúc bất ổn cũng cần được thay thế bằng tình yêu và niềm tin vui.

4. Khó Chịu Trong Việc Chịu Trách Nhiệm

Khi A-đam phạm tội ông đổ lỗi cho vợ, Ê-va lại đổ lỗi cho con rắn, và nhiều tình huống khác trong Kinh Thánh cho chúng ta thấy rõ bản chất đổ lỗi của con người. Khi bị tổn thương, con người thường có xu hướng đổ lỗi cho nan đề hơn là chịu trách nhiệm cho thái độ hành vi và suy nghĩ của mình. Khi đổ lỗi cho môi trường sống, cho hoàn cảnh gia đình, cho các mối quan hệ xung quanh nghĩa là con người vẫn chưa sẵn sàng để đối diện với nỗi đau và để Chúa hành động và chữa lành nỗi đau đó. Thật ra việc đổ lỗi chỉ đánh lừa bản thân người đó, và chối bỏ trách nhiệm chứ không thể thay đổi nan đề. Đổ lỗi chỉ chứng minh cho một tấm lòng đang quá tổn thương, bất lực, và không thể chịu được áp lực của việc chịu trách nhiệm. Khi càng không dám đối diện với nỗi đau bạn sẽ càng phải đối diện với những nan đề khác nối tiếp theo sau mà không có cách để giải quyết. Chữa lành để đem lại sức mạnh đối phó với nỗi đau. Là cách để ta sửa chữa lỗi sai và chấm dứt những chuỗi sai lầm khác sẽ kéo theo sau đó.

5. Vô Cảm

Vô cảm là một cơ chế phòng vệ của não bộ khi đối diện với nỗi đau. Vô cảm chính là lá chắn của cảm xúc, để bảo vệ con người khỏi những tổn thương nối tiếp sau đó. Vô cảm được hiểu theo góc độ tâm lý là như vậy, nhưng vô cảm không giúp chúng ta giải quyết được nỗi đau, nó chỉ giấu nỗi đau bên trong và đóng băng cảm xúc bên ngoài. Càng ngày, xã hội càng có nhiều người vô cảm, đơn giản vì họ có quá nhiều nỗi đau bên trong chưa được xử lý. Một người nữ không còn cảm xúc với bất kỳ người nam nào nữa vì những nỗi đau của người cũ trong quá khứ cứ liên tục khoá chặt cô trong sự vô cảm. Một đứa trẻ lớn lên đầy ích kỷ, không quan tâm đến người khác vì một tuổi thơ đầy bạo hành và thương tổn. Sự vô cảm khiến chúng ta đóng băng cảm xúc, và không thể mở lòng ra lần nữa. Nhưng có một Đấng yêu ta thật nhiều, muốn che chở, muốn chăm sóc, muốn bên cạnh vỗ về nhưng vì sự vô cảm ta đã không thể đón nhận được Ngài. Sự vô cảm cũng khiến ta sống trong một cuộc sống đầy ảm đạm, hoài nghi. Vô cảm không thể bảo vệ con người khỏi những tổn thương đúng nghĩa, nhưng chỉ là đang nhốt người đó trong căn phòng của những nỗi đau và dần lấy đi sức sống. Để rồi một tấm lòng thương tổn sẽ không thể tận hưởng được cuộc sống tươi đẹp mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng. Chữa lành để ta lại có thể kết nối với những điều tuyệt diệu xung quanh.

6. Nỗi Sợ Sâu Sắc Mình Bị Bỏ Rơi

Người tổn thương có một ao ước mãnh liệt rằng mình được quan tâm, được coi trọng, được yêu thương và được bảo vệ. Ao ước càng mãnh liệt thì nỗi sợ bị bỏ rơi lại càng sâu sắc.Bạn đã từng lùi vào một góc tường nhưng lại mong muốn có ai đó để ý đến mình? Đã từng trốn trong phòng tối, nhưng chờ đợi ai đó sẽ gõ cửa để hỏi han quan tâm? Từng buông lời nói “không sao, tôi không cần giúp đỡ đâu” nhưng lại mong đợi ai đó có thể chia sẽ nỗi đau với mình?Thật là nghịch lý khi người tổn thương thường hay cố đẩy người khác ra xa nhưng lại mong mỏi họ phải chủ động quan tâm mình. Những nghịch lý đó chính là minh chứng của một tâm trạng bất ổn, vì vậy mà người bị tổn thương rất khó để có thể xây dựng một mối quan hệ lành mạnh. Hậu quả của việc sợ hãi bị bỏ rơi, sợ bị lãng quên, sợ bị từ chối là những mối quan hệ rạn vỡ, không có sự kết nối. I Giăng 4:18 “Không hề có sự sợ hãi trong tình yêu thương, nhưng tình yêu thương trọn vẹn thì loại bỏ sự sợ hãi. Vì sợ hãi có liên quan đến hình phạt, và ai sợ hãi thì không được trọn vẹn trong tình yêu thương.”

7. Gặp Khó Khăn Trong Việc Buông Bỏ

Vợ của Lót vì không thể buông bỏ mà hoá tượng muối. Có thể cuộc đời của bà có được sự giàu sang phú quý bà đã trải qua không ít sự tổn thương, những gian nan – khó khăn bà trải qua đến khi có được gia sản khiến bà không dễ dàng từ bỏ. Người mạnh mẽ là người cầm lên được, buông xuống được. Cầm lên được mà không buông được là người bên trong đầy giông bão đầy đau thương. Chỉ khi buông bỏ những điều làm mình đau đớn thì mới có thể đón nhận những điều tốt đẹp khác đến. Có câu nói “khi cánh của hạnh phúc này đóng lại, cánh cửa khác bắt đầu mở ra. Nhưng người ta chỉ tập trung vào cánh cửa đang đóng mà không nhìn thấy cánh cửa khác đang dần mở ra.” Phải chăng bạn đang chỉ tập trung vào cánh cửa đang đóng, không nỡ lòng buông bỏ nên không thể đón nhận niềm vui mới hạnh phúc mới từ Chúa ban?

8. Tự Làm Tổn Thương Bản Thân

Tự làm đau bản thân là hành vi của mất khả năng đối phó với các nỗi đau tâm lý một cách lành mạnh. Đó là biểu hiện của việc xoa dịu nỗi đau tâm hồn bằng nỗi đau của thể xác. Một người tự làm đau bản thân bằng những hành động như rạch da, tự tử, là cách mà con người bên trong đang cầu cứu và tìm cách để thể hiện ra bên ngoài. Khi nội tâm đang phải đối diện với nỗi đau và gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc con người sẽ dễ dàng tự làm đau bản thân để giải toả tâm lý.

Để xử lý sự thương tổn một cách lành mạnh ta cần xoa dịu nỗi đau ở nơi Đấng có thể an ủi và ban sự yên bình cho lòng người đang giông bão “hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghĩ.” (Ma-thi-ơ 11:28) khi người bị tổn thương biết cách để giải toả cảm xúc ở nơi Chúa, thì “Ngài chữa lành người có lòng đau thương và bó vít của họ.” (Thi thiên 147:4)

Trên đây là tám dấu hiệu của việc bạn cần được chữa lành tấm lòng bên trong. Dù bạn phủ nhận như thế nào thì cơ thể bạn, con người bạn, cảm xúc bạn cũng đang nói lên một thông điệp nào đó rằng bạn cần được giúp đỡ, cần được giải phóng khỏi sự thương tổn, cần sự chữa lành, cần được yêu thương, trân trọng và chấp nhận. Sự chữa lành không phải là một hành động nhưng là một tiến trình mà bạn cần kết nối liên tục với Đấng chữa lành và để Ngài chi phối cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của bạn thay vào để nỗi đau làm điều đó. Hãy thử một lần đối diện với nỗi đau và để Chúa chữa lành nỗi đau bên trong bạn. “Vì ta là Đức Giê-Hô-Va Đấng chữa lành cho ngươi.” (Xuất 15:26b)

“Thật, chính Người đã mang những bệnh tật của chúng ta, và gánh những đau khổ của chúng ta. Nhưng chúng ta lại tưởng Người bị Đức Chúa Trời đánh, phạt và bị khổ sở. Chính Người bị đâm vì sự vi phạm của chúng ta, bị chà đạp vì sự gian ác của chúng ta. Hình phạt Người chịu để chúng ta được bình an, Vết thương người mang để chúng ta được CHỮA LÀNH.” (Ê-sai 53:4-5)

Hongan Doan

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like