Kinh Thánh kêu gọi ta hãy cầu nguyện, nhưng cũng nói về những lời cầu nguyện Chúa sẽ không đáp lời. Sau đây là 7 lý do Chúa không đáp lời cầu nguyện theo Kinh Thánh:
1. Khi cầu nguyện với dụng ý xấu, cho dục vọng riêng của mình
“Anh em cầu xin mà không nhận được vì anh em cầu xin với dụng ý xấu, để dùng cho dục vọng riêng của mình.” – Gia-cơ 4:23
Đức Chúa Trời không phải là thần đèn mà ta có thể ước gì được nấy theo ý mình. Chúa vui cho ta điều tốt lành, nhưng Ngài mong muốn ta được nên thánh, biết sống yêu thương, phụng sự. Vậy nên Chúa sẽ không đáp lời những điều cầu xin theo dụng ý xấu, theo dục vọng riêng của mình, vì chúng sẽ khiến ta trở nên ích kỷ, kiêu ngạo, và xấu tính hơn. Chúng ta phải cầu nguyện những điều theo ý Chúa, với dụng ý tốt đẹp, đóng góp cho cộng đồng và cho công việc Chúa.
2. Khi người cầu nguyện là kẻ tội lỗi, gian ác
“Đức Giê-hô-va ghê tởm sinh tế của kẻ ác, Nhưng Ngài vui thích lời cầu nguyện của người ngay thẳng.” – Châm Ngôn 15:8
Đức Chúa Trời là đấng công chính thánh khiết. Ngài căm ghét tội lỗi, và tội lỗi phân cách con người khỏi Ngài (Ê-sai 59:2). Vậy nên Ngài không nghe lời cầu nguyện của những kẻ tội lỗi gian ác. Do đó khi cầu nguyện, nếu ta có lỡ phạm tội thì hãy ăn năn xưng tội và xin tha thứ trong danh Chúa Giê-xu Christ, để ta được xóa bỏ tội lỗi, xem là công chính mà được Ngài đoái nghe.
3. Khi cầu nguyện mà không nghe Lời Chúa hay làm theo ý Ngài
“Người nào bịt tai không chịu nghe luật pháp, lời cầu nguyện của người ấy đáng ghê tởm.” – Châm Ngôn 28:9
“Chúng ta biết Đức Chúa Trời không nghe những kẻ có tội, nhưng nếu ai kính sợ Ngài, và làm theo ý muốn Ngài thì Ngài nghe người ấy.” – Giăng 9:31
Để có đời sống công chính đẹp lòng Chúa, ta cần phải nghe lời Kinh Thánh và làm theo. Chúa là Cha và là Chủ trên trời của ta. Con không làm theo lời cha, đầy tớ không làm theo lời chủ thì làm sao xin mà được đáp lời? Có khi còn bị bẻ trách sửa trị không chừng. Vậy nên để lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa, ta cần chăm chỉ học Lời Chúa và sống theo ý muốn Ngài.
4. Khi cầu nguyện với thái độ trình diễn và lời lẽ sáo rỗng
”Khi các con cầu nguyện, đừng làm như những kẻ đạo đức giả; vì họ thích đứng cầu nguyện trong nhà hội và nơi góc phố để mọi người đều thấy. Thật, Ta bảo các con, những kẻ ấy đã nhận được phần thưởng của mình rồi… Khi các con cầu nguyện, đừng dùng những lời sáo rỗng như dân ngoại; vì họ nghĩ hễ nói nhiều thì được nhậm…” – Ma-thi-ơ 6:5
Cầu nguyện là tương giao với Đức Chúa Trời, không phải để ra vẻ thánh khiết hay thể hiện mình trước mặt mọi người. Vậy nên nếu ta cầu nguyện với thái độ ra vẻ cho mọi người thấy và nói lời sáo rỗng không thật tâm thì Chúa sẽ không đẹp lòng và không nhận lời. Khi cầu nguyện, ta hãy quên đi mọi người xung quanh, lòng chỉ hướng đến Chúa và lời chỉ nói cho Ngài mà thôi.
5. Khi cầu nguyện mà nghi ngờ, phân tâm (hai lòng)
“Nhưng phải cầu xin bằng đức tin, không chút nghi ngờ, vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió dập dồi và cuốn đi đây đó. Người như thế đừng tưởng mình sẽ nhận được điều gì từ nơi Chúa, vì đó là một người phân tâm, không ổn định trong mọi đường lối của mình.” – Gia-cơ 1:6-8
Đức Chúa Trời nhìn rõ tấm lòng (Giê-rê-mi 17:10, 1 Sa-mu-ên 16:7), vậy nên Ngài có thể thấy khi ta cầu nguyện mà nghi ngờ (cầu nguyện thôi chứ sợ Chúa không cho), hay phân tâm (tiếng Hy Lạp là dipsychos – hai lòng, cầu nguyện mà có lòng này lòng khác). Tất nhiên là cầu nguyện như vậy không đẹp lòng Chúa. Hơn nữa, Chúa cho nhiều khi không phải là cho ngay, mà ta phải có hành động bước đi trong đức tin để đạt đến. Việc bước đi trong đức tin giống như Phi-e-rơ bước đi trên mặt biển. Khi ông xin và Chúa cho thì ông có thể đi. Nhưng khi thấy gió thổi, sóng to, ông hoảng sợ và suýt chìm, bị Chúa Giê-xu trách “sao con lại nghi ngờ?” (Ma-thi-ơ 14:22-33). Nếu cầu nguyện mà nghi ngờ hay phân tâm, ta sẽ không có can đảm để hành động hay bước đi trong đức tin mà đạt đến điều mình cầu xin, nên chẳng nhận được điều gì từ Chúa.
Vậy nên khi cầu nguyện ta phải một lòng tin tưởng Chúa. Khi xin và Chúa cho, ta phải sẵn sàng có hành động bước đi trong đức tin như bước đi trên mặt biển, mắt luôn hướng về Chúa, lòng luôn vững tin dù sóng gió dập dềnh để đạt đến điều mình cầu.
6. Khi người cầu nguyện không quý trọng vợ mình
“Những người làm chồng cũng vậy, hãy tỏ ra hiểu biết khi chung sống với vợ mình, quý trọng vợ như phái yếu hơn, vì họ sẽ cùng anh em thừa hưởng ân điển sự sống, để không có điều gì ngăn trở sự cầu nguyện của anh em.” – 1 Phi-e-rơ 3:7
Chúa dạy ta phải yêu thương người lân cận như mình. Vợ (hay chồng) là người gần gũi với ta nhất mà nếu ta không quý trọng thì sẽ sống không đẹp lòng Chúa và không được đáp lời cầu nguyện. Vậy nên ta cần yêu thương quý trọng vợ (hay chồng) mình để lời cầu nguyện ta được đẹp lòng Chúa.
Mà nhớ đừng như A-đam vì nghe lời vợ mà vi phạm lời Chúa khiến tất cả cùng bị phạt (Sáng Thế Ký 3). Hãy như Gióp, khi bị vợ cám dỗ làm sai thì phải khiển trách chỉnh sửa và không phạm tội với Chúa (Gióp 2:9-10).
7. Khi Chúa muốn để ta yếu đuối cho ta biết nương tựa sức Chúa và đừng kiêu ngạo
“Để giữ tôi khỏi kiêu ngạo về những mặc khải diệu kỳ nầy, một cái dằm đã đâm vào xác thịt tôi; một sứ giả của Sa-tan đã đánh tôi để tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện xin Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán: “Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Vì vậy, tôi rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.” – 2 Cô-rinh-tô 12:7-9
Cả khi ta là người công chính nhiệt thành như sứ đồ Phao-lô, Chúa vẫn có thể chọn không đáp lời cầu nguyện để giữ ta khỏi kiêu ngạo, khiến ta yếu đuối để ta biết nương tựa sức của Chúa. Vậy nên nhiều khi Chúa không đáp lời cầu nguyện dù ta rất tốt, và đó cũng là tốt cho ta. Hãy tiếp tục nương tựa Ngài, cả khi Chúa không đáp lời.
Đó là 7 lý do Chúa không đáp lời cầu nguyện theo Kinh Thánh. Nếu chúng ta thấy mình phạm phải điều nào (trừ điều 7), hãy cố gắng chỉnh sửa. Khi đó, lời cầu nguyện của ta sẽ đẹp lòng Chúa hơn và ta sẽ trải nghiệm nhiều đáp lời cầu nguyện kỳ diệu của Chúa trên đời sống mình.
Richard Huynh
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com