Home Chuyên Đề Tầm Quan Trọng Của Người Cha Trong Việc Nuôi Dạy Con Cái

Tầm Quan Trọng Của Người Cha Trong Việc Nuôi Dạy Con Cái

by Hongan Doan
30 đọc

Người Việt Nam có câu: “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, điều này có nghĩa là việc dạy dỗ con cái được trao hết cho người phụ nữ. Các gia đình dù theo phong kiến truyền thống hay hiện đại thì thường việc giáo dục con cái, chăm sóc, dạy dỗ, vui chơi trò chuyện cùng con đều vô hình chung là trách nhiệm và vai trò của người mẹ. Tuy nhiên, Chúa không kêu gọi con cái của Ngài xây dựng một mô hình gia đình như vậy. Kinh Thánh nói rất rõ ràng về vai trò của người nam là đầu của người nữ và là người lãnh đạo trong gia đình. Người nữ được kêu gọi trở nên người giúp đỡ người nam và thuận phục người nam. “Hỡi người làm vợ, hãy thuận phục chồng như thuận phục Chúa. Vì chồng là đầu vợ, cũng như Đấng Christ là đầu Hội Thánh.” Ê-phê-sô 5:24. Ngày nay, mọi người nam đều muốn làm trọn câu Kinh Thánh này trong mọi khía cạnh như: lãnh đạo gia đình, người quyết định, người có quyền uy. Tuy nhiên, việc dạy dỗ con cái thì lại bị đổi trách nhiệm trên người vợ và người nam lại chỉ trở thành người giúp đỡ cho vợ.  Nếu như Chúa chỉ định người nam giữ vai trò lãnh đạo thì phải lãnh đạo trong mọi khía cạnh, và người nam cần giữ đúng vai trò và trách nhiệm lãnh đạo trong cả việc dạy dỗ con cái, người nữ chỉ là người giúp đỡ, tương hỗ mà thôi. 

Trong suốt Kinh Thánh, khi nói đến việc dạy dỗ con cái, Chúa nói trực tiếp với người cha: “hỡi người làm cha” chứ không nói: “hỡi người làm mẹ”. Điều này có nghĩa là trách nhiệm dạy dỗ con cái đúng theo nguyên tắc Kinh Thánh là dành cho người đứng đầu gia đình, là người chịu trách nhiệm quản trị, chăm sóc, cung ứng mọi nhu cầu cho gia đình: người chồng, người cha trong gia đình. 

Ê-phê-sô 6:4 “Hỡi những người làm cha, đừng chọc tức và khiêu khích con cái tức giận, nhưng nuôi nấng chúng bằng sự huấn luyện và kỷ luật cũng như lời khuyên dạy và răn dạy của Chúa.”

Cô-lô-se 3:21 “Hỡi những người làm cha, đừng khiêu khích, chọc tức hoặc làm con cái mình bực tức, để con cái không nản lòng và trở nên chán nản hoặc mất động lực.”

Châm 1:8 “Hỡi con, hãy lắng nghe lời KHUYÊN DẠY (truyền dạy kiến thức, chỉ thị, lời chỉ dẫn, huấn thị) của cha, đừng lìa bỏ những lời dạy bảo (bài học dạy dỗ) của mẹ.

Chúng ta có thể thấy rõ sức nặng trong vai trò dạy dỗ con cái của người cha mà Chúa nhắc đến trong Châm ngôn, sự dạy dỗ đầy uy quyền đó được gọi là những sự chỉ thị và điều hướng từ người giữ uy quyền lớn trong gia đình. Chúa cũng đề cập đến việc dạy dỗ của người mẹ, nhưng ở một mức độ nhẹ nhàng hơn, như là sự hướng dẫn dành cho các con yêu dấu của mình.

Việc người cha đẩy trách nhiệm cho người mẹ trong việc dạy dỗ con cái (vì người mẹ gần gũi với con hơn), hoặc sự vắng mặt của người cha (bận rộn với công việc hàng ngày) trong việc giáo dục con là đi ngược với ý muốn của Chúa trong những nguyên tắc của Kinh Thánh về gia đình.

Và bất cứ điều gì đi ngược với Kinh Thánh đều gây ra những hệ quả nghiêm trọng. 

Một nghiên cứu khảo sát tại Hoa Kỳ chỉ ra rằng:

  • hơn 70% những kẻ giết người và nghiện ma tuý ở độ tuổi vị thành niên đến từ những gia đình không có cha.
  • 90% trẻ em bỏ nhà đi đến từ những gia đình không có cha.
  • 60% những kẻ hiếp dâm không được giáo dục từ cha.
  • 70% trong số 1.000 trẻ vị thành niên phạm pháp có tiền án tiền sự đều thiếu sự hỗ trợ và giáo dục từ người cha.
  • Những đứa trẻ thiếu vắng cha trong thời gian dài dễ lo lắng, tự tin, thiếu tự chủ, hay có hành vi bạo lực, dễ bị rối loạn cảm xúc và trầm cảm.

Những nghiên cứu trong tâm lý học cũng đưa ra kết luận rằng:

“Nhu cầu mạnh mẽ nhất của mọi đứa trẻ trong suốt thời kì thơ ấu của chúng là được che chở và bảo vệ bởi người cha.” – Nhà tâm lý học Sigmund Freud.

Người cha giữ một vai trò cực kỳ lớn và không thể thay thế trong suốt hành trình trưởng thành của trẻ:

– Trong giai đoạn thơ ấu, sự tham gia của người cha  vào quá trình nuôi dạy giúp trẻ phát triển cách tích cực hơn về cảm xúc, học tập và hành vi xác hội.

  • Tính tự lập của một người đến từ cảm giác an toàn và sức mạnh mà người cha mang lại. –  Nghiên cứu từ Đại học Harvard Mỹ.
  • Những đứa trẻ tiếp xúc với cha hơn 2 giờ mỗi ngày hoạt bát vui vẻ và có kỹ năng giao tiếp tốt hơn những đứa trẻ tiếp xúc với cha không quá 6 giờ/tuần.
  • Người cha không chỉ ảnh hưởng đến việc định hình tính cách và con người bên trong trẻ mà còn tác động đến xu hướng lựa chọn và gây dựng các mối quan hệ khi trẻ lớn lên.
  • Người cha có tác động vô cùng mạnh mẽ đến xu hướng giới tính của trẻ vì trẻ được khẳng định giới tính không chỉ thông qua giới tính sinh học mà còn bị tác động ở vị trí địa vị của trẻ trong mối quan hệ với cha mẹ khác giới. Nếu vị trí của cha mẹ trong gia đình bị xáo trộn sẽ dẫn đến trẻ bị xáo trộn về giới tính và hình thành nhân cách sau này của trẻ khi lớn lên. 

Vì những thiếu hụt trong giáo dục con của người cha sẽ đem lại hệ quả tiêu cực nghiêm trọng và không thể sửa chữa được trên cuộc đời của những con trẻ nên người cha cần phải tham gia vào việc giáo dục con như:

– Dạy con về đường lối của Chúa theo nền tảng Kinh Thánh.

– Dạy con về những kỹ năng xã hội và kiến thức cho con trẻ.

– Dành thời gian chất lượng bên con (vui chơi, trò chuyện đem lại sự gắn kết và thấu hiểu con trẻ)

– Chăm sóc thể chất vật lý, tinh thần và cung ứng những nhu cầu cần thiết cho con trẻ.

  • Sống đời sống gương mẫu cho con.

Mong rằng, mỗi gia đình cơ đốc đều có thể xây dựng hình mẫu theo nền tảng Kinh Thánh và ý muốn của Chúa. Mong rằng những người cha sẽ nhận biết tầm quan trọng của mình trong sự giáo dục con cái để trở nên gương mẫu hơn trong mối quan hệ với con và cùng tham gia vào việc giáo dục con. 

Hongan Doan

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like