Home Chuyên Đề Bảy Phẩm Chất Cần Có Của Cha Mẹ Cơ Đốc Trong Việc Nuôi Dạy Con Cái

Bảy Phẩm Chất Cần Có Của Cha Mẹ Cơ Đốc Trong Việc Nuôi Dạy Con Cái

by Hongan Doan
30 đọc

Nuôi dạy con cái chưa bao giờ là việc dễ dàng, để nuôi dạy những đứa trẻ đi theo đường lối của Chúa lại càng khó hơn. Nhưng không phải vì khó khăn mà các bậc cha mẹ từ bỏ dạy dỗ con cái theo con đường tinh kính Chúa. Hành trình nuôi dạy con cho Chúa đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng trên hết là yếu tố đến từ Chúa, những gì Ngài ban cho và Ngài đặt trọng trách vào tay thì Ngài sẽ giúp đỡ để làm trọn “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.” Phi-líp 4:13

Dưới đây là bảy phẩm chất cần có của cha mẹ cơ đốc để nuôi dạy con theo đường lối và ý định của Chúa:

1- Đời Sống Đức Tin

Đời sống đức tin của cha mẹ có tác động rất lớn trên hành trình đức tin của con trẻ sau này. Vì chúng ta bước đi trong thế giới này bởi đức tin chứ không chỉ bởi mắt thấy. Việc cha mẹ xây dựng đời sống đức tin của mình trên nền tảng Kinh Thánh sẽ là những trang bị cần thiết nhất cho con trẻ để bước đi trong xã hội đầy thách thức này. Khi cha mẹ gieo trồng những hạt giống đức tin trong tuổi thơ ấu của con trẻ, sẽ gặt hái kết quả của đức tin trong đời sống con theo năm tháng như lời Chúa đã định hướng: “hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi trở về già cũng không lìa khỏi nó” Châm ngôn 22:6

2- Nếp Sống Tin Kính và Gương Mẫu

Trẻ không làm theo những gì cha mẹ chúng yêu cầu nhưng chúng làm theo những gì cha mẹ hành động. Bởi vì trẻ không học bằng tai nhưng chúng học bằng mắt. Điều đó có nghĩa là dù cha mẹ biết rõ nếp sống tin kính là tốt cho con trẻ nhưng nếu cha mẹ lại sống cuộc đời không tin kính, sống buông thả, thoả hiệp với thế gian thì dù có bắp ép hay kỷ luật trẻ cũng vẫn sẽ trở nên sống buông thả và thoả hiệp. Mình đã từng chứng kiến một người mẹ sau những tổn thương do người chồng mang lại đã trở nên phóng túng và buông thả, mặc dù vậy, người mẹ đã cố gắng rất nhiều để bảo vệ con gái của mình không trở nên giống như mình. Người mẹ thường xuyên kỷ luật con, giám sát và bắt ép con làm theo ý mình cho là đúng. Tuy nhiên, đứa trẻ lớn lên đã vùng vẫy khỏi sự quản lý của mẹ và lặp lại lối sống buông thả như mẹ cô. Nếu cha mẹ không xây dựng một nếp sống tin kính và trở thành tấm gương sống cho con trẻ noi theo, cha mẹ không có quyền yêu cầu con sống thay cuộc đời mà cha mẹ đã không làm được.

Đơn giản như chúng ta yêu cầu con không được nói dối, nhưng mặt khác chúng ta lại nói không đúng sự thật trước mặt trẻ. Một ngày gia đình chúng tôi đi vào khu du lịch và cần mua vé. Trước chúng tôi là một cặp gia đình, và người mẹ đã nói rằng con mình chỉ mới 3 tuổi với người bán vé (dưới ba tuổi sẽ không tính phí). Nhưng đứa trẻ lại nói: mẹ ơi con năm tuổi rồi trước mặt mọi người. Ngay sau khi vào cửa, người mẹ đã có những lời mắng xối xả trên con của mình. Có thật sự đúng đắn khi chỉ vì cái lợi trước mắt (được miễn phí vé cho trẻ) nhưng lại đánh đổi nhân cách của con sau này? Là cơ đốc nhân, chúng ta được yêu cầu để sống đời sống sáng danh Chúa qua lối sống tinh kính và gương mẫu cho con cái.

3- Bền Đỗ Trong Sự Cầu Nguyện

Để con trẻ được lớn lên trong đức tin thì việc đầu tiên chính là  dạy con nuôi dưỡng mối tương giao mật thiết với Chúa qua sự cầu nguyện. Hình ảnh những gia đình mỗi tối nắm tay nhau và cầu nguyện trước khi đi ngủ, hay những lúc gặp nan đề mọi người trong gia đình chạy đến cầu nguyện tìm kiếm ý Chúa là những hình ảnh vô cùng đẹp và mẫu mực cho một gia đình cơ đốc. Mình có hai đứa con trai, nhưng nếu ai hỏi nhà mình có mấy người, các con đều trả lời là năm người. Khi gia đình có những chuyến đi vui vẻ bên nhau, chúng luôn hỏi mình có thờ phượng Chúa ở đó không mẹ, hay khi chúng trải qua những chuyện buồn chúng chạy đến ôm mẹ và nói mẹ ơi cầu nguyện cho con. Những điều nhỏ nhặt xảy ra trong cuộc sống chúng đều liên kết đến Chúa, dù vui hay buồn, chán nản hay kích thích chúng đều chia sẻ với Chúa. Mình cảm thấy vui vì rõ ràng chúng không thấy Chúa, nhưng mọi sinh hoạt trong gia đình đều có sự hiện diện và liên kết với Ngài. 

Mình là một người mẹ yêu con, và luôn muốn bảo vệ con, nhưng mình cũng chỉ là con người bất toàn, mình không thể theo sát con 24/7, cũng không thể nhận biết hết tất cả những gì đang diễn ra bên trong con, nhưng suy nghĩ hay cảm xúc của con. Tuy nhiên, mình cảm thấy an ninh khi có một Đấng có thể làm được những điều mình không thể. Nếu con có mối tương giao mật thiết với Chúa mình biết rõ, con sẽ không bao giờ cô đơn, con sẽ luôn có người hướng dẫn và điều hướng trên đường đời con đi. 

Việc hình thành một đời sống cầu nguyện cho trẻ chính là giữ trẻ trong sự bảo vệ vào rào chắn của Chúa, cũng là cách để đức tin được hình thành. Để như vậy cha mẹ cần kiên định và bền đỗ trong sự cầu nguyện. Đó là khởi đầu của hành trình đức tin mà cha mẹ có thể trao cho con nhỏ.

4- Tình Yêu Vô Điều Kiện

Những đứa trẻ khi bị phạt, la mắng thường có cảm giác ba mẹ không yêu chúng và chúng sẽ tự trách bản thân rằng chúng không đủ tốt và không đáng để nhận tình yêu của cha mẹ. Việc cha mẹ  cần thể hiện một tình yêu vô điệu kiện với con trẻ và phân định rõ trẻ được yêu thương và việc thưởng phạt là vô cùng cần thiết. Thể hiện và cho con trẻ biết rằng tình yêu của cha mẹ dành cho con là vô điều kiện, dù con làm sai hay làm đúng con vẫn được yêu thương, việc con bị phạt hay trách mắng là vì những hành vi sai xót của con cần được chỉnh sửa, nhưng không có nghĩa là cha mẹ ngừng yêu thương con. Việc khẳng định cho trẻ về tình yêu vô điều kiện sẽ giúp chúng xây dựng sự tự tin, lòng tự trọng và niềm tin ở chính bản thân mình. Đó cũng là bày tỏ hình ảnh của Đấng Chirst và tình yêu của Ngài trên con cái. 

5- Sự Thoả Lòng

Sự thoả lòng ở cha mẹ là phương pháp để cắt đứt những sự vòi vĩnh vô lý của con, hay là những sự đòi hỏi quá mức của con đối với cha mẹ. “Sự tin kính cùng sự thoả lòng là một lợi lớn.” I Timôthê 6:6.

 Khi cha mẹ học cách thoả lòng, và biết ơn với những gì Chúa ban sẽ khiến cho trẻ biết trân trọng những gì mình có hơn là đòi hỏi những điều mình không nên có. Sự thoả lòng và lòng biết ơn sẽ giúp trẻ luôn nhãn quan tích cực trong tất cả mọi lĩnh vực. Điều đó hình thành nhân cách và tâm tính tốt nơi trẻ sau này. Trái với sự thoả lòng sẽ là những sự đòi hỏi, ganh đua, ích kỷ, so sánh, tự ti và kéo theo một chuỗi những hình thành tiêu cực trên trẻ. 

6- Có Góc Nhìn Tích Cực Về Con

Trong suốt quá trình thi hành mục vụ với những đứa trẻ gặp những nan đề trong tuổi vị thành niên, mình đã nghe rất nhiều chia sẽ về những đứa trẻ lớn lên trong sự mắng mỏ từ cha mẹ vì cha mẹ luôn có những góc nhìn tiêu cực trên con cái. Những đứa trẻ không thể học thuộc dù chỉ một đoạn nhỏ bài tập vì cha mẹ không ngừng mắng con ngu dốt. Những đứa trẻ bất tài bỏ học vì cha mẹ luôn cho rằng con là đứa vô dụng, không làm được gì nên chuyện. 

Đặc biệt hơn, văn hoá Á Đông cũng như là người Việt Nam,  cha mẹ thường có xu hướng nói những lời tiêu cực trên con cái: ngu ngốc, phá phách, lì lợm, ăn hại….. Đáng buồn là cha mẹ không biết rằng những lời nói đầy tiêu cực và thiếu cẩn trọng đó đã luôn tạo ra những tác động mạnh mẽ và trói buộc cuộc đời con trẻ. Những lời nói tiêu cực vô tình trong thờ thơ ấu lại có thể định hình con trẻ khi trưởng thành. Một cái cây bị mắng suốt ngày còn tàn héo và chết đi huống hồ con người.

Mỗi lần Kairos bày bừa trong nhà, chồng mình trở về nhà mệt mỏi nhưng chỉ có thể bất lực hét lên: “thiên tài, con nghĩ mình nên làm gì với đống bừa bộn này của con?” Không phải chồng mình đang nói điêu trên con, nhưng trong lúc bực tức nhất, anh vẫn đang cố kiểm soát lời nói để không phải làm tổn hại đến con. Thay vì mắng mỏ như mình vẫn hay nghe từ hàng xóm: “thằng này, sao mày phá nghịch quá vậy” anh sẽ cận trọng gọi con là “thiên tài”.

7- Sẵn Sàng Giao Phó Con Trong Tay Chúa.

Ai trong chúng ta cũng mong muốn nuôi dưỡng con cái trở thành những người thành công. Tuy nhiên, “sự toan tính trong lòng thuộc về loài người, nhưng sự đáp lời của lưỡi đến từ Chúa.” Châm 16:1  Chúa kêu gọi chúng ta giao phó mọi hoạch định của mình trong tay của Ngài “hãy phó thác các công việc của bạn cho Chúa, thì các chương trình của bạn sẽ thành công.” Châm 16:3  

Khi cha mẹ sẵn sàng giao phó con mình trong tay Chúa chính là lực đẩy để đưa con đi đến thành công. Để có một tiên tri Sa-mu-ên  xức dầu cho Vua thì phải có một người mẹ An-ne dám dâng con mình để phục vụ Chúa ngay khi dứt sữa. Để có một Ti-mô-thê kết quả cho vương quốc Đức Chúa Trời thì phải có một người mẹ Lô-ít sẵn sàng trao con mình cho đầy tớ Chúa Phao-lô để học và phục vụ nhà Chúa. Đó là những tấm gương của những người thành công, vậy liệu cha mẹ có sẵn sàng giao phó con mình trong tay Chúa? 

Mong rằng, các bậc cha mẹ cơ đốc có được bảy phẩm chất này để nuôi dạy được những đứa trẻ hạnh phúc, thành công và có ích lợi cho nhà Chúa.

Hongan Doan

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like