Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn nhất trong năm ở nhiều nước châu Á nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.
Khi tôi đi ngang qua khu chợ của người Hoa vào dịp tết, một bức tượng thần tài lớn được dựng lên để chào đón mọi người và tôi không thể không nhận thấy một số người đang cúi đầu trước bức tượng, có lẽ đang cầu xin phước lành và sự thịnh vượng cho năm mới sắp tới.
Giữa khung cảnh này, một ý nghĩ chợt đến trong đầu tôi: Liệu chúng ta là những Cơ-đốc nhân, khi ăn mừng Tết Nguyên Đán, có nên giữ lại những phong tục và tập quán cũ xưa này hay phải biết chọn lọc? Cái nào là truyền thống vô hại và cái nào chỉ là mê tín? Mặc dù chưa đầy đủ nhưng tôi thấy những hướng dẫn sau đây khá hữu ích và muốn chia sẻ chúng với các anh chị em đang vật lộn với những câu hỏi tương tự.
Có sự hiểu biết về những niềm tin ẩn dưới những tập tục trong dịp Tết Nguyên Đán
Cơ-đốc nhân phải có sự hiểu biết đúng đắn về truyền thống và tầm quan trọng của chúng để có thể giải quyết những vấn đề này một cách khôn ngoan theo quan điểm Kinh Thánh cũng như trở thành nhân chứng và làm chứng tốt cho Chúa Giê-xu Christ. Điều này bao gồm sự hiểu biết về niềm tin ban đầu cũng như thái độ hiện tại liên quan đến các tập tục trong dịp Tết Nguyên Đán. Mục đích của việc này là để phân biệt xem liệu có bất kỳ thực hành nào vi phạm các nguyên tắc Kinh Thánh hay chúng chỉ là những thực hành văn hóa. Về vấn đề này, chúng ta hãy xem xét một số phong tục phổ biến trong dịp Tết Nguyên Đán.
Dọn dẹp nhà cửa để đón tết là một thói quen có thể chấp nhận được, miễn là chúng ta không bị cuốn vào niềm tin mê tín rằng nếu quét nhà trong dịp Tết, chúng ta sẽ mất đi phước lành và vận may. Chính Chúa là Đấng ban cho chúng ta sự giàu có và phước hạnh (Châm-ngôn 22:2, “Kẻ giàu và người nghèo đều giống nhau ở một điểm; Chúa đã dựng nên cả hai.”); nên việc chúng ta quét nhà hay lỡ tay làm rơi vỡ một vật gì trong lúc dọn dẹp cũng không ảnh hưởng gì.
Liên quan đến việc chưng “cầu-dừa-đủ-xài” hoặc những vật dụng phong thủy cầu tài, mặc dù việc cầu xin Chúa ban cho sự thịnh vượng và sung túc về tài chính không có gì sai, nhưng chúng ta phải cẩn thận để không quan tâm quá mức đến của cải vật chất. Và khi Chúa ban phước cho chúng ta, chúng ta phải thực hành điều mà Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:18 nói – “Hãy nhớ đến Chúa, Ðức Chúa Trời của anh chị em, vì chính Ngài ban cho anh chị em khả năng làm giàu, để Ngài có thể thiết lập giao ước mà Ngài đã thề với tổ tiên anh chị em, như Ngài đang làm ngày nay.”
Còn về những lời chúc mà chúng ta hay dành cho nhau trong mùa này thì sao (ví dụ: “Vạn Sự Như Ý”; “Năm Mới Phát Tài”; “Mua May Bán Đắt”…)? Tôi cho rằng không có hại gì khi đưa ra những lời chúc tốt đẹp chung chung trong thời gian này, như chúng ta vẫn làm trong các dịp sinh nhật và lễ cưới. Tuy nhiên, một Cơ-đốc nhân nên cẩn thận không chúc mọi người may mắn, vì mọi sự đều nhờ phước từ Chúa chứ không phải “vận may” quyết định mọi thứ (tốt hơn hết là nói “Chúa ban phước cho anh chị em”).
Như chúng ta có thể thấy, có rất nhiều phong tục trong dịp Tết Nguyên Đán được thực hiện với mục đích mưu cầu sự thịnh vượng vật chất. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu đã dạy rõ ràng rằng chúng ta không thể vừa làm tôi Ðức Chúa Trời vừa làm tôi tiền của (Ma-thi-ơ 6:24). Miễn là chúng ta nhận thức được thực tế là chúng ta không nên tôn thờ tiền bạc cũng như không nên khuyến khích người khác tôn thờ tiền bạc, chúng ta có thể ăn Tết một cách sáng suốt, tập trung sự chú ý vào việc tôn vinh Chúa trong khi tận hưởng những phước lành của mùa lễ với lòng biết ơn. Xin Chúa giúp chúng ta là những Cơ-đốc nhân duy trì sự đánh giá tích cực đối với di sản văn hóa mà không ảnh hưởng đến đức tin của chúng ta.
Hãy kiên định trong nếp sống Cơ-đốc của mình
Có nhiều điều tốt đẹp trong văn hóa của chúng ta và đề cao những đức tính tốt (như hiếu thảo, kính trên nhường dưới, v.v.) phù hợp với những lời dạy trong Kinh Thánh. Trong khi dịp Tết mang đến cho các Cơ-đốc nhân một cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với các bậc sinh thành, thì sự quan tâm và yêu thương như vậy không chỉ là những lời chúc theo mùa mà còn là những hành động thường ngày. Ví dụ, con cái nên bày tỏ lòng hiếu kính cha mẹ thông qua việc thường xuyên thăm viếng, giúp đỡ, tặng quà và vâng lời cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày.
Về trường hợp thờ cúng tổ tiên vì lý do tôn giáo trong dịp Tết Nguyên Đán, chúng ta phải tìm cách giải thích cho những người thân yêu của mình hiểu lý do chúng ta không tham gia để họ không nghĩ rằng chúng ta bất hiếu. Chúng ta không phải không tôn trọng tổ tiên hoặc người lớn tuổi nhưng từ chối tham gia vì Chúa dạy chúng ta không nên thờ cúng các vị thần khác hoặc thờ lạy người chết. Những điều này nên được truyền đạt một cách tôn trọng và rõ ràng. Bởi ân điển của Chúa, chúng ta nên thể hiện tình yêu dành cho gia đình và làm chứng về Chúa trong đời sống hằng ngày và trong mọi dịp.
Làm chứng về Chúa qua nếp sống Cơ-đốc cũng bao gồm việc cẩn thận để không bị lôi kéo vào những “tệ nạn” trong dịp Tết (như cờ bạc, rượu chè, ăn uống quá độ…). Hãy nhớ rằng thân thể chúng ta là đền thờ của Đức Thánh Linh (1 Cô-rinh-tô 6:19), chúng ta nên tôn vinh Chúa bằng cách tránh xa bất cứ điều gì vi phạm các tiêu chuẩn Kinh Thánh.
Cơ-đốc nhân ăn Tết như thế nào?
Bất chấp tất cả những tập tục mê tín xung quanh Tết Nguyên Đán, đây là một phần không thể thiếu trong văn hóa và truyền thống của chúng ta. Những hướng dẫn trên nhằm giúp chúng ta cảnh giác không biến việc ăn Tết thành một gánh nặng. Là Cơ-đốc nhân, chúng ta nên tôn trọng người khác thông qua việc tôn trọng bản sắc và di sản dân tộc của mình; nhưng danh tính thực sự của chúng ta được tìm thấy trong mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa và Đấng dựng nên chúng ta. Và do đó, Đức Chúa Trời phải là trung tâm của dịp Tết này.
Vậy làm thế nào Cơ-đốc nhân chúng ta có thể tận hưởng kỳ lễ này?
- Tạ ơn. Tết Nguyên Đán là thời điểm tốt để tạ ơn Chúa. Khi cùng cả nhà ăn bữa cơm đoàn viên, chúng ta có thể cảm ơn Chúa về những người thân yêu của mình và tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ với nhau. Gia đình Cơ-đốc có thể biến bữa tối đoàn tụ thành một lễ tạ ơn lòng thương xót của Đức Chúa Trời trong việc chu cấp và bảo vệ chúng ta trong suốt một năm qua.
- Lòng hiếu thảo. Tết Nguyên đán là thời điểm tốt để thể hiện tình yêu thương và lòng hiếu kính đối với cha mẹ cùng những người thân lớn tuổi. Thông qua những món quà là lời chúc phúc và sự hiện diện của mình, chúng ta có thể bày tỏ lòng tôn kính dành cho họ.
- Các mối quan hệ. Tết Nguyên Đán là thời gian để kết nối lại với người thân và bạn bè. Như Chúa đã dạy chúng ta phải yêu thương người lân cận, chúng ta hãy dùng thời gian này để bày tỏ tình yêu thương đối với những người mà chúng ta quen biết. Nếu có những mối quan hệ trong gia đình hoặc tình bạn đã bị tan vỡ, chúng ta hãy tận dụng thời gian này để tìm kiếm sự tha thứ và chữa lành.
- Tôn vinh Chúa bằng tiền của mà Chúa đã ban cho chúng ta. Như chúng ta được nhắc nhở rằng chính Chúa là Đấng ban phước cho sự giàu có của chúng ta, Tết Nguyên Đán cũng là thời điểm để dâng hiến và tôn vinh Chúa bằng của cải của mình.
- Truyền giáo. Tết Nguyên Đán là thời điểm tốt để chia sẻ tình yêu của Chúa với những người thân và bạn bè. Trong dịp đặc biệt này, chúng ta hãy cầu nguyện để có cơ hội chia sẻ về Chúa Giê-xu với những người chúng ta gặp gỡ.
Chúc mọi người một Năm Mới Phước Hạnh trong Chúa!
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: biblechurch.sg
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com