Chúng ta thường nhầm lẫn giữa việc dạy con ĐIỀU TIẾT cảm xúc với bắt con KIỀM CHẾ cảm xúc. Kiềm chế là phớt lờ đi cảm xúc của con, kìm hãm hoặc phũ nhận cảm xúc đó. Điều tiết cảm xúc là giúp con nhận biết cảm xúc của mình và thể hiện cảm xúc đúng cách.
Đi siêu thị, giữa chốn đông người, con oà khóc vì thất vọng khi không được mua món đồ mình thích, ta nói con ăn vạ rồi bắt con nín khóc. Con nín khóc, nhưng trong lòng đầy ấm ức và con học được rằng thể hiện mình yêu thích một điều gì đó là không ngoan ngoãn, bày tỏ cảm xúc chân thật là không được phép.
Con bị té đau, con oà khóc. Ta ôm con và kèm theo lời trách mắng: “ thấy chưa, nói rồi mà không nghe” và rồi “thôi, nín đi” hoặc “con trai mà khóc cái gì.” Ta đang dạy con rằng: tất cả là lỗi của con, bị đau cũng thì không có gì đáng để quan tâm, con trai không được khóc vì khóc là yếu đuối.
Việc bắt con kiềm chế cảm xúc sẽ để lại những vết thương lòng ẩn sâu bên trong trẻ và dần dần sẽ hình thành những tư duy áp đặt trong trẻ. Vì cảm xúc của con luôn bị phủ nhận nên con luôn tự phủ nhận bản thân mình. Vì con không biết cách để xử lý cảm xúc nên con luôn trong trại thái nóng nảy và muốn bùng nổ bất cứ lúc nào. Vì con nghĩ rằng cảm xúc là không được phép thể hiện nên con phải luôn mang bên mình một vỏ bọc hoàn hảo thảo mai.
Sự đau đớn tột cùng không phải là những lúc ta khóc như mưa nhưng là những lần chịu đựng nỗi đau nhưng lại thể khóc được nữa. Vậy tại sao trẻ bị đau lại không được khóc?
Yếu đuối không phải là khóc cho thoả rồi đứng dậy tiếp tục chiến đấu, nhưng là chưa bắt đầu đã bỏ cuộc. Vậy tại sao khóc là yếu đuối?
Là con trai hay con gái, thì cảm xúc của con cũng cần được tôn trọng, được yêu thương và được chấp nhận. Vậy tại sao con trai không được thể hiện cảm xúc?
HÃY ĐỂ CON ĐƯỢC KHÓC.
Để con được khóc nghĩa là ta phải hiểu rằng:
– Việc con khóc khi không được mua món mình thích chỉ là con đang thể hiện cảm xúc của sự thất vọng khi bị tuột mất điều mình mong muốn. Ba mẹ không cần phải đáp ứng mong muốn đó của con, nhưng chỉ cần bên cạnh con và để con được khóc thoả nỗi buồn của mình.
– Việc con khóc lóc ăn vạ không phải là con đang muốn chọc tức cha mẹ, nhưng chỉ là con đang lay hoay không biết cách thể hiện những cảm xúc đang xoay vòng bên trong mình. Ba mẹ chỉ cần tôn trọng cảm xúc của con và chờ cho đến khi con bình tĩnh lại.
– Việc con mè nheo khóc lóc với bạn không phải là con đang muốn làm khó ba mẹ, chỉ đơn giản vì với con ba mẹ là người duy nhất con tin tưởng trọn vẹn để có thể thể hiện tất cả những dáng vẻ xấu xí nhất của mình. Của mẹ chỉ cần tiếp tục là chỗ dựa yên bình cho con thay vì giông bão bởi những tiếng trách mắng.
Đừng phán xét và cắt đứt những sợi dây liên kết mà con đang cố để kết nối với ba mẹ.
DẠY TRẺ CÁCH ĐIỀU TIẾT CẢM XÚC
Mong rằng mỗi chúng ta đều làm đúng vai trò của cha mẹ là người chỉ đường dành cho con. Đôi khi người lớn chúng ta còn không biết cách để điều chỉnh cảm xúc của mình nhưng lại mong muốn con nhỏ chưa có kỹ năng phải biết kiểm soát cảm xúc thì thật không công bằng với con trẻ. Ba mẹ cần phải trang bị cho trẻ kỹ năng để quản lý cảm xúc trước khi yêu cầu trẻ phải kiềm chế cảm xúc của mình như một sự phủ nhận cảm xúc bên trong chúng.
5 BƯỚC DẠY TRẺ ĐIỀU TIẾT CẢM XÚC THEO KINH THÁNH
1. Giúp con gọi tên cảm xúc của mình. Chúa Jesus là tấm gương mà chúng ta noi theo, Ngài không hề phủ nhận cảm xúc của chúng ta. Ngài cho phép chúng ta giận (một cảm xúc điển hình) Ngài không yêu cầu chúng ta không được giận, Ngài tôn trọng và cho phép cảm xúc được xảy ra và gọi tên cảm xúc đó. Rồi Ngài dạy cách để điều tiết cảm xúc:
“Anh chị em có quyền giận nhưng không được phạm tội, đừng giận dai đến mặt trời lặn, và đừng cho ác quỷ có cơ hội.” (Ê-phê-sô 4:26)
Trẻ con buồn cũng khóc, đau cũng khóc, thất vọng cũng khóc, vậy nên ta nên cho con được khóc thoả. Giúp con gọi tên của cảm xúc là chấp nhận cảm xúc của con, định hướng cảm xúc cho con và tin tưởng con sẽ học được cách điều tiết cảm xúc.
2. Trở thành nơi yên bình để con được giải toả cảm xúc.
Khi mà Chúa luôn là chỗ nương dựa vững chắc cho chúng ta, dù khi chúng ta yếu đuối, bất toàn hay khi mạnh mẽ, dù khi chúng ta khủng hoảng hay lòng trĩu nặng Ngài gọi chúng ta đến trong vòng tay yên ninh của Ngài.
“Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các con được yên nghỉ. Hãy mang ách của Ta và học nơi Ta, vì Ta hiền lành và lòng Ta nhu mì. Các con sẽ tìm được sự thư thái cho linh hồn mình, vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng.” (Ma-thi-ơ 11:28-30)
Mong rằng cha mẹ để cho con được khóc trong vòng tay êm dịu của mình, thay vì lời trách mắng hay chỉ dạy. Con sẽ học được cách điều chỉnh cảm xúc cho đúng, nhưng trước hết con cần một bến đỗ của cảm xúc của mình trước cơn giông bão của cuộc đời.
3. Chấp nhận và yêu con như chính con người của con.
Nếu cách của Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu mặc dầu, thì Ngài cũng muốn chúng ta mang hình ảnh của người cha yêu thương đến các con của mình.vì “Ngài đã yêu những kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng. “ Giăng 13:1b
Yêu thương và chấp nhận con ngay khi con vui vẻ hay cáu giận
Yêu thương và chấp nhận ngay cả khi con vâng lời hay phản kháng
Yêu thương và chấp nhận con ngay cả khi con vui vẻ hay buồn bã, ăn vạ, khóc lóc ầm ĩ.
Yêu thương và chấp nhận con ngay cả khi con tử tế hay hành xử tệ
Yêu thương và chấp nhận con ngay cả khi con xinh đẹp hay lôi thôi
Yêu thương và chấp nhận con ngay cả khi con con thông minh hay ngốc nghếch
Yêu thương và chấp nhận con giống như cách Chúa đã yêu thương và chấp nhận chúng ta.
4. Hướng dẫn con cách giải toả cảm xúc
Cảm xúc dù tiêu cực hay tích cực vẫn nên được giải toả thay vì kiềm nén chúng. Giải toả không có nghĩa là đẩy tất cả các cảm xúc bên trong ra ngoài một cách mất kiểm soát. Giải toả nghĩa là bày tỏ nó ra theo cách khéo léo nhất để không ai ngay cả chính bạn phải chịu hậu quả của cảm giác đó.
Kinh Thánh dạy chúng ta cách giải toả cảm xúc của mình là tìm niềm vui, sự bình an, tình yêu và chân lý ở nơi Chúa. “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài.” (Ê-sai 26:3)
Ngài dạy chúng ta về lòng biết ơn để xây dựng những cảm xúc tốt đẹp. Cô-lô-se 3:15 “Hãy để sự bình an của Đấng Christ ngự trị lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến trong một thân thể, và hãy tỏ lòng biết ơn”.
Ngài dạy chúng ta về cách quản lý và trân trọng thân thể để chúng ta có một cơ thể khoẻ mạnh và tâm trí khoẻ mạnh. “Anh em há chẳng biết rằng thân-thể mình là đền-thờ của Đức Thánh-Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân-thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời. (I Cô-rinh-tô 6:19-20)
Ngài cũng dạy chúng ta cách quản trị những điều tiêu cực trong tâm trí chúng ta bằng lời của Ngài. “Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Giê-su” (Phi-líp 4:6-7).
5. Dạy con kỹ năng xử lý tình huống
Điều quan trọng là chúng ta cần chuẩn bị mọi kỹ năng và tình huống mà trẻ có thể gặp phải để trẻ dần biết cách đối diện với cảm xúc và bước qua chúng.
Chúa cũng trang bị cho con của Ngài tất cả những kỹ năng để đối diện với cuộc sống này qua Kinh Thánh. Việc của ba mẹ, hãy dạy con về lời Chúa và dưạ vào Kinh Thánh để bồi đắp cho con những kiến thức và kỹ năng xử lý mọi tình huống.
“Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn. Có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” II Ti-mô-thê 3:16-17
Ghi nhớ rằng: “trẻ không phải không muốn làm tốt, chỉ là trẻ không biết cách để làm tốt mà thôi” nên ba mẹ chính là chiếc la bàn định hướng cho trẻ.
Hongan Doan
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com