Home Chuyên Đề Tại Sao Người Công Bình Chịu Khổ

Tại Sao Người Công Bình Chịu Khổ

by Sưu Tầm
30 đọc

Trước khi bị hoạn nạn thì con lầm lạc nhưng bây giờ con vâng giữ lời Chúa… Hoạn nạn là điều tốt cho con, nhờ đó con học biết luật lệ của Chúa. (Thi-thiên 119:67, 71)

Khi chúng ta đối mặt với đau khổ, dù là trong cuộc sống của chính mình hay của người khác, chúng ta thường tự hỏi tại sao những người tuyên xưng đức tin nơi Chúa như chúng ta vẫn phải chịu đau khổ. Chúa không yêu thương chúng ta sao? Ngài có ý gì khi cho phép chúng ta chịu khổ?

Kinh Thánh đề cập đến vấn đề chịu khổ trong khuôn khổ Đức Chúa Trời là Đấng tốt lành, toàn năng và kế hoạch đời đời của Ngài là tạo ra một dân thuộc riêng về Ngài, khiến họ trở nên giống như hình ảnh Con Ngài, và đem họ về an toàn trong vương quốc vinh hiển của Ngài (Tít 2:14; Rô-ma 8:29; 2 Ti-mô-thê 4:18). Ngài sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được những mục tiêu đó—ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải chấp nhận những nỗi đau buồn tạm thời.

Dưới đây là một số lý do tại sao người công bình chịu khổ:

• Đau khổ là một thực tế chung khi chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã, không hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều trải qua đau đớn, bệnh tật và sầu khổ. Mặt trời mọc lên cho kẻ xấu và người tốt; Mưa rơi xuống cho người công chính lẫn kẻ gian tà (Ma-thi-ơ 5:45). Người công bình lẫn người bất chính đều phải chịu khổ.

• Đau khổ có tính sửa dạy. Như người cha sửa dạy con cái mình để chúng nhận biết cái sai và chọn làm điều đúng, cũng vậy, đôi khi Đức Chúa Trời dùng đau khổ để đưa chúng ta trở lại con đường đúng đắn khi chúng ta lạc lối (Hê-bơ-rơ 12:5-13).

• Đau khổ có tính gây dựng. Những đau khổ trong đời không chỉ có thể sửa dạy chúng ta mà còn có thể gây dựng phẩm cách bên trong chúng ta (Gia-cơ 1:2-5). Bạn đã bao giờ nhìn mọi người và tự hỏi, “Làm thế nào mà cô ấy lại tràn đầy hy vọng như vậy? Làm sao anh ấy có thể đồng cảm với sự tan vỡ của tôi đến thế?” Có thể là vì họ đã trải qua đau khổ, trưởng thành từ những kinh nghiệm đó và học cách quan tâm đến người khác thông qua đó.

• Đau khổ là vinh quang. Đức Chúa Trời luôn hành động qua những hoạn nạn để mang lại sự vinh hiển cho chính mình Ngài, thậm chí nhiều năm, nhiều thập kỷ hay nhiều thế hệ sau này. Như với người mù trong Giăng 9, Đức Chúa Trời có thể dùng cuộc đời đau khổ, đầy thất vọng dường ấy để cuối cùng bày tỏ quyền năng kỳ diệu của chính Ngài. Chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao mình lại phải sống khổ sở như thế này, nhưng đâu đó trong cuộc hành trình của mình, chúng ta rồi sẽ nhận ra, “Ồ, thì ra đây là lý do tại sao tôi phải trải qua nỗi đau như vậy; chính vào thời điểm này, Chúa có thể được tôn vinh.”

• Sự chịu khổ được sắp đặt. Mặc dù không phải tất cả đau khổ trên đời này đều là một phần của vở kịch tâm linh được đạo diễn từ ngôi thiên thượng, nhưng chắc chắn có một số trường hợp như vậy. Gióp có lẽ là ví dụ sâu sắc nhất về điều này, khi Đức Chúa Trời dùng ông để chứng minh cho Sa-tan thấy rằng một người có thể yêu mến và tin cậy Đức Chúa Trời vì chính mình Ngài chứ không chỉ vì những gì người đó có thể nhận được từ Ngài (Gióp 1).

Sự thật là bạn sẽ phải chịu khổ trong cuộc sống. Nhưng bạn không phải chịu đựng mà không có hy vọng. Bạn có thể nhớ đến những mục đích cao cả hơn của Chúa qua sự chịu khổ. Câu hỏi cuối cùng mà bạn và tôi cần tự hỏi mình không phải là “Tại sao?” mà là “Tôi sẽ làm gì?” Tôi có tin vào lời hứa của Chúa không? Tôi có bám chặt vào mục đích của Chúa cho cuộc đời mình không? Liệu tôi có tin cậy Ngài không?

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: truthforlife.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like