Chúng ta tìm thấy trong sách Lu-ca 1-2 câu chuyện nổi tiếng về sự giáng sinh của Chúa Giê-xu. Hầu hết các bạn đều có thể kể lại câu chuyện này thậm chí không cần đọc lại Kinh Thánh. Tuy nhiên chúng ta nên đọc lại, bởi vì giống như mọi phân đoạn khác trong Kinh Thánh, nếu chỉ đọc lướt qua để lấy thông tin, chúng ta có thể bỏ lỡ nhiều điều.
Chẳng hạn như bạn biết gì về Na-xa-rét? Bạn đã nghe nói Chúa Giê-xu đến từ đó. Ngài sống ở đó và Ngài được gọi là người Na-xa-rét. Có lẽ bạn đã nghe nói nơi đó không có gì tốt đẹp cả. Chỉ là một vùng quê nghèo, hẻo lánh, không có quá nhiều người chọn sống ở đó. Một thị trấn đã xuống cấp trầm trọng về nhiều mặt.
Thiên sứ Gáp-ri-ên được Chúa sai đến với Ma-ri ở thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê. Chuyện này thật khó tin. Ngay cả Na-tha-na-ên, một trong những môn đồ của Chúa Giê-xu cũng từng đặt câu hỏi, “Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” (Giăng 1:46)
Trong câu 27, Lu-ca muốn chúng ta biết một điều gì đó rất cụ thể về Ma-ri—nàng là một “nữ đồng trinh”. Điều đó có quan trọng không? Có chứ, đó là lý do tại sao Lu-ca nhắc đến việc này vài lần.
Nhiều học giả đều đồng ý rằng Ma-ri khi đó có thể đang ở độ tuổi từ mười hai đến mười lăm. Tôi biết bạn đã xem các bộ phim về Giáng Sinh và diễn viên đóng vai Ma-ri trông lớn hơn độ tuổi đó rất nhiều. Hãy tưởng tượng Gáp-ri-ên xuất hiện trước một cô bé mười ba mười bốn tuổi và nói với cô những gì sắp xảy ra (như bạn biết đấy). Chỉ cần nghĩ đến thôi bạn sẽ thấy đây là một câu chuyện điên rồ. Câu chuyện này quen thuộc đến mức chúng ta quên mất những chi tiết điên rồ trong đó.
Cô bé này đã hứa gả cho một người nam tên là Giô-sép. Vậy là đã có hôn ước. Việc cưới gả thời đó hơi khác với thời nay một chút. Một khi bạn đính hôn có nghĩa là bạn bị ràng buộc về mặt pháp lý với người đó. Điều này giống như bạn đã ký vào giấy đăng ký kết hôn rồi. Nếu muốn hủy bỏ hôn ước, bạn phải tiến hành các thủ tục ly hôn theo đúng nghĩa đen. Nhưng lúc này hai người chưa chính thức trở thành vợ chồng nghĩa là chưa chung sống với nhau. Điều này có một chút khác biệt so với cách chúng ta làm ngày nay.
Bây giờ thiên sứ nói, “Ma-ri, cô đã được ơn trước mặt Chúa.” Ma-ri đã làm gì để được ơn trước mặt Chúa? Chúng ta phải cẩn thận với điều này. Theo quan điểm của tôi, rất nhiều hội thánh đã hạ thấp giá trị của Ma-ri, còn Giáo-hội Công giáo La Mã thì lại đề cao Ma-ri quá mức—thậm chí đến mức thần thánh hóa. Tôi ở đây để nói với bạn rằng có một điểm trung gian giữa hai thái cực này.
Từ “được ơn” là chữ charis trong tiếng Hy Lạp. Từ này cũng được dịch là “ân điển”. “Thiên sứ vào chỗ người nữ ở, nói rằng: Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi” (câu 28). Vậy tại sao Chúa lại ở cùng với Ma-ri? Bởi vì Ngài đã chọn nàng. Không phải vì nàng tốt hơn tất cả những người nữ khác. Nàng đến từ Na-xa-rét—một sự lựa chọn khó có thể xảy ra. Sở dĩ Gáp-ri-ên hiện đến với Ma-ri là vì Chúa đã chọn sử dụng Ma-ri cho nhiệm vụ vô cùng quan trọng này (và bởi Ngài BIẾT TRƯỚC Ma-ri sẽ đáp lại sự kêu gọi của Ngài).
Nữ đồng trinh Ma-ri (người lúc này chỉ mới mười ba mười bốn tuổi), được thông báo rằng nàng sẽ sinh một Con Trai, và, “Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng.” (câu 32-33)
Tôi biết tất cả chúng ta đều muốn con mình trở nên xuất chúng. Nhưng hãy so sánh con bạn với Con Trẻ được nói đến ở đây. Chúng ta sẽ nói gì? Một cặp vợ chồng trẻ sắp chào đón đứa con đầu lòng của họ và chúng ta nói, “Con của hai bạn sẽ rất dễ thương bởi vì cả bố và mẹ đều đẹp.” Hoặc “Con của hai người sẽ thừa hưởng tài năng như cha và mẹ bé.” Nhưng hãy tưởng tượng nếu ai đó nói với bạn rằng con trai của bạn sẽ là con của Đức Chúa Trời Tối Cao, sẽ ngồi trên ngôi Đa-vít, sẽ trị vì nhà Gia-cốp, và vương quốc của con sẽ mãi mãi trường tồn… Đây không phải là một Con Trẻ bình thường.
Nếu bạn là một cô bé mười ba mười bốn tuổi, câu hỏi đầu tiên của bạn dành cho thiên sứ Gáp-ri-ên sẽ là gì? Người nói bạn sẽ sinh một con trai, và bạn còn quá nhỏ, chưa kết hôn và chưa từng gần gũi với người nam nào. Câu hỏi đầu tiên có thể là, “Việc đó sẽ diễn ra như thế nào? Chắc không phải là tôi sẽ sinh con theo cách tự nhiên đấy chứ?” Đây chính xác là những gì Ma-ri đã hỏi thiên sứ trong câu 34, “Tôi chưa ăn ở với người nam nào thì làm sao có được điều đó?”
Nàng đã rất thẳng thắng. Điều này nghe thật vô lý. Giống như Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét lẽ ra không thể có con vì họ đã quá tuổi sinh sản. Giống như Áp-ra-ham và Sa-ra lẽ ra không thể có con vì họ đã quá già. Bạn đã bao giờ nghĩ về chuyện đó chưa? Vấn đề ở đây là: PHÉP LẠ CỦA CHÚA. Chúng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc hên xui may rủi. Nữ đồng trinh chịu thai và sinh một Con Trai. Ê-li-sa-bét có thai một con trai trong lúc già nua. Sa-ra, 90 tuổi, sinh ra đứa con của lời hứa.
Tuy nhiên trường hợp của Ma-ri là duy nhất và chưa có tiền lệ. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đó nên Ma-ri nói, “Làm sao chuyện ấy xảy ra được?” Thiên sứ nói, “Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời” (câu 35). Chúa thực hiện những phép lạ về mặt sinh học. Chúng được gọi là phép lạ vì chúng không xảy ra hàng ngày. Một số người thường bỏ qua phép lạ vì chúng không xảy ra hàng ngày. Do đó mới có từ phép “lạ”. Nhưng phép lạ luôn xảy ra với chúng ta và trong thế giới của chúng ta.
Bây giờ hãy tưởng tượng cảm xúc của Ma-ri. Thưa các quý cô, hãy thử tưởng tượng bạn mới từ mười hai đến mười lăm tuổi, bạn đã đính hôn nhưng chưa chính thức làm vợ người ta và bây giờ thiên sứ nói bạn sẽ có thai và sinh con. Không chỉ sinh ra một con trẻ bình thường, mà là Con của Đức Chúa Trời, Đấng sẽ ngồi trên ngôi Đa-vít. Bạn sẽ nghĩ gì? Bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Lo lắng? Phấn khích? Sợ hãi?
Tôi đã đề cập đến điều này trước đó, đôi khi chúng ta lãng mạn hóa câu chuyện Giáng Sinh và quên mất những khó khăn mà Ma-ri phải đối mặt khi chấp nhận sự kêu gọi của Chúa cho cuộc đời mình. Bạn có nhận thấy điều đó không? Chúng ta thường nghĩ Ma-ri thật có phước. Nàng được mang thai Chúa Giê-xu. Đó là một ơn phước lớn lao chưa từng có nhưng chúng ta lại quên mất bối cảnh của câu chuyện. Rằng một trinh nữ còn nhỏ tuổi mang thai khi chưa kết hôn sẽ bị người ta cười nhạo. Sẽ không ai tin nàng là một trinh nữ. Bạn đã bao giờ gặp một người nữ mang thai nhưng vẫn còn là trinh nữ chưa? Ma-ri đang ở trong một hoàn cảnh thực sự rất khó khăn. Ngay cả vị hôn phu của nàng cũng không tin nàng, và định âm thầm từ hôn.
Hãy tưởng tượng Ma-ri cố giải thích với mọi người, “Tôi vẫn còn là một trinh nữ.” Người ta sẽ nói, “Không, cô đã thất tiết. Cô đang mang thai.” Đây không phải là thời điểm dễ dàng đối với Ma-ri. Đừng lãng mạn hóa câu chuyện. Nàng có lý do để phấn khích về những gì sắp xảy ra, nhưng điều này không làm cho cuộc sống của nàng trở nên dễ dàng. Điều này không làm cho cuộc sống của nàng tốt hơn. Phụ nữ mang thai trước hôn nhân luôn là đề tài bị bàn tán đặc biệt là vào thời đó. Tuy nhiên, hãy xem nàng đã đáp lại thiên sứ như thế nào.
“Ma-ri thưa rằng: ‘Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!’” (câu 38)
Đó sẽ không phải là câu trả lời của tôi nếu tôi là Ma-ri. “Người có chắc là muốn sử dụng tôi không? Tôi đến từ Na-xa-rét. Tôi mới mười ba mười bốn tuổi. Người có chắc không?” Nhưng Ma-ri đã thuận theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
Điều đầu tiên bạn làm khi biết mình có thai là gì? Vào thời điểm này, Ma-ri mới phát hiện mình có thai, và nàng không chỉ đang mang thai một đứa trẻ bình thường mà là mang thai Đấng Mê-si. Vậy điều đầu tiên nàng sẽ làm là gì? Ít nhất là đi báo tin này với một người thân có thể hiểu được nàng. Đó chính xác là những gì Ma-ri đã làm. Nàng đến gặp người họ hàng Ê-li-sa-bét. Tuổi tác của Ê-li-sa-bét và Ma-ri cách nhau rất xa. Ma-ri chạy đến chỗ Ê-li-sa-bét có lẽ phải mất vài ngày. Ma-ri biết Ê-li-sa-bét có thai vì Gáp-ri-ên đã nói cho nàng biết. Vì thế nàng rất phấn khích muốn chia sẻ với bà phép lạ của mình.
Bạn có nhớ thiên sứ Gáp-ri-ên đã nói với Xa-cha-ri rằng Giăng Báp-tít sẽ “được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ khi còn trong lòng mẹ” không? Vì vậy, Giăng Báp-tít đã có Đức Thánh Linh từ khi còn nằm trong bụng Ê-li-sa-bét. Còn Đấng Mê-si, mới được vài ngày tuổi trong bụng Ma-ri. Kinh Thánh nói, “Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng Ma-ri chào, con nhỏ ở trong lòng liền nhảy nhót” (câu 41). Điều đó không điên rồ sao? Chúa Giê-xu khi đó chắc chỉ bé bằng một hạt giống trong bụng Ma-ri; còn Giăng Báp-tít, em bé chưa chào đời có kích thước bằng quả bưởi này nhảy cẫng lên vì Đấng Mê-si vừa bước vào phòng. Thật kinh ngạc! Đó là những gì Đức Thánh Linh làm. Ngài bày tỏ cho chúng ta biết Đức Chúa Trời là ai.
Lý do chúng ta tin Chúa là vì Đức Thánh Linh đã bày tỏ Chúa Giê-xu cho chúng ta. Làm sao Giăng Báp-tít khi còn trong bụng mẹ—chưa thể nhìn thấy gì, chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra—lại biết được Đấng Mê-si là ai? Bởi vì Đức Thánh Linh ở trong người ấy. Điều tương tự cũng xảy ra với chúng ta. Nếu bạn là một Cơ-đốc nhân, nếu bạn là một người có đức tin, thì đó là bởi Đức Thánh Linh đã nói cho bạn biết Chúa Giê-xu là ai.
Từ máng cỏ đến Thập Tự Giá
“Ê-li-sa-bét [cũng] được đầy dẫy Đức Thánh Linh” (câu 41). Chúng ta biết tại sao Ê-li-sa-bét lại vui mừng. Bà đã già và luôn mong chờ có một đứa con. Nhưng tại sao Ma-ri lại cũng vui mừng về sự đã xảy ra cho nàng? Điều này chẳng khiến cuộc sống của nàng phức tạp hơn biết bao nhiêu? Làm sao để giải thích cho mọi người hiểu mặc dù nàng đang mang thai nhưng nàng vẫn còn là trinh nữ? Sẽ không ai tin nàng đâu. Thế thì tại sao Ma-ri lại hạnh phúc đến vậy? Tại sao nàng lại nói rằng mình là người có phước? Câu trả lời rất đơn giản và bạn biết câu trả lời. Tôi chỉ muốn nhắc lại điều đó trong mùa Giáng Sinh này. Bởi vì Con Trai đó không phải là một Con Trẻ bình thường mà là Đấng Mê-si, Cứu Chúa của cả thế gian!
Chúng ta thường chỉ dừng lại ở việc khắc họa Lễ Giáng Sinh với sự ra đời của một Con Trai sanh bởi nữ đồng trinh Ma-ri, và chúng ta quên mất rằng Con Trẻ đó lớn lên sẽ là Đấng chịu chết trên cây thập tự vì tội lỗi của chúng ta, Đấng đã sống lại từ trong nấm mồ, Đấng đã lên trời cùng Đức Chúa Cha, Đấng đã ban Đức Thánh Linh cho chúng ta, Đấng hiện đang sống trong chúng ta. Con Trẻ đã lớn lên như thế đó.
Giáng sinh này đừng đặt Con Trẻ trong máng cỏ. Bây giờ đối với những Cơ-đốc nhân chúng ta nên nói điều này. Đừng mãi giữ Con Trẻ trong máng cỏ. Ngài đã lớn. Đừng giữ Ngài trong máng cỏ, vì chúng ta biết Ngài đã chết trên cây thập tự. Chúng ta biết điều gì đã xảy ra. Vào dịp Giáng Sinh, nhiều khi chúng ta vô tình quên mất Thập Tự Giá vì muốn tập trung vào Hài Nhi trong máng cỏ.
Hãy đọc những lời của Chúa Giê-xu về lý do Ngài đến.
Giăng 18:33-37
Phi-lát trở lại dinh tổng đốc, gọi Đức Chúa Giê-xu và hỏi: “Có phải ngươi là vua dân Do Thái không?” Đức Chúa Giê-xu đáp: “Ngươi tự mình nói điều nầy, hay có ai khác nói cho ngươi về Ta?” Phi-lát trả lời: “Ta có phải là người Do Thái đâu? Dân tộc ngươi và mấy thầy tế lễ cả đã nộp ngươi cho Ta. Vậy ngươi đã làm gì?” Đức Chúa Giê-xu đáp: “Vương quốc của Ta không thuộc về thế gian nầy. Nếu vương quốc của Ta thuộc về thế gian nầy thì những người theo Ta đã chiến đấu, không để Ta bị nộp vào tay người Do Thái. Nhưng vương quốc của Ta không thuộc về thế gian nầy.” Phi-lát nói: “Thế thì ngươi là vua sao?” Đức Chúa Giê-xu đáp: “Chính ngươi nói Ta là vua. Đây là lý do tại sao Ta đã sinh ra, tại sao Ta đã giáng thế: Ấy là để làm chứng cho chân lý. Bất cứ ai thuộc về chân lý đều nghe tiếng Ta.”
Đây là lý do của mùa Giáng Sinh. Bạn có bao giờ nghĩ có một câu chuyện Giáng Sinh trong Giăng 18 không? Không, đó là câu chuyện về sự đóng đinh. “Đây là lý do tại sao Ta đã sinh ra, tại sao Ta đã giáng thế: Ấy là để làm chứng cho chân lý. Bất cứ ai thuộc về chân lý đều nghe tiếng Ta.” Chúa Giê-xu đã nói trong Giăng 14:6, “Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Cha.” Tại sao Chúa Giê-xu đến thế gian? Ngài đến để nói với thế gian rằng Ngài là con đường cứu rỗi duy nhất của nhân loại. Ngài đến để làm trọn ơn cứu độ đó trên Thập Tự Giá. Ngài đã chết cho chúng ta trên Thập Giá. Ngài đã đổ huyết Ngài vì tội lỗi chúng ta.
Điều tôi muốn bạn nhớ vào dịp Giáng Sinh này là Giáng Sinh không chỉ để nói về con trẻ nằm trong máng cỏ. Tôi muốn bạn nhớ đến Thập Tự Giá. Một số hội thánh có truyền thống mở câu chuyện Giáng Sinh và cùng đọc. Thật tuyệt. Cứ làm việc đấy. Sự ra đời bởi nữ đồng trinh là một phép lạ. Bạn nên đọc về phép lạ đó, nhưng đừng dừng lại ở đó. Hãy tiếp tục với những gì Con Trẻ ấy đã làm, sự chết và sự sống lại của Ngài; bởi vì đó là lý do Ngài đến.
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: preachingtoday.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com