Thay vì nhìn cuộc chiến giữa Israel và Hamas qua lăng kính chính trị, chúng ta hãy thử hình dung điều gì khiến Chúa quan tâm đến Israel và tại sao cuộc chiến này lại khiến chúng ta phải quan tâm.
Dân Do Thái quan trọng với Chúa
“Vì ngươi là một dân thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi; Ngài đã chọn ngươi trong muôn dân trên mặt đất, đặng làm một dân thuộc riêng về Ngài. Đức Giê-hô-va tríu mến và chọn lấy các ngươi, chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân khác đâu; thật số các ngươi là ít hơn những dân khác. Nhưng ấy vì Đức Giê-hô-va thương yêu các ngươi, và giữ lời thề mà Ngài đã lập cùng tổ phụ các ngươi, nên Đức Giê-hô-va nhờ tay mạnh rút các ngươi ra, chuộc khỏi nhà nô lệ, và cứu khỏi tay Pha-ra-ôn, vua xứ Ê-díp-tô.” (Phục-truyền 7:6-8)
Người Do Thái là tuyển dân của Ngài. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không chọn dân Y-sơ-ra-ên và nhẫn tâm bỏ rơi các dân khác. Ngài đã chọn dân Do Thái, vì qua dân đó, Chúa Cứu Thế Giê-xu Christ sẽ đến và cứu chuộc tất cả mọi người.
Đức Chúa Trời bắt đầu quá trình này bằng cách chọn ra một người, Áp-ra-ham (người đến từ một xứ vốn là Iraq ngày nay, không phải Israel), để xây dựng một gia đình mà cuối cùng sẽ trở nên một dân lớn. Áp-ra-ham từ bỏ nền văn hóa đa thần của mình để gây dựng gia đình đức tin. Dòng dõi của Áp-ra-ham qua Y-sác (dân Do Thái) ban đầu chỉ là dân kiều ngụ, những người nhập cư trước khi định cư ở Xứ Hứa với tư cách là một quốc gia (khoảng 600 năm sau khi Chúa hứa với tổ phụ của họ là Áp-ra-ham).
Những gì Chúa trân trọng, chúng ta nên trân trọng: tất cả tạo vật của Ngài.
Con cháu của Áp-ra-ham còn bao gồm cả dòng dõi Ích-ma-ên (một con trai khác của ông sinh ra bởi người nữ nô lệ), những người theo đạo Hồi. Nhưng kế hoạch của Đức Chúa Trời là Đấng Mê-si và sự cứu rỗi sẽ đến qua Y-sác (đứa con của lời hứa).
Tất cả mọi dân đều quan trọng với Chúa
Tấm lòng Chúa đau khi con người chịu khổ. Chúa là “người yêu dấu của linh hồn chúng ta”. Chúa là Cha và chúng ta là con cái của Ngài. Chúa Giê-xu được gọi là Chàng Rể và chúng ta là Cô Dâu. Ngài ví chính mình như gà mẹ, còn chúng ta là những chú gà con được chở che dưới bóng cánh Ngài. Xuyên suốt Kinh Thánh là những câu chuyện dụ ngôn và những so sánh đầy chất thơ để giải thích mối quan hệ mà Chúa muốn có với chúng ta.
Ngay từ đầu, Chúa đã dự định có mối quan hệ mật thiết với con người trong tình trạng vô tội. Ngay cả sau khi A-đam và Ê-va không vâng lời Chúa, Ngài vẫn bảo vệ họ và chuẩn bị sẵn “Kế-hoạch B”: Chúa Giê-xu. Kế hoạch này khiến Ngài phải trả một cái giá rất đắt (bằng chính huyết Ngài), nhưng Ngài sẵn sàng trả giá để duy trì mối quan hệ đời đời với tạo vật mà Ngài yêu.
Chúa không xếp hạng tầm quan trọng của chúng ta theo chủng tộc, màu da, tuổi tác hay quốc tịch. Ngài chỉ đơn giản là yêu tất cả chúng ta. Nhưng Ngài yêu dân Do Thái một cách đặc biệt.
“Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào!” (Rô-ma 5:8-9)
Chúa là Đấng Cứu Chuộc
Chúa chúng ta có thể tận dụng một tình huống tồi tệ và biến nó thành điều gì đó tốt đẹp. Ngài có cho phép đau khổ không? Có, nhưng Chúa dùng mọi thứ để kéo chúng ta đến với Ngài và Ngài không bắt buộc phải giải thích tại sao mọi việc lại xảy ra theo cách đó. Cuối cùng Gióp đã thừa nhận với Chúa sau khi mất tất cả mọi thứ và con cái của mình: “Con biết rằng Chúa có thể làm được mọi việc, không ai ngăn cản được ý định của Ngài” (Gióp 42:3).
Chúa không lấy làm vui thích khi ai đó đau khổ hoặc chết đi. Mặc dù đau khổ đang lan tràn khắp thế gian, nhưng Chúa muốn nhóm hiệp những con người đang chịu khổ đó vào trong mối quan hệ đức tin với chính mình Ngài, cho dù họ là người Do Thái hay người ngoại. Chúng ta không thể hiểu được kế hoạch hay thời gian biểu của Chúa, nhưng chúng ta phải chọn tin rằng Ngài là Đấng tốt lành. Đó là đức tin.
“Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày. Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” (2 Phi-e-rơ 3:8-9)
Vùng Đất của Israel quan trọng với Chúa
“Ta đã phán cùng các ngươi rằng: Ấy là các ngươi sẽ được xứ của dân đó; Ta cho các ngươi xứ ấy đặng làm sản nghiệp; ấy là một xứ đượm sữa và mật: Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi, đã phân rẽ các ngươi cùng các dân.” (Lê-vi Ký 20:24)
Ngài đã đặc biệt chọn Xứ Hứa cho dân tuyển của Ngài. Ngài đã khiến họ phải chiến đấu vì xứ đó. Ngài dạy họ về biên giới và lãnh thổ của từng chi phái. Ngài đã chỉ định nơi mà sự hiện diện của Ngài sẽ ngự—trong một thánh đường rất chi tiết trên Núi Đền ở Giê-ru-sa-lem (nơi Áp-ra-ham dâng Y-sác— còn được gọi là Núi Mô-ri-a). Trong khi dân Y-sơ-ra-ên lang thang 40 năm trong đồng vắng, Đức Chúa Trời ngự trong Đền Tạm; Khi Sa-lô-môn xây dựng Đền-thờ ở Giê-ru-sa-lem, Đức Chúa Trời ngự ở đó. Sự hiện diện của Ngài bao phủ Nơi Chí Thánh, một cách hữu hình. Xuyên suốt Kinh Thánh, các tác giả mô tả vùng đất của người Do Thái, đỉnh núi phủ tuyết ở Hẹt-môn, trận động đất ở núi Hô-rếp, phép lạ ở núi Cạt-mên, biển hồ Ga-li-lê, đồng bằng Mê-ghi-đô, sông Giô-đanh, cánh đồng muối ở Biển Chết. Những lùm cây ô-liu, những vườn nho, những cánh đồng lúa mì, những con sóng vỗ, những nơi hoang mạc. Được mô tả bởi các nhà thơ, nhà tiên tri và nhà sử học, Kinh Thánh chứa đựng những hình ảnh trực quan về vùng đất thực tế và biểu tượng thuộc linh mà những địa điểm đó đại diện. Chúng ta không nên thờ phượng một địa điểm nào đó, nhưng Đức Chúa Trời thường xuyên đánh dấu các địa điểm trong Kinh Thánh để dân Ngài nhớ đến (những điều mà Ngài đã làm cho họ) và thờ phượng Ngài. Đây là sức mạnh của Thánh Địa: tưởng nhớ và thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời toàn năng.
Người Hồi giáo quan trọng với Chúa
Chúa không ghét người Hồi giáo.
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).
Đức Chúa Trời đặc biệt chào đón người Do Thái, dân Ngoại, nô lệ, người làm chủ, phụ nữ và nam giới bước vào Con Đường (là sự cứu rỗi qua Chúa Giê-xu) trong suốt Tân Ước. Chúa Giê-xu cố tình đi ngược lại văn hóa Do Thái để tiếp xúc với dân Sy-rô-phê-ni-xi, người La Mã, người Sa-ma-ri, những người bị phung, gái mại dâm, phường thu thuế, người bị quỷ ám và những nhóm người bị gạt ra ngoài lề xã hội khác. Phao-lô đặc biệt đề cập đến các tín đồ từ Châu Phi, Châu Âu, Châu Á và Trung Đông trong các thư tín của ông gửi cho các hội thánh và trách Phi-e-rơ về việc tách khỏi dân ngoại ở Giê-ru-sa-lem.
Chúa không ghét ai cả, ngay cả tên trộm trên thập tự giá đã chế nhạo Ngài, ngay cả Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, ngay cả Hê-rốt…. Chúa yêu thương chúng ta. Ngài không ghét người Hồi giáo và Ngài không muốn chúng ta ghét người Hồi giáo. Ngài muốn sự cứu chuộc cho tất cả chúng ta. Hãy nhìn vào lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham khi ông đau buồn về tương lai của Ích-ma-ên:
“Ta cũng nhậm lời ngươi xin cho Ích-ma-ên. Nầy, Ta ban phước cho người, sẽ làm cho người sanh sản và thêm nhiều quá bội; người sẽ là tổ phụ của mười hai vị công hầu, và Ta làm cho người thành một dân lớn. Nhưng Ta sẽ lập giao ước Ta cùng Y-sác, độ khoảng nầy năm tới Sa-ra phải sanh cho ngươi.” (Sáng-thế Ký 17:20-21)
Trong khi mối quan hệ của Mỹ với Israel có tầm quan trọng về mặt chính trị, chúng ta là những người theo Chúa Giê-xu nên tập trung vào những lý do thuộc linh mà Cơ-đốc nhân nên quan tâm về những gì đang xảy ra ở Israel: Đức Chúa Trời muốn thế giới biết đến Ngài. Chúa không chỉ tập trung vào chính trị. Ngài yêu thương và công bằng với tất cả mọi người.
Những cá nhân nắm quyền đều là những con người bình thường và tội lỗi, do đó, họ có nhiều thiếu sót.
Israel, với tư cách là một quốc gia, khởi đầu là một chế độ thần quyền, được cai trị bởi các quan xét bảo vệ Y-sơ-ra-ên chống lại các nước láng giềng luôn gây chiến với họ và để nhắc nhở họ rằng Đức Chúa Trời là Đấng có thẩm quyền tối cao trên họ. Các quan xét con người đưa ra quyết định dựa trên lời Đức Chúa Trời phán với họ. Khoảng 400 năm trôi qua giữa vị quan xét đầu tiên và vị vua đầu tiên, Sau-lơ, (được chọn làm vua vì Y-sơ-ra-ên muốn giống như các quốc gia láng giềng của mình).
Ý định của Đức Chúa Trời đối với dân Ngài—và đối với chúng ta ngày nay—là sự giao tiếp và mối thông công trực tiếp với Ngài. Vẻ đẹp từ sự giáng sinh của Chúa Giê-xu là tình yêu cứu chuộc và sự chấp nhận của Đức Chúa Trời dành cho con cái loài người. Đức Chúa Trời đưa ra lời mời gọi thế giới sống trong chế độ thần quyền cách cá nhân với Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Thế giới mà Chúa là Vua của chúng ta và chúng ta là dân của Ngài.
“Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.” (1 Phi-e-rơ 2:9)
Các ranh giới chính trị là do con người đặt ra, do đó, vẫn có nhiều sai sót.
Đức Chúa Trời đã vạch ra biên giới quốc gia cho cuộc tiến công vào xứ Ca-na-an của Giô-suê để bảo vệ đức tin của dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng xuyên suốt Kinh Thánh, Đức Chúa Trời ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên chấp nhận những người nhập cư và chào đón họ vào mối quan hệ với Ngài. Ngược lại, Đức Chúa Trời nghiêm cấm Y-sơ-ra-ên chấp nhận các vị thần ngoại lai (tuy nhiên họ đã làm như vậy, dẫn đến việc vương quốc bị chia cắt, nhiều thế hệ chịu sự phán xét và cuối cùng là bị lưu đày).
Mặc dù các ranh giới chính trị rất hữu ích trong một thế giới hiện đại và chia rẽ, nhưng những người sống ở đó có những niềm tin, câu chuyện về nguồn gốc và mong muốn khác nhau. Chúng ta giới hạn lẽ thật mà Chúa có thể phán với chúng ta khi chúng ta rập khuôn hoặc kỳ thị những người từ các quốc gia khác.
“Đức Giê-hô-va tríu mến và chọn lấy các ngươi, chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân khác đâu; thật số các ngươi là ít hơn những dân khác.… Vậy nên, phải nhận biết rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, ấy là Đức Chúa Trời, tức Đức Chúa Trời thành tín, giữ sự giao ước và nhân từ đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ các điều răn Ngài.” (Phục-truyền 7:7, 9)
Triều Đại Ngàn Năm Bình An sẽ nằm dưới quyền cai trị của Chúa Giê-xu
Trong khi biên giới quốc gia và chính phủ giúp chúng ta được an toàn và trật tự, thì hệ thống các quốc gia trên thế giới với quân đội thường trực và các quan chức dân cử chưa bao giờ là kế hoạch của Chúa dành cho chúng ta.
Trong 2000 năm, Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta chia sẻ Phúc Âm “đến tận cùng thế giới”. Vườn Địa Đàng không phải là một đất nước, và khi Chúa Giê-xu Christ tái lâm để thiết lập Vương-quốc 1000 năm của Ngài, sẽ không có bất kỳ quốc gia hay người cai trị nào được xưng bá. Chỉ có Chúa Giê-xu xứng đáng được tôn cao.
“Đoạn, tôi lại nghe có tiếng như một đám đông vô số người, khác nào tiếng nước lớn hoặc như tiếng sấm dữ, mà rằng: Ha-lê-lu-gia! Vì Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn Năng, đã cầm quyền cai trị. Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài…” (Khải-huyền 19:6-7).
Chúng ta có nên quan tâm đến hòa bình ở Israel không?
Chắc chắn là có.
Hãy cầu nguyện cho Israel!
Hãy cầu nguyện cho các gia đình và chính phủ.
Ngoài ra, hãy cầu nguyện cho các nước láng giềng của Israel, cho gia đình và chính phủ của họ.
Hãy cầu nguyện cho Trung Đông nhận biết Chúa Giê-xu.
Dịch & biên tập: Eunice Tu
Nguồn: crosswalk.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com