“Hãy để các con trẻ đến với Ta“ (Ma-thi-ơ 19:14) đã trở thành tục ngữ trong tiếng Anh. Chúa Giê-xu đơn giản nói với chúng ta rằng đừng cản trở các em nhỏ đến với Ngài. Có Cơ-đốc nhân nào lại không đồng ý với điều đó?
Trong chương trước, Chúa Giê-xu đã ra một lời cảnh báo nghiêm khắc với những “ai gây cho một trong những đứa trẻ đã tin Ta sa vào tội lỗi thì thà buộc cối đá vào cổ người ấy, mà ném xuống biển sâu còn hơn.” (Ma-thi-ơ 18:6)
Tuần trước tôi có xem xét một vụ bê bối của một biên tập viên kiêm ‘chuyên gia’ giáo dục bị phát hiện là một kẻ ấu dâm bấy lâu nay. Mọi người bình thường, mọi phụ huynh và Cơ-đốc nhân đều kinh hoàng trước chuyện này.
Tuy nhiên Kinh Thánh cảnh báo chúng ta có những tội do không làm những việc nên làm cũng có thể gây ra rất nhiều tai hại, như phạm tội vì làm những chuyện không nên làm. Bỏ mặc cũng có thể gây hại như lạm dụng. Và sự bỏ mặc tâm linh có thể là điều tồi tệ nhất.
George Barna trong quyển sách mới nhất của mình có tựa đề Raising Spiritual Champions: Nurturing Your Child’s Heart, Mind and Soul (tạm dịch là, “Trưởng Dưỡng Những Chiến Sĩ Thuộc Linh: Nuôi Dưỡng Tấm Lòng, Tâm Trí, và Linh Hồn Con Trẻ”), dựa trên nghiên cứu của chính ông, đưa ra một loạt lời buộc tội thẳng thắng và không khoan nhượng về sự bỏ mặc tâm linh con cái của nhiều cha mẹ Cơ-đốc ở Mỹ.
Theo quan sát chính của Barna thì hàng triệu bậc cha mẹ Cơ-đốc đã không được dạy dỗ đầy đủ về đức tin của mình, và kết quả là không biết cách truyền đạt đức tin cho con cái họ. Các bậc cha mẹ này, hoặc là dạy con theo cách tồi tệ, hoặc là phớt lờ và giao phó việc giáo dục con cái cho người khác – đó có thể là trường học, phương tiện truyền thông, nhóm thanh niên hay trường Chúa Nhật.
Kết quả thật kinh khủng – và theo tôi đây là lý do chính khiến hội thánh ở Mỹ rơi vào tình trạng sa sút nghiêm trong. Một ví dụ về bằng chứng Barna đưa ra là chỉ 36% thiếu niên tuổi 13-14 tin rằng Chúa tồn tại và là Đấng Tạo Hóa toàn tri toàn năng của cõi hoàn vũ, và chỉ 1% trẻ em dưới tuổi vị thành niên có nhân sinh quan theo Kinh Thánh.
Điều này không chỉ ở Mỹ. Trong các nền văn hóa phương Tây khác có thể có những khác biệt nhưng các hội thánh Mỹ thường dẫn đầu mọi xu hướng và cả thế giới sẽ làm theo họ.
Ở quê hương Scotland của mình, trong vài thập kỷ qua, tôi đã chứng kiến giới trẻ dần bị tẩy não bởi học thuyết ‘tân tiến’ (progressive) khiến họ hoàn toàn xa rời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Nhưng đây không phải là lý do duy nhất. Thực tế là hầu hết cha mẹ Cơ-đốc không biết cách để bảo vệ và dạy dỗ con em mình – mà giao chúng cho các thầy cô trường Chúa Nhật, những người cũng không biết gì giống như họ vậy.
Tôi đã thực hiện một vài nghiên cứu tại một hội thánh nhỏ ở vùng cao và nhận thấy nguyên nhân vì sao hội thánh này mãi không phát triển (về số lượng). Trong nhiều năm, có hơn 40 em bé được báp-têm. Nhưng chỉ có một người vẫn còn nhóm lại với hội thánh – và đây là một hệ phái nghiêm khắc và bảo thủ về mặt thần học.
Ở Úc nơi tôi đang sống, các hội thánh Anh giáo tại Sydney đã được ghi nhận là có các chương trình, mục vụ và trường học xuất sắc dành cho giới trẻ. Vài năm trước, thời điểm thanh thiếu niên từ bỏ đức tin nhiều nhất là sau đại học – nhưng trong những năm gần đây vấn nạn này đã nghiêng về phía các em ở tuổi vị thành niên. Trong một hội thánh, chúng tôi thấy chỉ 25% thiếu niên đang sống tại nhà vẫn đi nhóm với ba mẹ – và chỉ 50% còn nhóm lại ở những hội thánh khác nhau.
Barna xác định nguyên nhân chính của tình trạng này. Đó không phải là sự thù nghịch của văn hóa. Cũng không phải do hệ thống giáo dục. Cũng chẳng phải vì mạng xã hội. Lý do chính là cha mẹ không có khả năng truyền lại đức tin cho con cái mình – và sự thất bại của hội thánh trong việc trang bị cho các bậc cha mẹ để làm được điều này. Câu châm ngôn xưa “Cần cả một làng để nuôi lớn một em bé” có thể diễn đạt tốt hơn theo ngôn ngữ Cơ-đốc, “Cần cả một hội thánh để nuôi lớn một em bé Cơ-đốc”.
Tầm quan trọng của việc nuôi dạy con cái theo Kinh Thánh được thể hiện qua số lần mà Kinh Thánh đề cập đến chủ đề này – và bởi mức độ nghiêm trọng của những lời cảnh báo từ Đấng Christ về việc bỏ bê con cái mình. Nếu chúng ta không cho con cái mình ăn uống đầy đủ, chúng ta đáng bị lên án. Còn nếu ta không cho con mình ăn thức ăn thuộc linh và khiến chúng vấp ngã thì sẽ thế nào?
Dưới đây chỉ là một vài giáo huấn từ Kinh Thánh:
“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, để khi trở về già, nó cũng không lìa khỏi đó.” (Châm Ngôn 22:6)
“Hỡi những người làm cha, đừng làm cho con cái mình tức giận, nhưng hãy nuôi nấng chúng trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa.” (Ê-phê-sô 6:4)
“Hãy ghi lòng tạc dạ những lời mà tôi truyền cho anh em ngày nay. Hãy ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái anh em, và phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em đi ngủ cũng như lúc thức dậy.” (Phục-truyền 6:6-7)
Trong Thi-thiên 78:4, dân sự Chúa hứa,“Chúng ta sẽ chẳng giấu các điều ấy với con cháu chúng ta, nhưng sẽ thuật lại cho thế hệ tương lai. Vinh quang của Đức Giê-hô-va cùng quyền năng Ngài, và các phép mầu mà Ngài đã làm.”
Vậy chúng ta có thể làm gì? Phân tích vấn đề là một chuyện, biết phải làm gì với vấn đề đó lại là một chuyện khác. Rõ ràng những gì chúng ta đang làm không hiệu quả. Có lẽ chúng ta có thể học hỏi được một số điều từ sự khôn ngoan của đời trước? Tôi xin đưa ra những gợi ý sau.
1. Có một đời sống tâm linh thực sự
Để nói cho con cái chúng ta biết những điều kỳ diệu mà Chúa đã làm, bản thân chúng ta cần phải kinh nghiệm những điều đó. Nói cách khác, cha mẹ cần phải có một đức tin sống động và yêu thương mà con cái có thể nhìn thấy.
2. Gia đình cùng nhau thờ phượng Chúa
Tại sao chúng ta không quay trở lại với điều này – mỗi gia đình Cơ-đốc là một hội thánh nhỏ và là nơi mà việc cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, và ca ngợi Chúa là một phần của nếp sống hằng ngày cũng như việc đánh răng, ăn sáng, và làm bài tập.
3. Dạy Giáo-lý
Một thói quen bị quên lãng khác là học giáo lý. Gần đây tôi có xem qua một bản hiện đại của Sách Giáo-lý Rút Gọn có hình minh họa đẹp mắt và nhận thấy rất hữu ích. Khi ta xem sách này vào mỗi Chúa Nhật, chúng ta nhận thấy thần học được áp dụng nhiều như thế nào vào cuộc sống đương đại. Ví dụ: Đức Chúa Trời tạo ra loài người như thế nào?
Hội thánh cần phải suy nghĩ lại một cách triệt để về cách thức giáo dục trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Nửa giờ tô màu các câu chuyện trong Kinh Thánh vào sáng Chúa Nhật sẽ không bao giờ là đủ. Ở Dundee, Scotland, nơi tôi làm mục sư nhiều năm, tôi đã bị thử thách rất nhiều khi biết trẻ em Hồi giáo phải học 2 giờ trong giáo đường sau khi đi học ở trường về!
4. Giáo Dục
John Knox lập luận rằng nơi nào có hội thánh, nơi đó phải có trường học. Lời này có thể không thực tế ngày nay, nhưng khi nhiều cha mẹ Cơ-đốc buộc phải gửi con mình đến các trường công lập, là những nơi ngày càng chống đối Cơ-đốc giáo, thì hội thánh cần quay lại với ưu tiên dành cho giáo dục.
5. Tài Liệu
Có nhiều tài liệu tuyệt vời có thể giúp được cho các bậc cha mẹ và giới trẻ – chương trình phát thanh, bài giảng, và sách như quyển 10 Questions (and Answers) every Teen should Ask about Christianity (tạm dịch là “100 Câu Hỏi (và Câu Trả Lời) Mọi Thanh Thiếu Niên Nên Hỏi về Cơ-đốc giáo”) của Rebecca McLaughlin. Tôi nhận được quá nhiều câu hỏi từ các bạn thanh thiếu niên đến độ tôi đã xuất bản 2 quyển sách để trả lời những câu hỏi đó – A.S.K và S.E.E.K. Cũng dễ đoán tên quyển thứ ba sẽ là gì!
6. Cầu Nguyện
Cuối cùng – và hẳn là điều quan trọng nhất – là cầu nguyện. Không phải ngẫu nhiên mà trong một chương Phao-lô bắt đầu bằng việc nói về mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, ông kết thúc bằng việc khích lệ chúng ta hãy “Hãy thường xuyên dùng mọi lời khẩn nguyện, nài xin, mà cầu nguyện trong Thánh Linh. Để đạt mục tiêu nầy, hãy kiên trì, tỉnh thức, và cầu nguyện cho tất cả các thánh đồ.” (Ê-phê-sô 6:18)
Dịch: Richard Huynh
Nguồn: christiantoday.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com