Home Chuyên Đề Kết Thúc Các Thời Kỳ Của Dân Ngoại

Kết Thúc Các Thời Kỳ Của Dân Ngoại

by Hong An
30 đọc

Chúng ta đang trên đường đến giờ phút vinh quang đó. Thời kỳ của các dân ngoại đang sắp kết thúc. Theo một số người, thời kỳ của các dân ngoại đã kết thúc. Họ nói, “hãy nhìn xem sự tái thiết Nhà nước Do Thái năm 1948”. Mặc dù phải đối mặt với biết bao khó khăn, Y-sơ-ra-ên đã có thể kỷ niệm quốc khánh lần thứ 50 vào năm 1998, Năm Hân Hỉ đầu tiên (Lê-vi-ký 25,27) kể từ khi thành lập Nhà nước, mặc dù đúng lịch của Năm Hân hỉ là một vài năm sau đó. Hôm nay (2013) Y-sơ-ra-ên đã chuẩn bị cho lễ kỷ niệm quốc khánh 65 năm của nhà nước Y-sơ-ra-ên trong năm 2013! Một số người nói, “chắc chắn, thời kỳ của dân ngoại đã kết thúc vào năm 1967, khi thành phố Giê-ru-sa-lem được tái thống nhất và trở thành thủ đô không phân chia của Nhà nước Y-sơ-ra-ên.”
Trong năm đó Y-sơ-ra-ên đã giải phóng Đông Giê-ru-sa-lem ra khỏi sự chiếm đóng của Jordan. Một phần của thành phố đã phải chịu đựng đau khổ kể từ khi có tuyên ngôn độc lập của nhà nước Do Thái vào năm 1948. Trong 19 năm đó, vô số nhà hội ở Đông Giê-ru-sa-lem đã bị phá hủy hoặc biến thành nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, 19 năm đó, chỉ là một đốm sáng nhỏ trong lịch sử 3.000 năm của Giê-ru-sa-lem, là thời điểm duy nhất mà thành phố bị chia ra, và do đó bất kỳ người Pa-lét-tin nào yêu cầu sở hữu một phần của thành phố này về mặt lịch sử đều không hợp lệ. Sau đó, Y-sơ-ra-ên đã tuyên bố Giê-ru-sa-lem thành thủ đô không phân chia của nhà nước Y-sơ-ra-ên độc lập. Những người chỉ ra sự kiện này để lập luận rằng sự kết thúc thời đại của dân ngoại xảy ra vào năm 1967 nói, “Bạn hãy nhìn Giê-ru-sa-lem kìa, nó không còn ở dưới chân của dân ngoại nữa.” Nhưng đó có phải là tình huống thực sự không? Không có người ngoại bang nào đang cai trị ở Giê-ru-sa-lem sao? Việc Châu Âu và Liên Hợp Quốc bảo Y-sơ-ra-ên những gì cần phải làm trên vùng đất và trên thành phố Giê-ru-sa-lem của họ thì sao? Và việc thế giới Ả-rập đang kiểm soát nơi chí thánh tại Giê-ru-sa-lem, Núi Đền thì sao? Và người Ả-rập /người Pa-lét-tin tuyên bố Đông Giê-ru-sa-lem là thủ đô của một quốc gia Hồi giáo Ả-rập mới, họ muốn gọi Pa-lét-tin là tên của La-Mã cho khu vực này. Há đây không phải là một cái tên được Hoàng đế Hadrian đặt cho phần đất nầy của Đế Chế La-Mã xưa, bởi vì ông ghét người Do Thái đến nỗi ông đã chọn tên kẻ thù tinh quái của họ – “Phi-li-tin” – đặt cho tỉnh La-mã nầy của ông ta? Hoặc việc Giáo Hoàng tuyên bố Giê-ru-sa-lem là thủ đô của ba tôn giáo lớn của thế giới, thay vì thủ đô của một quốc gia Do Thái bằng tên của Y-sơ-ra-ên thì sao? – Không, thời kỳ của dân ngoại cai trị Giê-ru-sa-lem chưa kết thúc đâu!

Kinh Thánh cũng có vẻ như đang ám chỉ một thời điểm khác, vì Kinh Thánh nói rằng các thời kỳ của Dân Ngoại sẽ chấm dứt với sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a, sự trở lại của Đấng Christ. Chúng ta không được bỏ qua sự kiện quan trọng rằng địa điểm thánh khiết nhất ở Giê-ru-sa-lem, ở trung tâm thành phố, vẫn còn khép kín với người Do Thái. Dân Ngoại/ người Ả-rập còn cai trị ở đó. Thế giới Hồi giáo còn chi phối Núi Đền. Vẫn còn bảng ghi chép: ‘für Juden verboten’ (cấm người Do Thái).

Đã một lần đền thờ đứng ở nơi này, ở đó, trên núi Mô-ri-a, là núi Si-ôn, Áp-ra-ham đã chuẩn bị dâng hiến Y-sác (Sáng thế ký 22:1-19). Niềm tin và sự tin cậy của ông đặt nơi Chúa đến mức độ ông tin rằng Đức Chúa Trời có thể đem con trai của ông từ kẻ chết sống lại và, theo một ý nghĩa, điều này đã xảy ra (Hê-bơ-rơ 11:17-19). Đức Chúa Trời đã chọn nơi này làm nơi cư ngụ cho danh của Ngài (Phục truyền 12:11). Ngài hướng dẫn Đa-vít chọn vị trí chính xác (1 Sử ký 21:21-22:1) và Sa-lô-môn, con trai của ông, đã xây dựng Đền Thờ ở đó (I Các Vua 5:8). Tiếp sau cuộc lưu đày Ba-by-lôn, đền thờ đã bị vua Nê-bu-cát-nết-sa phá hủy, rồi đã được xây dựng lại dưới sự lãnh đạo của E-xơ-ra và Nê-hê-mi. Đền thờ nầy nhỏ hơn nhiều so với đền thờ của Sa-lô-môn xây cất, đến nỗi những người hồi hương lớn tuổi, những người nhớ lại đền thờ nguyên thủy, đã khóc trong lễ khánh thành đền thờ này (E-xơ-ra 3:12). Đền thờ thứ hai này, được vua Hê-rốt (là Hê-rốt đã tàn sát con trẻ của Bết-lê-hem) mở rộng và trang hoàng, rồi sau đó đã bị Titus phá hủy trong năm 70 S.C.N. Hôm nay là địa điểm của hai đền thờ Hồi giáo. Vì vậy, nơi này vẫn còn bị giẫm đạp dưới chân người ngoại bang (tức là người ngoài dân Do Thái). Người Ả-rập vẫn còn nắm quyền cai trị của họ ở đó.

Trích: Tại sao lại là Israel
Mục sư Rev. Willem JJ Glashouwer
Cơ Đốc Nhân Vì Israel Quốc Tế
Hình: Jerusalem Photo

https://www.facebook.com/photo/?fbid=729879148358960&set=a.120082816005266

Bình Luận:

You may also like