Home Dưỡng Linh Radio Mana Thuộc Linh – Phần 213: Tiếng Báo Tỉnh Thức

Radio Mana Thuộc Linh – Phần 213: Tiếng Báo Tỉnh Thức

by Radio Mana Thuộc Linh
30 đọc

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 26: 58, 69-75

58 Phi-e-rơ theo Ngài xa xa cho đến sân của thầy cả thượng phẩm, vào ngồi với các kẻ canh giữ đặng coi việc ấy ra làm sao. 69 Bấy giờ Phi-e-rơ vẫn ngồi ngoài sân. Có một người đầy tớ gái đến gần, mà nói cùng người rằng: Ngươi cũng là kẻ ở với Jêsus, người Ga-li-lê. 70 Song Phi-e-rơ chối trước mặt chúng mà rằng: Ta không hiểu ngươi nói chi. 71 Khi đi ra ngoài cửa, lại có một đầy tớ gái khác thấy người, bèn nói cùng kẻ ở đó rằng: Người nầy cũng ở với Jêsus, người Na-xa-rét. 72 Song Phi-e-rơ lại chối và thề rằng: Ta chẳng hề biết người ấy. 73 Một chặp nữa, những kẻ ở gần đó đến gần nói với Phi-e-rơ rằng: Chắc thật, ngươi cũng thuộc về đảng ấy, vì tiếng nói của ngươi khai ngươi ra. 74 Người bèn rủa mà thề rằng: Ta không biết người đó đâu! Tức thì gà gáy. 75 Phi-e-rơ nhớ lại lời Đức Chúa Jêsus đã phán rằng: Trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần. Đoạn, người đi ra và khóc lóc cách đắng cay.

Lời ngỏ:

Người Việt Nam chúng ta chia “canh của đêm” bắt đầu từ 0 giờ đêm. Và canh một là 1 giờ, canh hai là 2 giờ, canh ba là 3 giờ, canh tư là 4 giờ, và canh năm lúc 5 giờ sáng. Tương tự như bài thơ “Thuỵ bất trước” được Huệ Chi dịch lời:

Canh một… canh hai… lại canh ba,
Trằn trọc, băn khoăn, khó ngủ mà;
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,
Sao vàng năm cánh quyện hồn ta.

Khác với cách chia “canh của đêm” phía trên đây của người Việt, thì người Do thái chia đêm làm bốn canh mà mỗi canh kéo dài đến 3 tiếng; bắt đầu canh đêm được tính kể từ 6 giờ tối. Nói cách cụ thể hơn thì Canh một từ 6 đến 9 giờ tối; canh hai từ 9 đến 12 giờ đêm; canh ba từ 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng; và canh tư từ 3 đến 6 giờ sáng. Tiếng gà gáy sáng thường vào giữa canh ba và canh tư. Đức Chúa Giê-xu nói tiên tri trước với Phi-e-rơ rằng trước lúc rạng đông ông sẽ chối không biết Chúa Giê-xu đến 3 lần.

Có người kể về một giai thoại lịch sử là sứ đồ Phi-e-rơ khi trở thành nhà lãnh đạo của Hội thánh lớn thì tỏ ra rất lo sợ khi nghe tiếng gà gáy, hay có người khác giả tiếng gà gáy để nhạo báng và phê phán ông vốn là kẻ chối Chúa ba lần, ông không xứng đáng làm nhà lãnh đạo. Thế nhưng, đó chỉ là giai thoại không có chứng cứ. Theo Phúc âm Mác, là sách đề cập chi tiết và sống động hơn về sự kiện này (Mác 14:66-72). Chúng ta biết sách Mác được viết dựa theo lời giảng dạy của sứ đồ Phi-e-rơ. Như vậy, sứ đồ Phi-e-rơ không sợ bị nhạo báng để cố gắng “ém nhẹm” biến cố không hay của bản thân mình. Nhưng ngược lại, sứ đồ Phi-e-rơ đã thường xuyên làm chứng về sự kiện này với sự hạ mình và khiêm nhường rằng “Tôi vốn là kẻ xấu xa, chối Chúa; nhưng Ngài đã cầu nguyện cho tôi biết hạ mình ăn năn, Ngài đã tha thứ tội lỗi tôi. Cho nên, tôi còn sống để làm chứng về Ngài ấy là bởi ân điển và tình yêu của Chúa chứ không phải khả năng của tôi.”

Chúa Giê-xu nói trước về việc khi Ngài bị bắt thì tất cả các môn đồ sẽ chạy tan lạc để trốn khỏi sự vây bắt theo thông lệ “bắt tướng thì cũng bắt bộ hạ thân tín”. Phi-e-rơ cũng từng chạy trốn khi những kẻ trang bị khí giới bắt và giải Chúa đi. Nhưng sau đó thì Phi-e-rơ đã cố tình bước theo dấu chân Chúa Giê-xu. Do đó ông biết rõ lịch trình, hành trình của cuộc bách hại này. Ông biết được họ áp giải Chúa Giê-xu đến nhà An-ne trước khi dẫn đến nhà Cai-phe để luận tội. Bởi ông tìm cách len lỏi vào trong sân nhà của thầy tế lễ nên ông nghe và thấy được những điều xảy ra cho Chúa Giê-xu. Nếu không nhờ Phi-e-rơ thì chúng ta không có căn cứ rõ ràng về cuộc phán xét bất công, vô luật pháp đến mức độ nào. Nhưng bởi vì ông đã can đảm vào tận nơi an ninh vây chặt và phải đến gần đống lửa đốt giữa sân nhà đang khi vụ án được xử nên ông bị phát hiện nhiều lần. Dù bị phát hiện, nhưng ông cố lẩn tránh nơi khác để nghe và thấy diễn biến của vụ án và ông đã bị phát hiện qua giọng nói. Rất có thể Phi-e-rơ đã hỏi han, dò la thông tin để biến diễn tiến vụ việc.

Có thể Phi-e-rơ vô tình phạm lỗi chối Chúa đến 3 lần nhưng ông đã ăn năn khi ông bắt gặp trực tiếp ánh mắt nhân từ của Chúa nhìn ông từ phía trong toà án. Và tiếng gà gáy khiến ông tỉnh thức về lời Chúa Giê-xu phán trước với ông. Điều đó chứng tỏ ông đã bị cám dỗ chối Chúa bởi trước đó không cầu nguyện để trang bị vũ khí thuộc linh khi bị tấn công.

Thêm một điều chúng ta cần suy nghĩ thêm rằng tiếng gà gáy khiến cho sứ đồ Phi-e-rơ tỉnh ngộ có thể là tiếng gà gáy báo sáng, nhưng đó cũng có thể là tiếng kèn đổi canh của vệ binh Rô-ma. Bởi vì, trong xứ Do thái gà vịt gần như không thấy Kinh thánh đề cập nhiều. Việc nuôi gia cầm giữa thành phố, giữa nơi sang trọng toàn nhà cửa của quan chức và người có địa vị xã hội lại càng hiếm hoi hơn. Vì nuôi những con gia cầm này liên quan đến vấn đề ô uế, những con vật không sạch. Trong khi đó nhà của thầy tế lễ thượng phẩm ở gần với khu vực quân sự từ toà lâu đài Antonia do lính Rô-ma đóng. Vào giờ hừng sáng tiếng kèn đổi gác được vang lên như tiếng gà gáy. Bởi trong tiếng la tin thì tiếng kèn là gallicinium, từ này cũng có nghĩa là tiếng gà gáy.  Nói chung, tiếng kèn đổi canh hay tiếng gà gáy đều có tác dụng là tỉnh thức Phi-e-rơ về lời Chúa đã phán, và ông đã ăn năn.

Kết luận

Không ai có thể phủ nhận việc Phi-e-rơ đã chối Chúa ba lần, vì đó là sự thật mà chính ông cũng thừa nhận sự yếu đuối của mình. Vì thế, chúng ta cũng không thể phủ nhận nhiều lúc trong cuộc đời chúng ta do thiếu cầu nguyện, thiếu cảnh giác, thiếu nhìn xem Chúa và nghe lời phán của Chúa mà có thể vấp phạm từ tội vô tình dẫn đến nghiêm trọng. Điều quan trọng hơn là chúng ta khi nghe tiếng phán hay những dấu hiệu cảnh báo từ Chúa thì chúng ta có tỉnh ngộ để lập tức ăn năn, hay chúng ta lại cứng lòng tiếp tục làm ngơ trước lời Chúa, cứ cố chấp theo âm mưu của mình như thầy tế lễ cả và bộ hạ của ông ta đã vấp phạm.

Hơn nữa, khi được Chúa cảnh báo tỉnh thức thì chúng ta có thật lòng khóc lóc ăn năn tội mình để cầu xin sự thương xót của Ngài như Phi-e-rơ, hay trở nên điên loạn, bất cần đời để tự vẫn như Giu-đa Ích-ca-ri-ốt? Sự khóc lóc ăn năn thật mới giúp chúng ta được Chúa thương xót và chữa lành cho.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

Xin Chúa thứ tha lỗi lầm của chúng con. Bởi vì, nhiều lúc chúng con vô tình hay cố ý mà phạm tội bởi sự thiếu trang bị vũ khí thuộc linh đáng phải có. Nguyện Chúa nắm tay con dẫn đi mọi quãng đường đời, và hướng dẫn chúng con quay trở lại con đường mà Chúa muốn chúng con cần phải bước đi.

Chúng con cầu nguyện Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.

 Viết bởi Thiên Gia Vĩnh

Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like