Home Chuyên Đề Quyền Năng Vô Tận Của Cầu Nguyện – Kỳ 9: ‘Cầu Nguyện Không Thôi’ Có Thực Sự Khả Thi?

Quyền Năng Vô Tận Của Cầu Nguyện – Kỳ 9: ‘Cầu Nguyện Không Thôi’ Có Thực Sự Khả Thi?

by Sưu Tầm
30 đọc

Kỳ này, chúng ta sẽ nói về mối quan hệ đặc biệt được thiết lập giữa chúng ta và Đức Chúa Trời nhờ sự cầu nguyện chân thành, lâu dài và đều đặn.

Cầu nguyện thường xuyên dẫn đến điều gì?

Chúng ta sẽ xem xét kỹ một câu chuyện trong Kinh Thánh để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều này. Công-vụ 3:1-10 ghi lại sự việc Phi-e-rơ và Giăng cùng lên Đền-thờ thì thấy một người bại liệt đang ngồi tại nơi gọi là “Cửa Đẹp”. Người này bị què từ lúc lọt lòng mẹ. Hằng ngày được người ta đem đến đặt tại cửa này để xin ăn. 

Thấy Phi-e-rơ và Giăng bước vào Đền-thờ, người này xin họ bố thí cho ít tiền. Anh chăm chú nhìn hai ông với hy vọng sẽ nhận được chút gì. Nhưng Phi-e-rơ nói với anh: “Tôi không có vàng bạc gì cả, nhưng điều tôi có thì tôi cho anh: Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ người Na-xa-rét, hãy đứng dậy và bước đi!

Tôi muốn chúng ta chú ý đến những lời này của Phi-e-rơ, “Tôi không có vàng bạc gì cả.” Phi-e-rơ không giàu. Ông có lẽ không sở hữu nhiều của cải vào thời điểm đó. Tuy nhiên, ông cũng không phải là quá túng quẫn. Những người Do Thái trung tín sẽ không đến Đền-thờ mà không mang theo phần mười và các lễ vật. Tất cả đều trung tín trong việc dâng phần mười, thậm chí họ quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất. Họ cũng mang theo lễ vật và các của dâng, để giúp đỡ người nghèo.

Tôi không có ý đi sâu vào vấn đề này. Nhưng hiểu được điều này, chúng ta có thể kết luận rằng Phi-e-rơ có khả năng cho người què này những gì anh xin. Ông có thể dễ dàng đưa ra quyết định rằng thay vì dâng của lễ trong Đền-thờ, ông sẽ trao trực tiếp cho người què tội nghiệp. Thay vào đó, Phi-e-rơ đáp thế này, “Điều tôi có thì tôi cho anh.” Lòng trắc ẩn của Phi-e-rơ đã giúp người đàn ông tật nguyền nhận được một điều quý giá hơn nhiều so với điều mà anh đã xin, “Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ người Na-xa-rét, hãy đứng dậy và bước đi.”

Bây giờ cho phép tôi hỏi bạn một vài điều: Phi-e-rơ có cầu nguyện trước khi bảo người què đứng dậy và bước đi không? Kinh Thánh có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông đã nói những câu đại loại như, “Lạy Chúa, con cầu xin Ngài chữa lành cho người anh em này. Nếu đây là ý muốn của Ngài, xin để ý Ngài được nên vì con biết rằng Ngài có quyền năng để chữa lành cho con người tội nghiệp này. Con tin cậy Ngài…”? Chúng ta không đọc thấy điều đó. Tại sao? Phi-e-rơ có quá tự phụ không? Thay vì tìm kiếm ý muốn của Chúa, Phi-e-rơ cho rằng Chúa sẽ chữa lành người này chỉ bằng lời công bố của ông?

Bạn có thể biết từ kinh nghiệm cá nhân rằng không phải lúc nào Chúa cũng chữa lành cho con người. Không phải lúc nào Chúa cũng cứu chúng ta khỏi những khó khăn và thử thách tạm thời. Tôi nghĩ đến Ê-tiên, một người yêu mến Chúa và giảng dạy về Chúa Giê-xu; bị đưa ra trước các nhà lãnh đạo Do Thái với những cáo buộc sai trái; lời kháng cáo của người càng làm họ thêm tức giận và quyết định ném đá người cho đến chết. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã không can thiệp vào tình huống đó. Con người tin kính này đã tử đạo ngay trước mặt Đức Chúa Trời (Công-vụ 6-7). Rất nhiều người công chính đã chết trong lịch sử, nhưng Chúa luôn ở bên cạnh họ vào giây phút đó.

Chúa Giê-xu đưa ra lời cảnh báo và khích lệ này cho các môn đồ:

Ta đã bảo các con những điều nầy, để các con có sự bình an trong Ta. Các con sẽ có hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi.” (Giăng 16:33)

Làm sao Phi-e-rơ có thể tự tin ra lệnh cho người què này đứng dậy và bước đi? Lỡ như chẳng có gì xảy ra thì có phải ông sẽ chịu xấu hổ một phen? Ông cho rằng Chúa sẽ thực sự chữa lành cho người này? Chúng ta có bằng chứng nào cho thấy Phi-e-rơ đã cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin cho con biết con có nên làm điều này hay không. Con muốn làm theo ý Ngài chứ không theo ý con. Vì vậy, Chúa ơi, xin dạy con phải cầu nguyện điều gì và chỉ cho con biết con đường đúng đắn”?

Sứ-đồ Phao-lô đã viết trong bức thư nổi tiếng của mình:

Thánh Linh giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta, vì chúng ta không biết phải cầu nguyện điều gì cho đúng, nhưng chính Thánh Linh dùng những sự thở than không thể diễn tả bằng lời mà cầu thay cho chúng ta.” (Rô-ma 8:26)

Vì lý do này, lẽ ra Phi-e-rơ có thể cầu nguyện, “Xin chỉ cho con biết phải cầu xin điều gì. Con có nên cầu nguyện cho người này không? Anh ấy cần gì nhất? Phải chăng là sự chữa lành thuộc linh? Nhưng, nếu anh ấy được chữa lành về thuộc thể, thì liệu anh có phạm tội nữa không? Chúa ơi, con phải làm gì?”

Tôi tự hỏi tại sao ông không cầu hỏi bất cứ điều gì. Tôi nghĩ rằng câu trả lời được tìm thấy trong một câu chuyện khác từ cuộc đời của Phi-e-rơ.

Là một người Do Thái, sự tương tác của Phi-e-rơ với những người không phải là người Do Thái bị giới hạn đáng kể vì dân Do Thái thường sợ bị dân ngoại làm cho ô uế. Cọt-nây, một viên đội trưởng La Mã, cử ba người đi mời Phi-e-rơ đến nhà mình. Điều gì khiến Phi-e-rơ không ngần ngại nhận lời mời của họ?

Thánh Linh bảo tôi phải đi với ba người ấy, đừng nghi ngờ gì cả. Sáu anh em đây cũng đồng đi với tôi, và chúng tôi bước vào nhà Cọt-nây.” (Công-vụ 11:12)

Ông luôn hiệp thông với Đức Thánh Linh. Ông đã giữ liên lạc với Đức Chúa Trời giống như Hê-nóc, Áp-ra-ham, Môi-se, Phao-lô và những người khác đã đồng đi với Đức Chúa Trời. Điều đó nghĩa là gì?

Phi-e-rơ luôn sống hòa hợp với Đức Chúa Trời, và tấm lòng của ông luôn cởi mở để đón nhận những chỉ dẫn từ Đức Thánh Linh.

Lý do tại sao chúng ta cảm thấy mình cần phải cầu nguyện trước khi làm bất cứ điều gì là vì chúng ta không có mối liên hệ xuyên suốt-một sự kết nối không bị gián đoạn với thiên đàng. Khi liên tục kết nối với Chúa, bạn sẽ không bối rối trong cơn khủng hoảng. Ngay từ khi bắt đầu ngày mới, bạn đã liên tục kết nối với Ngài. Khi khủng hoảng bất ngờ ập đến, những người không có mối liên hệ như vậy với Chúa sẽ bắt đầu cầu nguyện một cách tuyệt vọng. Tuy nhiên, những người đã hòa hợp với Đức Chúa Trời sẽ không tuyệt vọng khi đối mặt với những nan đề lớn. Họ có một sự tự tin xác quyết vào Đức Chúa Trời của mình. Họ đã được kết nối với Ngài nên không phải cuống cuồng tìm cách kết nối.

Phi-e-rơ luôn duy trì mối liên hệ thường xuyên với Đức Chúa Trời. Ông ở trong Thánh Linh, và chính Thánh Linh đã soi dẫn ông để nói, “Hãy đứng dậy và bước đi.” Ông không tự mình nói, và ông cũng không tự mình hành động. Sự cầu nguyện của ông không hề gián đoạn; ông đã dành cả ngày để giữ liên lạc với Chúa.

Bạn càng cầu nguyện nhiều thì ảnh hưởng của Đức Thánh Linh trong đời sống bạn càng lớn. Bạn càng cầu nguyện, suy ngẫm và học lời Chúa bao nhiêu thì mối quan hệ của bạn với Chúa càng sâu sắc bấy nhiêu. Sự hiểu biết của bạn về Chúa rằng Ngài là ai và Ngài muốn gì ở bạn sẽ trở nên rõ ràng hơn mỗi ngày.

Cơ-đốc giáo không phải là bạn biết gì hay làm điều gì được cho là đúng, mà là bạn biết Ngài là ai và bạn được kết nối với Ngài như thế nào. Sau đó, mọi thứ khác sẽ xảy ra một cách tự nhiên.

Mối liên hệ mà bạn phát triển với Chúa hôm nay sẽ có kết quả lâu dài. Khi bạn và Chúa thường xuyên giữ liên lạc với nhau, Ngài sẽ chuẩn bị bạn để hoàn thành kế hoạch của Ngài trong cuộc đời bạn. Sự chuẩn bị mà bạn trải qua chính là câu trả lời cho điều mà bạn đang cầu xin.

Ví dụ trong Kinh Thánh

Nô-ê

Trước trận lụt, Nô-ê không biết mưa là gì; ông không biết tàu thuyền là gì; ông không biết cách đóng tàu hay thậm chí cách sử dụng nó. Ông thậm chí không có khả năng tưởng tượng ra một trận lụt sẽ nhấn chìm cả thế gian (Sáng-thế Ký 6-8).

Nhưng trước khi đóng tàu và trước cơn nước lụt, mối quan hệ của Nô-ê với Đức Chúa Trời đã được xây dựng theo thời gian. Qua việc cầu nguyện, ông học biết Đức Chúa Trời và tin cậy Ngài. Đó là lý do tại sao Nô-ê có thể làm những gì Chúa bảo ông làm. Nếu Nô-ê không có mối quan hệ trước đó với Đức Chúa Trời, thì ông đã không biết rằng Ngài thật đáng tin cậy, và Nô-ê sẽ không vâng lời Ngài.

Trận đánh Giê-ri-cô

Khi con cái Y-sơ-ra-ên băng qua sông Giô-đanh, thành Giê-ri-cô sừng sững trước mặt họ, thách thức bất kỳ nỗ lực xâm nhập nào của con người. Đức Chúa Trời bảo Giô-suê dẫn quân đi vòng quanh thành Giê-ri-cô (Giô-suê 5-6). Giô-suê là một tướng giỏi và ông phải biết rằng đó là hành động tự sát. Ông biết khi có ai đến gần pháo đài thì binh lính Giê-ri-cô đứng ở trên tường thành sẽ ngay lập tức bắn tên xuống. Nói một cách logic, tốt hơn là họ nên tránh xa những bức tường và tìm một nơi trú ẩn nào đó. Tuy nhiên, Giô-suê cũng là một người hay cầu nguyện.

Những người dành đủ thời gian để cầu nguyện sẽ biết Chúa đến mức họ học cách phân biệt tiếng của Ngài với những tiếng nói xung quanh.

Do đó, khi Chúa xuất hiện với Giô-suê dưới hình dạng Tướng Chỉ Huy đạo quân của Đức Giê-hô-va và ra lệnh cho ông chỉ cần đi chung quanh thành, ông đã vâng lời. Ông đã lãnh đạo quân đội của mình làm một việc tưởng chừng hết sức phi lý, nhưng lại mang lại chiến thắng áp đảo cho Y-sơ-ra-ên.

Nhiều người mong đợi nhận được quyền năng, phép lạ và sự phát triển thuộc linh mà không dành nhiều thời gian để cầu nguyện. Sẽ không có gì xảy ra nếu bạn không được kết nối với Nguồn sức mạnh lớn lao. Tự thân chúng ta không có quyền năng nào cả. Quyền năng thực sự chỉ có nơi Đức Chúa Trời và những lời cầu nguyện của chúng ta kết nối chúng ta với Ngài.

Để có mối liên hệ mật thiết hơn với Chúa, chúng ta cần cầu nguyện không thôi.

Cầu nguyện không thôi là gì?

Trong lá thư gửi cho hội thánh ở Tê-sa-lô-ni-ca, Sứ-đồ Phao-lô đưa ra chỉ dẫn sau: “[Hãy] cầu nguyện không thôi.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17)

Ông có ý gì khi nói “Hãy cầu nguyện không thôi”; ở đây không có ý nói bạn phải liên tục cầu nguyện không ngừng nghỉ. Nhưng điều đó có nghĩa là bạn phải liên tục kết nối với Chúa mà không bị gián đoạn. Hê-nóc là một ví dụ hoàn hảo. Đây là những gì Kinh Thánh nói về người:

Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi.” (Sáng-thế Ký 5:24)

Hê-nóc đồng đi với Đức Chúa Trời. Nhưng đó không phải là kiểu đi tản bộ mà người ta hay nói với nhau, “Chúng ta đi dạo chút nhe.” Hê-nóc đã liên tục kết nối và luôn nhận thức được sự hiện diện của Chúa. Đây là một trạng thái liên tục lệ thuộc vào Chúa. Bạn liên tục kể với Chúa về mọi thứ mà bạn đang trải qua suốt cả ngày. Từ những quyết định lớn cho đến những quyết định nhỏ bạn cũng đều cầu hỏi Ngài, “Con có nên nói điều này không, có nên làm điều này không?” Giao tiếp thường xuyên và liên tục là loại cầu nguyện mà Phao-lô nói đến. Vấn đề ở đây không phải là cầu xin, mà là kết nối. Đây là lý do tại sao Chúa Giê-xu nói:

Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được.” (Giăng 15:5)

Đây là ý nghĩa của việc thường xuyên giữ liên lạc. Giống như bóng đèn không có điện thì sẽ không phát sáng. Để bóng đèn sáng, bóng đèn phải luôn được kết nối với nguồn điện. Nói cách khác, cầu nguyện phải là cốt lõi của toàn bộ đời sống chúng ta, toàn bộ đức tin của chúng ta và mọi việc chúng ta làm. Chúa Giê-xu đã sống như vậy. Hãy xem Ngài nói gì về điều này:

Ta không nói theo ý riêng mình, nhưng chính Cha là Đấng đã sai Ta truyền cho Ta phải nói điều chi và công bố điều gì.” (Giăng 12:49)

Khi các ngươi treo Con Người lên, lúc ấy các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đấng Hằng Hữu, và biết Ta không tự mình làm điều gì, nhưng chỉ công bố những điều Cha dạy Ta. Đấng đã sai Ta vẫn ở với Ta, không để Ta một mình, vì Ta luôn luôn làm những điều đẹp lòng Ngài.” (Giăng 8:28-29)

Những lời Ta nói với các con không phải Ta tự nói, nhưng chính Cha là Đấng ở trong Ta đang làm những việc của Ngài.” (Giăng 14:10)

Những câu này cho thấy tầm quan trọng của sự cầu nguyện trong cuộc đời Chúa Giê-xu và Ngài kết nối với Đức Chúa Cha như thế nào. Trước hết, cầu nguyện không thôi có nghĩa là chúng ta cầu nguyện trước khi nói bất cứ điều gì. Thứ hai, cầu nguyện không thôi có nghĩa là chúng ta cầu nguyện trước khi làm bất cứ điều gì. Chúng ta sẽ không làm những gì mình cho là tốt nhất, mà chỉ làm những gì Chúa bảo chúng ta làm.

Nếu Chúa không bảo bạn làm điều đó, thì đừng làm. Cầu nguyện không thôi giúp bạn hòa hợp với Chúa trong khi chờ đợi Ngài và chỉ hành động khi Ngài dẫn dắt. Chúng ta thấy điều này được minh họa qua sự kiện dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng. Họ không di chuyển cho đến khi trụ lửa và trụ mây di chuyển. Khi trụ mây rời đi, họ nhổ trại và đi theo, khi trụ mây dừng lại, họ dừng lại và dựng trại tại đó.

Khi lệ thuộc vào sức người và sự khôn ngoan của con người, chúng ta không có đủ thông tin cần thiết để đưa ra những quyết định sáng suốt nhất. Chúng ta có tầm nhìn cực kỳ hạn chế và không có khả năng nhìn thấy tất cả những kết quả [hay hậu quả] có thể xảy ra. Chúng ta không thể tự dẫn dắt chính mình. Nếu chúng ta ỷ lại vào sức lực và trí tuệ có hạn của con người, chúng ta sẽ thất bại.

Nhưng đây không phải là trường hợp của Chúa Giê-xu. Ngài hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Chúa Cha và làm theo chương trình của Cha. Mọi việc chúng ta làm đều phải được thắm đẫm trong sự cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Thân thể vật lý của chúng ta không ngừng thở để duy trì sự sống và có thể hoạt động. Bạn thở khi đi học, khi ăn tối hoặc chơi thể thao. Cầu nguyện không chỉ là một phần trong đời sống thuộc linh của chúng ta, mà còn là sự sống của chúng ta.

Tương tự như vậy, dù làm bất cứ điều gì, chúng ta phải liên tục cầu nguyện. Và nếu nương tựa vào Chúa, chúng ta sẽ thành công thay vì dựa vào sự khôn ngoan, phương pháp và sức mạnh của con người. Cầu nguyện không thôi là cách chúng ta phát triển sự phụ thuộc liên tục, hoàn toàn vào Đức Chúa Trời.

Chúng ta đã nói rất nhiều về việc học cách cầu nguyện, nhưng bạn không thể thông thạo việc cầu nguyện chỉ bằng cách đọc về sự cầu nguyện. Đừng hiểu lầm tôi. Đọc sách là việc tốt. Đọc các bài dưỡng linh trên mạng cũng tốt. Nhưng cần phải thực hành và không chỉ thực hành thôi, mà phải thực hành rất nhiều để thực sự học được cách cầu nguyện.

Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ thấy ai học bơi bằng cách đọc một cuốn sách về kỹ thuật bơi. Ngoài ra, tôi chưa bao giờ nghe nói về bất cứ ai học lái xe chỉ bằng cách đọc một cuốn sách. Không, bạn phải bơi nhiều và tích lũy kinh nghiệm ngồi sau tay lái, chỉ khi đó bạn mới trở thành một vận động viên bơi giỏi hoặc một tay lái cừ khôi.

Chúng ta phải cầu nguyện nhiều. Trên thực tế, bạn sẽ phải cầu nguyện cả đời. Bạn sẽ dành cả đời để cầu nguyện không thôi, nhận biết Chúa mỗi ngày theo một cách mới mẻ. Dành cả đời để cầu nguyện sẽ giúp bạn nhạy bén với Thánh Linh khi Ngài dẫn dắt bạn và chỉ dẫn bạn con đường bạn nên đi.

Sống trong sự hiện diện của Chúa qua đời sống cầu nguyện không bao giờ nhàm chán. Cuộc sống này đầy những khó khăn và thử thách, nhưng đời sống có Chúa cho chúng ta một cái nhìn khác để có thể đánh giá cao những cuộc phiêu lưu trong đời này và niềm vui sống.

Hãy cầu nguyện với tôi:

Lạy Chúa là Đức Chúa Trời và Cha nhân từ của chúng con, Đấng cai trị toàn cõi hoàn vũ! Xin nhận lấy lòng biết ơn của chúng con đối với Cứu Chúa Giê-xu, Con Ngài, Đấng mà Ngài đã ban cho để chết thay cho chúng con. Chúng con dâng mọi sự vinh hiển lên cho Ngài vì tình yêu lớn lao dường ấy! Hôm nay, chúng con hướng lòng về Ngài và cầu xin Chúa mở tai của chúng con để lắng nghe tiếng phán của Ngài và dạy chúng con cách duy trì sự liên lạc thường xuyên với Ngài. Nguyện đời sống chúng con đẹp ý Ngài. A-men!

Biên tập: Eunice Tu

Nguồn: hope.study/unlimited-power-of-prayer

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like