Home Chuyên Đề Quyền Năng Vô Tận Của Cầu Nguyện – Kỳ 7: Lời Cầu Nguyện Quan Trọng Nhất Trong Ngày

Quyền Năng Vô Tận Của Cầu Nguyện – Kỳ 7: Lời Cầu Nguyện Quan Trọng Nhất Trong Ngày

by Sưu Tầm
30 đọc

Trong giao tiếp, điều quan trọng là một người nói và được người kia lắng nghe. Do đó, con cái Chúa cần phải cầu nguyện một cách có ý thức. Chúa nghe chúng ta, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nghe Ngài. Điều này có thể là do rào cản giữa Đức Chúa Trời và con người. Những rào cản này có thể được khắc phục bằng việc cầu nguyện liên tục.

Ai/điều gì là “chúa” của bạn và điều này có liên quan gì đến việc cầu nguyện buổi sáng?

Cá nhân tôi xem thời gian cầu nguyện buổi sáng là quan trọng nhất trong ngày. Cầu nguyện là sự sống, là hơi thở của linh hồn là đời sống thuộc linh. Thành thật mà nói, rất khó để liệt kê hết tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, buổi sáng là thời điểm đặc biệt cho việc cầu nguyện. Trong Ê-sai chúng ta đọc thấy:

Chúa là Đức Giê-hô-va đã ban cho Ta cái lưỡi của người được dạy dỗ, để Ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi. Ngài đánh thức Ta mỗi buổi sáng, Ngài đánh thức tai Ta để lắng nghe như người học trò vậy.” (Ê-sai 50:4)

Hãy xem xét điều này: Bạn có muốn sống một đời sống thuộc linh không? Bạn có muốn Chúa sử dụng mình để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn không? Nếu đó là điều bạn muốn, thì mỗi buổi sáng, hãy tạo cơ hội để Chúa “đánh thức tai chúng ta” để lắng nghe và bước đi trong đường lối của Ngài, chứ không phải của mình. Đây là mục đích của việc cầu nguyện buổi sáng.

Chúa Giê-xu đã phục vụ mọi người với tư cách là công cụ độc nhất vô nhị của Đức Chúa Trời để xoa dịu đau khổ, bệnh tật, chiến thắng trên sự chết và tội lỗi. Quyền năng nào đã khích lệ Ngài làm được như vậy? Đâu là nguồn sức mạnh của Ngài? Ngài đánh giá cao tầm quan trọng của việc cầu nguyện buổi sáng.

Chiều tối, khi mặt trời vừa lặn, người ta đem tất cả những người bệnh tật và bị quỷ ám đến với Đức Chúa Giê-xu. Cả thành tụ họp trước cửa. Ngài chữa lành nhiều người đau yếu mắc đủ các chứng bệnh khác nhau, và đuổi nhiều quỷ… Sáng hôm sau, khi trời vẫn còn tối, Ngài đã thức dậy, bước ra, đi vào nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó.” (Mác 1:32-35)

Chúa Giê-xu đã làm việc không mệt mỏi để đáp ứng nhu cầu của dân sự. Ngài phục hồi tinh thần, cảm xúc, thể chất và thuộc linh cho họ. Nhưng tâm linh và thể xác của Ngài cũng cần được đổi mới và thêm sức; Ngài cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Cha mỗi ngày. Đó là lý do tại sao mỗi buổi sáng, Ngài dành nhiều thời gian để cầu nguyện với Cha. Đức Chúa Cha đã bày tỏ ý muốn của Ngài cho Chúa Giê-xu qua thời gian cầu nguyện buổi sáng. Chúa Giê-xu đã nhận lãnh sức mạnh, sự khích lệ và động lực để hoàn thành mục đích của Cha và loan báo Nước Đức Chúa Trời đang đến.

Chúa Giê-xu đã chia sẻ nguyên tắc này với các môn đồ của Ngài:

Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được.” (Giăng 15:5)

Nếu chúng ta không bắt đầu ngày mới bằng cách xây dựng mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời, thì cả ngày của chúng ta sẽ trôi qua một cách vô định như con tàu không có mỏ neo. Chúng ta sẽ như nhánh nho không dính liền với cây nho; sẽ không có sự sống trong chúng ta. Chúng ta sẽ như kẻ điếc trước ý muốn của Ngài, chúng ta sẽ gần như không thở được, và bất kỳ nỗ lực nào của chúng ta cũng không mang lại kết quả gì tốt đẹp.

Tuy nhiên, đây không phải là tất cả những gì có thể nói về việc cầu nguyện buổi sáng. Cầu nguyện buổi sáng không chỉ tiếp thêm sinh lực cho nguồn năng lượng thuộc linh của bạn mà còn cho thấy rõ ràng ai (hoặc điều gì) đang là trung tâm của đời sống bạn.

Nếu một ngày của chúng ta bắt đầu với sự bận rộn của cuộc sống, thì cả ngày chúng ta sẽ chỉ tập trung cho những điều đó. Nhưng nếu chúng ta thuộc về Chúa, thì chúng ta sẽ bắt đầu ngày mới cùng với Ngài. Ngài sẽ lấp đầy chúng ta bằng sự hiện diện và sự bình an của Ngài, và Ngài sẽ nạp đầy năng lượng cho đời sống thuộc linh của chúng ta.

Điều gì thực sự chiếm trọn tâm trí của bạn vào mỗi buổi sáng?

Khi chúng ta bắt đầu ngày mới với Chúa, chúng ta tiếp cận với mọi thứ trong ngày theo cách mới. Chúng ta phát triển một tư duy khác và có cách hiểu khác đối với những gì xảy ra trong ngày. Từ kinh nghiệm cá nhân, và những lời hứa mà tôi đã khám phá ra trong Kinh Thánh, tôi tin chắc rằng khi tôi đặt Chúa lên hàng đầu, thì Ngài sẽ cùng tôi đối mặt với mọi chuyện có thể xảy ra trong ngày.

Đức Chúa Trời phán những lời sau đây:

Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con… Trước mặt Ta con không được có các thần nào khác.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:2-3)

Chúa phán rằng chúng ta phải để Ngài làm Đức Chúa Trời của mình. Chúng ta có thể làm điều đó như thế nào? Bằng cách không có thần nào khác. Chúng ta phải chắc chắn rằng Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là Đức Chúa Trời duy nhất mà chúng ta thờ tôn.

Tất nhiên, bạn có thể nói rằng bạn đang sống ở thời này và bạn không có bất kỳ đồ vật, biểu tượng, thần tượng, tượng vàng hay vật thánh nào. Không ai tôn thờ những thứ như thế nữa. Mọi người chỉ thờ phượng Chúa. Mặc dù trong nền văn hóa bạn đang sống, điều đó có thể đúng, nhưng hãy nhìn vấn đề này sâu hơn và rộng hơn một chút.

Bất cứ điều gì ở giữa bạn và Chúa; bất cứ điều gì bạn ưu tiên hơn Chúa, sẽ trở thành thần tượng đối với bạn và đó là điều mà bạn sẽ tôn thờ.

Nếu bạn đặt công việc hoặc gia đình mình cao hơn Chúa trong danh sách ưu tiên của bạn, thì bạn đang tôn thờ công việc hoặc gia đình như chúa của bạn. Thần tượng cũng có thể là bóng đá, âm nhạc, tiền bạc hoặc TV/Facebook/Instagram…. Có nhiều thứ tranh giành vị trí đầu tiên trong đời sống của chúng ta và khiến chúng ta không chú ý đến Chúa. Ai hoặc những gì bạn phục vụ là người và thứ mà bạn sẽ tôn thờ.

Nói cách khác, Đức Chúa Trời phán, “Ta muốn con đặt Ta ở trung tâm của đời sống con. Đừng có bất kỳ vị thần nào khác. Ta không chia sẻ với bất kỳ ai bất cứ thứ gì vốn thuộc về Ta. Đó là trách nhiệm của con.”

Khi chúng ta thực hiện phần của mình, Chúa chịu trách nhiệm chăm sóc phần còn lại. Ngài hứa sẽ sắp xếp đời sống của bạn, biến đổi tính cách của bạn, thánh hóa bạn, hoàn thành sự tăng trưởng thuộc linh cần thiết và ban cho bạn sự sống đời đời. Ngài cũng sẽ chăm sóc mọi nhu cầu của bạn. Ngài quan tâm đến gia đình, cuộc sống, tương lai của bạn và tất cả những trận chiến khác mà bạn đang đối mặt. Bất cứ điều gì bạn cần, Ngài sẽ ban cho bạn.

Nhưng chúng ta thường sợ tin cậy Chúa. Chúng ta muốn Ngài chỉ làm một điều gì đó trong đời sống chúng ta mà chúng ta không cần phải nỗ lực để nhận biết và tin cậy Ngài.

Vì vậy, thái độ của bạn đối với việc cầu nguyện buổi sáng, trên thực tế, thể hiện thái độ của bạn đối với Chúa.

Lợi ích của việc cầu nguyện buổi sáng

Chúng ta đã xác định rằng Đức Chúa Trời phải là trung tâm của đời sống chúng ta. Chúng ta cũng đã xác định rằng Chúa xứng đáng với tình yêu của chúng ta hơn bất cứ điều gì hoặc bất kỳ ai khác. Nhưng bây giờ, tôi muốn thu hút sự chú ý của bạn đến một phước lành khác mà bạn có thể nhận được bằng cách đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống bạn. Chúng ta tìm thấy phước lành này được ghi lại bởi hai trong số các nhà tiên tri vĩ đại nhất:

Đức Giê-hô-va phán: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp Ta vào lòng dạ chúng và khắc ghi lên tâm khảm chúng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của chúng và chúng sẽ làm dân Ta.” (Giê-rê-mi 31:33)

Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi và đặt Thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi xác thịt các ngươi và ban cho các ngươi lòng bằng thịt. Ta sẽ đặt Thần Ta trong các ngươi và khiến các ngươi noi theo luật lệ Ta, thì các ngươi sẽ giữ mệnh lệnh Ta và làm theo.” (Ê-xê-chi-ên 36:26-27)

Chúng ta là những con người yếu đuối; chúng ta được nhắc nhở về khuynh hướng tội lỗi của mình mỗi ngày. Nhưng Đức Chúa Trời đã hứa đặt Luật-pháp của Ngài trong chúng ta và giải quyết vấn đề tội lỗi của chúng ta. Và Ngài sẽ thực hiện lời hứa đó nếu chúng ta khiêm nhường tìm kiếm Ngài và bước đi với Ngài mỗi ngày. Cách để đạt được điều này là thông qua thời gian cầu nguyện buổi sáng có chất lượng.

Bạn có thể cố gắng thay đổi hành vi của mình, nhưng bạn không thể thay đổi bản chất của mình. Ngay cả khi bạn là một người có ý chí mạnh mẽ và được giáo dục tốt, nếu bạn thành thật tra xét tấm lòng mình, bạn sẽ phát hiện ra những điểm yếu trong đó. Chúa biết mọi thứ về chúng ta. Ngài nhìn thấy sự yếu đuối và tội lỗi của chúng ta. Nhưng Ngài cũng thấy con người mà Ngài muốn chúng ta trở thành và chúng ta có thể trở thành người như thế nào. Bằng cách tin cậy nơi Ngài, chúng ta có thể tuân theo kế hoạch của Ngài dành cho mình.

Sứ đồ Phao-lô đã tuyên bố một cách đầy tự tin: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban năng lực cho tôi.” (Phi-líp 4:13)

Khi bạn đặt Chúa lên hàng đầu trong đời sống của mình, bạn sẽ không cần phải chiến đấu với những người khổng lồ hay những đội quân mà bạn không thể đánh bại – Chúa sẽ làm tất cả cho bạn.

Ví dụ trong Kinh Thánh

Một ví dụ điển hình về những gì chúng ta đang nói đến là Vua Giô-sa-phát. Vua phải tham chiến, và thay vì đưa những người lính giỏi nhất của mình ra tiền tuyến, vua đã làm gì? Vua đặt dàn hợp xướng đi hàng đầu! Hát ngợi khen danh Chúa, ca đoàn dẫn đạo quân xông trận. Chúng ta đã phân tích câu chuyện này rồi (xem 2 Sử-ký, chương 20), nhưng ở đây chúng ta nhận thấy Vua Giô-sa-phát đã đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong cuộc đời mình. vua hoàn toàn trông cậy vào Ngài, biết rằng Đức Chúa Trời sẽ chiến đấu cho vua trong trận chiến không cân sức này.

Một ví dụ điển hình khác về điều chúng ta đang nói đến được tìm thấy trong câu chuyện về cuộc đời của Gia-cốp. Về cơ bản, sau khi sống tha hương khoảng 20 năm, người trở về quê cha đất tổ (xem Sáng-thế Ký chương 32-33). Gia-cốp lo sợ gặp lại anh mình là Ê-sau. Ê-sau từ lâu đã muốn giết Gia-cốp sau khi bị người lừa đánh cắp quyền trưởng nam và phước lành mà cha ông dành cho ông. Gia-cốp sợ hãi. Người đã sai sứ giả mang lễ vật hậu hĩnh  đến cho anh mình trước.

Nhưng Ê-sau ra đón em mình cùng với một đội quân 400 người. Gia-cốp cầu nguyện suốt đêm và quyết định đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong cuộc đời mình. Trước khi Gia-cốp gặp Ê-sau, người đã gặp gỡ Đức Chúa Trời. Khi bình minh chiếu rọi khắp vùng sa mạc đó, sự bình an của Đức Chúa Trời tràn ngập lòng Gia-cốp. Với sự thanh thản và khiêm nhường, người bước ra gặp anh trai mình.

Ê-sau đã định giết Gia-cốp và cả nhà người, nhưng ông cũng có cuộc gặp gỡ với Đức Chúa Trời vào đêm đó. Đức Chúa Trời ra lệnh cho ông không được chạm vào bất cứ ai trong trại của Gia-cốp. Đến sáng, tấm lòng của Ê-sau cũng thay đổi đối cùng em trai mình. Đức Chúa Trời đã can thiệp và xử lý các vấn đề của Gia-cốp theo những cách mà Gia-cốp thậm chí không bao giờ có thể tưởng tượng được. Vì Gia-cốp vật lộn với Đức Chúa Trời nên người không phải vật lộn với Ê-sau.

Chúng ta phải thừa nhận rằng có những tình huống xảy ra mà chúng ta không hiểu tại sao lại như vậy. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng Giăng Báp-tít, Sứ-đồ Phao-lô, Ê-tiên và nhiều người khác đã tử vì đạo. Chúng ta thực sự không thể giải thích tại sao điều này lại xảy ra, nhưng chúng ta biết chắc rằng họ không đơn độc vào thời điểm đó. Đức Chúa Trời ở cùng họ, ban cho họ sức mạnh và ân điển dư dật để chịu khổ và bám lấy lời hứa về sự sống đời đời.

Tôi nghe có tiếng từ trời bảo rằng: “Hãy viết đi: Từ nay trở đi, phước cho những người chết là chết trong Chúa!” Thánh Linh phán: “Thật vậy, họ được nghỉ ngơi khỏi những khổ nhọc của mình và những công việc của họ đi theo họ.”” (Khải-huyền 14:13)

Đặt Chúa lên hàng đầu

Khi cân nhắc việc đặt Chúa lên hàng đầu trong đời sống của mình, bạn có thể bị cám dỗ nghĩ rằng mình sẽ mất tất cả (bao gồm quyền tự kiểm soát và quyết định cuộc đời mình). Nhưng sự thật là bạn được nhiều hơn mất! Chúa sẽ chiến đấu vì bạn. Ngài sẽ không cho phép bạn đánh mất bất cứ thứ gì tốt cho bạn. Và ngay cả khi bạn thực sự mất đi mạng sống của mình, thì Đức Chúa Trời cũng sẽ không để sự hy sinh đó ra lãng phí. Khi Chúa Giê-xu tái lâm, Ngài sẽ gọi tất cả những tôi tớ trung tín của Ngài thức dậy từ bụi đất đến sự sống đời đời trong thân thể vinh hiển mới (xem 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18). Khi đó, bạn sẽ không một giây phút nào nghĩ về những thứ bạn đã mất, mà sẽ chỉ nghĩ về tất cả những gì bạn đã đạt được.

Khi còn nhỏ, cha tôi thường nói với tôi: “Con đừng ra khỏi nhà một mình, hãy chắc chắn rằng con đi với sự hiện diện của Chúa. Hãy chắc chắn rằng con được đầy dẫy Thánh Linh của Ngài vì nếu con đi một mình, con sẽ hoàn toàn không thể tự vệ trước sự tấn công của ma quỷ.”

Một mình bạn sẽ không có đủ sức mạnh, trí tuệ để chiến thắng. Điều này tương tự như việc bạn muốn điện thoại thông minh của mình được sạc đầy vào buổi sáng, tuy nhiên, bạn lại không muốn cắm sạc cho nó. Tôi không nghĩ rằng bạn muốn bắt đầu ngày mới với một chiếc điện thoại thông minh chưa được sạc đầy. Việc giữ liên lạc thường xuyên với Chúa và để tâm linh mình được sạc đầy năng lượng không chỉ nhằm đạt được những lợi ích nhất định mà còn rất quan trọng để có được sự kết nối tâm linh tối ưu nhất.

Tôi khuyến khích bạn hãy bắt đầu ngày mới bằng sự cầu nguyện và đặt Chúa làm trung tâm của đời sống mình. Bằng cách này, bạn sẽ có những công cụ cần thiết để vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Chúa sẽ ở bên bạn và sẽ giúp bạn có thể chống chọi với những khó khăn trong ngày. Ngài sẽ thêm sức cho bạn cùng sự khôn ngoan và sự bình an trong lòng.

Có người sẽ hỏi, “Khi tôi thức dậy vào buổi sáng và muốn dành thời gian với Chúa, thì tôi nên cầu nguyện trong bao lâu?” Thành thật mà nói, tôi có thể nói với Chúa mọi điều tôi nghĩ Ngài cần biết trong khoảng 10 phút. Nhưng hãy nhớ Martin Luther King, đã nói thế này: “Tôi có quá nhiều việc phải làm nên tôi sẽ dành ba tiếng đồng hồ đầu tiên trong ngày để cầu nguyện.”

Chúng ta không nhất thiết phải làm việc chăm chỉ hơn chỉ vì chúng ta có nhiều nan đề và bận rộn hơn người khác, mà điều đó có nghĩa là chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn, vì chúng ta cần Chúa hơn bao giờ hết.

Tôi hy vọng bạn đang bắt đầu hiểu được mình cần Chúa biết bao. Ngài có thể làm cho bạn những gì bạn không thể tự làm trong 10 giờ chỉ trong một giờ. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn sẽ không gặp nan đề gì hết. Tuy nhiên, khi bạn trải qua những thử thách, bạn sẽ không vượt qua chúng một mình vì bạn đã bắt đầu ngày mới với Ngài và trong sự hiện diện của Ngài.

Vậy nên, dành thời gian cầu nguyện buổi sáng là mời Chúa tham gia tích cực vào ngày mới của bạn, và khi chính Chúa đi bên cạnh chúng ta, ai có thể chống lại chúng ta? (Rô-ma 8:31)

Bạn sẽ cam kết bắt đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện chứ?

Biên tập: Eunice Tu

Nguồn: hope.study/unlimited-power-of-prayer

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like