Home Chuyên Đề Tình Yêu Hy Sinh Của Người Mẹ Và Tình Yêu Cứu Chuộc Của Chúa Giê-xu

Tình Yêu Hy Sinh Của Người Mẹ Và Tình Yêu Cứu Chuộc Của Chúa Giê-xu

by Sưu Tầm
30 đọc

Tình yêu của người mẹ ở một mức độ nào đó giúp chúng ta hiểu được tình yêu của Đấng đã rời bỏ thiên đàng để chịu sinh ra tại Bết-lê-hem, bỏ lại sau lưng tất cả, hy sinh mạng sống của Ngài để chúng ta có được sự sống.

Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.” (Giăng 1:14)          

Chuyện xảy ra vào đêm Giáng Sinh năm 1952. Nước Hàn Quốc khi đó đã bị tàn phá bởi chiến tranh. Không có thức ăn, và trời thì lạnh thấu xương khi một phụ nữ trẻ, mang thai gần 9 tháng, loạng choạng từng bước trên nền tuyết giá để đến nhà một người truyền giáo mà cô tin rằng sẽ giúp đỡ mình. Chồng cô Bak Yoon đã chết khi chiến đấu với quân Bắc Hàn, và cô đang trong cảnh khốn cùng. Để đến được nhà của người truyền giáo, Bak Yoon phải băng qua một cây cầu bắc ngang qua khe suối, nhưng trước khi qua cầu, người phụ nữ trẻ gập người lại vì cơn đau đến bất chợt. Không, đây không phải là nơi để sinh con, nhưng cô không còn sức để đi tiếp, và không có ai để giúp.

Trong cơn tuyệt vọng, cô bò xuống dưới gầm cầu, nghĩ rằng một lát nữa đỡ đau mình sẽ có thể đi tiếp. Nhưng cô không biết rằng chính tại nơi đó, một mình cô, dưới gầm cầu, cô sẽ sinh ra một bé trai. Người mẹ trẻ chưa bao giờ nghĩ rằng con mình sẽ chào đời ở một nơi như vậy, chẳng có gì để bọc em bé lại, nhưng với tình yêu thương bao la của người mẹ, Bak Yoon đã cởi áo ngoài của mình, rồi tiếp theo là chiếc quần bông, và bọc em bé vào đó. Rồi cô gục xuống thiếp đi vì kiệt sức sau cơn trở dạ.

Sáng hôm sau, một giáo sĩ, bà Watson, đang lái xe ngang qua cây cầu để đem thức ăn cho một gia đình thiếu thốn thì xe chết máy. Xe hết xăng giữa đường, bà bực mình nói. “Chẳng còn cách nào khác ngoài đi bộ,” bà nghĩ vậy và bắt đầu băng qua cầu thì nghe thấy một tiếng khóc yếu ớt.

Không, làm gì có em bé nào ở đây,” bà nghĩ, nhưng mọi người phụ nữ đều có thể nhận biết tiếng khóc của trẻ sơ sinh, “Đúng rồi, tiếng khóc phát ra từ dưới gầm cầu.” Bà nhanh chóng chui xuống gầm cầu, và vô cùng ngạc nhiên khi thấy một em bé sơ sinh, dây rốn vẫn còn nối liền với người mẹ sẽ chẳng bao giờ thức dậy sau giấc ngủ vĩnh hằng. Mẹ Watson, như cách bà hay được gọi, nhận nuôi đứa bé và đặt tên là Soo Park.

Mặc dù có nhiều em bé trong trại trẻ mồ côi của mình, nhưng đứa bé này thật đặc biệt. Bà luôn nói với cậu con trai nuôi của mình, “Mẹ con rất yêu con, Soo Park à,” và nhắc lại cách mình đã tìm thấy cậu, điều mà bà luôn tin là một hành động của Chúa, vì nếu xe bà hết xăng sớm hơn hay muộn hơn chút thì em bé có thể đã chết cùng với mẹ của mình.

Vào sinh nhật thứ 12 của mình, cũng là ngày Giáng Sinh, Soo Park xin được đến thăm mộ mẹ. Và bà Watson đưa cậu đến ngôi mộ đã phủ đầy tuyết. Cậu bé im lặng quỳ xuống và bắt đầu cởi áo khoác của mình ra, rồi đến chiếc quần bông, đặt chúng lên mộ mẹ. “Thằng bé làm gì vậy kìa?” bà Watson nghĩ. Bà đợi một lát, rồi đặt bàn tay mang găng ấm áp của mình lên vai cậu, “Được rồi, Soo Park,” bà nói. “Mẹ con ở trên thiên đàng đã thấy con yêu bà như thế nào rồi. Để mẹ giúp con mặc đồ lại nhé.

Rồi cậu bé òa khóc với người mẹ mà cậu chưa hề biết mặt, “Có phải mẹ còn lạnh hơn thế này nhiều vì con phải không mẹ?” rồi cậu khóc lóc thảm thiết.

Mẹ Soo Park vì yêu nên đã hy sinh, cởi bỏ áo ấm của mình để khoác lên cậu, chịu cái lạnh cắt da đến chết để cậu được sống. Chuyện xảy ra đã hơn 12 năm, trước khi cậu biết về bà, nhưng tình yêu thương và giá trị của việc bà làm vẫn không hề phai nhạt.

Còn gì lớn hơn tình yêu của một người mẹ? Có chứ? Hẳn đó chính là tình yêu thương của Chúa Giê-xu. Đấng đã rời thiên đàng giáng sinh trong đói nghèo, chịu chết cách đau đớn trên thập tự giá, phó sự sống của chính mình Ngài để chúng ta được sống. Sự hy sinh đó thể hiện Ngài yêu thương chúng ta biết dường nào. Chuyện xảy ra đã hơn 2000 năm, trước khi chúng ta biết về Ngài, nhưng tình yêu thương và giá trị của việc Ngài đã làm cho chúng ta cũng không hề phai nhạt. Soo Park được sống nhờ sự hy sinh của mẹ, còn chúng ta được sống là nhờ sự hy sinh của Chúa Giê-xu.

Khi cởi bỏ áo khoác và quần ấm của mình, Soo Park đã cảm nhận được một chút những gì mẹ đã chịu để mình được sống, và từ đó hiểu thêm được tình yêu hy sinh lớn lao mà mẹ đã dành cho mình. Chúng ta cũng hãy thử hình dung những đau đớn mà Chúa Giê-xu đã chịu trên thập tự giá để hiểu hơn về tình yêu hy sinh lớn lao mà Chúa dành cho chúng ta.

Theo những gì các chuyên gia pháp y phân tích trên tấm vải liệm thành Turin (mà theo khoa học hiện đại là 1 tấm phim âm bản 3D chụp trên tấm vải gai in hình xác Chúa Giê-xu), Ngài đã chịu những nỗi đau quá sức chịu đựng của một con người bình thường để cho chúng ta được sống:

Chúa bị đánh đập dã man bởi một cây roi đường kính 4.5cm (cỡ cây tầm vông), và mũi Ngài bị gãy. Có lẽ đây là hình phạt 39 roi của người Do Thái ở nhà thầy tế lễ Cai-phe (Ma-thi-ơ 26:65-67). Nếu từng bị gãy xương, chúng ta có thể hiểu được một phần nào sự đau đớn khi đó của Chúa.

Chúa bị đội lên đầu mão gai, kết lại từ cây gundelia tournefortii (một loài thực vật có hoa trong họ cúc) có gai cứng sắc như kim. Đầu Ngài bị hơn 40 vết đâm từ giữa trán tới sau cổ. Nếu ai đã từng bị kim đâm vào tay, có thể hình dung được phần nào nỗi đau Chúa đã chịu.

Chúa bị lột trần và chịu hơn 50 vết quất cắt da cắt thịt của dây roi gắn bi chì. Bạn có từng bị dao cắt đứt tay chảy máu? Chúa đã chịu hơn 50 nhát cắt sâu hơn như vậy để cứu chuộc chúng ta.

Trên thập giá, Chúa bị lột trần trước đám đông, bị sỉ nhục. Ngài bị phơi nắng trưa, Ngài khát. Ngài bị đinh sắt đóng xuyên qua xương cổ tay, xương chân, và những vết thương đó phải chịu sức nặng của Ngài khi Ngài bị treo trên thập giá. Ngài bị đóng đinh chữ Y (chứ không phải chữ T như trên phim ảnh), và vai Ngài trật ra khỏi khớp vì sức ép. Tư thế bị treo lên như vậy khiến ngực Ngài bị ép lại không thở được. Để thở Ngài phải tì xương tay và chân mình vào đinh sắt để rướn người lên, gây ra cơn đau kinh người. Thực sự, tôi nghĩ không ai trong chúng ta từng bị thương kiểu này để có thể hình dung được điều đó đau đớn đến cỡ nào. Nhưng Chúa đã chịu chúng hàng giờ liền, để cứu chuộc chúng ta, để chúng ta được tha tội và được sống đời đời.

Chuyện xảy ra đã hơn 2000 năm, rất lâu trước khi chúng ta nhận thức được điều này. Nhưng giống như cậu bé Soo Park, chúng ta đừng để thời gian làm nhạt nhòa và quên đi sự hy sinh của Ngài. Soo Park đã òa khóc khi nghĩ về người mẹ mà cậu chưa hề biết mặt, “Có phải mẹ còn lạnh hơn thế này nhiều vì con phải không mẹ?” Cũng vậy, ta hãy nói với Chúa, “Có phải Chúa còn đau đớn hơn thế này nhiều vì con phải không Chúa?” Soo Park hẳn sẽ quyết sống xứng đáng với sự hy sinh của mẹ dành cho mình, chúng ta cũng hãy quyết sống xứng đáng với những hy sinh của Chúa dành cho chúng ta.

Bởi điều nầy, chúng ta biết được tình yêu thương: Ấy là Ngài đã hy sinh mạng sống vì chúng ta. Vậy, chúng ta cũng phải hy sinh mạng sống vì anh em mình.” – 1 Giăng 3:16

Dịch & biên tập: Richard Huynh

Nguồn: cfaith.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like