Home Chuyên Đề Phúc Âm Đơn Giản

Phúc Âm Đơn Giản

by thetravelingteam.org
30 đọc

Bạn muốn tôi chia sẻ Phúc Âm cho người khác? Tôi nghĩ mình không làm được đâu. Tôi chưa hiểu biết đủ! Thỉnh thoảng, chính tôi còn phải vật lộn để hiểu và tin vào Phúc Âm…” Những dòng suy nghĩ này chạy qua đầu tôi trong lần đầu tiên tôi bị thách thức bởi một mục sư trong kỳ trại sinh viên, rằng đã đến lúc tôi phải đến với các bạn học và chia sẻ Phúc Âm cho họ.

Là tín hữu, chúng ta thường phức tạp hoá Phúc Âm cho chính mình và người khác. Phúc Âm rất quan trọng, nhưng lại rất đơn giản. Chúng ta cần được cứu, lớn lên trong sự cứu rỗi (1 Phi-e-rơ 2:2), và công bố sự cứu rỗi cho những người khác. Phúc Âm cứu chúng ta, nâng đỡ chúng ta, và sai phái chúng ta. Làm cách nào để chúng ta không phức tạp hoá Phúc Âm cho chính mình và người khác? Chúng ta cần bắt đầu với một câu hỏi đơn giản:

Phúc Âm là gì?

Thưa anh em, tôi muốn nhắc lại cho anh em Tin Lành tôi đã rao giảng và anh em đã tiếp nhận, cũng như đang đứng vững trong đó. Nhờ Tin Lành ấy, anh em được cứu rỗi nếu anh em giữ vững điều tôi đã rao giảng; bằng không, anh em có tin cũng vô ích. Trước hết, tôi đã truyền đạt cho anh em điều chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh. Ngài đã bị chôn; đến ngày thứ ba, Ngài đã sống lại theo lời Kinh Thánh.”(1 Cô-rinh-tô 15:1-4)

Tại đây, Sứ-đồ Phao-lô nói rằng Phúc Âm là “điều quan trọng nhất” và ông muốn “làm sáng tỏ” nội dung của nó. Trước khi chúng ta có thể tin nhận Phúc Âm cho chính mình, chúng ta cần được nghe và nghe một cách rõ ràng. Và trước khi chúng ta công bố Phúc Âm cho người khác, chúng ta cần biết cách để công bố một cách rõ ràng. Vậy, Phúc Âm là gì? Phúc Âm trong tiếng Hy-lạp là “euangelion”, và từ này có ý nghĩa đơn giản là “tin tức tốt lành”. Trước khi điều gì đó trở thành một tin tức, những sự kiện cần được xảy ra, được ai đó chứng kiến, và truyền đạt lại cho người khác để họ có thể tin. Nhưng tất cả tiến trình đó bắt đầu với những sự kiện.

Đâu là những sự kiện đã bắt đầu cho cả tiến trình về tin tức tốt lành của Chúa Giê-xu? Nói cách đơn giản, Ngài đã sống, đã chết, và đã sống lại. Đó là những sự kiện lịch sử đã xảy ra, đã có người chứng kiến, và những người chứng kiến đã bắt đầu kể lại cho những người khác để họ có thể tin. Nếu đó là những sự kiện đã bắt đầu toàn bộ tiến trình cho tin tức tốt lành của Chúa Giê-xu, vậy chính xác thì thông điệp truyền tải ở đây là gì? Nội dung của Phúc Âm là gì?

Nội dung của Phúc Âm

Đấng Christ đã sống một cuộc đời hoàn hảo, đã chịu chết, và đã sống lại để cứu mọi tội nhân. Đó là tin tức tuyệt vời nhất trên thế giới và thế giới cần được nghe và tin nhận lấy. Phúc Âm trước nhất và trên hết đã được thông báo, không phải được giải thích. Vậy, khi đến với Phúc Âm, trước hết phải công bố rằng Đấng Christ đã sống một cuộc đời hoàn hảo, đã chịu chết, và đã sống lại để cứu mọi tội nhân. Ngay khi điều đó được công bố, một sự giải thích sẽ là điều cần thiết. Làm thế nào chúng ta giải thích một cách đơn giản về tin tức tốt lành này? Hãy cùng chia nhỏ những từ và cụm từ mà sứ đồ Phao-lô sử dụng:

Đấng Christ – Ngài là ai? Đức Chúa Giê-xu Christ, là Đức Chúa Trời và là con người. Ngài không phải một nửa là Đức Chúa Trời và một nửa là con người. Chúa Giê-xu, đã trở nên một con người mà không có một chút thay đổi nào trong thần tánh của Ngài .

Đã chết – Ngài đã làm gì? Ngài sống một cuộc đời trọn vẹn, vô tội và đã phó thân thể mình chịu chết trên thập tự giá.

Vì tội lỗi chúng ta – Tại sao Ngài chịu chết? Ngài chịu chết vì tội lỗi chúng ta. “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Chúng ta đáng ra phải chịu chết vì tội lỗi của chính mình: một sự phân cách đời đời với Đức Chúa Trời, đó là địa ngục; “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết…” (Rô-ma 6:23). Để tội lỗi chúng ta được tha, phải có sự đổ huyết; “không đổ huyết thì không có sự tha thứ” (Hê-bơ-rơ 9:22). Đức Chúa Trời phải hình phạt tội lỗi một cách công bình. Nhưng thay vì Ngài hình phạt chúng ta, Ngài đã hình phạt Đấng Christ vì tội lỗi chúng ta.

Ngài đã sống lại – Ngài đã làm gì sau khi chịu chết? Ngài đã sống lại từ kẻ chết, chứng tỏ rằng Ngài thật là Đức Chúa Trời đã đến trong xác thịt, đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, và có quyền tha thứ cho mọi tội nhân.

Tin nhận – Sau tất cả những việc Ngài đã làm, tôi và những người khác cần phải làm gì? Hãy tin nhận, giữ lấy, đứng vững trên những điều đó. Hãy tin cậy Đấng Christ và những gì Ngài đã làm, không phải tin vào chính mình và những gì mình đã làm. Chúng ta không cần một đức tin hoàn hảo; đức tin của chúng ta chỉ cần đặt vào Đấng Cứu Chuộc hoàn hảo.

Được cứu – Điều gì xảy ra cho tôi và những người đã tin? Chúng ta sẽ được cứu khỏi sự xét đoán công bình của Đức Chúa Trời chống nghịch lại chúng ta và tội lỗi của chúng ta. Chúng ta sẽ được tha thứ tội lỗi. Chúng ta sẽ có sự sống đời đời cùng với Chúa.

Phúc âm đã bắt đầu với những sự kiện: Đấng Christ đã sống, đã chết, và đã sống lại. Nội dung của Phúc Âm rất đơn giản: Đấng Christ đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đã chịu chết, và đã sống lại để cứu lấy tội nhân. Phản ứng phù hợp là “tin nhận”. Phúc Âm thật đơn giản. Làm thế nào một sứ điệp đơn giản lại có năng quyền đến thế?

Năng quyền của Phúc Âm

Vì Đấng Christ không sai tôi đến để làm báp-têm nhưng để rao giảng Tin Lành, không phải bằng tài hùng biện khôn khéo, kẻo quyền năng thập tự giá của Đấng Christ sẽ trở nên vô hiệu chăng. Vì sứ điệp của thập tự giá đối với những người hư mất là điên rồ; nhưng với chúng ta, những người được cứu chuộc, thì đó là quyền năng của Đức Chúa Trời… Vì Đức Chúa Trời, bởi sự khôn ngoan của Ngài, đã khiến thế gian không thể dùng khôn ngoan riêng của mình để hiểu biết Ngài, nên Ngài vui lòng dùng sự rao giảng bị xem là điên rồ của chúng ta để cứu những người tin.” (1 Cô-rinh-tô 1:17-18, 21).

Tại đây, Sứ-đồ Phao-lô nói rằng Phúc Âm tuy đơn giản nhưng có đủ năng quyền để cứu ông cùng những người khác. Trách nhiệm của ông không phải là cậy vào “tài hùng biện khôn khéo,” kiến thức, hay kỹ năng; thay vào đó, ông cậy quyền năng của Phúc Âm và việc công bố nội dung đơn giản của Phúc Âm cho những người khác. Điều này có nghĩa là việc chúng ta khôn ngoan hay khờ dại thế nào không quan trọng; sứ điệp Phúc Âm chứa đựng năng quyền. Không phụ thuộc vào việc người nghe khôn ngoan hay khờ dại thế nào; quyền năng biến đổi một con người nằm bên trong sứ điệp Phúc Âm.

Điều này cho chúng ta một sự tự tin rất lớn! Chúng ta không cần phải có chứng chỉ hay bằng cấp của viện thần học để chia sẻ tin tức tốt lành này với người khác. Và đây cũng là một tin tức tuyệt vời cho mọi tội nhân cần đến Phúc Âm! Họ không cần sự khôn ngoan sâu sắc về mặt thuộc linh để có thể hiểu và tin nhận lấy tin tức tốt lành này. Họ cần nghe và sau đó họ cần năng quyền của Đức Thánh Linh để giúp họ hiểu lấy. Phúc Âm rất đơn giản về mặt nội dung và chứa đựng năng quyền để cứu bất kỳ ai lắng nghe và tin nhận.

Phúc Âm dành cho ai?

Phạm vi của Phúc Âm

Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì đây là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Do Thái, sau là người Hy Lạp.” (Rô-ma 1:16)

Phúc Âm không chỉ là một tin tức tốt lành dành cho một nhóm dân. Không chỉ là một tin tức tốt lành cho người Do Thái. Không chỉ là một tin tức tốt lành cho người Hy-lạp. Phúc Âm vượt qua mọi rào cản của con người. Đó là tin tức tốt lành cho mọi người, không phân biệt ngôn ngữ, chi phái, hay dân tộc! Phúc Âm chỉ là tin tức tốt lành nếu bạn được nghe và tin nhận lấy. Ngày nay, có đến hơn 3.28 tỉ người trên thế giới vẫn chưa từng được nghe đến Phúc Âm; do đó, họ không thể tin. Mọi người đều có nhu cầu như nhau về Phúc Âm, nhưng không phải mọi người đều có cơ hội tiếp cận Phúc Âm như nhau. Công việc của Đức Chúa Trời là đáp ứng nhu cầu của họ; công việc của chúng ta là đem đến cơ hội tiếp cận cho họ. Liệu rằng bạn sẽ hoàn thành trách nhiệm của mình trong việc giúp công bố Phúc Âm đơn giản đã cứu bạn cho những người chưa từng được nghe đến, và do đó, không được cứu trừ khi họ được nghe (Rô-ma 10:13-15)?

Phúc Âm rất đơn giản, đến nỗi con trẻ cũng có thể hiểu và tin. Tuy nhiên, cũng phức tạp đến mức để một học giả phải dành cả đời nghiên cứu nhưng sẽ chỉ khám phá được phần bề nổi trong sự kỳ diệu của Phúc Âm. Hãy tin nhận, trân trọng, và rao giảng cho chính mình mỗi ngày. Hãy công bố, giải thích, và nài xin những người khác – từ những người láng giềng cho đến các dân tộc – để họ được nghe, tin và được cứu.

Phúc Âm rất đơn giản, chứa đựng năng quyền, và dành cho tất cả mọi người!

Dịch: NCMV

Nguồn: thetravelingteam.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi vềtintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like