Home Chuyên Đề 6 Giáo Sĩ Cơ Đốc Truyền Cảm Hứng Đã Từ Bỏ Mọi Sự Vì Đấng Christ

6 Giáo Sĩ Cơ Đốc Truyền Cảm Hứng Đã Từ Bỏ Mọi Sự Vì Đấng Christ

by ChristianToday
30 đọc

Giáo-hoàng Francis đã nói rằng các giáo sĩ là “những anh hùng của công tác truyền giáo”.

Phát biểu trong Thánh-lễ sáng ở Rome, Giáo-hoàng ca ngợi các Cơ-đốc nhân đã từ bỏ mọi sự để chia sẻ đức tin của mình. “Tôi nghĩ về những con người đó trong giây phút cuối cùng của họ trên đất, xa quê hương, gia đình và những người thân yêu của mình, vẫn có thể nói: ‘Những gì tôi đã làm là xứng đáng!’

So sánh họ với Sứ-đồ Phao-lô, Giáo-hoàng Francis nói thêm: “Tôi nghĩ rằng thật đúng đắn khi chúng ta tạ ơn Chúa vì lời chứng của họ. Thật đúng đắn khi chúng ta vui mừng vì những nhà truyền giáo này là những chứng nhân đích thực… Họ là những vị tử đạo đã phó sự sống mình cho Phúc Âm. Những nhà truyền giáo này là sự vinh hiển của chúng ta! Sự vinh hiển của Hội-thánh!

Dưới đây là sáu nhà truyền giáo Cơ-đốc đã từ bỏ mọi sự vì Đấng Christ.

Jim Elliot

Jim Elliot là một trong số những nhà truyền giáo Hoa Kỳ cảm thấy được kêu gọi chia sẻ sự dạy dỗ của Đấng Christ với bộ lạc Waodani ở Ecuador vào những năm 1950. Vào thời điểm đó, người Waodani là một trong những nhóm người bạo lực nhất được biết đến trên trái đất, họ thường xuyên giết chóc và quyết liệt bảo vệ lãnh thổ của mình trước những kẻ muốn khai thác vùng đất Amazon trù phú.

Elliot và các anh em trong nhóm truyền giáo của ông đã bắt đầu tiếp cận với bộ lạc này sau khi học được một ít ngôn ngữ của họ; đầu tiên bằng cách thả những món quà từ máy bay xuống và sau đó là dựng trại không xa khu định cư Waodani.

Tuy nhiên, vào tháng 1 năm 1956, năm người đã bị giết bởi các thành viên của bộ lạc khi lần đầu tiên họ trực tiếp tiếp cận những người này với hy vọng chia sẻ Phúc Âm.

Câu chuyện này đã được phát sóng trên bản tin thế giới, và vợ của Elliot, Elisabeth, kể từ đó đã viết một cuốn sách bán chạy nhất có tựa đề ‘Through the Gates of Splendor’ (tạm dịch là “Qua Những Cánh Cửa Huy Hoàng”) kể về hành trình của chồng bà. Nhật ký của Jim, trong đó có câu nói nổi tiếng “Một người không phải là kẻ ngốc khi từ bỏ những thứ mình không thể giữ để đạt được những thứ mình không thể mất“, cũng đã được hàng nghìn tín đồ trên khắp thế giới tìm đọc.

Thật ngạc nhiên, Elisabeth và em gái của một giáo-sĩ khác trong nhóm, Rachel, được giới thiệu với người Waodani chỉ hai năm sau khi họ bị sát hại, và được mời đến sống giữa bộ lạc. Nhiều người trong số họ đã đến với đức tin.

William Carey

Là một thợ đóng giày được huấn luyện bài bản, William Carey được biết đến như là “người đi đầu trong sứ mệnh truyền giáo thời hiện đại.” vì công tác truyền giáo của ông ở Ấn Độ. Chuyện kể rằng vào năm 1787, ông đề nghị tất cả các Cơ-đốc nhân có nhiệm vụ chia sẻ Phúc Âm trên khắp thế giới, sau đó ông được bảo: “Chàng trai trẻ, hãy ngồi xuống đi. Khi Đức Chúa Trời vui lòng cải đạo những người ngoại đạo, Ngài sẽ làm điều đó mà không cần sự trợ giúp của anh và tôi.

Tuy nhiên, không nản lòng, ông đã thành lập Hiệp-hội Truyền-giáo Baptist (Baptist Missionary Society) 5 năm sau đó vào năm 1792, rao giảng một thông điệp mà trong đó ông đã nói một trong những câu nói nổi tiếng nhất của mình: “Hãy mong đợi những điều vĩ đại từ Chúa. Hãy nỗ lực làm những việc vĩ đại cho Chúa.

Một năm sau đó, ông đến Ấn Độ cùng gia đình, nhưng cuộc tranh chiến của ông vẫn tiếp tục. Ông không thấy một người nào cải đạo trong bảy năm, con trai ông là Peter chết vì bệnh kiết lỵ và sức khỏe tâm thần của vợ ông sa sút nhanh chóng. “Đây thực sự là trũng bóng chết đối với tôi,” Carey viết vào thời điểm đó. “Nhưng tôi vui mừng vì mặc dù vậy tôi vẫn ở đây ; và Chúa cũng ở đây.

Nhưng vào năm 1800, ông đã làm báp-têm cho người đầu tiên cải đạo sang Cơ-đốc giáo, và trong hơn 20 năm, ông đã dịch Kinh Thánh sang hàng chục ngôn ngữ và phương ngữ chính của Ấn Độ. Ông cũng thành lập trường Cao-đẳng Serampore để đào tạo ra những người hầu việc Chúa tại địa phương.

George Grenfell

Là giáo sĩ và nhà thám hiểm người Cornish, George Grenfell từng là giáo sĩ của phái Baptist ở Cameroon vào cuối những năm 1800.

Ông được Hiệp-hội Truyền-giáo Baptist (BMS) của Carey cử đến Cameroon vào năm 1874, và ba năm sau, vợ ông, Mary, qua đời – chỉ 11 tháng sau khi họ kết hôn. Sau đó, ông chuyển đến Congo, và khám phá sông Congo cùng với Thomas Comber, tìm địa điểm cho các trạm truyền giáo. Ông đã từ chức khỏi BMS khi có thông tin cho rằng cô quản gia người Jamaica đang mang thai con của ông. Ông kết hôn với cô, và sau đó được phục chức trở lại. Ông được coi là người đã đặt nền móng cho công tác truyền giáo ở vùng nhiệt đới châu Phi.

Mary Slessor

Sinh ra ở Aberdeen năm 1848, Mary Slessor trở thành giáo sĩ và đến Nigeria dưới sự quản lý của Ủy-ban Truyền-giáo Nước-ngoài của Giáo-hội Trưởng-lão Thống-nhất (United Presbyterian Church). Bà lên đường đến Tây Phi vào tháng 8 năm 1876 khi chỉ mới 28 tuổi và được bổ nhiệm đến vùng Calabar.

Đây là nơi người Efik sinh sống; một cộng đồng tin vào các tôn giáo truyền thống của Tây Phi và đặc biệt ở đây các em bé sinh đôi thường bị coi là điềm xấu và bị dân làng giết đi hoặc bỏ rơi.

Slessor đã cứu sống hàng trăm em nhỏ trong thời gian ở Nigeria; thậm chí còn nhận một bé gái làm con của mình. Bà cũng đi đến những khu vực nguy hiểm nơi những nam giáo sĩ trước bà đã tử đạo, và được biết là người có cá tính mạnh mẽ và có khiếu hài hước. Câu nói nổi tiếng của bà : “Tại sao tôi phải sợ hãi? Tôi đang thực hiện một sứ mệnh hoàng gia. Tôi đang phục vụ Vua trên muôn vua.” Bà đấu tranh cho quyền phụ nữ và đã thành lập một bệnh viện truyền giáo cho người dân địa phương.

Slessor bị hành hạ bởi những cơn sốt rét nghiêm trọng và các bệnh nhiệt đới khác, nhiều lần buộc phải quay trở lại Scotland để hồi phục.

Bà qua đời ở Calabar năm 1915, hưởng thọ 67 tuổi.

Gladys Aylward

Gladys Aylward là một giáo sĩ Cơ-đốc người Anh đến Trung Quốc vào thế kỷ 20. Lớn lên ở Bắc Luân Đôn trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động, ban đầu bà giúp việc nhà, nhưng có ước mơ ấp ủ từ lâu là trở thành một nhà truyền giáo, và có niềm tin xác quyết về việc mình được kêu gọi đến Trung Quốc.

Bà đã bị tổ chức truyền giáo China Inland Mission từ chối sau khi không vượt qua các kỳ thi cần thiết, nhưng đã đồng ý làm việc cho một nhà truyền giáo 73 tuổi, Jeannie Lawson, người đang tìm kiếm một phụ nữ trẻ để tiếp tục công việc của mình ở trong nước. Khi Lawson chết, Aylward đã thực hiện sứ mệnh này một mình.

Bà tiếp tục phục vụ trong chính quyền Trung Quốc với tư cách là ‘thanh tra chân’ – người tới lui thăm viếng phụ nữ trên khắp đất nước để đảm bảo rằng họ tuân theo luật mới chống bó chân – điều mà bà coi là một phần trong công việc truyền giáo của mình. Bà cũng nhận nuôi một số trẻ mồ côi, đưa khoảng 100 trẻ đến nơi an toàn trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, và được biết đến với cái tên ‘Ài Wěi Dé’, nghĩa là ‘Người Đức Hạnh’. Bà qua đời ở tuổi 67 vào năm 1970, và câu chuyện của bà đã được dựng thành phim – ‘The Inn of the Sixth Happiness’ (tên tiếng Việt ‘Quán Trọ Lục Phúc’).

CT Studd

Charles Thomas Studd là một vận động viên môn bóng gậy nổi tiếng người Anh đã từng đi truyền giáo ở Trung Quốc, Châu Phi và Ấn Độ. Là người trẻ nhất trong nhóm ‘Anh em nhà Studd’, người được biết đến với kỹ năng chơi bóng gậy tại Eton và Cambridge, Charles đã chơi trong trận thử nghiệm đầu tiên giữa Anh và Úc, nơi giải đấu Ashes được biết đến.

Anh đã cải đạo sang Cơ-đốc giáo cùng với những người anh em của mình khi ở Eton. Kể về khoảnh khắc gặp Chúa lần đầu tiên, anh nói: “Ngay lúc đó, niềm vui và sự bình an tràn ngập tâm hồn tôi. Lúc đó tôi biết thế nào là ‘tái sinh’ và cuốn Kinh Thánh trước đây vốn đã quá khô khan, giờ trở thành tất cả đối với tôi.

Khi quyết định từ bỏ thể thao để theo đuổi sự nghiệp truyền giáo, anh nói: “Tôi biết mình không thể chơi bóng gậy cả đời, danh tiếng sẽ không tồn tại lâu, và không có gì trên thế giới này trường tồn, nhưng  sống vì một thế giới sẽ đến thì thật đáng sống.

Ở tuổi đôi mươi, anh phục vụ trong tổ chức truyền giáo China Inland Mission, nơi anh kết hôn với nhà truyền giáo Priscilla Livingstone Stewart. Họ sống ở Trung Quốc trong 10 năm, nhưng đã quay trở lại Vương-quốc Anh do vấn đề sức khỏe, trước khi phục vụ ở Ấn Độ tại một hội thánh ở Ootacamund.

Sau đó, Prisilla và 4 cô con gái của cặp đôi ở lại Anh, trong khi Charles làm việc ở Trung Phi cho đến khi qua đời vào năm 1931.

Theo tiểu sử của anh do Norman Grubb viết, một trong những lá thư cuối cùng gửi về nhà, Studd đã viết: “Khi tôi tin rằng giờ đây tôi sắp rời khỏi thế giới này, tôi chỉ có một vài điều để vui mừng; đó là:

1. Chúa đã gọi tôi đến Trung Quốc và tôi đã đi bất chấp sự phản đối kịch liệt từ tất cả những người thân yêu của mình.

2. Rằng tôi đã vui vẻ hành động như Đấng Christ đã bảo người thanh niên giàu có đó hành động.

3. Rằng tôi đã chủ tâm đi theo tiếng gọi của Chúa, khi ở một mình trên con tàu Bibby vào năm 1910, đã từ bỏ cuộc đời mình cho công việc này, công việc mà từ nay về sau không chỉ dành cho Sudan mà còn cho cả thế giới chưa được truyền bá Phúc Âm.

Do đó, niềm vui duy nhất của tôi là khi Chúa giao cho tôi một công việc để làm, tôi đã không từ chối điều đó.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: christiantoday.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like