Home Chuyên Đề Chúng Ta Có Thể Nào Đừng Chỉ Nghĩ Đến Mình Dịp Giáng Sinh Này?

Chúng Ta Có Thể Nào Đừng Chỉ Nghĩ Đến Mình Dịp Giáng Sinh Này?

by ChristianToday
30 đọc

“Mùa Vọng” – ý nghĩa nằm ngay trong cái tên, theo đúng nghĩa đen. “Vọng” có nghĩa là trông đợi một điều gì đó sắp đến, và năm nay cũng như mọi năm, Mùa Vọng đánh dấu giai đoạn chuẩn bị cho lễ kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê-xu Christ, lễ Giáng Sinh, cũng như ăn mừng cho niềm hy vọng về ngày Chúa Giê-xu tái lâm.

Nhưng khác với những năm trước, Mùa Vọng năm nay bị ảnh hưởng bởi những vấn nạn về dịch bệnh, kinh tế và thiên tai ở khắp mọi nơi, tại thời điểm mà các mối quan hệ xã hội của chúng ta ngày càng trở nên xa cách bởi sự giãn cách xã hội dẫn đến việc phải kết nối với nhau qua các thiết bị điện tử trong một thời gian dài và xã hội bị ám ảnh bởi chủ nghĩa cá nhân.

Khi cuộc sống trở nên áp lực hơn, con người ngày càng dễ bị cám dỗ để sống hướng nội và chỉ tập trung vào bản thân mình. Nhưng cùng lúc đó số người nghèo, người bị áp bức, người tị nạn, bị cô lập và những người mất người thân vẫn không ngừng tăng lên.

Giáng Sinh là dịp để trao nhau những món quà, lan tỏa niềm vui và ăn mừng sự ra đời của Chúa Cứu Thế chúng ta. Luôn tìm dịp để thể hiện lòng rộng rãi và sự cảm thông là một phần cốt lõi của đời sống Cơ-đốc, và nhất là vào dịp Giáng Sinh. Sự đồng cảm là điều cốt lõi cần thiết khi giúp đỡ người khác, nhưng giữa những khó khăn thử thách trong cuộc sống hằng ngày, làm thế nào để chúng ta có thể nuôi dưỡng điều đó? Làm sao ta có thể lùi lại một bước để không phải nhìn chăm vào cuộc sống của chính mình mà nhìn vào những gì người khác đang trải qua?

Vì chúng ta không có một thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thông sự yếu đuối chúng ta, nhưng có một thầy tế lễ bị cám dỗ đủ mọi cách như chúng ta, song chẳng phạm tội.” (Hê-bơ-rơ 4:15)

Hê-bơ-rơ 4:15 nhấn mạnh cách Chúa Giê-xu cảm thông với những yếu đuối của chúng ta. Ngài hiểu những khó khăn và tổn thương của chúng ta vì chính Ngài cũng đã trải qua những điều đó. Ngài cũng đã bị khinh thường và bị từ chối, bị hiểu lầm và bỏ rơi, ngay cả bởi những người thân cận nhất của Ngài. Khi ở trên thập tự giá, Chúa Giê-xu thậm chí còn kinh nghiệm sự đơn độc và tách biệt hoàn toàn với Đức Chúa Cha, tiếp theo sau đó là sự chết.

Cảm ơn Chúa, vì hầu hết chúng ta chắc sẽ không phải trải qua việc bị bỏ rơi đến mức này, nhưng chúng ta phải nhớ rằng Chúa Giê-xu đã vượt qua hết thảy những sự đó. Việc chính Chúa đã kinh nghiệm sự chết và sự phục sinh hứa hẹn điều an ủi rất lớn cho những ai đang phải chịu đau khổ, và hành động của Ngài cung cấp một hình mẫu hoàn hảo cho chúng ta ngày nay.

Sự đồng cảm cũng có thể được phát triển qua những trải nghiệm gián tiếp khi chúng ta liên hệ những gì mình biết từ những kinh nghiệm tranh chiến của người khác thông qua sự lắng nghe cẩn thận và trí tưởng tượng của mình. Chúa Giê-xu rất gần gũi với những con người chịu khổ được phản ánh trong Kinh Thánh, bao gồm cả La-xa-rơ và Giăng Báp-tít, những người mà cái chết của họ khiến Chúa Giê-xu khóc và lui về một nơi vắng vẻ để yên tĩnh một mình. Khi Chúa Giê-xu trở lại sau khi đã tĩnh tâm, Ngài ngay lập tức cảm thông cho đoàn dân đông đã đi theo Ngài và chữa lành tất cả những người bệnh.

Ở đây chúng ta thấy sự cảm thông sẽ dẫn chúng ta tới lòng trắc ẩn. Trong khi sự cảm thông đề cập đến khả năng của chúng ta trong việc cảm nhận cảm xúc của người khác và đặt mình vào vị trí của họ, thì lòng trắc ẩn là việc thể hiện ra cảm xúc đó – bao gồm sự thúc đẩy để hành động. Sự cảm thông của Chúa Giê-xu khiến Ngài động lòng trắc ẩn, và Ngài đặt mình vào những khổ đau của người khác, bất kể thân phận hay địa vị nào trong xã hội. Lòng trắc ẩn khuyến khích thái độ sống nhân đức và vị tha, giúp chúng ta trở nên hướng ngoại và hướng thượng.

Tuy nhiên, ngày nay nhiều người trong chúng ta lại cảm thấy quá mệt mỏi khi phải thể hiện lòng trắc ẩn, đến nỗi chúng ta thường vờ như không thấy hay phớt lờ những đau khổ đang  xảy ra trên khắp thế giới. Các cuộc khủng hoảng như khủng hoảng người tị nạn toàn cầu, và trong chừng mực nào đó là dịch Covid, đã ném cho chúng ta những số liệu mà chúng ta không biết phải bắt đầu xử lý từ đâu. Hơn 65 triệu người trên toàn thế giới hiện đang bị di dời khỏi nhà của họ. Đó là một con số quá lớn.

Ngay cả trong những trường hợp mà cá nhân chúng ta được tiếp xúc với những hình ảnh về sự đau khổ, chẳng hạn như những đoạn phim tuyên truyền về trẻ em suy dinh dưỡng trên TV, chúng ta đã trở nên quen thuộc và thậm chí không còn cảm giác gì khi nhìn thấy chúng, và do đó không có bất cứ hành động nào. Có bao nhiêu người trong chúng ta dành thời gian suy nghĩ về việc mình có thể làm gì để giúp đỡ những người vô gia cư gặp trên phố vào tuần trước?

Chúa Giê-xu không để nỗi sợ hãi, lo lắng hay vô cảm chiến thắng lòng thương xót của Ngài dành cho những người đang đau khổ. Có lòng thương xót nghĩa là trở nên tích cực, và đưa ra những lựa chọn có chủ ý để có thể nhìn thấy những người đang cần sự giúp đỡ và giúp đỡ họ. Trong Giăng 8, Chúa Giê-xu cảm thương cho người phụ nữ bị bắt quả tang khi đang phạm tội ngoại tình và cứu mạng cô. Trong Lu-ca 19, Chúa Giê-xu mời Xa-chê, người thu thuế bị cộng đồng dân Do Thái tẩy chay, đến ăn tối.

Là Cơ-đốc nhân, chúng ta được kêu gọi sống như Chúa Giê-xu, trong cả lời nói lẫn việc làm, và điều nay bao gồm việc cảm thông cũng như có lòng trắc ẩn với những người xung quanh. Khi chúng ta đang tiến gần đến ngày Giáng Sinh, thời điểm chúng ta được quây quần với bạn bè, gia đình và những món quà vật chất, chúng ta đừng quên dành một chút thời gian để nhớ đến những người thiếu thốn và hãy thương xót một cách chủ động trong việc bày tỏ tình yêu thương của Chúa dành cho họ, dù đó là những người sống cùng khu phố với ta hay ở một nước khác.

Dịch: Richard Huynh

Nguồn: christiantoday.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like