Home Chuyên Đề 5 Cách Để Duy Trì Mối Quan Hệ Với Con Trẻ Đã Lìa Bỏ Đức Tin

5 Cách Để Duy Trì Mối Quan Hệ Với Con Trẻ Đã Lìa Bỏ Đức Tin

by Crosswalk.com
30 đọc

Là cha mẹ, chúng ta cố gắng hết sức để nuôi dạy con cái mình với những giá trị đạo đức tốt đẹp và thế giới quan tin kính để các con lớn lên trở thành những công dân xuất sắc và có ích cho xã hội khi bước ra đời. Nhưng đôi khi những đứa trẻ của chúng ta muốn sống cuộc sống của riêng mình, và khi làm như vậy, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng. Vấn đề nan giải hơn gấp bội khi một người con lìa bỏ đức tin Cơ-đốc. Có thể các con bị tổn thương bởi những người nhóm lại tại nhà thờ, bởi sự lãnh đạo, hoặc bị cướp mất cơ hội phục vụ, có rất nhiều lý do khiến con trẻ lìa bỏ đức tin. Nhưng khi một đứa trẻ lìa bỏ đức tin, điều đó khiến cha mẹ cảm thấy như có một lỗ hổng trong tim họ.

Nghiên cứu nói gì

Châm-ngôn 22:6 nói, “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, có nhiều khả năng để một đứa trẻ rời bỏ nhà thờ và đức tin của mình, khiến các mối quan hệ trở nên căng thẳng đến mức gần như chưa từng tồn tại. Theo nghiên cứu của Barna, “cứ năm Cơ-đốc nhân trẻ thì có ba người (59%) ngắt kết nối vĩnh viễn hoặc trong một thời gian dài khỏi sinh hoạt nhà thờ sau 15 tuổi.” Điều này có thể gây thiệt hại cho cả cha mẹ và con cái. Các bậc cha mẹ có thể cảm thấy thất bại vì con cái mình không giữ vững đức tin và để lại di sản cho các thế hệ tiếp theo. Dù đã trưởng thành, con trẻ có thể cảm thấy như mình đã làm cha mẹ thất vọng vì không sống theo đức tin và đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ.

Cha mẹ phải làm gì? Mặc dù bản năng có thể là mặc cả hoặc sử dụng thẩm quyền của mình để buộc đứa trẻ phải phục tùng, nhưng đây là công thức dẫn đến thảm họa nếu cha mẹ hy vọng tiếp tục mối quan hệ với con.

5 cách để phục hồi mối quan hệ

Dưới đây là năm cách cha mẹ có thể phục hồi mối quan hệ của mình với con trẻ đã lìa bỏ đức tin:

1. Cầu nguyện cho các con

Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng lời cầu nguyện có lẽ là vũ khí tốt nhất mà bạn có trong việc phục hồi mối quan hệ đã tan vỡ. Đa-vít kêu cầu Chúa trong nỗi sầu khổ của mình, Phao-lô phục tùng thẩm quyền của Chúa, và Áp-ra-ham hy sinh chính con mình để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Mặc dù ý muốn của Đức Chúa Trời là không ai phải chết, nhưng Ngài không bao giờ ép buộc bất cứ ai. Cái đau của ý chí tự do là mọi người được tự do đưa ra lựa chọn của riêng mình—nhưng đôi khi lựa chọn đó lại gây bất lợi cho họ. Trong khi Đức Chúa Trời phải đau lòng khi thấy con cái của Ngài rời bỏ Ngài, nhưng Ngài không bao giờ đuổi theo họ. Ngài cho họ quyền tự do để lựa chọn đến với Ngài hoặc không.

Cũng theo cách đó, bạn phải cho phép con bạn làm điều tương tự, dù điều đó có thể gây đau đớn. Hãy trút hết lòng mình cho Ngài. Khóc với Ngài. Hãy nói cho Ngài biết điều đó đau đớn như thế nào. Đức Chúa Trời sẽ nâng đỡ bạn và an ủi bạn trong nỗi đau buồn của bạn. Người con hoang đàng của bạn có thể không bao giờ trở lại. Nhưng bạn có thể yên tâm khi biết mình không đơn độc. Chúa sẽ luôn đồng hành cùng bạn trong mọi chặng đường của cuộc hành trình đó.

2. Ủng hộ các con

Dù bạn có thể không thích sự lựa chọn của các con nhưng chúng vẫn là con của bạn và cần được nghe những lời động viên từ bạn. Hãy chống lại sự cám dỗ muốn làm cho các con nhụt chí mà thay vào đó hãy gây dựng chúng. Hãy chỉ ra những phẩm chất tốt đẹp của các con. Ví dụ, nếu các con đạt được ước mơ, hãy khen ngợi chúng. Kỷ niệm những thành tựu và thành công của chúng. Giúp các con hiểu tình yêu của bạn không dựa trên những gì các con làm được mà bạn yêu các con đơn giản vì chính con người của các con. Đó là những gì Chúa làm cho chúng ta và chúng ta, với tư cách là cha mẹ, cũng có thể làm như vậy cho con mình. Đây là cách tốt nhất chúng ta có thể bày tỏ Chúa Giê-xu Christ cho những đứa con chưa tin Chúa của mình.

3. Thấu hiểu các con

Điều con bạn cần không phải là một bài giảng về tất cả những lý do tại sao chúng nên theo Chúa. Thay vì giảng đạo hay đưa ra lời khuyên, hãy trải lòng với các con. Đưa các con đến nhà hàng hoặc quán cà phê yêu thích của chúng và chỉ đơn giản là lắng nghe. Thực hành lắng nghe tích cực bằng cách không chỉ nghe mà còn thấu hiểu. Nghe những gì các con đang nói cũng như những gì mà các con không nói. Học cách thấu hiểu. Quan sát ngôn ngữ cơ thể. Hai tay khoanh trước ngực biểu thị tư thế phòng thủ. Tuy nhiên, tay đặt trên bàn gợi ý tư thế cởi mở, chào đón. Khích lệ các con thể hiện bản thân bằng những cái gật đầu một cách thích hợp và lặp lại những gì các con đã nói, đặt câu hỏi làm rõ khi cần thiết. Ngay cả khi con bạn không bao giờ quay trở lại với Chúa, thì việc dành thời gian để lắng nghe cũng giúp con bạn hiểu rằng mình là một phần quan trọng trong cuộc đời của ba mẹ. 

4. Làm gương cho các con

Khi khẳng định sự độc lập của mình, con trẻ trưởng thành có thể nói với bạn rằng bạn đừng nói về Chúa trước mặt chúng. Mặc dù bạn có thể tôn trọng quyết định bỏ đi của chúng, nhưng con bạn không có quyền bảo bạn phải làm gì. Bạn có thể không có ảnh hưởng đến cách sống của các con, nhưng chúng không thể dạy bạn sống đời sống của bạn như thế nào. Đừng ngừng sống theo niềm tin của bạn chỉ bởi vì con bạn không có hứng thú với đức tin. Hãy tiếp tục sống với đức tin của mình và lấy đó làm trọng tâm chính cũng như trung tâm của cuộc đời bạn. Các con của bạn có thể bực bội khi nghe một bài giảng hoặc bài hát thờ phượng mới nhất, nhưng lời nói của bạn có thể tiếp tục gieo những hạt giống mà các con có thể không bao giờ thừa nhận. Như Kinh Thánh nói, “Luôn sẵn sàng để trả lời những kẻ chất vấn về niềm hi vọng trong anh em, nhưng phải ôn tồn và trân trọng… ”(1 Phi-e-rơ 3:15). 

5. Chào đón các con

Nếu con bạn quay trở lại với Chúa, hãy chuẩn bị để chào đón chúng. Trong dụ ngôn về người con trai hoang đàng, người cha không đuổi theo đứa con hoang đàng của mình. Ông để anh ra đi sống cuộc sống của mình theo cách mà anh muốn, theo ý riêng của mình. Mặc dù biết điều gì là tốt nhất, nhưng ông vẫn để con trai mình đi đến tận cùng của con đường mà anh đã chọn và quay lại với ông khi anh muốn. Bằng cách đó, mọi quyết định của anh đều do lòng anh chọn. Rồi người cha đã vờ như chưa có gì xảy ra và chào đón anh trở lại với gia đình.

Bạn không muốn con mình miễn cưỡng quay lại với Chúa chỉ vì chúng nghĩ rằng điều đó sẽ khiến bạn hạnh phúc. Chúa muốn một mối quan hệ mật thiết, và Ngài muốn chúng ta ở trong một mối quan hệ bởi vì chúng ta muốn điều đó, chứ không phải vì Ngài khiến chúng ta phải chịu như vậy.

Làm cha mẹ của một người con hoang đàng đã khó nhưng cố gắng giải quyết vấn đề một mình mà không có Chúa còn khó hơn. Hãy dựa vào Chúa và sự hiểu biết của Ngài về tình hình. Ngài biết những điều mà chúng ta không biết. Rốt cuộc thì, Ngài luôn kiểm soát được tình hình. Miễn là con bạn còn sống, luôn có cơ hội để ăn năn và làm hòa cả với bạn và với Đức Chúa Trời.

Quan trọng nhất, đừng bỏ bê mối quan hệ của bạn với Chúa. Hãy đọc Lời Ngài. Ở cùng những người sẽ lắng nghe nỗi đau của bạn và khóc cùng bạn. Họ cũng có thể đưa ra lời khuyên khôn ngoan khi bạn cần. Hãy khóc với Chúa và nói cho Ngài biết mọi điều. Người con hoang đàng có thể trở về với bạn hoặc có thể không, nhưng bạn có thể có một mối quan hệ sâu sắc và sống động với Cứu Chúa của mình.

Và mối quan hệ đó là quan trọng nhất.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like