Home Chuyên Đề Si-mê-ôn Và An-ne: Họ Nhận Ra Đấng Mê-si Thế Nào?

Si-mê-ôn Và An-ne: Họ Nhận Ra Đấng Mê-si Thế Nào?

by Oneforisrael.org
30 đọc

Ít nhất có hai người đã luôn tập chú: tiên tri Si-mê-ôn và An-ne được nhắc đến trong sách Lu-ca vì nhận ra khoảnh khắc Đấng Mê-si viếng thăm vào thời điểm mà rất nhiều người đã bỏ lỡ. Làm thế nào họ có thể phát hiện ra Con Trẻ đó là ai? Và chúng ta có thể học được gì từ tấm gương sáng của họ?

Sự trông cậy trì hoãn khiến lòng bị đau đớn,” chúng ta được nói cho biết trong Châm-ngôn 13:12, “nhưng khi sự ước ao được thành, thì giống như một cây sự sống.”  Đấng Mê-si đã đến từ rất lâu rồi. Một thời gian rất, rất dài. Đấng Mê-si lần đầu tiên được nhắc đến trong Sáng-thế Ký 3:15, khi Đức Chúa Trời hứa rằng dòng dõi của người nữ sẽ giày đạp đầu con rắn, và những dấu hiệu không ngừng xuất hiện. Những gợi ý về của lễ hy sinh, những so sánh tương đồng và những câu chuyện dụ ngôn, những kiểu mẫu và thơ ca, những tiếng vọng và hình bóng nằm rải rác khắp nơi trong Kinh Thánh, cùng với một số lời tiên tri rất rõ ràng. Dân sự của Đức Chúa Trời đã chờ đợi Đấng Cứu Thế hàng ngàn năm. Cả Si-mê-ôn và An-ne đều bày tỏ sự kinh ngạc và kính sợ khi ôm con trẻ trong tay, làm chứng cho lẽ thật của Châm-ngôn 13:12. Thật là một kinh nghiệm mãnh liệt của niềm vui sướng!

“…lúc có cha mẹ đem con trẻ là Jêsus đến, để làm trọn cho Ngài các thường lệ mà luật pháp đã định, thì người bồng ẵm con trẻ, mà ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: “Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an, theo như lời Ngài; Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài, mà Ngài đã sắm sửa đặng làm ánh sáng trước mặt muôn dân, soi khắp thiên hạ, và làm vinh hiển cho dân Y-sơ-ra-ên là dân Ngài.”” (Lu-ca 2:27-32)

Si-mê-ôn và An-ne biết Kinh Thánh

Kinh Thánh báo trước rằng Đấng Mê-si sẽ được sinh ra tại Bết-lê-hem (Mi-chê 5:2) bởi một nữ đồng trinh (Ê-sai 7:14). Ngài sẽ ra khỏi Ai Cập (Ô-sê 11:1), và được gọi là người Na-xa-rét (Ê-sai 11:1). Ngài sẽ làm nhiều phép lạ và dấu kỳ, như đi trên mặt nước (Thi-thiên 77:19, Châm-ngôn 30:4). Ngài sẽ là Con của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 2:12, Châm-ngôn 30: 4) và là Đức Chúa Trời (Ê-sai 9:6-7, Giê-rê-mi 23:5-6, Xa-cha-ri 2:10). Ngài sẽ chữa lành người phung, mở mắt người mù, và người què sẽ nhảy lên mừng rỡ (Ê-sai 35: 5-6). Ngài sẽ bị ‘trừ đi’ trước khi đền thờ thứ hai bị phá hủy (Đa-ni-ên 9:26), tay và chân Ngài sẽ bị đâm thủng (Thi-thiên 22:17), và Ngài sẽ bị chế nhạo và tra tấn trước khi bị hành hình (Ê-sai 53:4-8). Và tất cả sự đó chỉ là khởi đầu.

Rõ ràng là cả Si-mê-ôn và An-ne đều thông thạo lời tiên tri trong Kinh Thánh.

Cả hai đều chờ đợi sự an ủi của Y-sơ-ra-ên, sự cứu chuộc của Giê-ru-sa-lem. Họ biết điều đó sẽ đến bởi vì Đức Chúa Trời đã hứa, và Ngài đã lặp đi lặp lại điều đó nhiều lần trong Kinh Thánh. Và họ biết điều đó. Một Đấng Mê-si, một Chúa Cứu Thế, đang trên đường đến.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng Si-mê-ôn và An-ne đã gặp Chúa Giê-xu khi Ngài mới chỉ là một hài nhi mới sinh. Họ đã hiểu ngay rằng mình đã tìm thấy Đấng Mê-si ngay cả trước khi phần lớn các tiêu chuẩn dành cho Đấng Mê-si được đáp ứng! Họ biết Ngài sẽ đến, và dường như biết điều đó sẽ xảy ra trong đời của họ. Họ có thể đã nghe nói Chúa Giê-xu sinh ra ở Bết-lê-hem, và thậm chí có thể là một vài câu chuyện về phép lạ của Ma-ri. Có thể tin tức từ những người chăn chiên và sứ điệp từ các thiên sứ đã đến với họ? Bạn có thể thấy các manh mối có thể xếp chồng lên nhau như thế nào. Nhưng làm sao họ biết được Ngài sẽ làm gì, hay Ngài sẽ chết như thế nào? Họ không thấy Ngài thực hiện một phép lạ nào … nhưng họ biết Ngài là Con Trẻ của lời hứa. Làm cách nào họ có thể làm được như vậy?

Chú tâm trông đợi

Vả, trong thành Giê-ru-sa-lem có một người công bình đạo đức, tên là Si-mê-ôn, trông đợi sự yên ủi dân Y-sơ-ra-ên, và Đức Thánh Linh ngự trên người.” (Lu-ca 2:25)

Lu-ca cho chúng ta biết rằng Đức Thánh Linh đã ở trên Si-mê-ôn, và ông cũng là người công bình và sùng đạo. Hai sự thật này không phải là không có mối liên hệ với nhau. Si-mê-ôn không hoàn hảo, nhưng ông là người luôn đi theo đường lối của Đức Chúa Trời và nghiêm túc với điều đó. Và Thần của Đức Chúa Trời đã ngự trên ông. An-ne cũng rất sùng đạo và tích cực tìm kiếm Chúa. Bà thích được ở trong nhà của Đức Chúa Trời và sử dụng tất cả khí giới mà chúng ta được ban cho để theo đuổi Đức Chúa Trời – thời gian, sự chú tâm và kiêng ăn. Họ biết mình đang tìm kiếm điều gì, và họ hòa hợp với Chúa.

Họ đã chờ đợi một cách đầy kỳ vọng.

Lại có bà tiên tri An-ne, con gái của Pha-nu-ên, về chi phái A-se, đã cao tuổi lắm. Từ lúc còn đồng trinh đã ở với chồng được bảy năm; rồi thì ở góa. Bấy giờ đã tám mươi bốn tuổi, chẳng hề ra khỏi đền thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện. Một lúc ấy, người cũng thình lình đến đó, ngợi khen Đức Chúa Trời, và nói chuyện về con trẻ với mọi người trông đợi sự giải cứu của thành Giê-ru-sa-lem.” (Lu-ca 2:36-38)

Tôi đã nghe điều này được nói ra, và tôi đồng ý, rằng sự thờ phượng về cơ bản là dành sự chú ý cho Chúa. Chúng ta nhóm lại, chúng ta bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời, và chúng ta hướng mặt về phía Ngài. Chúng ta nói chuyện và hát một cách trực tiếp với Đức Chúa Trời chúng ta, chứ không phải nói chuyện một cách vô thức với không khí, nhưng tập chú vào Ngài. Và chúng ta lắng nghe. Chúng ta lắng nghe một cách cẩn thận, chăm chú. Và chúng ta chờ đợi. Si-mê-ôn và An-ne đang tập chú. Họ đang lắng nghe và họ trông đợi. Khi chúng ta đứng trước mặt ai đó, chúng ta cẩn thận chú ý đến họ, chúng ta có thể thực sự lắng nghe những gì họ nói.

Lắng nghe tích cực

Chúng ta biết Si-mê-ôn đã lắng nghe và nghe được từ Đức Chúa Trời vì chúng ta đã được nói cho biết bởi Lu-ca,

Đức Thánh Linh đã bảo trước cho người biết mình sẽ không chết trước khi thấy Đấng Christ của Chúa.” (Lu-ca 2:26)

Bây giờ bạn có thể có thắc mắc về cách chính xác mà điều này đã được tiết lộ cho ông, nhưng đó là những gì Kinh Thánh nói. Đức Thánh Linh đã bày tỏ những điều đó cho Si-mê-ôn và An-ne, và họ đã chú ý. Điều quan trọng là, Si-mê-ôn tin vào những gì Chúa đã cho ông thấy, thay vì bác bỏ và coi đó như sự tưởng tượng. Lu-ca nhấn mạnh đến công tác của Đức Thánh Linh trong Phúc Âm của ông, và ông cũng làm vậy trong sách Công-vụ. Lu-ca cho chúng ta biết rằng Giăng Báp-tít đã báo trước Chúa Giê-xu không chỉ là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian đi, mà còn là Đấng sẽ làm phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa. Đức Thánh Linh không phải là một suy nghĩ đột nhiên nảy ra trong đầu, mà Ngài là Đức Chúa Trời. Ngài là Thần của Chúa Giê-xu (Công-vụ 16:7, Phi-líp 1:19, Rô-ma 8:9), và Chúa Giê-xu nói rằng Ngài sẽ “dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật” (Giăng 16:13) kể cả những gì sắp xảy đến. Chúng ta thấy các môn đồ được Đức Thánh Linh dẫn dắt và chỉ dạy những việc phải làm, đi đâu và điều gì sẽ đến trong suốt sách Công-vụ.

Si-mê-ôn và An-ne đều nắm vững Kinh Thánh, tập chú vào Đức Chúa Trời, và họ đồng hành với Đức Thánh Linh.

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Si-mê-ôn “vào đền thờ theo sự cảm thúc của Đức Thánh Linh”. Bạn sẽ nhận thấy rằng Đức Thánh Linh nổi bật khắp nơi trong Kinh Thánh. Hơn nữa, chúng ta thấy nhiều hơn về sự giao tiếp trong thực tế giữa Thánh Linh của Đức Chúa Trời và Si-mê-ôn khi ông bồng ẵm Chúa Giê-xu trên tay mình:

Si-mê-ôn bèn chúc phước cho hai vợ chồng, nói với Ma-ri, mẹ con trẻ rằng: “Đây, con trẻ nầy đã định làm một cớ cho nhiều người trong Y-sơ-ra-ên vấp ngã hoặc dấy lên, và định làm một dấu gây nên sự cãi trả; còn phần ngươi, có một thanh gươm sẽ đâm thấu qua lòng ngươi. Ấy vậy tư tưởng trong lòng nhiều người sẽ được bày tỏ.”” (Lu-ca 2:34-35)

Rõ ràng, Đức Thánh Linh sẽ chỉ nói những gì Ngài nghe, và điều đó sẽ luôn phù hợp với lời được Đức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta, là điều không thể bị phá vỡ, nhưng chính Ngài đã phán. Ngài phán với những ai đang tha thiết lắng nghe và tìm kiếm Ngài với tất cả tấm lòng của họ.

“…Cha mẹ con trẻ lấy làm lạ về mấy lời người ta nói về con.” (Lu-ca 2:33)

Họ không bao giờ từ bỏ việc tin vào những lời hứa của Đức Chúa Trời

Si-mê-ôn và An-ne không chỉ biết những gì Đức Chúa Trời đã phán, (cũng như những gì Ngài đang phán với họ) mà họ còn TIN vào những điều đó. Họ rất tin tưởng vào lời Chúa. Kẻ thù luôn cố gắng khiến chúng ta nghi ngờ: “Chúa có thực sự nói…như vậy không?” Nhưng Si-mê-ôn và An-ne không hề bị lay chuyển. Thật đúng là Ngài đã phán như vậy.

Còn bạn và tôi thì sao? Ngày nay chúng ta cũng ở vào vị trí tương tự khi chờ đợi Đấng Mê-si tái lâm. Chúng ta sẽ giống như An-ne và Si-mê-ôn? Chờ đợi trong đức tin cho những lời hứa sẽ thành hiện thực trong thời của chúng ta? Chúng ta có biết những lời hứa đó là gì không? Chúng ta có đang bước đi theo Thánh Linh như Phao-lô đã thúc giục trong Ga-la-ti 5:16 không? Chúng ta có nán lại để lắng nghe Chúa phán không? Chúng ta có tin những gì Ngài phán? Chúng ta có say mê ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời và tìm kiếm mặt Ngài? Tất cả chúng ta đều vấp ngã hết lần này đến lần khác, nhưng chúng ta không bị bỏ rơi để phải tranh chiến một mình; Chúa Giê-xu đã đặc biệt sai Thánh Linh của Ngài đến để giúp chúng ta, để an ủi chúng ta, hướng dẫn chúng ta, thay đổi chúng ta từ trong ra ngoài để chúng ta tự nhiên muốn sống theo đường lối của Ngài. 

Nếu bạn không chắc mình có được đầy dẫy Thánh Linh hay không, tại sao bạn không quay lại với Đức Chúa Trời, quay lưng lại với mọi tội lỗi, và cầu xin Thánh Linh của Đức Chúa Trời đến và đổ đầy bạn ngay bây giờ. Và hãy tin tưởng! Đức Thánh Linh là sự ban cho của Đức Chúa Trời, và Ngài là Cha nhân lành luôn yêu thương và ban những món quà tốt lành cho con cái Ngài.

Chúa Giê-su đã khuyên giục và cảnh báo các môn đồ của Ngài nhiều lần “hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Khi là một người mới tin Chúa, tôi háo hức muốn vâng lời, nhưng thường cảm thấy hụt hẫng. Tôi nên xem gì? Tôi phải tìm kiếm cái gì? Giờ đây, tôi nghiên cứu Kinh Thánh một cách cẩn thận, và chú ý đến những gì đang xảy ra xung quanh tôi, nhưng trên hết, tôi biết rằng mắt của tôi phải hướng về ngôi của Đức Chúa Trời. Tôi đang dành sự chú ý cho Ngài, và lắng nghe tiếng Ngài. Chúng ta không thể thành thật mà nói rằng chúng ta “yêu mến sự hiện đến của Ngài” (2 Ti-mô-thê 4:7-8) nếu chúng ta thậm chí không biết mình đang tìm kiếm điều gì! Cầu xin Chúa Giê-xu nhìn thấy chúng ta được đầy dẫy đức tin và Đức Thánh Linh, khi chúng ta chờ đợi Ngài với niềm hy vọng lớn lao. Niềm vui của việc cuối cùng được nhìn thấy Ngài sẽ không thể nào diễn tả được.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like