Home Chuyên Đề Chúng Ta Đã Vô Tình Sử Dụng Sai Quyền Tự Do Tôn Giáo Của Mình

Chúng Ta Đã Vô Tình Sử Dụng Sai Quyền Tự Do Tôn Giáo Của Mình

by Crosswalk.com
30 đọc

Chúng ta không cố ý làm điều đó. Tôi biết là như vậy. Nhưng điều đó vẫn xảy ra.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi người ai cũng đòi quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do nhóm hiệp và quyền nói lên chính kiến của mình. Mặc dù có vẻ như một vài quyền tự do trong số đó sẽ nhanh chóng bị mất đi khi trở thành một Cơ-đốc nhân tuyên xưng, tôi tin rằng chúng ta vẫn coi những quyền tự do đó là điều hiển nhiên khi chúng ta chọn cách sử dụng, lạm dụng hoặc không tận dụng hết quyền tự do tôn giáo của mình.

Trong nền văn hóa phương Tây, việc nói thẳng về niềm tin chính trị, niềm tin tôn giáo và thậm chí cả những thói hư tật xấu của người ta, đến mức khiến nhiều người lên tiếng bất đồng ý kiến với chúng ta – là điều rất phổ biến – và thậm chí có tính chất gây nghiện. Nhưng nếu chúng ta có quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do phát ngôn những gì chúng ta muốn, bạn có nghĩ rằng chúng ta sẽ trân trọng điều đó bằng cách rao giảng lẽ thật một cách tự do để thu hút người khác đến với ánh sáng và chân lý của Đấng Christ không?

Chúng ta có thể bị cuốn vào việc muốn thuyết phục người khác nghe theo ý kiến cá nhân của mình và khiến họ ủng hộ quan điểm chính trị hoặc giáo lý của chúng ta đến mức chúng ta đã quên mất điều răn lớn nhất của Chúa Giê-xu: Đó là chúng ta phải hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa và yêu người lân cận như mình (Ma-thi-ơ 22: 37-39…)

Sau khi đọc được số liệu thống kê rằng hàng năm trên thế giới có 100.000 Cơ-đốc nhân chết vì đức tin của họ và có hơn 340 triệu Cơ-đốc nhân đang sống ở các quốc gia nơi họ có thể bị bức hại và phân biệt đối xử đến mức cực đoan vì đức tin của họ, điều đó khiến tôi nhận ra rằng chúng ta đã coi thường những quyền tự do mà chúng ta có thể tận hưởng. Dưới đây là năm cách mà chúng ta, là những người tin Chúa, có thể đã vô tình sử dụng sai quyền tự do tôn giáo của mình:

1. Chúng ta có quyền tự do để nói với người khác về Chúa Giê-xu, nhưng chúng ta có xu hướng giữ im lặng

Mặc dù ngày nay chúng ta có thể cảm thấy thật khó để nói về Chúa Giê-xu mà không gặp bất kỳ sự chống đối nào, nhưng thực tế là chúng ta vẫn có thể chia sẻ Phúc Âm của Chúa Giê-xu với bạn bè, các thành viên trong gia đình hay đồng nghiệp của chúng ta mà không phải lo sợ bị bắt bỏ tù, bị mất mạng, hay mất việc.

Hoa Kỳ đứng thứ 6 về “Tự do Tôn giáo” trong số 120 quốc gia đề cập đến quyền tự do tôn giáo trong hiến pháp của họ. (Hoa Kỳ xếp sau Hà Lan, Canada, Úc, Đan Mạch và New Zealand.) Tuy nhiên, chúng ta vẫn có xu hướng giữ im lặng vì sợ phản ứng dữ dội từ người khác, sợ bị “gắn mác” là một Cơ-đốc nhân hoặc bị người ta đánh giá vì đã chia sẻ đức tin của mình với ý đồ dụ dỗ họ cải đạo sang Cơ-đốc giáo. (Theo một cuộc thăm dò gần đây, ngày càng nhiều người tin Chúa – chủ yếu là thế hệ trẻ – giờ đây coi việc chia sẻ đức tin của mình với mong muốn giúp người khác cải đạo sang Cơ-đốc giáo là một điều gì đó tội lỗi, mặc dù họ biết rằng Chúa Giê-xu đã ra lệnh cho chúng ta làm như vậy!)

Chúa Giê-xu đã phán rõ ràng với các môn đồ của Ngài rằng: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15). Cứ cho là bạn không thể đi “khắp thế gian”, nhưng còn việc đi “khắp xóm” và chia sẻ Phúc Âm thì sao? Chúa Giê-xu cũng đã ban cho chúng ta Đại Mạng Lệnh: “Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con…” (Ma-thi-ơ 28:19-20). Đại Mạng Lệnh đã trở thành thiếu sót lớn của nhiều tín hữu ở đất nước này trong khi việc chúng ta nên làm là nắm bắt quyền và đặc ân để chia sẻ đức tin của mình cho những người khác bởi vì các tín hữu ở nhiều nơi trên thế giới vẫn không thể làm như vậy mà không phải mạo hiểm đến tính mạng của họ.

2. Chúng ta dành quá nhiều thời gian để lo lắng về những điều nhỏ nhặt

Vì được tự do sống với đức tin của mình, nên chúng ta có xu hướng tập trung vào những thứ không quá quan trọng, chẳng hạn như việc chúng ta có thích phong cách chơi nhạc ở một nhà thờ nào đó hay không hoặc có ai để ý và chào đón chúng ta khi chúng ta đến thăm viếng một nhà thờ khác hay không. Khi chúng ta có quyền lựa chọn tôn giáo cho mình, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng chúng ta có thể chỉ trích những giáo phái mà chúng ta không chọn đi theo, hạ thấp các hội thánh khác, và có suy nghĩ rằng chúng ta đang cạnh tranh với nhau thay vì hiệp một trong Thân Thể.

Anh trai tôi có một người bạn mà tôi hay gọi là Frank, người này theo đạo Hồi. Sau khi chia sẻ với Frank về Chúa Giê-xu, anh trai tôi đã yêu cầu chúng tôi cầu nguyện cho Frank, anh thực sự muốn tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình, nhưng anh biết nếu làm vậy, anh sẽ cần phải quay lưng lại với đức tin Hồi giáo và kết ước với Chúa Giê-xu, một cách trọn lòng. Điều này có thể đồng nghĩa với việc Frank sẽ bị gia đình và bạn bè của mình tẩy chay hoặc cũng có thể điều đó sẽ khiến anh mất đi công việc và vị thế của mình trong cộng đồng. Đối với Frank, tự do tôn giáo là tự do lựa chọn Chúa Giê-xu với những rủi ro và hậu quả rất có thể xảy ra. Tuy nhiên, đối với chúng ta, tự do tôn giáo là điều chúng ta luôn quá rành, vì vậy chúng ta không lo lắng về việc bị tẩy chay hay bị gia đình xa lánh, mất đi công việc hoặc thậm chí là mất mạng nếu chúng ta tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình và nói cho người khác biết về Ngài. Trên thực tế, cuộc sống của chúng ta có thể trở nên tự mãn nếu chúng ta không thực sự “tính phí tổn” khi đến với Chúa Giê-xu (Lu-ca 14:27-29) như Frank phải làm. Có lẽ bởi vì, trong lối sống Mỹ và việc tận hưởng các quyền tự do của chúng ta, thực sự không có chuyện phải trả giá.

Chúa Giê-xu đã ban cho các môn đồ của Ngài một Đại Mạng Lệnh trong một thời đại và nền văn hóa mà con người ta phải chịu chết vì tuyên bố của họ rằng Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si và là Cứu Chúa của thế gian. Tại Hoa Kỳ, chúng ta không chết vì sự bày tỏ đức tin của mình đối với Chúa Giê-xu, vì vậy, điều đó không nhất thiết phải trở thành một quyết định thay đổi cuộc đời đối với chúng ta nếu chúng ta không dốc toàn lực. Do đó, chúng ta có thời gian để lo lắng hoặc quan tâm đến những điều nhỏ nhặt hơn, chẳng hạn như liệu mục sư của chúng ta có đang rao giảng về chính trị hay không, hoặc liệu người hàng xóm tin Chúa của chúng ta có đang ủng hộ tiền cho một công ty thế tục, bạn bè và người thân của chúng ta có ủng hộ hay chống lại việc tiêm chủng. Chẳng phải chúng ta nên lo lắng hơn về việc nói cho một người nào đó biết về Chúa Giê-xu để họ không chết trong tội lỗi của mình và bị chia cách khỏi Ngài mãi mãi?

3. Chúng ta tự cho mình cái quyền để xây lại đức tin của chính mình

Sự tự do đi kèm với trách nhiệm. Bởi vì chúng ta sống trong một quốc gia không buộc chúng ta phải tin theo cách này hay cách khác, nên điều này mở ra cánh cửa để chúng ta nhận thức rằng chúng ta có quyền tự do định hình lại hoặc cải biên lại đức tin của mình theo bất kỳ cách nào mà chúng ta muốn. Trong một số nhà thờ và nhiều cá nhân ngày nay, điều đó có nghĩa là sửa lại những gì chúng ta chọn để tin về cách làm thế nào để được cứu, mức độ chính xác của Kinh Thánh và điều gì trong đó có thể áp dụng cho ngày nay còn điều gì thì không, cũng như những gì Chúa Giê-xu nên chấp thuận và những gì Ngài không nên chấp thuận. Trong nhiều hội nhóm ngày nay, phương pháp này được gọi là “đập đi xây lại” đức tin của chúng ta, với mục đích tái thiết lại đức tin theo cách mà chúng ta muốn và đó được coi là một việc tốt, lành mạnh và hợp thời cho các tín hữu.

Chúa Giê-xu không nói, “Nếu các con đập đi rồi sau đó xây lại đức tin của mình bằng cách chọn những gì các con muốn tin từ Kinh Thánh hay văn hóa thế tục, cuối cùng các con sẽ được tự do.” Đúng hơn thì, Ngài phán, “Nếu các ngươi cứ ở trong lời của Ta, thì các ngươi thật là môn đồ Ta. Các ngươi sẽ biết chân lý, và chân lý sẽ giải phóng các ngươi” (Giăng 8:31-32). Sau đó, để chuẩn bị cho trường hợp có bất kỳ câu hỏi nào nữa, Chúa Giê-xu đã làm sáng tỏ định nghĩa về chân lý này khi Ngài phán: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Cha” (Giăng 14:6). Những lời của Chúa Giê-xu ngày nay có vẻ không đúng về mặt chính trị vì chúng loại trừ mọi tôn giáo khác, nhưng Ngài là Đức Chúa Trời và Ngài có quyền đưa ra các quy tắc. Ngài định đoạt mọi sự (Công-vụ 2:21; 4:12) bởi vì Ngài đã trả giá (Giăng 3:16). Ngay cả khi xã hội – hoặc các tín đồ – không thích các quy tắc của Chúa vì quy tắc thường có những hạn chế, thì điều đó cũng không thay đổi được việc Đức Chúa Trời là ai hoặc những gì Ngài đã phán. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta có quyền tự do để tin những gì chúng ta muốn tin, nhưng sẽ không có tự do nào cả nếu chúng ta không tin vào chân lý. Và chân lý không được tìm thấy trong bất kỳ ai khác ngoài Chúa Giê-xu và Lời của Ngài.

4. Chúng ta không hiểu sự bắt bớ thực sự là gì

Tôi lớn lên tại một thị trấn bảo thủ nhỏ ở miền Trung California vốn là một trong những khu vực có tỷ lệ nhà thờ tính trên đầu người lớn nhất trong tiểu bang. Trong nhiều thập kỷ, toàn bộ thị trấn đóng cửa từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều hàng năm để giữ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, và các doanh nghiệp không bao giờ mở cửa vào Chúa Nhật cho đến những năm 1980. Ngày nay, nó hơi khác một chút. Mặc dù việc lớn lên trong một môi trường Cơ-đốc giáo hoàn hảo kiểu đó là điều tuyệt vời đối với cá nhân tôi, nhưng chắc chắn điều đó đã không giúp gì cho tôi trong việc chuẩn bị cho cuộc đàn áp tôn giáo thực sự.

Vào thời điểm tôi theo học tại một trường đại học thế tục và tiếp tục lên tiếng về đức tin của mình, những lời chế giễu và đe dọa mà tôi nhận được khiến tôi tin rằng mình đang bị bức hại vì đức tin của mình. Nhưng thực ra thì tôi có bị gì đâu. Sự bắt bớ là khi một người bị gia đình từ mặt, bị tra tấn, bỏ tù hoặc bị giết vì đức tin của họ. Hội-thánh bị bắt bớ vẫn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng ở Mỹ thì hiếm. Chúng tôi chỉ nói về sự đàn áp tôn giáo ở đất nước này khi có một vụ nổ súng xảy ra trong một nhà thờ hoặc giáo đường Do Thái. Tuy nhiên, nhiều Cơ-đốc nhân đang bị giết hại hoặc bị bỏ tù hàng ngày ở những quốc gia mà việc sở hữu Kinh Thánh hoặc nói về Chúa Giê-xu là bất hợp pháp. Chúng ta có thể tự do phát ngôn ở đất nước này và nếu chúng ta bị sa thải hoặc bị quấy rối, chúng ta thậm chí có thể kiện người nào đó vì đã vi phạm nhân quyền của mình (tôi không gợi ý hay kích động các bạn làm vậy, nhưng đây là sự thật.) Sự bắt bớ là một điều gì đó mà chúng ta được biết rất ít trừ khi chúng ta sống hoàn toàn khác biệt với những người đồng hương của mình tại Mỹ. Và khi chúng ta đọc những bài viết từ mục vụ “The Voice of the Martyrs” (tạm dịch là ‘Tiếng Của Các Vị Tử Đạo’/website: www.persecution.com), chúng ta sẽ hiểu được chữ bắt bớ đó có nghĩa là gì, chúng ta đã kinh nghiệm điều đó ít như thế nào, và chúng ta cần cầu nguyện cho những anh chị em đó vì họ đã không kinh nghiệm được các quyền tự do tôn giáo mà chúng ta đang có.

5. Chúng ta đấu đá lẫn nhau vì những vấn đề tầm thường

Ở những nơi mà Cơ-đốc nhân chịu bắt bớ thực sự, các tín hữu được phước khi sống chan hòa với nhau và thường xuyên cầu nguyện cho nhau. Họ chỉ tập chú vào một lẽ thật trung tâm: Giê-xu là Chúa. Tuy nhiên, khi chúng ta được hưởng tự do tôn giáo, chúng ta có xu hướng lạm dụng điều đó bằng cách coi nó là quyền tự do tranh luận, làm dấy lên sự bất đồng và nhục mạ những người có niềm tin hoặc quan điểm không hợp với mình.

Chúa Giê-xu cầu nguyện trong Giăng 17:21 rằng những người tin Chúa qua các thời đại “đều trở nên một; như Cha ở trong Con và Con trong Cha để họ cũng ở trong Chúng Ta, nhờ đó thế gian tin rằng Cha đã sai Con đến.

Chúa Giê-xu thực sự đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất của chúng ta và rằng chúng ta sẽ có một tình yêu thương chân thành dành cho nhau để có thể lôi kéo những người khác muốn trở thành một phần của Hội-thánh. Tuy nhiên, cuộc đấu đá nội bộ của chúng ta không chỉ không hấp dẫn đối với thế gian, mà nó còn khiến các tín hữu và những người không tin Chúa rời bỏ nhà thờ. Chúng ta không được quên điều đó.

Cháu gái tôi hàng ngày đang chia sẻ về Đấng Christ ở một quốc gia đang phát triển. Mỗi ngày, con bé đều chứng kiến những cuộc gặp gỡ được sắp xếp bởi bàn tay thiên thượng mà trong đó mọi người khao khát Lời Chúa, khao khát lẽ thật, và khao khát để hiểu Chúa Giê-xu thực sự là ai và những gì Ngài đã làm cho họ. Họ chia sẻ, nhưng họ làm điều đó một cách cẩn thận, hàng ngày tin tưởng Chúa sẽ bảo vệ họ (và những người có cùng đức tin với họ) khỏi hậu quả của việc nói về Cơ-đốc giáo nơi làm việc vì đó là bất hợp pháp.

Tôi sẽ không bao giờ muốn thấy cảnh chúng ta mất đi quyền tự do tôn giáo ở đất nước này nhưng nếu chúng ta bị như vậy, tôi thường tự hỏi liệu lúc đó chúng ta có còn xem việc tranh luận với các tín đồ khác là quan trọng nữa hay không. Hay chúng ta sẽ quay trở lại để đánh giá cao những gì chúng ta có chung với nhau – là Chúa Giê-xu và tình yêu dành cho Lời của Ngài – cũng như chia sẻ đức tin của chúng ta với những người chưa tin Chúa giống như Hội-thánh đầu tiên?

Từ lâu người ta luôn nói rằng sự bắt bớ là hạt giống mà qua đó Hội-thánh tăng trưởng. Hoặc, Hội-thánh được phấn hưng nhờ máu của các vị thánh. Vậy, nếu sự bắt bớ khiến chúng ta tăng trưởng, còn tự do tôn giáo thì sao. Trở nên lười biếng? Tự mãn? Xem nhẹ những quyền tự do vô giá mà chúng ta đã được ban cho? Tôi nhận ra rằng tôi cũng có lúc thất bại trong lĩnh vực này. Cho đến khi tôi nghe một câu chuyện từ anh tôi là người hàng ngày đang tiếp xúc với những con người bắt đầu hướng về Chúa Giê-xu và nhận ra phước hạnh của những anh chị em mới trong Đấng Christ, và một gia đình thuộc linh thực sự yêu thương và chăm sóc cho họ. Chúng ta đã bỏ quên những gì mà Hội-thánh Thế-kỷ Đầu-tiên đã kinh nghiệm! Có một sự vui mừng như vậy khi chia sẻ đức tin của chúng ta và nhìn thấy một người được biến đổi từ vương quốc của sự tối tăm sang vương quốc sáng láng.

Chúa ôi, xin giúp đỡ cho chúng con nếu chúng con đang sử dụng quyền tự do mà chúng con có được ở đất nước này để tin những gì chúng con muốn tin và biến nó thành quyền tự do để công kích lẫn nhau trong thân thể của Đấng Christ.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, cảm ơn Ngài vì quyền tự do tôn giáo mà chúng con vẫn đang kinh nghiệm được trên đất nước này. Xin giữ cho chúng con đừng tự mãn về điều đó hoặc biến nó thành sự tự do để công kích lẫn nhau nếu có ai đó không tin như cách mà chúng con tin. Thay vào đó, xin giúp chúng con biết nắm bắt quyền tự do đó để rao giảng một cách tự do (trong tình yêu thương) với những người chưa tin Chúa cũng như những người đã tin Chúa về Đấng mà chúng con yêu thương và về những gì mà Ngài đã làm cho chúng con trên thập tự giá xuất phát từ tình yêu của Ngài, và làm thế nào chúng con có thể trở thành những người noi gương Ngài và yêu thương nhau như Ngài đã yêu chúng con. Xin nhắc nhở con cầu nguyện mỗi ngày cho những người theo Ngài, những người đang phải phó mạng sống mình, cũng như hy sinh công ăn việc làm, kế sinh nhai và quyền tự do cá nhân của họ vì cớ Tin Lành. Xin cho con sự dạn dĩ để sống với sự tự do mà con có được ở trong Ngài (tự do khỏi sự đoán phạt – Rô-ma 8:1) và sự tự do mà con có được trong đất nước này (để bày tỏ đức tin của con) vì sự vinh hiển của Ngài. Cảm ơn Chúa vì các tổ chức đang tiếp tục bảo vệ các quyền tự do tôn giáo của chúng con ở đất nước này và nguyện chúng con luôn nhớ rằng chỉ khi ở trong lẽ thật của Ngài, chúng con mới thực sự được tự do.

Trong danh Giê-xu chúng con cầu nguyện, Amen!

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like