Home Dưỡng Linh Nhận Biết Chúa – Phần 9: Chiến Thắng Âu Lo

Nhận Biết Chúa – Phần 9: Chiến Thắng Âu Lo

by AdrianChua
30 đọc

Ma-thi-ơ  6:25-34 – “Vì vậy, Ta phán với các con: Đừng vì mạng sống mà lo….có ai trong các con nhờ lo lắng mà làm cho cuộc đời mình dài thêm một khoảnh khắc không?…Vậy, chớ lo lắng về ngày mai; vì ngày mai sẽ tự lo cho ngày mai. Sự nhọc nhằn ngày nào đủ cho ngày ấy.

Theo một nghiên cứu về sự cám dỗ từ Barna Group, một tổ chức nghiên cứu tập trung vào Cơ-đốc nhân, cám dỗ số một liên quan đến tội lỗi là những mối băn khoăn hoặc lo lắng. Đáng buồn thay, nhiều người sống cuộc đời của họ bị đóng đinh giữa hai tên trộm – những hối tiếc của ngày hôm qua và những lo lắng của ngày mai.

Chúng ta thường để cho nỗi đau, cảm giác tội lỗi hay những hối tiếc về quá khứ của mình hoặc ám ảnh với những nỗi sợ hãi về những điều chưa biết trong tương lai cướp đi niềm vui và sự bình an của chúng ta trong Chúa. Khi tâm trí bị vướng bận với những điều tiêu cực của quá khứ và tương lai, tâm trí của chúng ta có thể là thủ phạm tạo ra đau khổ cho chính chúng ta. Cả hai cảm xúc tiêu cực này đều khiến chúng ta làm những việc chống lại chính mình và cản trở mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời.

Những mối băn khoăn & lo lắng

Một cách vô thức, lo lắng có thể tạo cho chúng ta một ý thức sai lầm về trách nhiệm. Nhiều người cảm thấy rằng nếu chúng ta không lo lắng về vấn đề này thì có vẻ như chúng ta vô trách nhiệm. Chúng ta thường bị lừa để tin rằng nếu chúng ta lo lắng về các vấn đề của mình đủ, cuối cùng chúng ta sẽ tìm ra giải pháp. Nhưng nghiên cứu cho thấy điều ngược lại: trên thực tế, việc suy nghĩ ủ ê làm giảm khả năng giải quyết vấn đề của chúng ta và nó hoàn toàn vô ích. Điều đó không giải quyết được rắc rối của ngày mai mà còn cướp đi sự bình an của ngày hôm nay. Lo lắng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều, khi tâm trí chúng ta trở nên suy nghĩ quá nhiều. Trước khi chúng ta nhận ra điều đó, chúng ta đã bị choáng ngợp bởi những căng thẳng, lo âu và buồn bã từ trong sâu thẳm. Nếu muốn tin cậy Chúa, chúng ta cần học cách buông bỏ sự kiểm soát sai lầm và thay vào đó, hãy tập trung tâm trí vào những thực tại của Đức Chúa Trời. Thực tế, đây là cách chúng ta “buông bỏ và để Chúa hành động”.

Lu-ca 21:34 – “Vậy, hãy thận trọng! E rằng vì sự ăn uống quá độ, say sưa và sự lo lắng đời nầy làm cho lòng các con mê mẩn chăng; và Ngày ấy đến thình lình như bẫy sập trên các con.” 

Chúa Giê-xu cảnh báo chúng ta đừng để lòng mình bị mê mẩn hay như các bản khác dịch là “trĩu nặng” – một suy nghĩ nào đó, một sự quan tâm quá mức hoặc tham gia vào những điều sai trái, có thể dẫn chúng ta đến trạng thái u mê, về mặt thuộc linh. Khi “những lo toan của đời ập đến”, chúng ta không thể suy nghĩ rõ ràng hoặc hành động một cách dứt khoát, tệ hơn, nó sẽ cản trở chúng ta nghe thấy tiếng nói êm dịu của Đức Chúa Trời. Đầu óc rối rắm làm giảm khả năng đến gần và lắng nghe tiếng Chúa của chúng ta.

Thay vì nghiền ngẫm nhiều lần về những sự kiện, tổn thương, tức giận và những nỗi thất vọng đã qua, việc thực hành chánh niệm trong khi cầu nguyện có thể giúp chúng ta nhận ra lối suy nghĩ khiến chúng ta rơi vào trạng thái trầm cảm và chán nản. Sau đó, chúng ta có thể gạt nó ra khỏi tâm trí một cách có ý thức bằng cách tập trung sự chú ý của mình vào lòng nhân từ của Đức Chúa Trời.

Từ “lo âu” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “phân chia và bẻ gãy con người thành nhiều phần khác nhau”. Vì vậy, theo nghĩa đen, chúng ta sống trong căng thẳng và tự phân mình ra thành nhiều mảnh khi chúng ta lo lắng và sống trong nỗi âu lo. Chánh niệm kết hợp với đức tin Cơ-đốc có thể giúp chúng ta chiến đấu chống lại những lối suy nghĩ tiêu cực và giúp chúng ta sống trong niềm vui cùng sự bình an trong Chúa. Mục tiêu của chánh niệm không phải là ngừng suy nghĩ hoặc để đầu óc tỉnh táo. Thay vào đó, mục tiêu là làm việc một cách khéo léo với đời sống tư tưởng của mình, điều này mang lại cho chúng ta phương tiện để quyết định phải làm gì với những suy nghĩ mà ta trải nghiệm và cách phản ứng lại với những suy nghĩ đó.

Buộc mọi ý tưởng phải thuận phục

Kinh Thánh khuyên giục chúng ta hãy “buộc mọi ý tưởng phải thuận phục Đấng Christ” (2 Cô-rinh-tô 10:5). Cách tiếp cận có chủ đích này đối với đời sống tư tưởng của chúng ta là điều kiện tiên quyết để chúng ta biến đổi tâm thần mình như được khuyến khích trong Rô-ma: “Đừng khuôn rập theo đời nầy, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình”(Rô-ma 12:2).

Chúng ta cần học cách đan xen chánh niệm vào đời sống hàng ngày của mình để chúng ta có thể sáng suốt hơn mà phân biệt được những lối suy nghĩ dễ gây phân tâm. Chánh niệm sẽ giúp chúng ta được vững lập để sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Ê-sai 26:3 – “Người nào để tâm trí mình nương cậy nơi Chúa thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình an trọn vẹn…

Chánh niệm giúp giữ vững nhận thức của chúng ta. Điều này giúp thu hút sự chú ý của bạn trở lại với sự quan phòng của Đức Chúa Trời. Thay vì bị cuốn theo chiều gió và làn sóng của những cảm xúc cùng suy nghĩ, chúng ta bắt đầu sống từ trong tâm linh mình, nơi có sự bình an của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể ngăn chặn cái vòng luẩn quẩn của sự tiêu cực đang tự nuôi mình lớn lên và kích hoạt vòng xoáy tiếp theo của những lời tự nhủ tiêu cực. Chúng ta có được một tâm thần bình an để lọc bỏ mọi cảm xúc tiêu cực.

Thông qua chánh niệm, tình yêu của Đức Chúa Trời sẽ không chỉ là một lẽ thật thần học, mà sẽ đi từ tâm trí đến tấm lòng chúng ta và trở nên một điều rất thật giúp bổ sung và tiếp thêm năng lượng cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Thực hành chánh niệm giúp chúng ta nhận ra lý do tại sao chúng ta đang cảm thấy những gì chúng ta đang cảm thấy. Điều đó giống như việc nhìn mọi vật từ một ngọn núi cao, một vị trí thuận lợi, cho chúng ta một góc nhìn vô cùng rộng lớn. Nhận thức thuần túy này vượt trên những gì chúng ta suy nghĩ. Nó cho phép chúng ta bước ra ngoài cuộc nói chuyện tiêu cực mà chúng ta đang tự huyên thuyên với chính mình cũng như phản ứng của chúng ta qua những xung động và cảm xúc. Nó cho phép chúng ta nhìn lại vấn đề của mình một lần nữa với một góc nhìn mới.

Tương lai của chúng ta là quá khứ của Chúa

Đức Chúa Trời hiện hữu trong “cõi đời đời” không có bắt đầu hay kết thúc.

Truyền-đạo 3:15; 6:10 – “Điều gì hiện có thì đã có từ xưa, điều gì sẽ xảy đến thì đã xảy ra từ lâu rồi…điều gì hiện có thì đã được đặt tên từ lâu rồi.

Trong khi cuộc sống đầy bất trắc, chúng ta cần nhận biết rằng tương lai của chúng ta là quá khứ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ngự trong cõi đời đời và tất cả các kế hoạch của Ngài đều được vạch ra cho cõi đời đời. Nói cách khác, điều dường như là tương lai đối với chúng ta đã tồn tại trong kế hoạch vĩnh cửu của Đức Chúa Trời. Chỉ cần chúng ta lưu tâm đến lẽ thật này, chúng ta có thể tin cậy phó thác mọi lo lắng và những mối bận tâm của mình cho quyền tể trị của Ngài và yên nghỉ trong sự chở che quan phòng của Ngài.

Khi tập trung vào những khoảnh khắc hiện tại với Chúa, chúng ta có thể có cảm giác đang hiện diện với thực tại nơi Chúa hiện hữu. Điều đó cho chúng ta nhận thức và khiến chúng ta lưu tâm đến sự quan tâm và chăm sóc thường xuyên của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Anh Lawrence trong cuốn sách kinh điển nổi tiếng của mình ‘The Practice of the Presence of God’ (tạm dịch: ‘Thực Hành Ở Trong Sự Hiện Diện của Đức Chúa Trời’) gọi đó là “bí tích của cõi thực tại”.

Chánh niệm đưa chúng ta trở lại, hết lần này đến lần khác, với nhận thức đầy đủ về việc Đức Chúa Trời là ai trong đời sống của chúng ta. Nó giúp chúng ta hoàn toàn ý thức trở lại về sự thánh khiết của sự sống, rằng sự sống của chúng ta là thiêng liêng và là một món quà từ Chúa. Nó giúp chúng ta được lập vững nền và đưa đời sống của chúng ta trở lại phù hợp với Đức Chúa Trời để chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn có chủ đích thay vì thường xuyên bị cuốn theo sự bận rộn của đời này. Trong quá trình này, nó sẽ dần dần giải phóng chúng ta khỏi sự bất hạnh, sợ hãi, lo lắng và kiệt sức và sẽ nâng bước chúng ta trong hành trình bước đi với Chúa.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like