Hầu hết chúng ta đều muốn tin rằng cha mẹ mình đã cố gắng hết sức, nhưng do bản chất tội lỗi sa ngã của con người (Rô-ma 3:23), ngay cả những bậc cha mẹ tin kính nhất cũng có thể phạm sai lầm.
Ba mẹ tôi thường xuyên đọc các bài viết của tôi trên Crosswalk; nên để tránh làm cho họ ngượng ngùng, và có thể dẫn đến một cuộc trò chuyện khó xử sau này, tôi sẽ không nói quá sâu về việc tôi đã bị cha mẹ mình làm tổn thương từ thời thơ ấu như thế nào .
Nhiều vấn đề trước mắt đã được giải quyết với họ, còn những vấn đề còn lại, tôi tiếp tục vật lộn và cố diễn đạt chúng thành lời trước khi có thể nói chuyện thẳng thắng hơn với họ về những vấn đề đó.
Tôi nghĩ hầu hết những người có cha mẹ, có thể là cha mẹ ruột hoặc cha mẹ nuôi, ít nhiều đều có thể nói rằng họ đã có những khuyết điểm dẫn đến những tổn thương cho chúng ta. Có thể chúng ta thậm chí đã cố gắng thay đổi cách nuôi dạy con cái của chính mình để tránh những sai lầm tương tự.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào một số lý do khiến cha mẹ có thể làm tổn thương con cái mình (vô tình hoặc cố ý), Kinh Thánh nói gì về việc tha thứ cho cha mẹ và cách chúng ta có thể hòa giải.
Tại sao cha mẹ lại làm tổn thương con cái của mình?
Dù cố ý hay không, thì hầu hết con trẻ đều mang một vết sẹo nào đó từ thời thơ ấu. Có thể cha mẹ của họ là những người nghiện công việc và không dành đủ thời gian cũng như sự quan tâm cho họ. Có lẽ cha mẹ đã đặt quá nhiều áp lực lên con trẻ về sự thành công, và cuối cùng đứa trẻ rơi vào trạng thái lo lắng và cầu toàn trong nỗ lực giành được tình cảm của cha mẹ.
Hoặc có thể cha mẹ làm tổn thương trẻ về mặt thể chất hoặc tâm lý thông qua việc lạm dụng, những vết thương mà một người có thể mang theo suốt đời.
Danh sách dưới đây không có nghĩa là tất cả; luôn có những ngoại lệ. Nhưng chúng ta có thể đưa ra một vài lý do tại sao cha mẹ lại làm tổn thương chúng ta.
Đầu tiên, có thể họ muốn tránh điều gì đó mà cha mẹ họ đã làm đối với họ.
Nếu cha mẹ họ không bao giờ đến dự các sự kiện thể thao của họ hoặc không bao giờ thực sự quan tâm đến điểm số của họ, có thể họ sẽ có xu hướng bị ám ảnh để làm ngược lại và bắt đầu tập trung quá mức vào việc đảm bảo rằng họ phải dự phần vào tất cả những hoạt động mà con cái họ tham gia, đến mức gây khó chịu cho người khác.
Có lẽ họ đã có một người cha người mẹ quá nuông chiều con cái, nên họ quyết định phải dạy con bằng nắm đấm sắt. Hoặc ngược lại.
Các thế hệ có xu hướng nổi loạn chống lại các thế hệ trước và chúng ta chứng kiến điều này khi nói đến mối quan hệ cha mẹ – con cái.
Thứ hai, có thể những vết thương của họ vẫn chưa lành.
Có lẽ cha mẹ đã mang theo một vết thương nghiêm trọng từ thời thơ ấu vào trong cuộc hôn nhân của mình. Các tín hữu Cơ-đốc thường nhầm lẫn tin rằng hôn nhân có thể giải quyết mọi vấn đề. Nhưng không. Trên thực tế, chúng thường làm trầm trọng thêm mọi vấn đề.
Nếu cha mẹ không chữa lành vết thương thời thơ ấu đúng cách, thậm chí đó có thể là vết thương do chính cha mẹ của họ để lại, họ có thể dự tính hoặc đặt những kỳ vọng nhất định vào con cái của mình. Những kỳ vọng đó có thể không bao giờ trở thành hiện thực như họ mong đợi.
Điều đó giống như những gì mà mọi tiếp viên hàng không thường nói với chúng ta trước khi máy bay cất cánh: “Hãy đeo mặt nạ dưỡng khí vào cho quý vị trước khi giúp con của quý vị”.
Khi cha mẹ không đeo mặt nạ dưỡng khí, họ sẽ không thể thở và do đó, họ không thể giúp con mình. Trên thực tế, họ có thể sẽ làm tổn thương các con.
Cuối cùng, có thể cha mẹ không hoàn toàn ý thức được rằng họ đã làm tổn thương hoặc đang làm tổn thương con cái của mình.
Tất cả chúng ta đều có những điểm mù và có xu hướng tập trung hướng nội. Thông thường, chúng ta không thấy hành động của mình có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào.
Ngay cả những bậc cha mẹ với ý tốt cũng có thể vô tình làm tổn thương con cái của họ theo một cách nào đó. Có lẽ những thói quen độc hại mà họ có được hoặc những tấm gương cha mẹ tồi tệ mà họ đã chứng kiến (1 Cô-rinh-tô 15:33) đã ảnh hưởng đến phong cách nuôi dạy con cái của họ.
Tất nhiên, chúng ta có thể liệt kê hàng tá lý do khác để giải thích tại sao những bậc làm cha làm mẹ lại có thể làm tổn thương con mình. Nhưng sự thật của vấn đề là hầu hết chúng ta đều không thể trải qua tuổi thơ mà không bị lấy một vết thương nào. Vậy thì chúng ta phải làm gì với nó?
Kinh Thánh nói gì về việc tha thứ cho cha mẹ của chúng ta?
Kinh Thánh nói rất nhiều về việc vâng lời cha mẹ.
Nhưng còn về việc tha thứ cho họ thì sao?
Chúng ta không có bất kỳ câu Kinh Thánh cụ thể nào như là “Đây là cách bạn tha thứ cho cha mẹ, những người đã làm sai với bạn”, nhưng chúng ta có thể chỉ ra một số phân đoạn nói về việc tha thứ cho những người đã làm điều sai quấy với mình. Hãy cùng khám phá những câu này.
Ma-thi-ơ 6:14-15, “Nếu các con tha lỗi cho người ta, thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho các con. Nhưng nếu các con không tha lỗi cho người ta, thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ không tha thứ cho các con.”
Mác 11:25, “Khi các con đứng cầu nguyện, nếu có chuyện bất bình với ai thì hãy tha thứ, để Cha các con ở trên trời cũng tha thứ những vi phạm của các con.”
Ê-phê-sô 4:31-32, “Hãy loại bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, phẫn nộ, tức giận, la lối, lăng mạ, cùng mọi điều hiểm độc. Hãy cư xử với nhau cách nhân từ và dịu dàng, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.”
Kinh Thánh nói rất rõ rằng chúng ta nên tha thứ cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người làm tổn thương chúng ta. Nhưng làm thế nào để chúng ta thực hiện được điều này?
4 cách để tha thứ cho cha mẹ của mình
Chúng ta cần thêm một lưu ý ở đây rằng sự tha thứ không phải lúc nào cũng có nghĩa là thân thiết trở lại. Chúng ta có thể tha thứ cho những người mà chúng ta cần phải tránh xa, rất xa. Và đáng buồn thay, đối với nhiều người, điều này bao gồm cả các bậc cha mẹ.
Như đã nói, hãy cùng khám phá một số cách để tha thứ cho cha mẹ chúng ta và hướng tới con đường hòa giải. Biết rằng họ có thể sẽ không muốn cùng đi với bạn trên con đường đó. Nhưng hãy dâng hết mọi sự trong tay Chúa nếu trường hợp đó xảy ra và biết rằng bạn đã làm tất cả những gì có thể để giúp hàn gắn mối quan hệ.
1. Nhận ra Chúa đã sử dụng cha mẹ bạn để uốn nắn bạn như thế nào.
Khi nói về sự tha thứ chúng ta nghĩ ngay đến tấm gương của Giô-sép. Các anh của chàng đã bán chàng làm nô lệ, và chàng phải một mình lưu lạc ở Ai Cập trong suốt thời thơ ấu và những ngày đầu trưởng thành. Tuy nhiên, vì họ đã đặt chàng vào tình huống này, Đức Chúa Trời đã sử dụng Giô-sép để cứu Ai Cập và các xứ xung quanh khỏi nạn đói.
Sau đó, chàng đã chủ động hòa giải với chính những người anh đã bán mình làm nô lệ.
2. Hãy cầu nguyện cho cha mẹ và nhận ra rằng họ đã bị tổn thương như thế nào.
Kinh Thánh dạy chúng ta phải cầu nguyện cho kẻ thù của mình (Ma-thi-ơ 5:44), và đôi khi, điều này được áp dụng cho cha mẹ của chúng ta. Chúng ta cũng cần hiểu rằng những người bị tổn thương thường gây tổn thương cho người khác hoặc tự làm tổn thương chính họ.
Chúng ta có thể là niềm hy vọng duy nhất của cha mẹ khi nói cho họ nghe về Chúa Giê-xu Christ hoặc giúp họ có cơ hội để đổi mới đức tin của mình nếu họ không đi đúng hướng. Vì vậy, hãy cầu nguyện cho họ.
3. Góp ý họ bằng tình yêu thương.
Trong các trường hợp kỷ luật của hội thánh, Kinh Thánh dạy chúng ta phải đến gặp người đã làm điều sai quấy với mình trước khi đưa bất kỳ ai khác vào cuộc (Ma-thi-ơ 18:15). Thành thật nói cho họ biết rằng họ đã làm tổn thương bạn như thế nào, nhưng động cơ cũng như mục đích của chúng ta nên là tha thứ và hòa giải.
4. Biết rằng việc hòa giải cần cả hai phía.
Bạn có thể cố gắng làm mọi cách để hòa giải với cha mẹ, nhưng họ có thể từ chối. Họ có thể từ chối thừa nhận những tổn thương mà họ đã gây ra cho bạn và phần lỗi của họ.
Trong những trường hợp đau lòng đó, hãy tiếp tục nhiệt thành cầu nguyện để Chúa xoa dịu tấm lòng họ.
Không có cha mẹ nào là hoàn hảo. Nhiều người có ý tốt, nhưng cuối cùng họ vẫn khiến chúng ta bị tổn thương.
Kinh Thánh khích lệ chúng ta tha thứ cho những người đã làm tổn thương chúng ta. Phần chúng ta là tha thứ, nhưng hòa giải cần cả hai phía. Bất kể điều gì xảy ra khi chúng ta dang tay tha thứ, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã có kế hoạch cho mối quan hệ của chúng ta với cha mẹ và Ngài đang hành động, ngay cả khi chúng ta chưa thể nhìn thấy kết quả.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: crosswalk.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com