Home Dưỡng Linh Nhận Biết Chúa – Phần 5: Chúa Có Bao Giờ Hối Hận Vì Đã Làm Điều Gì Đó Không?

Nhận Biết Chúa – Phần 5: Chúa Có Bao Giờ Hối Hận Vì Đã Làm Điều Gì Đó Không?

by AdrianChua
30 đọc

Vì Kinh Thánh chỉ ra rằng Đức Chúa Trời biết tất cả mọi sự (toàn tri) và có một sự hiểu biết thấu đáo về tương lai, vậy thì tại sao lại có những lúc Chúa dường như không biết điều gì sẽ xảy ra và thậm chí có vẻ hối tiếc về một số kết quả nhất định?

Sáng-thế Ký 6:5-7 – “Đức Giê-hô-va thấy sự gian ác của loài người lan tràn trên mặt đất và chúng chỉ luôn toan tính những mưu đồ xấu xa, thì Ngài lấy làm tiếc vì đã tạo dựng loài người trên mặt đất, và đau buồn trong lòng. Đức Giê-hô-va phán: “Ta sẽ xóa sạch khỏi mặt đất loài người mà Ta đã tạo dựng, từ loài người cho đến loài súc vật, loài bò sát, loài chim trời, vì Ta lấy làm tiếc đã dựng nên chúng.”

1 Sa-mu-ên 15:11 – ““Ta hối hận vì đã lập Sau-lơ làm vua; bởi người đã xây bỏ Ta, không làm theo lời Ta.” Sa-mu-ên buồn rầu, kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va trọn đêm.” (Bản Truyền Thống)

1 Sa-mu-ên 15:35 – “Sa-mu-ên chẳng còn thấy Sau-lơ nữa cho đến ngày mình thác; vì người buồn bực về việc Sau-lơ; còn Đức Giê-hô-va ăn năn đã lập Sau-lơ làm vua của Y-sơ-ra-ên.” (Bản Truyền Thống)

Sự hối hận của Đức Chúa Trời tối cao của chúng ta phải chăng cho thấy rằng Ngài sẽ hành động khác đi nếu có một cơ hội khác? Đức Chúa Trời ‘lấy làm tiếc’ hay ‘hối hận’ có nghĩa là gì? Có phải Đức Chúa Trời giống chúng ta ở chỗ Ngài cũng mắc những sai lầm rồi đôi khi nhìn lại và hối tiếc về những quyết định của Ngài? Nếu không, thì tại sao Ngài lại hối hận nếu Ngài biết trước hậu quả từ quyết định của Ngài và vẫn chọn làm như vậy bất chấp tất cả?

Chẳng lẽ Chúa không biết rằng loài người sẽ trở nên tội lỗi như vậy trước khi Ngài dựng nên con người sao? Chúa không biết rằng Sau-lơ sẽ trở nên xấu xa khi Ngài lập ông lên làm vua sao? Làm thế nào chúng ta có thể dung hòa những phân đoạn Kinh Thánh nhấn mạnh sự toàn tri của Đức Chúa Trời với những phân đoạn mà Chúa “lấy làm tiếc” và “hối hận” này?

Sự hối hận của Đức Chúa Trời với sự hối hận của con người chúng ta

Trước tiên, chúng ta cần lưu ý rằng cảm giác hối tiếc của chúng ta không giống với những gì mà Chúa trải qua. Cách ăn năn của Đức Chúa Trời chỉ dành riêng cho một mình Đức Chúa Trời. Cảm giác hối tiếc của Ngài xảy ra bất chấp khả năng biết trước của Ngài trong khi hầu hết sự ăn năn của con người là do chúng ta không thể biết được điều gì sẽ xảy ra. Vì Đức Chúa Trời có khả năng biết trước mọi sự, nên Ngài đã nhìn thấy trước những hậu quả này; tuy nhiên Đức Chúa Trời vẫn cho phép chúng xảy ra để đạt được mục đích tối cao của Ngài.

1 Sa-mu-ên 15:11 & 35 nên được đọc dưới ánh sáng của câu 29 “Hơn nữa, Chúa Vinh Quang của Y-sơ-ra-ên không nói dối cũng không ăn năn, vì Ngài không phải là loài người để mà ăn năn!” Đức Chúa Trời có thể cảm thấy phiền muộn vì một hành động của sự dữ, đau đớn, buồn phiền và những điều bất hạnh được biết trước là sẽ xảy ra, nhưng vẫn tiếp tục, và làm điều đó với sự khôn ngoan vô hạn của Ngài. Đối với việc Đức Chúa Trời nói, “Ta lấy làm tiếc vì đã lập Sau-lơ làm vua” không có nghĩa là, “Ta sẽ không lập người đó lên làm vua nếu Ta có cơ hội làm lại.”

Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ ràng rằng Đức Chúa Trời không giống như con người, và do đó không hối hận về những quyết định như loài người vì mọi quyết định của Đức Chúa Trời đều hoàn hảo và tốt đẹp. Khi chúng ta lấy làm tiếc về điều gì, thì đó là vì chúng ta không mong đợi điều đó sẽ mang lại kết quả đáng buồn. Khi Đức Chúa Trời lấy làm tiếc, Ngài hoàn toàn biết và nhìn nhận kết quả đáng buồn đó là một điều hiển nhiên phải xảy ra. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ không làm gì khác đi trong trường hợp của Sau-lơ ngay cả khi Ngài có cơ hội, và đó là sự khác biệt đáng kể so với cách con người hối tiếc.


Sự bất tuân của Sau-lơ cuối cùng đã dẫn đến việc Đa-vít từ chi phái Giu-đa trở thành Vua. Sáng-thế Ký 49:10 nói rằng “Vương trượng chẳng rời xa Giu-đa…” có nghĩa là vị Vua sắp tới sẽ đến từ chi phái đó, không phải là Bên-gia-min (chi phái của Sau-lơ). Chúa đã không mất cảnh giác. Khi Đức Chúa Trời chọn lập Sau-lơ làm vua, Ngài đang có kế hoạch thực hiện mọi lời hứa của Ngài qua Đa-vít và Chúa Giê-xu là Đấng sẽ đến sau đó. Với sự hiểu biết vô hạn của Ngài, Đức Chúa Trời đã cho phép sự nổi loạn của Sau-lơ xảy ra để tạo tiền đề cho Chúa Giê-su đến thế gian trong một hoàn cảnh thích hợp trong lịch sử nhân loại.

Chúa đã biết trước những sự kiện này và cho phép những sự kiện này trở thành một phần của lịch sử nhân loại để cuối cùng Ngài đạt được những mục đích tốt đẹp của Ngài. Chúa có thể đưa ra quyết định và sau đó lấy làm tiếc bất chấp sự biết trước hoàn hảo của Ngài. Đức Chúa Trời có thể cảm thấy buồn phiền vì một quyết định sẽ gây ra đau đớn, thậm chí là sự khốn khổ… nhưng vẫn tiếp tục và làm điều đó vì những mục đích khôn ngoan và có ích cho cõi đời đời của Ngài. Ngài có thể một mặt vừa than thở về điều gì đó mà Ngài đã chọn để cho nó xảy ra, đồng thời mặt khác lại khẳng định điều đó là khôn ngoan, hoặc ngược lại…. bởi vì Ngài là Đức Chúa Trời và đó là ý nghĩa của việc là một Đức Chúa Trời!

Một trong những ý nghĩa tuyệt vời của tất cả những điều này là khi Đức Chúa Trời hứa gì đó với chúng ta, Ngài thực hiện lời hứa đó với sự biết trước hoàn toàn về mọi tình huống trong tương lai và do đó, không bao giờ mất cảnh giác trước bất cứ điều gì. Và như vậy, những lời hứa của Ngài sẽ đứng vững theo sự khôn ngoan vô hạn của Ngài.

Bản chất Đức Chúa Trời tuân giữ giao ước của chúng ta là Ngài không bao giờ nói dối, hay ăn năn hoặc thay đổi ý định của Ngài.

Dân-số Ký 23:19 – “Đức Chúa Trời không phải là người mà nói dối,Cũng chẳng phải là con loài người mà ăn năn. Điều Ngài đã phán, Ngài không thi hành sao? Lời Ngài đã hứa, Ngài chẳng thực hiện sao?

Hãy tưởng tượng chúng ta có một cậu trai ở tuổi thiếu niên khá nổi loạn, bướng bỉnh, thiếu khôn ngoan và ương ngạnh và chúng ta đã kỷ luật cậu ta một cách mạnh mẽ vì một hành vi sai trái rất nghiêm trọng. Cậu phẫn uất và bỏ nhà đi. Chúng ta có thể cảm thấy hối hận và đồng thời biết rằng kỷ luật là điều đúng đắn và duy nhất phải làm, ngay cả khi biết rằng hành động đó sẽ khiến cậu trai đau lòng. Điều đó có nghĩa là nếu cậu ấy tái phạm lần nữa, chúng ta vẫn sẽ kỷ luật cậu. Đây chỉ là một ví dụ về cách thức và lý do tại sao Đức Chúa Trời có thể thực hiện một hành động mà Ngài biết trước rằng Ngài sẽ hối hận nhưng vẫn làm. Tuy nhiên, kiến thức của chúng ta là hữu hạn. Hơn thế nữa, Đức Chúa Trời toàn tri của chúng ta, với kiến thức và sự khôn ngoan vô hạn của Ngài, sẽ đưa ra những quyết định tốt nhất cho chúng ta.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like