Cùng với các thuộc tính của sự toàn tri và toàn tại, Đức Chúa Trời cũng là Đấng toàn năng. Đức Chúa Trời không chỉ là Đấng biết mọi sự và thấy mọi sự, mà Ngài còn là Đấng vô cùng vô tận, tể trị và toàn năng. Ngài luôn có quyền trên mọi sự, mọi nơi, mọi cách trong mọi thời đại và mọi tạo vật.
Gióp 42:2 – “Con biết rằng Chúa có thể làm được mọi việc, không ai ngăn cản được ý định của Ngài.”
Các ý định của Đức Chúa Trời không thể bị cản trở. Nếu điều này xảy ra, thì nghĩa là phải có một quyền năng nào đó lớn hơn quyền năng của Đức Chúa Trời. Khi lẽ thật này thực sự được ghi khắc vào trong tấm lòng của chúng ta, chúng ta sẽ được tiếp thêm sức mạnh để đối mặt với mọi hoàn cảnh trong đời sống cũng như sự hỗn loạn và không chắc chắn của tương lai. Niềm tin này sẽ giúp chúng ta đứng vững và không hề bị rúng động trước những gì đang đe dọa đánh bại và hủy diệt chúng ta. Bất kể chúng ta cảm thấy yếu đuối hay thiếu trang bị đến mức nào, bất kể chúng ta phải đối mặt với những thử thách và nan đề nào, chúng ta có thể nghỉ yên trong sự bình an của Đức Chúa Trời, biết rằng Ngài có quyền năng vô song, không gì sánh được và luôn luôn chiến thắng. Đức Chúa Trời yêu thương của chúng ta là Đấng thành tín. Ngài tể trị trên muôn vật và nắm giữ chúng ta một cách an toàn trong tay Ngài.
Thật vậy, Đức Chúa Trời có toàn quyền kiểm soát trên muôn vật. Điều này bao gồm những chi tiết nhỏ nhất của thế giới tự nhiên, như việc một con chim sẻ rơi xuống hoặc số tóc trên đầu bạn (Ma-thi-ơ 6:26-30, 10:29-30). Ngài xác định ranh giới các quốc gia (Công-vụ 17:26), Ngài quyết định vua nào sẽ cai trị, khi nào sẽ dấy lên, và cai trị ở đâu (Ê-sai 44:28). Ngài quyết định xem mục đích của một người cai trị sẽ đứng vững hay sụp đổ (Thi-thiên 33:10-11). Vì vậy, quyền năng của Ngài là phổ quát: quyền năng Ngài kiểm soát vạn vật trong vũ trụ (Ca-thương 3:37-38, Rô-ma 8:28, Ê-phê-sô 1:11, Rô-ma 11:33-36). Chúa Giê-xu nhắc Phi-lát rằng ông chẳng có quyền gì trên Ngài trừ khi được Đức Chúa Trời toàn năng ban cho ông quyền đó (Giăng19:11).
Cô-lô-se 1:16 – “Vì trong Ngài mọi vật trên trời, dưới đất, vật thấy được hoặc vật không thấy được đều được tạo dựng. Hoặc ngôi vua, hoặc quyền thống trị, hoặc các lãnh tụ, hoặc giới cầm quyền đều được tạo dựng bởi Ngài và vì Ngài.”
Đức Chúa Trời không chỉ có quyền năng tối thượng trên vạn vật, mà Ngài còn là nguồn của mọi thẩm quyền. Tính tự hữu hằng hữu của Ngài khiến Ngài không cần thiết phải nhìn ra bên ngoài để tìm kiếm sự hỗ trợ. Tất cả quyền năng cần thiết để làm tất cả những gì Ngài muốn đều nằm trong bản thể vô hạn của chính Ngài. Mặc dù Ngài đặt ra giới hạn cho tất cả các tạo vật, nhưng chính Ngài là vô hạn về sức mạnh, sự khôn ngoan, kiến thức và quyền năng. Ngài là Đấng khởi đầu của tất cả các tạo vật, là thực thể duy nhất không hề được thọ tạo trong tất cả sự sáng tạo.
Đức Chúa Trời lớn hơn nan đề của chúng ta
Thi-thiên 139:16 – “Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của con; Số các ngày định cho con, đã biên vào sổ Chúa khi chưa có một ngày nào trong các ngày ấy.”
Thi-thiên 27:1 – “Đức Giê-hô-va là ánh sáng và là sự cứu rỗi của tôi, tôi sẽ sợ ai?Đức Giê-hô-va là đồn lũy của mạng sống tôi, tôi sẽ hãi hùng ai?”
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng số các ngày trong cuộc đời của chúng ta đều đã được ghi lại trong sách của Ngài. Điều này có nghĩa là, Ngài biết mọi thất bại mà chúng ta sẽ gặp phải và mọi thử thách mà chúng ta sẽ đối mặt. Khi cảm thấy sợ hãi và bị đe dọa bởi các thế lực hoặc hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của mình, chúng ta cần lưu tâm đến Đức Chúa Trời toàn năng mà chúng ta phụng sự. Ngài là ngọn tháp vững chắc và là pháo đài kiên cố của chúng ta. Chúa lớn hơn và mạnh hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể phải đối mặt.
Cô-lô-se 2:15 – “Ngài đã phế bỏ các quyền thống trị, các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng, và bêu chúng ra giữa thiên hạ.”
Mọi điều ác đều đã bị khuất phục bởi Đức Chúa Trời toàn năng, tối cao, biết tất cả mọi sự và đầy tình yêu thương của chúng ta. Sự chết của Đấng Christ đã đánh bại và làm ô nhục mọi quyền lực của bóng tối. Nhưng giống như Phao-lô, chúng ta có thể tiếp tục vật lộn với những hoàn cảnh khó khăn và nỗi đau trong cuộc sống của mình đến mức chúng ta có thể tuyệt vọng về cuộc sống.
2 Cô-rinh-tô 1:8 – “Thưa anh em, tôi không muốn anh em không biết những hoạn nạn mà chúng tôi đã trải qua tại A-si-a. Chúng tôi bị đè nén quá mức, quá sức chịu đựng, đến nỗi không còn hy vọng sống.”
Những rắc rối trong đời thường khiến chúng ta nghi ngờ sự toàn năng của Đức Chúa Trời. Trong những lúc như vậy, chúng ta cần phải tập trung vào Ngài và được nhắc nhở về sự “huyền nhiệm” của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Đấng vô hạn và Ngài nằm ngoài khả năng hiểu biết đầy đủ của chúng ta nhưng Ngài cũng là Đấng yêu thương và thành tín.
Giới hạn trong sự toàn năng của Ngài
Dù là Đấng toàn năng, Đức Chúa Trời không thể làm bất cứ điều gì trái nghịch với tính cách và bản chất Thánh của Ngài. Nói cách khác, sự toàn năng của Ngài được chứa đựng bên trong và được thể hiện qua sự công bình, tình yêu thương, lòng thương xót, lẽ thật và ân điển của Ngài. Ngài không thể và sẽ không làm bất cứ điều gì mâu thuẫn với chính Ngài hoặc những gì Ngài đã phán.
Tít 1:2 – “…trong niềm hi vọng về sự sống đời đời là sự sống mà Đức Chúa Trời, Đấng không bao giờ nói dối, đã hứa từ muôn đời trước…”
Hê-bơ-rơ 6:18 – “…để nhờ hai điều chẳng thay đổi đó—hai điều ấy Đức Chúa Trời không thể nói dối—mà chúng ta là những người chạy đến ẩn náu nơi Ngài, được sự an ủi lớn và nắm chắc niềm hi vọng đã đặt trước mặt mình.”
Do đó, những lời hứa và quyền năng của Ngài phải được tin cậy mà không cần phải e dè. Ngài có thể làm bất cứ điều gì nhờ vào khả năng vô hạn của Ngài, nhưng Ngài sẽ chỉ làm những gì phù hợp với bản chất và tính cách của Ngài.
Đức Chúa Trời có quyền năng để từ đời này qua đời khác Ngài vẫn y nguyên không hề thay đổi. Ngài sẽ luôn nhân từ, tốt lành, yêu thương, thành tín và hay thương xót, v.v … Không có lời cầu nguyện nào quá khó để Ngài không thể đáp lời, không có nhu cầu nào quá lớn để Ngài không thể chu cấp, không có niềm đam mê nào quá mạnh để Ngài không thể khuất phục; Không có sự cám dỗ nào quá quyền năng để Ngài không thể giải thoát, và không có sự khốn khổ nào quá sâu để Ngài không thể giải vây. Ngài có thể giải quyết bất kỳ nan đề nào mà chúng ta gặp phải.
1 Phi-e-rơ 4:19 – “Vậy, những người chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy tiếp tục làm lành và phó thác linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa thành tín.”
Đây là Đức Chúa Trời của chúng ta – Đấng toàn tri; toàn tại; toàn năng. Ngay cả trong cơn đau đớn của mình, chúng ta luôn có thể phó thác bản thân mình cho Ngài.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: Adrian Chua
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com