Home Chuyên Đề Đức Tin Và Hành Động Cùng Đồng Hành Với Nhau Như Thế Nào?

Đức Tin Và Hành Động Cùng Đồng Hành Với Nhau Như Thế Nào?

by Oneforisrael.org
30 đọc

Đôi khi những Cơ-đốc nhân và người Do Thái phân biệt khá rạch ròi giữa đức tin và việc làm.

Suy nghĩ của người Do Thái thường nghiêng về “hành động hơn là tín điều”, còn các Cơ-đốc nhân thì đôi khi không đánh giá cao các việc làm, vì cho rằng điều đó không được thiêng liêng lắm. “Vấn đề ở đây không phải là cố gắng làm người tốt!”

Thật vậy sao?

Gia-cơ 2:18-20 có thể được diễn giải thế này,

Đừng vội đắc ý! Anh chị em không thể cho tôi thấy những việc làm của anh chị em khác với đức tin của anh chị em như thế nào nhưng tôi có thể cho anh chị em thấy đức tin của tôi qua hành động. Đức tin và hành động, hành động và đức tin, cùng đồng hành với nhau một cách tâm đầu ý hợp. Tôi có nghe anh chị em tuyên bố rằng chỉ có một Đức Chúa Trời và anh chị em tin Ngài, nhưng sau đó tôi thấy anh chị em tự mãn như thể anh chị em đã làm được điều gì đó tuyệt vời lắm vậy? Điều mà anh chị em tin đó đúng là một điều tuyệt vời. Ma quỷ cũng tin điều đó, nhưng đức tin đó có ích gì cho chúng đâu? Hãy sử dụng trí tưởng tượng một chút. Anh chị em có cho rằng mình có thể cắt đức tin và hành động ra làm hai mà không kết thúc bằng việc cầm một đức tin chết trên tay không?

Thật là một hình ảnh có sức tác động mạnh mẽ – đức tin chết – giết chết đức tin bằng cách cắt đức tin ra khỏi hành động.

Sách Công-vụ được đặt tên như vậy là có lý do

Tôi chợt nhận ra rằng thật thú vị khi sách Công-vụ được gọi là Công-vụ các Sứ-đồ (từ ‘công vụ’ được dịch ra từ chữ ‘acts’ trong tiếng Anh có nghĩa là những việc làm hay hành động)… chứ không phải là sách ‘Những Phép Lạ của Đức Chúa Trời’. Sách đó được gọi là Công-vụ… của các Sứ-đồ. Trong Công-vụ 28:8, chúng ta đọc thấy, “Phao-lô đến thăm, cầu nguyện đặt tay trên ông và chữa lành.” Nghe có vẻ viển vông khi nói rằng Phao-lô đã chữa lành cho người này, nhưng đó là những gì mà Kinh Thánh nói. Phao-lô đến thăm, cầu nguyện, đặt tay và chữa lành. Chúng ta biết rằng quyền năng chữa lành đến từ Đức Chúa Trời, nhưng sách Công-vụ nói khá rõ ràng rằng những hành động vâng lời (thăm viếng, cầu nguyện, đặt tay) của các Sứ-đồ có ý nghĩa quan trọng. Hành động của Đức Chúa Trời được thể hiện rõ ràng trong toàn bộ cuốn sách, và nếu không có quyền năng gìn giữ của Ngài thì sẽ không có các sứ đồ, không có người ngoại nào chờ nghe Tin Lành và thậm chí không có bất kỳ quốc gia nào để đến thăm. Cuối cùng tất cả đều là nhờ Đức Chúa Trời, nhưng Kinh Thánh đã đến tay chúng ta dưới sự giám sát tối cao của Đức Chúa Trời và quá trình này được ghi lại trong cuốn sách có tựa đề: Công-vụ các Sứ-đồ (hay những việc làm của các sứ đồ).

Chúa của những điều không thể, chứ không phải là những chuyện có vẻ khả thi

Khi lòng sùng kính của Cọt-nây thu hút sự chú ý của Đức Chúa Trời trong chương 10 (ông kính sợ Đức Chúa Trời, hay bố thí cho dân chúng và thường xuyên cầu nguyện) Chúa đã sai một thiên sứ đến với ông: “Lời cầu nguyện cùng sự bố thí của ngươi đã lên thấu Đức Chúa Trời và được Ngài ghi nhớ”, ông được đảm bảo như vậy. Chúa yêu mến đức tin VÀ công việc của ông.

Nhưng điều này bắt đầu trở nên thú vị.

Tại sao thiên sứ không nói cho ông biết về phúc âm khi người hiện ra với ông khi đó? Thiên sứ hoàn toàn có thể làm được điều này. Nhưng không. Người bảo Cọt-nây sai sứ giả đến tận Giốp-bê mời Phi-e-rơ. Đức Chúa Trời muốn sứ điệp được giảng bởi Phi-e-rơ.  Bạn có thể đã tự mình nhận thấy một vài lý do cho quyết định khôn ngoan đó, nhưng trọng điểm ở đây là – việc chia sẻ phúc âm có thể được thực hiện bởi con người. Lời chân lý có thể thốt ra từ miệng chúng ta, nhưng quyền năng xác tín đến từ ngôi thiên thượng. Và đó là cách Chúa muốn điều này được thực hiện.

Con người có trách nhiệm làm phần việc mà mình có thể làm – Chúa sẽ không làm giúp phần việc của chúng ta – nhưng Ngài sẽ lo phần việc mà chúng ta không thể thực hiện được. Ngài sẽ làm tiếp khi nào chúng ta hết khả năng.

Vì vậy, các sứ giả của Cọt-nây đã đi đến tận Giốp-bê, và tìm thấy Phi-e-rơ (người vừa được chuẩn bị một cách siêu nhiên cho sự kiện này) và đưa vị sứ đồ đã sẵn sàng này trở lại với những người ngoại, những người La Mã. Phi-e-rơ phải lắng nghe những người được sai đến và tin họ. Ông phải chuẩn bị sẵn sàng và lên đường đến Sê-sa-rê, rất xa về phía bờ biển. Ông phải vào nhà, mở miệng và kể lại những gì ông đã thấy và đã nghe. Đức Thánh Linh đã giáng trên họ, và sự cứu rỗi đã đến với ngôi nhà đó.

Hai chương sau, chúng ta thấy một ví dụ tuyệt vời khác – Phi-e-rơ đang ngồi trong tù, bị xích và bị đánh đập. Một thiên sứ bước vào phòng giam đập vào sườn đánh thức ông dậy và bảo hãy mau trỗi dậy – giúp ông thoát khỏi xiềng xích một cách siêu nhiên.

Thiên sứ có thể dễ dàng dựng Phi-e-rơ đứng dậy một cách siêu nhiên, nhưng không. Phi-e-rơ chịu trách nhiệm về phần việc mà ông có thể làm được đó. Sau đó, thiên sứ nói hãy nịt lưng, mang dép và mặc áo ngoài vào rồi theo ta. Một lần nữa, Đức Chúa Trời hoàn toàn có khả năng mặc quần áo vào cho Phi-e-rơ và chuyển ông ra khỏi nhà tù một cách siêu nhiên, nhưng vấn đề ở đây là, Phi-e-rơ có khả năng để làm điều đó.

Điều mà Phi-e-rơ không thể làm là mở tung cửa ngục. Vì vậy, thiên sứ đã làm điều đó cho ông.

Đối tác hoàn hảo

Thật là một mối quan hệ hợp tác hết sức đẹp đẽ. Đức Chúa Trời tin cậy chúng ta – và Ngài mong đợi chúng ta – hợp tác và tích cực tham gia vào hành trình siêu nhiên mà Ngài đã kêu gọi chúng ta. Với Chúa, chúng ta có thể làm nên những kỳ tích tuyệt vời – cùng với nhau như một đội.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Ê-xơ-tê không bước vào nội điện để chầu vua vào ngày hôm đó?

Nếu Đa-ni-ên đã không kiêng ăn và cầu nguyện?

Nếu Áp-ra-ham đã không rời quê hương và đi đây đó với Đức Chúa Trời?

Trên thực tế, Đức Chúa Trời không cần người trợ giúp, nhưng Ngài thích chúng ta cùng làm việc với Ngài trong mối quan hệ. Đó là cách Ngài làm mọi việc. Và nếu chúng ta không chịu hợp tác thì chính chúng ta sẽ là những người bỏ lỡ nhiều điều hết sức quan trọng.

Chúng ta có đang làm những việc mà Chúa muốn chúng ta làm bất chấp nguy hiểm không? Những hành động hy sinh khiến chúng ta phải trả một cái giá nào đó? (Hoặc có thể chỉ là một chút bất tiện, giống như Phi-e-rơ phải đi đến một thành phố xa xôi mà chưa kịp chuẩn bị gì nhiều?) Kiên trì cầu nguyện cho đến khi mọi việc xảy ra?  Điều này không có nghĩa là đi loanh quanh một cách điên cuồng trong một loạt các hoạt động với hy vọng giành được sự chấp thuận của Đức Chúa Trời, mà là háo hức lắng nghe tiếng Ngài chỉ dẫn, quan sát những cơ hội Chúa ban để làm những việc tốt và sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi Ngài thúc giục chúng ta phải có một hành động cụ thể nào đó.

Đức tin của chúng ta quý hơn vàng đối với Đức Chúa Trời, nhưng những hành động vâng lời của chúng ta là sự bày tỏ tình yêu thương của chúng ta đối với Ngài. Những việc làm tốt không bao giờ có thể mang lại cho chúng ta sự cứu rỗi – chỉ có đức tin nơi sự chu cấp của Đức Chúa Trời mới có thể làm được điều đó. Nhưng những hành động công bình, rộng lượng và tử tế bởi được đầy dẫy Thánh Linh có thể giúp mang vương quốc của Đức Chúa Trời đến trên đất và kết nối mọi người với Ngài. Bạn có sẵn sàng để hành động chưa?

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like