Lễ Ngũ tuần trong Kinh Thánh còn được gọi là Lễ Các Tuần, Shavuot trong tiếng Do Thái, nhưng tất cả đều có nghĩa giống nhau: 50 ngày, tương đương bảy tuần.
Trong năm 2021, Lễ Vượt Qua trở nên đặc biệt hơn vì lệnh phong tòa, và kết quả là nhiều người được mở tai mở mắt trước các vấn đề trong Kinh Thánh – ngay cả đối với những người mà phần lớn những vấn đề liên quan đến người Do Thái này có thể xa lạ đối với họ. Nhưng nếu điều gì nằm trong Lời Chúa, thì điều đó liên quan đến tất cả chúng ta. Đặc biệt là năm nay, vì mọi thứ dường như trở nên rõ ràng hơn về mặt ý nghĩa.
Vậy việc đếm các ngày ở đây có ý nghĩa gì?
Lê-vi Ký 23 là chương mà Đức Chúa Trời đặt ra luật về cách cử hành tất cả các kỳ lễ, Ngài phán thế này:
“Kể từ ngày sau lễ sa-bát, là ngày đem bó lúa dâng đưa qua đưa lại, các ngươi sẽ tính bảy tuần lễ trọn: các ngươi tính năm mươi ngày cho đến ngày sau của lễ sa-bát thứ bảy, thì phải dâng một của lễ chay mới cho Đức Giê-hô-va. ” (Lê-vi 23:15-16)
Đức Chúa Trời bảo dân Ngài đếm 50 ngày sau Lễ Vượt Qua. Mỗi năm, họ tổ chức Lễ Vượt Qua vào ngày 14 tháng Nisan, sau đó Chúa Nhật tiếp theo sẽ là lễ dâng trái đầu mùa. Những bó lúa sẽ được dâng lên với nghi thức đưa qua đưa lại, tượng trưng cho lòng biết ơn đối với Đức Chúa Trời về mùa màng và lòng tin cậy vào sự chu cấp của Ngài. Sau đó, và chỉ khi đó, việc đếm các ngày sẽ bắt đầu. Công việc này thực chất là cuộc hành trình chờ đợi giữa Lễ Vượt Qua và Shavuot (Lễ Ngũ Tuần).
Và đó chính xác là những gì mà chúng ta đang làm trong thời điểm này. Đếm các ngày. Chờ đợi. Và thấy trước những điều sắp xảy ra.
Để hiểu việc đếm các ngày, chúng ta cần hiểu lễ Shavuot. Chúng ta đang đếm ngược đến điều gì?
Hãy tưởng tượng bạn có thể nói gì với dân Y-sơ-ra-ên vừa mới vượt qua Biển Đỏ về những điều đang chờ đợi họ tại núi Si-na-i?
Có lẽ bạn có thể khuyến khích họ bằng những lời như sau: “Anh em còn một hành trình dài phía trước. Con đường sẽ có nhiều đá sỏi và khó khăn, và đầy mạo hiểm. Anh em sẽ chịu đói, chịu khát, bệnh tật và đôi khi mất hết hy vọng, nhưng Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc anh em. Và cuối cùng anh em chắc chắn sẽ đến được nơi cần đến.”
Ai có thể tưởng tượng được điều gì sẽ đến? Nhưng Chúa ở cùng họ và sẽ chu cấp mọi thứ họ cần trên đường đi. Đức Chúa Trời nhìn thấy cuộc hành trình của họ với tất cả những đổi thay và biến cố mà họ sẽ trải qua, và Ngài cũng thấy ngày mà họ sẽ đến được Xứ Hứa. Ngài biết mọi khoảnh khắc của cuộc hành trình nguy hiểm đó cũng như tất cả những gì mà họ sẽ phải đối mặt.
Tình huống này có một số điểm tương đồng:
- Một là cuộc hành trình của chính chúng ta đến ngôi nhà thiên đàng của mình. Chúng ta đã được rửa bằng huyết và nước của sự cứu rỗi và phép báp-têm, chúng ta đã được giải cứu khỏi ách nô lệ một cách kỳ diệu và bây giờ chúng ta đang bước đi trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta vẫn chưa đến được ngôi nhà đời đời của mình, và con đường đến đó thì đầy khó khăn. Chúng ta sẽ cần một số trợ giúp.
- Điểm tương đồng tiếp theo là sự kiện trên đồi Sọ nơi huyết của Chúa Giê-xu, Chiên Con của Lễ Vượt Qua của chúng ta đã đổ ra cho chúng ta, tiếp theo là sự tuôn đổ mang tính lịch sử của Thánh Linh Ngài 50 ngày sau đó vào Lễ Ngũ Tuần. Chúa Giê-xu đã ở đó với họ trong 40 ngày, rồi lên trời, với lời chỉ dẫn: “HÃY CHỜ!”
Chờ đợi! Bạn sẽ cần điều này…
Lễ Shavuot là thời gian của lòng biết ơn, cảm tạ Đức Chúa Trời về tất cả sự chu cấp của Ngài. Theo truyền thống, chúng tôi ăn mừng về “bảy loại sản vật” là những gì được ban cho chúng tôi ở trong Xứ Hứa:
“Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ khiến ngươi vào xứ tốt tươi, có nhiều khe, suối, nước sâu phun lên trong trũng và trên núi; xứ có lúa mì, lúa mạch, dây nho, cây vả, cây lựu; dầu ô-li-ve và mật; xứ đó ngươi sẽ ăn bánh đầy đủ, chẳng thiếu món chi; đá xứ đó là sắt, và từ trong núi ngươi lấy đồng ra.” (Phục-truyền 8:7-9)
Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên một vùng đất đượm sữa và mật, xanh tươi, trù phú và tràn đầy sự tốt lành. Ngày nay, sữa và mật là hình ảnh thu nhỏ của Shavuot ở Israel, ngày này đã trở thành một lễ hội buôn bán những hàng hóa được làm từ sữa! Nhưng sữa và mật cũng tượng trưng cho kinh Torah (‘Ngũ Kinh’ hay 5 sách của Môi-se). Người ta tin rằng Torah đã được trao cho dân Y-sơ-ra-ên tại ngày lễ Shavuot, và nhiều người sẽ thức suốt đêm để đọc Kinh Thánh, vì lý do này.
Đa-vít đã tuyên bố trong Thi-thiên 119: 103:
“Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!”
Tương tự, cụm từ này xuất hiện trong Nhã-ca 4:11:
“Hỡi tân phụ ta, môi mình nhỏ mật ong xuống, dưới lưỡi mình có mật ong và sữa…”
Sữa và mật ở đây được cho là ám chỉ kinh Torah, vì Nhã-ca được coi là sự so sánh về mối quan hệ tình yêu giữa Đức Chúa Trời và dân Ngài. Chắc chắn, lời của Đức Chúa Trời vừa ngọt ngào vừa có sức nâng đỡ đối với tất cả những ai biết Ngài và yêu mến Ngài. Chúng ta sẽ ở đâu nếu không có Kinh Thánh? Và chúng ta sẽ ở đâu nếu không có Đức Thánh Linh, được tuôn đổ vào ngày Lễ Ngũ Tuần?
Lễ Ngũ Tuần tôn vinh Đức Chúa Trời, Đấng ban mọi ân tứ tốt lành
Bảy tuần sau cuộc Xuất-hành, tại Si-na-i, Đức Chúa Trời đã ban cho dân Ngài một cuốn sách hướng dẫn – Kinh Torah.
Bảy tuần sau thập tự giá, vào ngày Lễ Ngũ tuần, Ngài đã ban cho họ một sự hướng dẫn cá nhân – Đức Thánh Linh.
Ngày nay, chúng ta được ban phước rất nhiều khi có cả Lời của Đức Chúa Trời và Thánh Linh của Ngài để giúp chúng ta trên hành trình của mình. Và bạn ơi, chúng ta chắc chắn sẽ cần CẢ HAI cho những gì sắp tới.
Shavuot nói về lòng biết ơn của chúng ta đối với sự hào phóng của Đức Chúa Trời, Ngài ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần trong hành trình về nhà của mình. Chúng ta có sự tha thứ – bất cứ khi nào chúng ta cần. Chúng ta có ân điển không bao giờ cạn và tình yêu không có hồi kết. Chúng ta có Đức Chúa Trời Cha, Chúa của chiến trận đang ở bên, luôn hiện diện để giúp đỡ trong những lúc khó khăn. Chúng ta có Lời được viết ra của Ngài để tìm đến và Thánh Linh của Ngài để giúp chúng ta, làm cho dạn dĩ và thực hiện các công việc của Chúa Giê-xu qua chúng ta. Chúng ta có mọi thứ chúng ta cần cho cuộc hành trình.
“Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32)
Khi sai Thánh Linh của Ngài đến ngự trong chúng ta, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta quyền năng để sống một cuộc đời hoàn toàn khác. Ê-li-sê có lẽ đã rất buồn khi thấy thầy mình về trời, nhưng ông đã nhận được một tấm áo quyền năng và sự xức dầu của Ê-li, và tiếp tục làm những việc lớn lao hơn nữa. Tương tự như vậy, các môn đồ có thể đã cảm thấy buồn khi Chúa Giê-xu không còn ở trên đất với họ nữa, nhưng họ đã nhận được quyền năng của chính Ngài không lâu sau đó. Nhưng như Chúa Giê-xu đã nói với họ, họ phải chờ đợi điều đó:
“Ta đây, sẽ ban cho các con điều Cha Ta đã hứa; còn về phần các con, hãy đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền năng từ trên cao.” (Luke 24:48b-49)
Những người đi trước thời thế
Nhiều người đã có cái nhìn thoáng qua về cuộc sống không có siêu thị đầy ắp hàng hóa và hiện đang điên cuồng trồng rau nuôi gà. Đại dịch này là một lời cảnh tỉnh rõ ràng cho việc chúng ta thiếu chuẩn bị như thế nào. Tuy nhiên, hơn cả những “người đi trước thời thế” đầu tư vào hàng đóng hộp, hầm trú ẩn và đạn dược, chúng ta phải chuẩn bị về mặt thuộc linh. Điều đó có nghĩa là hiểu được thời đại chúng ta đang ở và sẵn sàng cho thực tế mới đang ở phía trước. Chúng ta cần chuẩn bị tấm lòng và học cách bước đi trong quyền năng của Đức Thánh Linh.
Khi lệnh phong tỏa bắt đầu được dỡ bỏ, chúng ta không thể cứ thế lao ngay ra ngoài một cách vội vàng trước khi chúng ta chuẩn bị đàng hoàng. Chúng ta cũng cần được trang bị quyền năng từ trên cao nữa.
Chúng ta đang chứng kiến sự khuấy động của một cơn phấn hưng lớn lao vào thời kỳ cuối. Tại Israel, chúng tôi đã chứng kiến sự quan tâm và hưởng ứng của mọi người về lĩnh vực thuộc linh ngày càng gia tăng đáng kể, cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Tại Vương quốc Anh, cứ bốn người từ 18-34 tuổi thì có một người đã tham gia một buổi nhóm trực tuyến nào đó, và doanh số bán Kinh Thánh đã tăng vọt cả về bản in (một số cửa hàng ở Mỹ đã bán hết sạch) cũng như các ứng dụng được tải xuống.
Con người đang đói và khát chân lý cũng như muốn biết lý do nào mà thế giới của chúng ta đang rúng động. Chúng ta cần phải sẵn sàng chia sẻ với họ vì chúng ta là những người có hy vọng.
Bạn thực sự sẽ nói gì hoặc làm gì nếu ai đó đến gặp bạn và nói rằng, họ muốn biết cách đọc Kinh Thánh? Làm thế nào để nhận biết Chúa Giê-xu? Bạn có từng nghĩ về điều ấy chưa? Bạn đã sẵn sàng cho những điều như vậy chưa? Nhưng hơn cả các chương trình và chiến lược thực tế như chống dịch hay sống chung với dịch, sự chuẩn bị quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm vào lúc này là chuẩn bị tấm lòng của chính mình.
Đây không phải là lúc để vui mừng trước sự phấn hưng sắp tới trong khi có rất nhiều người đang đau buồn vì mất đi người thân của họ. Đây là khoảng thời gian đáng suy ngẫm đối với tất cả chúng ta và chúng ta cần duy trì sự tỉnh táo của mình. Chúng ta cần sẵn sàng đồng cảm với tất cả những ai đang sống trong tang thương. Và điều đó bao gồm cả việc hiểu được, cảm được tấm lòng của Đức Chúa Trời.
Chúa đang làm rung chuyển các quốc gia và điều đó thật nghiêm trọng. Đây là thời điểm để ăn năn, bắt đầu từ nhà của Đức Chúa Trời. Điều đó có nghĩa là bạn và tôi. Người ta thường nói rằng sự phấn hưng càng tiến xa khi sự ăn năn càng sâu sắc. Hãy sử dụng thời gian chờ đợi này, đếm ngược đến Lễ Ngũ Tuần, để lắng nghe tấm lòng của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể nhận ra sự đau buồn của Ngài đối với tội lỗi – trước hết là trong đời sống của chúng ta, gia đình của chúng ta, hội thánh của chúng ta, và sau đó là các quốc gia của chúng ta. Chúa đang vận hành. Ngài đang làm rung chuyển trái đất. Ngài đang kêu gọi, kéo chúng ta đến gần Ngài và mang đến sự cáo trách. Chúng ta cần chuẩn bị và sẵn sàng cho Ngài: những chiếc bình thánh, sạch, sẵn sàng để Ngài sử dụng cho những gì phía trước.
“Anh em không biết rằng thân thể anh em là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, Đấng mà Đức Chúa Trời đã ban cho anh em sao?”(1 Cô-rinh-tô 6:19)
Cũng như dân Y-sơ-ra-ên sợ hãi mà tránh xa ngọn núi trong khi Đức Chúa Trời đang truyền đạt lời Ngài tại Si-na-i… và cũng như các môn đồ chờ đợi tại phòng cao vào Lễ Ngũ Tuần, chúng ta hãy có một thái độ kính sợ và mong đợi trong thời gian chờ đợi này. Cầu mong sự ăn năn giữa vòng các thánh đồ sẽ diễn ra sâu sắc, khắc một kênh dẫn lớn cho Thánh Linh tuôn chảy. Hãy dọn đường cho Chúa!
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: oneforisrael.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com