Home Dưỡng Linh Công Tác Môn Đồ Hóa – Phần 12: Chuyển Hóa Với Chuyển Giao

Công Tác Môn Đồ Hóa – Phần 12: Chuyển Hóa Với Chuyển Giao

by AdrianChua
30 đọc

Nỗi đau không được chuyển hóa sẽ bị chuyển giao cho người khác.”  ~ Richard Rohr

Một trong những yếu tố quan trọng trong công tác môn đồ hóa là sự biến đổi thuộc linh. Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những thất bại, thử thách, đau đớn và khổ nạn. Chúng ta phải chọn cách đáp lại hoặc phản ứng lại với chúng. Đáng thương thay, cơn đau có tính chất chu kỳ; nếu không được xử lý, nạn nhân của nỗi đau đó sẽ trở thành thủ phạm gây ra nỗi đau cho người khác. Rất thường xuyên, chúng ta né tránh nỗi đau bằng cách đổ lỗi cho người khác thay vì chịu trách nhiệm về vấn đề.

Vì vậy, nếu chúng ta không chuyển hóa nỗi đau của mình, chúng ta sẽ chuyển giao nó cho người khác. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, chúng ta truyền đi nỗi đau mà đã được truyền lại cho chúng ta, và thường là cho những người thân thiết nhất với chúng ta, vợ/chồng và con cái của chúng ta, những người dễ bị tổn thương nhất. Thật là một chu kỳ đau đớn thực sự. Nếu chúng ta muốn cho gia đình mình một thế giới tốt đẹp hơn, thì chúng ta phải tìm ra cách để những vết thương này được biến đổi. Chỉ một con người tốt đẹp hơn mới có thể tạo ra những con người tốt đẹp hơn và sau đó, là một thế giới tốt đẹp hơn.

Chúng ta cần lưu tâm và chú ý đến phản ứng của mình với nỗi đau. Chúng ta cần phải nhận ra rằng hầu hết các phản ứng của chúng ta đến từ quá khứ của chúng ta, chứ không phải nỗi đau ở hiện tại. Dư âm của nỗi đau đó khi được trình chiếu hoặc kích hoạt lại trong hiện tại, chúng tạo ra phản ứng tiêu cực và hủy hoại các mối quan hệ hiện tại của chúng ta. Mặc dù không phải mọi cuộc tranh chiến đều bắt nguồn từ những trải nghiệm thời thơ ấu, tuy nhiên, rất nhiều tác nhân kích thích cảm xúc của chúng ta thường là những vết thương đau đớn từ quá khứ. Khi chúng ta bị tổn thương hoặc cảm thấy bị tấn công, phản ứng tự vệ nhằm xoa dịu vết thương đó thường là tấn công trở lại. Nhưng đáng buồn thay, sự khắc phục  và phương pháp giảm đau tạm thời này thường khiến chúng ta cảm thấy bị cô lập, xấu hổ và đau đớn hơn sau đó.

Mong muốn tấn công lại của chúng ta xuất phát từ việc chúng ta không có khả năng và không sẵn sàng xử lý, điều chỉnh và đối phó với nỗi đau của chính mình. Nếu chúng ta thực sự đang tìm kiếm sự thay đổi, chúng ta cần có trách nhiệm giải trình cũng như trách nhiệm trong việc nỗ lực để tăng trưởng và xử lý nỗi đau của chúng ta một cách lành mạnh.

Làm thế nào để chúng ta có thể chuyển hóa nổi đau của mình?

2 Cô-rinh-tô 1:3-4 – “…Cha nhân từ và Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi. Ngài an ủi chúng tôi trong mọi hoạn nạn, để chúng tôi có thể dùng chính sự an ủi mà Đức Chúa Trời đã an ủi chúng tôi để an ủi những người khác trong bất cứ hoạn nạn nào họ gặp!” 

Đây là cách mà Chúa lật ngược thế cờ trước ma quỷ. Khi chúng ta không chịu khuất phục trước nỗi đau người khác gây ra cho chúng ta, mà thay vào đó tìm cơ hội sử dụng nó vì lợi ích của người khác, thì điều đó sẽ giải cứu chúng ta khỏi cái ác đang chực chờ. Là những người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời trên thế gian, không có gì lạ khi chúng ta phải chịu thử thách, đau đớn, và khổ nạn. Nhưng thay vì trở thành nạn nhân của hoàn cảnh, chúng ta có thể trở thành người chiến thắng hoàn cảnh và lấy đó làm cơ hội để chứng tỏ và bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.

Đáng buồn thay, nhiều lần, quyền năng của Đức Chúa Trời bị cản trở bởi tâm hồn không được thánh hóa của chúng ta. Chúng ta thường thiếu lòng trắc ẩn, nhân từ và tình yêu thương của Ngài vì chúng ta thích tự thương hại cho chính mình.

Nếu một người chưa từng trải qua khủng hoảng, khuynh hướng cơ bản của người đó là không biết cảm thông đối với những người đang mò mẫm trong việc xoay sở với những tai họa của cuộc đời. Nhưng nếu trước đây chúng ta đã từng bị tổn thương trong một số lĩnh vực nhất định của đời sống mình, chúng ta vẫn nhạy cảm ở những lĩnh vực đó ngay cả khi vết thương của chúng ta đã được lành. Sự nhạy cảm này trở thành thứ mà Đức Chúa Trời có thể sử dụng để giúp chúng ta biết cảm thông với người khác qua việc hiểu được cảm xúc của họ. Điều này đổ đầy lòng trắc ẩn vào trong chức vụ và cho phép chúng ta hầu việc Chúa một cách hiệu quả hơn khi đối mặt với những người bị tổn thương. Chúng ta tin rằng chính vì lý do này mà Chúa đã cho phép chúng ta đối mặt với những đau khổ đi kèm với vết thương mà chúng ta đang mang trên mình. Trong đồng vắng, Đức Chúa Trời làm việc với Môi-se trước khi sử dùng ông để đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập. Trừ khi chính bản thân chúng ta được giải cứu, nếu không chúng ta không thể giải cứu được người khác.

Chúa Giê-xu đã trải qua một trong những sự phản bội đau đớn nhất trong cuộc đời khi Ngài bị chối bỏ bởi chính những con người mà Ngài đã tạo dựng! Trong tình yêu thương của Ngài, Ngài đã chữa lành nhiều người và giải cứu hàng ngàn người. Đổi lại, Ngài phải chịu một cái chết tàn nhẫn và nhục nhã nhất. Tuy nhiên, ngay cả phải chết, Chúa của chúng ta đã sử dụng sự bất công đó và biến điều đó thành một công cụ cứu chuộc và giải cứu cả thế gian.

Nhờ những lằn đòn Chúa đã chịu mà chúng ta được chữa lành. Tại chính nơi Ngài bị thương, Ngài đã nhận được thẩm quyền để chữa lành cho những người thuộc về Ngài. Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng cho chúng ta. Nhiều người trong số những người có chức vụ chữa lành vĩ đại nhất đã tự mình phải chịu đựng những căn bệnh đau đớn về thể chất. Nhiều người có lòng trắc ẩn muốn giúp đỡ những người nghiện ma tuý; trẻ em bị lạm dụng và người đồng tính luyến ái có xu hướng từng là nạn nhân của những điều đó.

Chúa Giê-xu nói: “sự vấp ngã là khó tránh khỏi” (Ma-thi-ơ 18:7). Cách chúng ta quan tâm hoặc phản ứng với những điều gây cho vấp phạm quyết định chúng ta trở thành người tốt hơn hay cay đắng hơn. Thật không may cho một số người trong chúng ta, khi Sa-tan tấn công, chúng ta làm trầm trọng hóa vấn đề bằng cách gây áp lực lên vết thương – chúng ta làm vết thương thêm trầm trọng và rắc rối hơn bằng cách tự cắm ngọn giáo hoặc mũi tên đó vào sâu hơn.

Chúng ta làm thế nào với một tổn thương về tình cảm? Chúng ta chú ý đến nỗi đau của mình nhiều hơn là cần thiết. Vô tình, chúng ta càng nhìn vào nỗi đau của mình, chúng ta càng thấy mình đáng thương hơn. Chẳng bao lâu, chúng ta tin rằng mình là nạn nhân – dường như cả thế giới đều quay lưng lại với mình.

Những vết thương cao quý – nếu có ngã hãy ngã về phía trước

Trên thực tế, tất cả chúng ta có thể được coi là “thương binh” ở khía cạnh này hay khía cạnh khác. Một số người có những vết sẹo nằm ở chỗ dễ nhìn thấy, trong khi những người khác có vết thương được giấu kín, vết thương chưa được lành. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm nhiều hơn là một người được chữa lành; chúng ta có thể trở thành “những người chữa lành vết thương” cho người khác.

Chúng ta nên học cách ngã về phía trước thay vì lùi lại phía sau. Điều đó có nghĩa là biến vết thương của chúng ta thành những vết thương mang ý nghĩa cao quý có thể mang đến sự chữa lành cho người khác. Điều đó không có nghĩa là chúng ta đánh giá thấp nỗi đau của mình, mà đúng hơn là, chúng ta sử dụng nó như một phần của mình và biến nó thành một loại thuốc chữa lành để làm ơn cho người khác. Thật không may, nhiều người trong chúng ta có tư tưởng tự ái, chúng ta nghĩ rằng một khi chúng ta bị tổn thương, chúng ta có quyền làm tổn thương người khác và tự thương hại bản thân, và mọi người phải dành cho chúng ta tất cả sự quan tâm và yêu thương mà chúng ta cần.

Giá như chúng ta sẵn sàng nhìn nhận những “vết thương” này như cách mà Chúa Giê-xu đã làm, thì chúng sẽ trở thành những vết thương mang ý nghĩa cao quý hơn là những vết sẹo để chối bỏ, ngụy tạo hoặc một cái cớ để chúng ta dày vò người khác. Chúng ta nên ngừng việc làm lây lan những tổn thương chưa được giải quyết của chúng ta. Giống như Chúa Giê-xu, chúng ta cần phải cầm lại nỗi đau của mình cho đến khi nó trở thành sức mạnh phục sinh để ban phước cho nhiều người.

Hãy để đời sống của chúng ta được kể là đáng giá và câu chuyện cuộc đời của chúng ta mang lại vinh hiển cho Ngài. Hãy biến mọi vết thương mà chúng ta phải chịu đựng thành băng gạc chữa lành. Hãy để những giọt máu ứa ra từ tấm lòng tan vỡ và những giọt nước mắt chảy ra từ trong sâu thẳm của chúng ta hóa thành dầu chữa lành và một suối nguồn sự sống cho người khác.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like