Home Chuyên Đề Chúa Có Ý Gì Khi Phán ‘Sự Báo Thù Thuộc Về Ta’ Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35

Chúa Có Ý Gì Khi Phán ‘Sự Báo Thù Thuộc Về Ta’ Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35

by Crosswalk.com
30 đọc

Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng, vào lúc chân của chúng trượt ngã; Vì ngày hoạn nạn của chúng đã gần, ngày tận số của chúng đang vội vàng tiến đến.” (Phục-truyền 32:35)

Chúng ta tồn tại trong một thế giới hai mặt, nơi mà nhiều khía cạnh của cuộc sống thường đi đôi với nhau. Thiện và ác. Nam và nữ. Hy vọng và tuyệt vọng. Trẻ và già. Đức Chúa Trời và Sa-tan. Trong tính hai mặt này, chúng ta cũng có đức hạnh và tội lỗi. Một mặt mô tả những gì chúng ta làm tốt, một mặt mô tả những gì chúng ta làm sai.

Nếu được hỏi, hầu hết chúng ta sẽ liên kết bản thân với những phẩm chất tích cực trước khi nói đến bất cứ điều gì tiêu cực. Một vài người trong chúng ta có thể sẽ không nhắc gì đến những điều tiêu cực đó. Tuy nhiên, sự thật là chúng ta có cả mặt tích cực và tiêu cực. Những tiêu cực là thứ khiến mỗi một người trong chúng ta đều có thể trở thành tội nhân (Rô-ma 3:23). Nếu mọi người đều đã phạm tội, thì tất cả chúng ta đều đã phạm những điều sai trái đối cùng Chúa và những người khác.

Lười biếng, vu khống, bạo lực, nói dối, trộm cắp, hiếp dâm, giết người, lạm dụng…, danh sách tội lỗi của chúng ta cứ thế tiếp tục dài thêm. Chúng ta nên làm gì sau khi tội lỗi xảy ra? Là Cơ-đốc nhân, chúng ta sẽ nói ngay là hãy tha thứ. Đó là những gì mà Chúa Giê-xu đã nói với Phi-e-rơ khi giảng về chủ đề này (Ma-thi-ơ 18:22). Đó là những gì mà chúng ta thường nói với nhau ngày nay, nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta nhanh chóng tha thứ? Và có bao nhiêu người trong chúng ta tha thứ nhiều như Chúa muốn chúng ta phải tha (bảy mươi lần bảy)?

Trong thời kỳ mà nền văn hóa ăn miếng trả miếng trở nên phổ biến, xã hội ngày nay không thực hành việc tha thứ mà là trả thù. Ai đó đã phạm tội và chúng ta muốn người đó phải nhanh chóng gánh lấy hậu quả cho hành động sai trái của họ. Khi có người xúc phạm chúng ta, chúng ta muốn trả đũa lại. Có thể chúng ta phớt lờ cuộc gọi hoặc tin nhắn của ai đó, đi ngang qua họ mà mà vờ như không nhìn thấy hoặc tỏ vẻ khó chịu khi họ nói chuyện với chúng ta, tất cả đều nhằm mục đích đáp trả.

Nhìn sơ qua, thì điều này nghe có vẻ hợp tình hợp lý. Con người ta phải chịu hậu quả cho những hành động sai trái của mình. Chúng ta có hệ thống luật pháp để thực thi công lý và mọi người đều phải chịu trách nhiệm với việc mình làm. Vậy thì chẳng phải trả thù ai đó cũng là một hành động đúng luật đó sao? Tại sao chúng ta không nên làm như vậy?

Đức Chúa Trời nói rằng sự báo thù thuộc về Ngài, không phải chúng ta. Mặc dù chúng ta có hệ thống luật pháp, nhưng bất kỳ hệ thống nào không tuân theo Kinh Thánh đều không được Đức Chúa Trời chấp thuận. Và Chúa không chấp thuận việc chúng ta trả thù.

Điều gì khiến sự báo thù của Đức Chúa Trời khác với sự báo thù của chúng ta? Kinh Thánh có ý gì khi sử dụng từ báo thù? Với cái nhìn sâu sắc hơn về Kinh Thánh, chúng ta có thể hiểu được gốc rễ của câu này.

Ý nghĩa của câu nói ‘sự báo thù thuộc về Ta’ trong Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:35 là gì?

Sách Phục-truyền Luật-Lệ Ký là do Môi-se viết. Trong chương (32) này, ông phác họa một bức tranh về Chúa mà theo tiêu chuẩn hiện đại, Ngài không phải là một Đức Chúa Trời dễ tính chút nào. Nhà tiên tri nói thay mặt Chúa, trình bày một thông điệp cho dân Do Thái về bản chất kiên định, công bình và quyền năng của Chúa. Sứ điệp này không đơn thuần chỉ là một lời tiên tri, mà là một bài ca về tính cách của Đức Chúa Trời mà theo như chúng ta đọc thấy thì Ngài là một Đấng không thích tội lỗi. Cụ thể hơn, Ngài nổi giận vì tội lỗi của dân Ngài.

Đức Chúa Trời không chỉ phơi bày những việc làm sai trái của dân Do Thái, mà Ngài còn báo trả họ vì những việc mà họ đã làm chẳng hạn như việc thờ lạy các thần tượng giả dối. Môi-se đang kể tội dân Do Thái bằng cách gọi họ là “một dòng dõi gian tà” và “dân khờ dại không trí” (Phục-truyền 32:5-6). Ông tiếp tục nhắc nhở họ rằng Đức Chúa Trời là Cha và là Đấng dựng nên họ. Khi phạm tội, họ không thừa nhận những danh hiệu này. Thay vào đó, họ tin và đề cao những thần giả dối.

Môi-se muốn nhắc nhở dân sự của mình rằng Đức Chúa Trời đã dõi theo từng bước đi của họ. Ông muốn dân sự tin vào lẽ thật này. Ông làm điều này bằng cách lấy Gia-cốp làm ví dụ. Gia-cốp là đại diện của dân Do Thái. Giữa câu 10 và câu 14, chúng ta đọc thấy Đức Chúa Trời ban phước và chu cấp cho Gia-cốp. Sau những lời đó, Môi-se tiếp tục dùng danh xưng Giê-su-run, một cái tên khác để chỉ Y-sơ-ra-ên, nói rằng quốc gia này đã nổi loạn chống lại Chúa. Giê-su-runtrở nên mập béo (câu 15) nhờ sự ban phước của Đức Chúa Trời, và bất chấp sự tốt lành của Đức Chúa Trời, họ đã nổi loạn. Họ khiêu khích Đức Chúa Trời, phớt lờ Ngài và đặt các thần khác lên hàng đầu.

Sự phản nghịch của họ khiến Chúa nổi giận. Môi-se đã trích dẫn lời Chúa một vài lần trong phân đoạn này. Những câu trích dẫn trình bày những cách mà Đức Chúa Trời sẽ báo trả dân sự vì tội lỗi của họ. Đó là khi chúng ta đọc về sự báo thù và báo ứng của Chúa trong câu 35. Tuy nhiên, sự báo thù mà Đức Chúa Trời đang tuyên bố không chỉ giới hạn cho người Do Thái. Điều thú vị là ở câu tiếp theo (Phục-truyền 32:36), chúng ta đọc thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ “đoán xét công bình” và “thương xót tôi tớ Ngài” . Đây là khía cạnh dịu dàng của Chúa, ngay cả khi chúng ta đang đọc về sự báo thù của Ngài.

Trong đoạn cuối của bài hát, Môi-se nói với Y-sơ-ra-ên rằng họ là “dân” của Chúa (Phục-truyền 32:43). Đức Chúa Trời sẽ báo trả những kẻ thù nghịch của Ngài. Trong bài ca này, chúng ta không nghe Môi-se nói rằng Đức Chúa Trời muốn dân Ngài tự mình giải quyết những bất bình cá nhân. Ngài phụ trách việc đó. Mặc dù chúng ta có thể có mong muốn báo thù, nhưng rõ ràng Chúa cũng vậy. Ngài muốn chúng ta để Ngài làm việc đó. Chúng ta biết được điều này, vì ngoài phân đoạn này của Môi-se, là những lời dạy của Chúa Giê-xu về sự tha thứ.

Kinh Thánh nói gì về việc báo thù?

Xem xét lại ý tưởng về tính hai mặt, tội lỗi được nhìn nhận một cách khác nhau trong Cựu Ước so với Tân Ước. Ai cũng biết là từ lúc đầu đã có luật mắt đền mắt răng đền răng. Sau đó, trong Tân Ước, Chúa Giê-xu ủng hộ sự tha thứ (Ma-thi-ơ 5:38-39). Bài ca của Môi-se không đề cập đến bất kỳ điều gì về việc mắt đền mắt. Ông chỉ nói là sự báo thù thuộc về Chúa. Để tán thành ý tưởng này, trong Tân Ước, chúng ta biết rằng cơn giận của loài người không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời (Gia-cơ 1:20).

Cân nhắc cả hai ý kiến này và những gì Chúa nói về tội lỗi, chúng ta có thể kết luận rằng việc báo thù là không sai, nhưng cách chúng ta thể hiện cảm xúc của mình có thể là sai. Chúa cũng nổi giận, nhưng Chúa là tốt lành và Ngài luôn luôn đúng. Chúng ta nổi giận, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng đúng.

Do đó, chúng ta có thể cảm thấy việc mình nổi giận là chính đáng, nhưng giống như dân sự Chúa ngày xưa, cảm xúc của chúng ta có thể khiến chúng ta lạc lối. Vì chúng ta là tội nhân, chúng ta có thể sử dụng sự tức giận của mình theo cách không đẹp lòng Chúa. Kinh Thánh đưa ra nhiều ví dụ khác nhau. Chính Môi-se đã giết một người khi giận dữ. Ông quyết định tự mình trả thù và đã phạm tội khi làm như vậy. Chỉ khi trông cậy vào Đức Chúa Trời, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng mọi hành động báo trả đều được thực hiện một cách công bình.

Chúng ta nên áp dụng câu này vào đời sống của mình như thế nào?

Dựa vào Chúa để báo thù không có nghĩa là chúng ta nên bãi bỏ hệ thống luật pháp của mình. Ở đâu cũng phải có luật pháp. Chúa Giê-xu không bao giờ yêu cầu chúng ta bãi bỏ mọi luật lệ. Trên thực tế, hầu hết mọi quốc gia đều xây dựng hệ thống luật pháp của mình dựa trên các giá trị của Kinh Thánh (mặc dù không phải ai cũng nhận ra điều này). Ví dụ, chúng ta biết rằng giết người, ngoại tình và trộm cắp là sai vì Kinh Thánh nói điều đó là sai, chứ không phải dựa vào các tiêu chuẩn xã hội. Tuy nhiên không phải xã hội nào cũng coi những hành động đó là sai. Những gì được dạy trong Kinh Thánh đã trở thành luật, mặc dù điều đó đang thay đổi theo chiều hướng xấu hơn ở một số nơi.

Tuy nhiên, khi luật pháp và Kinh Thánh không thống nhất với nhau, chúng ta là những Cơ-đốc nhân phải biết chọn Chúa thay vì luật pháp do con người đặt ra. Về vấn đề báo thù, Lời Chúa có thể yêu cầu chúng ta suy nghĩ lại lập trường của mình về những điều như án tử hình. Hơn nữa, nếu Đức Chúa Trời chịu trách nhiệm trả thù, thì chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta sẽ làm tốt công việc của mình là tha thứ cho người khác. Ai làm sai thì người đó phải chịu quả báo, nhưng Chúa mới là Đấng chịu trách nhiệm về những điều đó, chứ không phải chúng ta. Chúng ta không cần phải cố gắng trả đũa những người đã xúc phạm chúng ta.

Chúng ta có thể nhờ vào luật pháp, nhưng để chính tay mình gây ra đau khổ cho người khác, có thể dẫn đến sự hủy hoại cho chính bản thân mình. Hãy tránh điều này bằng cách dựa vào Chúa.

Báo thù là một ý tưởng mà hầu hết chúng ta đều quen thuộc và thậm chí mong muốn vào lúc này hay lúc khác. Mong muốn trả thù của chúng ta một phần là lý do tại sao chúng ta nhìn các siêu anh hùng hư cấu như Batman với sự ngưỡng mộ. Anh ta và những nhân vật hư cấu khác hoặc những cá nhân ngoài đời thực, hoạt động bên ngoài pháp luật bằng cách sử dụng các phương pháp ‘trái với thói thường’ để hoàn thành những việc mình muốn và mang lại công lý. Con người chúng ta mong muốn công lý, nhưng không phải lúc nào cũng muốn đi theo đường lối của Đức Chúa Trời để đạt được mục đích đó.

Nhưng sự báo thù không phải được thực hiện theo cách riêng của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta hãy hết lòng tin cậy Chúa và chờ xem ý muốn của Ngài.

Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chú tâm làm điều thiện trước mặt mọi người.” (Rô-ma 12:17)

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: crosswalk.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like