Home Chuyên Đề “Đức Chúa Trời Vạn Quân” Có Nghĩa Là Gì?

“Đức Chúa Trời Vạn Quân” Có Nghĩa Là Gì?

by Oneforisrael.org
30 đọc

Adonai Tzva’ot, “Đức Giê-hô-va vạn quân” là một trong những danh xưng của Chúa, được sử dụng 235 lần trong Kinh Thánh. Lần đầu tiên danh này xuất hiện là trong câu chuyện của An-ne và chồng nàng là Ên-ca-na, trong sự tranh chiến của An-ne vì nàng bị son sẻ. An-ne là người đầu tiên gọi Chúa bằng danh này. Nghĩa đen trong tiếng Do Thái là “Chúa của các đạo binh”: Tza-va (צבא) là từ chỉ quân đội – và cũng là từ mà ngày nay người ta dùng khi đề cập đến Lực-lượng Phòng-vệ Israel. Tza-va-ot (צבאות) là số nhiều. Nhiều đội quân. Nhưng có nhất thiết phải là một từ dùng trong quân sự không? Điều đó có nghĩa là gì, khi chúng ta gọi Chúa là “Chúa của các đạo quân”?

Nghĩa của từ “quân đội/đạo quân”

Trước hết, chính xác thì quân đội là gì? Ví dụ, chúng ta có thể nói về một đàn kiến mà cũng dùng từ army hay Tza-va này. Chúng ta có thể nói rằng một đội quân như vậy là một tập thể sẵn sàng làm việc cùng nhau để hướng tới một mục đích chung. Từ này có nhiều nghĩa được sử dụng một cách linh hoạt trong tiếng Anh (như chúng ta sẽ khám phá dưới đây) và cũng tương tự trong tiếng Do Thái. Từ điển Merriam-Webster giúp chúng ta rất nhiều về khái niệm này. Ở đây, chúng tôi tìm thấy một loạt các ý tưởng khác nhau nhưng có liên quan với nhau:

  1. Một lực lượng bộ binh có vũ trang được huấn luyện cho chiến tranh
  2. Một đoàn đông (ví dụ như một ‘đàn’ chim)
  3. Một nhóm người được tổ chức để thúc đẩy một mục tiêu

Và dưới đây là một số ví dụ từ Merriam-Webster về cách mà từ này có thể được sử dụng trong tiếng Anh:

  1. Quân đội của Alexander Đại-đế
  2. …Anh ấy nhập ngũ sau khi tốt nghiệp trung học
  3. …Công ty thuê một đội ngũ luật sư để xử lý các vấn đề pháp lý của mình
  4. …Họ đã phái đến cả một đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản.
  5. …Tổ chức được thành lập bởi một đội ngũ tình nguyện viên tận tụy.

Đạo quân thiên sứ

Một số bản dịch sử dụng cụm từ “Chúa của các đạo binh thiên sứ”. Một trong những phân đoạn Kinh Thánh phác họa rõ nét bức tranh về thực tế không thể nhìn thấy bằng mắt thường này đối với chúng ta được tìm thấy trong sách 2 Các-vua chương 6. Nhà tiên tri Ê-li-sê biết rất rõ rằng họ đang được vây quanh bởi những chiến binh vô hình, nhưng tôi tớ của ông lại tập trung quá nhiều vào đội quân Sy-ri đông đảo ngay trước mắt họ…

Tôi tớ của người Đức Chúa Trời chỗi dậy sáng sớm đi ra, thấy một đạo binh cùng ngựa và xe đương vây thành. Người nói với Ê-li-sê rằng: Hỡi ôi! chúa, chúng ta sẽ làm sao? Ê-li-sê đáp rằng: Chớ sợ, những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó. Đoạn, Ê-li-sê cầu nguyện mà rằng: Đức Giê-hô-va ôi, xin mở mắt kẻ tôi tớ tôi, để nó thấy được. Đức Giê-hô-va mở mắt người ra, thì người thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa ở xung quanh Ê-li-sê.
Quân Sy-ri kéo xuống nơi Ê-li-sê; người cầu nguyện Đức Giê-hô-va rằng: Xin Chúa khiến mắt quân ấy bị đui mù. Đức Chúa Trời bèn khiến chúng đui mù, theo như lời cầu nguyện của Ê-li-sê. Đoạn, Ê-li-sê nói với chúng nó rằng: Đây không phải là đường, đây chẳng phải là thành. Hãy theo ta, ta sẽ dẫn các ngươi đến người mà các ngươi tìm kiếm. Rồi người dẫn chúng nó đến Sa-ma-ri.
Khi chúng nó đã vào trong Sa-ma-ri rồi, Ê-li-sê cầu rằng: Lạy Đức Giê-hô-va, xin mở mắt cho chúng nó thấy. Đức Giê-hô-va bèn mở mắt họ, họ thấy mình ở giữa Sa-ma-ri. Vua Y-sơ-ra-ên thấy chúng nó, thì nói với Ê-li-sê rằng: Hỡi cha! phải đánh chúng nó chăng? phải đánh chúng nó chăng? Ê-li-sê đáp rằng: Chớ đánh. Những người vua dùng gươm và cung mà bắt làm phu tù, vua há đánh sao? Hãy dọn trước mặt chúng bánh và rượu, để cho chúng ăn và uống, rồi trở về cùng chủ mình. Người bèn bày tiệc lớn cho chúng nó; khi chúng nó đã ăn uống rồi, người tha cho chúng nó đi; chúng nó bèn trở về cùng chủ mình. Từ đó về sau, những toán quân Sy-ri không còn loán đến địa phận Y-sơ-ra-ên nữa.
(2 Các-vua 6:15-23)

Trong phân đoạn này chúng ta có thể thấy một vài điểm quan trọng.

Một là nguồn tài nguyên mà Đức Chúa Trời có thể sử dụng theo ý Ngài là vô số. Câu Kinh Thánh quan trọng là “những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó”. Khi chúng ta ở trong trận chiến thuộc linh, điều này sẽ LUÔN LUÔN đúng.

Khả năng nhìn thấy và sự mù lòa, niềm tin và sự nghi ngờ song hành ở đây. Ê-li-sê biết mà không thấy, tôi tớ của ông nghi ngờ và phải được cho thấy. Quân đội Sy-ri ban đầu dường như nắm chắc phần thắng, nhưng các tế bào trong cơ thể họ phải tuân theo mệnh lệnh của Đấng Tạo Hóa, và họ đột nhiên mất khả năng nhìn thấy mà Chúa đã ban cho mình.

Và cuối cùng là ý tưởng về sức mạnh thực sự và ý nghĩa của việc chinh phục. Thật hài hước khi vua Y-sơ-ra-ên hỏi: “Tôi có thể giết chúng không? Phải đánh chúng nó chăng?” Câu trả lời là không. Thay vào đó, thật là một hành động đáng chú ý, vua đã chuẩn bị một bữa tiệc lớn cho họ và thả họ về. Và rắc rối đã dừng lại.

Ngài đứng về phía ai?

Chúng ta rất nhanh trong việc mong muốn sự phán xét khắc nghiệt đến trên những người chống lại chúng ta. Nhưng chúng ta lại chậm chạp trong việc tin rằng sẽ không có mối đe dọa thực sự nào xảy ra khi chúng ta được an toàn trong tay Đức Chúa Trời. Chúng ta trở nên bối rối và mất bình tĩnh biết bao, khi chúng ta quên rằng trận chiến thuộc về Chúa.

Trận chiến không chỉ thuộc về Ngài, mà kẻ thù của chúng ta cũng thuộc về Ngài, và Ngài cũng rất yêu họ.

Xảy khi Giô-suê ở gần Giê-ri-cô, ngước mắt lên mà nhìn, bèn thấy một người đứng cầm gươm trần đối diện cùng mình. Giô-suê đi lại người và nói rằng: Ngươi là người của chúng ta hay là người của kẻ thù nghịch chúng ta? Người đáp: không, bây giờ ta đến làm tướng đạo binh của Đức Giê-hô-va. Giô-suê bèn sấp mặt xuống đất, lạy và hỏi rằng: Chúa truyền cho tôi tớ Chúa điều gì? Tướng đạo binh của Đức Giê-hô-va nói cùng Giô-suê rằng: Hãy lột giày khỏi chân ngươi, vì nơi ngươi đứng là thánh. Giô-suê bèn làm như vậy.”(Giô-suê 5:13-15)

Chúa Giê-xu truyền lệnh cho chúng ta rằng hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ chúng ta. Chúng ta có thể làm điều này khi biết rằng những gì họ đang làm thực chất là chống lại Đức Chúa Trời, chứ không phải chúng ta. Chúng ta có thể làm điều này khi chúng ta biết rằng chúng ta được bảo vệ bởi một quyền năng bất khả chiến bại, và chúng ta có sự sống đời đời.

Hãy nhìn vào cách mà Đức Chúa Trời nói đến Ai Cập – một quốc gia đã đàn áp, chống đối và cố gắng tiêu diệt Y-sơ-ra-ên… cũng như A-si-ri, một kẻ thù hung bạo khác của Y-sơ-ra-ên:

Trong ngày đó, sẽ có con đường cái đi từ Ê-díp-tô đến A-si-ri; người A-si-ri sẽ đến Ê-díp-tô, người Ê-díp-tô sẽ đến A-si-ri; người Ê-díp-tô và người A-si-ri đều cùng nhau thờ phượng Đức Giê-hô-va. Trong ngày đó, Y-sơ-ra-ên sẽ hiệp cùng Ê-díp-tô và A-si-ri làm ba, đặng làm nên nguồn phước giữa thiên hạ; vì Đức Giê-hô-va vạn quân đã chúc phước cho họ, mà rằng: Ê-díp-tô dân ta, A-si-ri công trình của tay ta, Y-sơ-ra-ên gia tài ta, đều hãy được phước!”(Ê-sai 19:23-25)

Tướng chỉ huy của các đạo binh thiên sứ không chỉ “ủng hộ một mình Y-sơ-ra-ên”. Ngài là Đấng Tạo Hóa, là Cha của mọi dân tộc, và Ngài luôn tìm cách ban phước, ban cho họ sự cứu rỗi và cứu chuộc họ. Ngài có đủ tình yêu để ban phát khắp nơi. Ngài không chọn đứng về phe ai cả. Thay vào đó, Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta nên về với Ngài và làm thành mục đích của Ngài.

Ai là Đức Chúa Trời vạn quân?

Từ Tza-va (צבא) thường được dịch là “muôn vật/vạn vật” hơn là quân đội, trong hầu hết các bản dịch Kinh Thánh của chúng ta. Từ “muôn vật” có thể được dùng để đề cập đến một đội quân hoặc một đoàn đông gồm vô số người. Lần đầu tiên từ này xuất hiện trong Kinh Thánh là ngay trong lời tường thuật về sự sáng tạo: “Ấy vậy, trời đất và MUÔN VẬT đã dựng nên xong rồi.” (Sáng-thế 2:1)

Tôi học được từ một giáo sĩ Do Thái rằng điều này có nghĩa là tất cả các nguyên tử, phân tử, rất nhiều trong số đó, đang hoạt động cùng nhau… tất cả được tập hợp lại và hoạt động theo cùng một mục đích. Giống như một đội quân. Không giống như một cỗ máy, mà giống như một đội quân (nghĩa là có trật tự và tổ chức). Đó là một suy nghĩ tuyệt vời đối với tôi.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi chính An-ne, một phụ nữ hiếm muộn, lại nói lên được khía cạnh này trong tính cách của Đức Chúa Trời. Nàng kêu cầu Đấng có thể sáng tạo ra thế giới từ hư không, Đấng mà mọi tế bào và nguyên tử đều phải chú ý đến khi được Ngài gọi tên. Nàng biết rằng hy vọng của mình chỉ nằm ở Đấng có tiếng nói mà cả trời và đất đều phải tuân theo. Nàng hiểu rằng mệnh lệnh của Chúa của các đạo binh sẽ và phải được thực hiện. Và điều đó đã xảy ra như lời nàng cầu xin.

Khi chúng ta gọi Cha Thiên Thượng của mình là “Đức Chúa Trời vạn quân” hay “Chúa của vạn vật”, có rất nhiều điều trong danh xưng đó. Vâng, có vô số đội quân thiên sứ tuân theo ý của Ngài, và vâng, Ngài là một chiến binh, dũng mãnh trong trận chiến, nhưng Ngài cũng là chỉ huy của dàn nhạc đẹp đẽ là toàn bộ sự sáng tạo. Mọi nguyên tử, mọi phân tử, đều chuyển động phù hợp với mục đích của Ngài và theo lệnh của Ngài. Ngài giữ vững muôn vật bằng lời quyền năng của Ngài.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: oneforisrael.org

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like