Home Dưỡng Linh Công Tác Môn Đồ Hóa – Phần 3: Những Sai Lầm Trong Công Tác Môn Đồ Hóa

Công Tác Môn Đồ Hóa – Phần 3: Những Sai Lầm Trong Công Tác Môn Đồ Hóa

by AdrianChua
30 đọc

Link bài đọc: https://youtu.be/EHQ7CRE7ZzA

Là Cơ-đốc nhân, chúng ta được kêu gọi hãy đi và môn đồ hóa muôn dân. Những lời cuối cùng của Chúa Giê-xu nói với chúng ta trong Ma-thi-ơ 28:19 là, “Hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta…” Nhiệm vụ rất rõ ràng.

Sự biến đổi bề ngoài so với bề trong

Ma-thi-ơ 23:25-27 – “Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là những kẻ đạo đức giả! Vì các ngươi rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy dẫy sự tham lam và phóng túng. Hỡi người Pha-ri-si mù quáng! Trước hết, phải rửa bên trong chén đĩa, để bên ngoài cũng được sạch. Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là những kẻ đạo đức giả! Vì các ngươi giống như những mồ mả tô trắng, bên ngoài có vẻ đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và mọi thứ ô uế.

Khi đào tạo môn đồ, nhiều người có xu hướng tập trung vào những thay đổi hành vi hơn là thay đổi cơ bản trong các giá trị cốt lõi. Tuy nhiên, nếu giá trị cốt lõi của chúng ta không thay đổi, thì không có gì thay đổi cả. Giá trị cốt lõi của chúng ta định hình con người bề trong của chúng ta. Nếu chúng ta không suy nghĩ theo Kinh Thánh, chúng ta không thể sống theo Kinh Thánh. Môn đồ hóa là một hành trình cứu chuộc chứ không phải là sự bó buộc của lối sống kỷ luật nghiêm khắc và cứng nhắc. Thay vì từ ngoài vào trong, những gì chúng ta cần là sự biến đổi từ trong ra ngoài.

Một trong những sai lầm phổ biến là nhầm lẫn giữa việc truyền thụ kiến thức (giảng dạy) với việc đào tạo môn đồ. Việc giảng dạy là quan trọng, nhưng môn đồ hóa không chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức, mà còn đòi hỏi sự kèm cặp. Chúa Giê-xu dạy dỗ dân chúng, nhưng Ngài chỉ môn đồ hóa mười hai sứ đồ. Các môn đồ có cơ hội và đặc ân để quan sát không chỉ đời sống của Chúa mình khi Ngài ở nơi công cộng mà còn cả đời sống riêng tư của Ngài nữa. Họ dùng bữa với Ngài, cầu nguyện với Ngài và hầu việc với Ngài. Chúa Giê-xu đồng đi cùng với các môn đồ của Ngài và truyền đạt không chỉ các kỹ năng trong chức vụ mà còn cả các nguyên tắc sống.

Đối với nhiều người, ý tưởng về việc môn đồ hóa có thể chỉ đơn thuần là tìm cách để được tham dự “lớp học môn đồ hóa” tiếp theo, các buổi hội thảo hoặc lớp bồi linh của Cơ-đốc giáo. Mục tiêu của chúng ta trong việc đào tạo môn đồ không phải là việc các video giảng dạy của chúng ta được tăng lượng xem hoặc tải về, mà là sự biến đổi. Môn đồ hóa không phải là một chương trình cũng không phải là một cấu trúc, đó là một lối sống. Chúa Giê-xu đã không vạch ra chiến lược hoặc phát triển một chương trình đào tạo môn đồ. Ngài làm mẫu cho việc môn đồ hóa như một lối sống. Để việc đào tạo môn đồ có hiệu quả, nó phải vừa có chủ đích vừa có tính liên hệ. Về bản chất, việc môn đồ hóa trong đời thực có thể đơn giản là diễn ra trong một bữa ăn, trong phòng nhóm hoặc trong lớp học trường Chúa Nhật, điều này có thể diễn ra ở bất cứ đâu.  

Kiến thức tích lũy so với kiến thức ứng dụng

1 Cô-rinh-tô 8:1-2 – “Sự hiểu biết sinh kiêu căng, còn tình yêu thương thì xây dựng.

Lẽ thật không phải tự nhiên mà buông tha chúng ta; lẽ thật phải được áp dụng thì mới giải phóng chúng ta. Thế hệ này không chỉ kinh nghiệm nạn đói lẽ thật, mà chúng ta còn thiếu đi sự ứng dụng nữa.

Giảng dạy chỉ là một phần của quá trình cần thiết; biến đổi mới là mục tiêu và trọng tâm của chúng ta. Chúng ta có xu hướng cho rằng kiến thức tạo ra sự trưởng thành. Đúng vậy, chúng ta cần thời gian và kiến thức để trưởng thành, tuy nhiên, sự trưởng thành thuộc linh không phải được đo bằng thời gian hay kiến thức đơn thuần, mà được đo bằng sự biến đổi của chúng ta. Và chính kiến thức được áp dụng sẽ mang lại sự biến đổi. Kiến thức không thay đổi đời sống – áp dụng được kiến thức đã học mới thay đổi đời sống. Mục tiêu không phải là biết nhiều, mà là làm được gì đó với những gì chúng ta biết, để cho Lời Chúa có uy quyền và nắm giữ đời sống của chúng ta. Không phải chỉ giỏi Kinh Thánh, mà còn phải để Lời Chúa làm chủ chúng ta. Không chỉ được lập vững nền trong Lời Chúa mà chúng ta còn có thể giải nghĩa hoặc khuyên nhủ người khác bằng Lời Chúa, nhưng quan trọng hơn hết là đời sống của chúng ta được Lời Chúa điều khiển và dẫn dắt.

Sự nhân bội so với sự trưởng thành thuộc linh

Cô-lô-se 1:28-29 – “Chúng tôi truyền giảng Chúa Cứu Thế, dùng tất cả sự khôn ngoan để cảnh cáo mọi người, dạy dỗ mọi người, ngõ hầu chúng tôi trình diện mọi người cho Đức Chúa Trời như những người trưởng thành trong Chúa Cứu Thế. Nhằm mục đích ấy, tôi đang lao khổ đấu tranh, nhờ tất cả quyền năng của Ngài đang tác động mạnh mẽ trong tôi.” (NVB)

Ga-la-ti 4:19-20 – “Các con của ta ơi, vì các con mà ta lại phải chịu đau đớn của sự sinh đẻ cho đến khi Đấng Christ thành hình trong các con…

Nhân cách tốt được hình thành trong chúng ta khi Đấng Christ được hình thành trong chúng ta. Do đó, việc hình thành tính cách là một phần quan trọng của công tác đào tạo môn đồ. Một trong những sơ suất lớn nhất trong công tác môn đồ hóa là bỏ qua việc hình thành nhân cách như vậy.

Chúa Giê-xu đã có một thời gian thi hành chức vụ ngắn ngủi chỉ ba năm. Trong ba năm này, Ngài đã phó chính mình Ngài cho một công việc chính. Theo đúng nghĩa đen, Ngài đã dành cả đời mình vào việc môn đồ hóa mười hai người và trang bị cho họ một lối sống môn đồ hóa. Đáng buồn thay, nhiều mục sư đã từ bỏ lời kêu gọi trang bị cho nhân sự của mình để họ cũng có thể đi ra và môn đồ hóa người khác. Chúng ta bận rộn với công việc rao giảng, giảng dạy kiến thức, v.v., mà bỏ quên một khía cạnh quan trọng của sự kêu gọi trong chức vụ của chúng ta – nhiệm vụ môn đồ hóa.

Lời kêu gọi để thực hiện công tác môn đồ hóa chủ yếu là dạy dân sự hãy chú tâm vào Vua thay vì tập trung vào việc phát triển Vương-quốc. Khi chúng ta ở trong Vua, Vương-quốc sẽ phát triển. Môn đồ hóa đích thực sẽ sản sinh ra những con người đào tạo môn đồ có chủ đích.

Giăng 15:5 – “Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được.

Ở trong Đấng Christ là chìa khóa cho Đại Mạng Lệnh môn đồ hóa muôn dân. Nhiệm vụ phải ở trong Ngài và đến dưới thẩm quyền của Ngài là nền tảng cho sứ mệnh sản sinh ra các môn đồ. Nếu chúng ta bỏ qua nhiệm vụ ở trong Chúa Giê-xu và tiếp tục nhấn mạnh sự nhân lên về số lượng hơn là sự trưởng thành thuộc linh – thì chúng ta thỏa hiệp với trách nhiệm của mình và lời kêu gọi thực hiện Đại Mạng Lệnh.

Sản sinh bông trái so với quy trình thực hiện

Chúng ta sản sinh ra những người giống như chúng ta (hãy nhớ rằng mọi loài sống sẽ sinh sôi nảy nở tùy theo loại của nó; điều này đúng cả trong tự nhiên lẫn khía cạnh thuộc linh). Vì vậy, chìa khóa ở đây không chỉ đơn thuần là cố gắng khiến ai đó trở thành một môn đồ tốt; mà chính bản thân người đi môn đồ hóa người khác phải là một môn đồ tốt. Khi người đào tạo môn đồ cam kết trở thành một môn đồ thật sự của Chúa Giê-xu, thì họ sẽ tạo ra những môn đồ đích thực giống như họ. Ngược lại, nếu những người này có được quy trình tốt nhất (giáo trình giảng dạy và tài liệu tốt nhất) nhưng họ không phải là môn đồ thật sự, thì họ cũng sẽ làm hỏng toàn bộ quy trình; hoặc tệ hơn, họ sẽ sản sinh ra những môn đồ giống như họ! Do đó, khủng hoảng về công tác đào tạo môn đồ là khủng hoảng về chất lượng của những người đi ra môn đồ hóa cho người khác.

Môn đồ hóa hướng đến con người hơn là chương trình được định hướng và do đó chúng ta là ai quan trọng hơn những gì chúng ta làm. Chất lượng đời sống của chúng ta quyết định chất lượng cố vấn của chúng ta. Nếu chúng ta không phải là một tấm gương tốt, thì những lời khuyên của chúng ta dành cho người khác cũng không được tích cực. Dawson Trotman, người sáng lập mục vụ The Navigators, đã nhắc nhở các lãnh đạo trong mục vụ của mình thế này, “Không phải là việc chúng ta môn đồ hóa được bao nhiêu người, mà vấn đề ở đây là những người mà chúng ta đào tạo đó là người như thế nào.”

Chúng ta cần để Chúa bước vào đời sống của mình trước khi chúng ta có thể bước vào đời sống của người khác và có những bước đột phá một cách hiệu quả cho Vương-quốc của Ngài.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like