Home Dưỡng Linh Công Tác Môn Đồ Hóa – Phần 2: Tại sao chức vụ môn đồ hóa lại bị lãng quên?

Công Tác Môn Đồ Hóa – Phần 2: Tại sao chức vụ môn đồ hóa lại bị lãng quên?

by AdrianChua
30 đọc

Link bài đọc: https://youtu.be/u0im5ZsiP18

Công-vụ 11:25-26 – “Sau đó, Ba-na-ba đi đến Tạt-sơ để tìm Sau-lơ; khi tìm được rồi, ông đưa Sau-lơ đến thành An-ti-ốt. Hai người nhóm họp với Hội Thánh và dạy dỗ nhiều người trong suốt một năm. Chính tại An-ti-ốt, người ta bắt đầu gọi các môn đồ là Cơ-đốc nhân.

“Cơ-đốc nhân” hay “môn đồ của Đấng Christ” là những từ đồng nghĩa. Công tác môn đồ hóa tổng hợp kế hoạch của Đấng Christ cho thế gian, nhưng đáng buồn thay, đó là một khía cạnh thiết yếu của Đại Mạng Lệnh mà hầu hết các hội thánh đã bỏ qua. Chúng ta đã đánh mất nghệ thuật đào tạo môn đồ. Nhiều Cơ-đốc nhân chân thành ngày nay có thể có mong muốn hoàn thành nhiệm vụ của Đại Mạng Lệnh, tức là thu nhận các môn đồ, nhưng phải vật lộn trong việc tìm ra con đường để thực hiện điều đó.

Giống như hai cánh của một chiếc máy bay, cả hai yếu tố của Đại Mạng Lệnh đều quan trọng như nhau—tiếp cận và giảng dạy. Hội-thánh nhấn mạnh đến sự tiếp cận những người hư mất và làm chứng về Chúa cho họ nhưng lại bỏ bê việc dạy dỗ họ trở thành những môn đồ của Chúa Cứu Thế cũng đã chểnh mảng trong việc thực hiện Đại Mạng Lệnh.

Những điều được thêm vào và những điều cơ bản

Nhiều người có xu hướng coi việc đào tạo môn đồ chỉ là một chức vụ bổ sung trong Hội-thánh thay vì là nền tảng cơ bản của Hội-thánh. Hơn nữa, với họ việc đào tạo môn đồ thường tốn nhiều thời gian và không mấy quan trọng, lại mất nhiều thời gian để mang lại kết quả, cũng như rất khó đo lường mức độ thành công của công việc. Sống trong một nền văn hóa mì ăn liền, chúng ta đã hướng đến sự phát triển của Hội-thánh dựa trên kết quả và kết quả. Do đó, chúng ta có xu hướng tập trung vào tốc độ hơn là phương hướng (nơi Chúa muốn chúng ta đến) và hiệu quả hơn là thiên mệnh.

Chúng ta bị mê hoặc bởi hội chứng thành công hoặc con đường phát triển nhanh chóng, hơn là đi theo quy trình tẻ nhạt và công tác môn đồ hóa tốn nhiều thời gian. Kết quả là, chúng ta thỏa hiệp giữa việc quan trọng với việc cấp thiết. Công tác môn đồ hóa không phải là ưu tiên của chúng ta vì chúng ta bị phân tâm để đặt điều thứ yếu lên trước trong khi chúng ta nên đặt điều quan trọng nhất lên hàng đầu, do đó, thiếu đi mục đích cứu chuộc chính của Đức Chúa Trời dành cho Hội-thánh. Trọng tâm của vấn đề là, chúng ta thiếu niềm tin cốt lõi trong Kinh Thánh đối với công tác môn đồ hóa, dẫn đến làm việc thiếu chủ ý. Do đó, công tác môn đồ hóa bị đưa vào hàng dự bị trong thứ tự ưu tiên.

Đôi khi, chúng ta có thể đặt câu hỏi liệu việc đào tạo môn đồ có đáng không khi chúng ta chứng kiến những người mà chúng ta đã môn đồ hóa thất bại nặng nề, mặc dù chúng ta đã đầu tư rất nhiều vào họ. Hãy nhớ rằng, ngay cả các môn đồ của Chúa Giê-xu cũng từng thất bại. Giu-đa đã không đi được đến cùng và Phi-e-rơ cũng mắc sai lầm lớn. Môn đồ hóa là một chức vụ dễ gây nản lòng, và xã hội thiếu kiên nhẫn, có xu hướng chỉ chăm chăm vào kết quả của chúng ta coi sự thất vọng là điều cần phải tránh.

Môn đồ hóa đòi hỏi nỗ lực và thời gian tốn kém, đôi khi điều này cũng gây đau đớn và cần một sự kết ước lâu dài đối với các cá nhân. Các Cơ-đốc nhân trong xã hội phát triển nhanh chóng này thường miễn cưỡng thực hiện những cam kết như vậy. Để phục hồi công tác môn đồ hóa chân chính trở lại Hội-thánh, trước hết, lòng yêu Chúa và yêu người phải được phục hồi trong tấm lòng của chúng ta để việc đào tạo môn đồ trở thành một niềm đam mê thay vì chỉ là bổn phận.

Trong cuốn sách “Unclutter Your Life”của mình, (tạm dịch là : “Làm Cho Ngăn Nắp Đời Sống Của Bạn”), Katherine Gibson đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc. Cô ấy viết, “Trước tiên hãy làm cho ngăn nắp, sau đó mới sắp đặt lại đời sống của bạn – nếu không bạn có thể rơi vào cái bẫy của việc sắp xếp lộn xộn.”

Chúng ta phải học cách “chú tâm vào những việc lớn lao”, chứ không phải “chuyên về những việc nhỏ nhặt”. Đáng buồn thay, nhiều Cơ-đốc nhân lại quan niệm rằng sự thành công của một hội thánh được đo bằng quy mô của hội thánh đó. Ở đây, chúng tôi không chỉ trích những hội thánh lớn và tán dương những hội thánh nhỏ. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng chúng ta có thể phát triển theo quy mô mà không phát triển được chiều sâu, và do đó bỏ lỡ sứ mệnh của Đức Chúa Trời dành cho Hội-thánh. Quy mô của một hội thánh không nhất thiết phải là chỉ số để đánh giá sự thành công hay khả năng sản sinh bông trái của hội thánh. Nếu chức vụ môn đồ hóa bị thiếu trong quá trình tăng trưởng của hội thánh, thì đó có thể chỉ là một ảo tưởng về sự thành công.

Chủ nghĩa tiêu dùng & tính xác thịt so với sự tận hiến

Chúng ta đang sống trong thời đại của chủ nghĩa tiêu dùng, một xã hội mà ai cũng tập trung vào quyền lợi, sự lựa chọn và sự thuận tiện của mình. Đáng buồn thay, linh của chủ nghĩa tiêu dùng cũng đã ngấm vào Hội-thánh một cách tinh vi. Chúng ta đến nhà thờ với mong đợi một chương trình hay, phần thuyết giảng đầy cảm hứng, âm nhạc tuyệt vời và chương trình dành cho trẻ em, v.v. Chúng ta muốn tận hưởng tất cả những điều này đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của mình bằng cách không để ai can thiệp vào đời sống cá nhân của chúng ta. Vì lý do này, nhiều Cơ-đốc nhân đang sống cuộc sống hai mặt, có vẻ tốt đẹp khi ở nơi công cộng, trong khi phía sau cánh cửa phòng họ phải tranh chiến với tội lỗi giấu kín, những nan đề nghiêm trọng hoặc sự chán nản trong cuộc sống riêng tư và nội tâm của mình mà không ai trong nhà thờ biết đến.

Hơn nữa, chúng ta đã được dạy và tin rằng chúng ta có thể trở thành một Cơ-đốc nhân mà không cần trở thành một môn đồ của Đấng Christ. Đây là phúc âm mặc định. Việc đào tạo môn đồ quá khó, đòi hỏi nhiều thứ và do đó chúng ta chọn các chương trình đào tạo môn đồ đơn giản và dễ dàng phù hợp với cơ cấu của hội thánh. Đáng buồn thay, điều đó thường trở thành một cơ cấu tổ chức không có chiều sâu mối quan hệ và tình yêu. Chúng ta chỉ thêm chức vụ môn đồ hóa vào cơ cấu hội thánh thay vì biến công tác môn đồ hóa trở thành một lối sống. Chúng ta đặt Chúa Giê-xu Christ vào trong lịch trình bận rộn của mình, hầu việc Ngài bằng môi miệng thay vì đặt Ngài làm Chúa của cuộc đời mình và quyết định lịch trình của chúng ta.

Nếu chúng ta chỉ gói gọn việc đào tạo môn đồ thành các chương trình và tài liệu đơn thuần, thì chúng ta chỉ đang thực hiện chức vụ tái chế chứ không phải là đào tạo môn đồ. Môn đồ hóa không phải chỉ là một chương trình tốt, một giáo trình tốt, một tài liệu tốt, mà là để tạo ra một môn đồ tốt và đích thực. Môn đồ hóa là “cuộc đời sống động”. Trên thực tế, những tài liệu hay cũng chẳng mang lại lợi ích gì nếu người sử dụng không tiếp thu giá trị của chúng một cách cá nhân. Chúng ta sản sinh ra những con người giống như chúng ta và một số điều trong cuộc sống nếu nắm bắt được thì vẫn tốt hơn là được dạy lại. Chúng ta không được kêu gọi để chỉ chuyển giao kiến thức; chúng ta được kêu gọi để biến đổi đời sống.

Chúng ta được thế gian này kèm cặp và môn đồ hóa nhiều hơn là được Lời Chúa dạy dỗ và do đó chúng ta có xu hướng trở nên giống như thế gian. Bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn hóa của chúng ta, thế giới quan và giá trị của chúng ta không khác gì những người ngoại đạo. Chúng ta đã đánh mất thế giới quan trong Kinh Thánh!

Sự kỷ luật không thể tách rời khỏi môn đồ hóa. Thật không may, kỷ luật là điều mà các môn đồ thời hiện đại cần nhất nhưng lại không muốn có nhất. Trên thực tế, chúng ta quá bận rộn, bận rộn một cách bắt buộc, nhưng vẫn nghiện và yêu thích lối sống bận rộn này.

Cơ-đốc nhân và chức vụ môn đồ hóa

Lời kêu gọi đến với sự cứu rỗi cũng giống như lời kêu gọi để trở thành môn đồ. Thuật ngữ “Cơ-đốc nhân” (có nghĩa là “người thuộc về Đấng Christ”) và từ “Cơ-đốc nhân” này được sử dụng lần đầu tiên là trong Công-vụ 11:26, “Chính tại An-ti-ốt, người ta bắt đầu gọi các môn đồ là Cơ-đốc nhân.”

Các môn đồ đầu tiên đều là Cơ-đốc nhân. Vì vậy, các từ “Cơ-đốc nhân” và “môn đồ” đồng nghĩa với nhau, không có sự khác biệt giữa một Cơ-đốc nhân và một môn đồ. Thật không may, ngày nay chúng ta có nhiều Cơ-đốc nhân nhưng ít môn đồ. Với mong muốn giành được linh hồn cho Đấng Christ, chúng ta thường thoả hiệp và đưa ra một Chúa Giê-xu mềm mại hơn, thoải mái và dễ tính hơn để người ta chịu tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của họ.  Một cách thuận tiện, chúng ta pha loãng Phúc Âm để phù hợp với khẩu vị của nền văn hóa chúng ta. Bởi vì chúng ta không muốn bị gọi là những người cực đoan, chúng ta loại bỏ những phần khó mà có thể khiến người ta sợ và ngại mà bỏ hội thánh. Đây là một cái bẫy mà ai cũng dễ rơi vào. Chúng ta giảm bớt những kỳ vọng của Phúc Âm thành chỉ đơn giản là tin Chúa, không bao gồm quyền làm Chúa của Ngài và lòng trung thành bắt buộc phải có. Chúng ta rao giảng một phúc âm nói rằng chúng ta có thể tin vào Chúa Giê-xu và vẫn có thể tiếp tục là người làm chủ cuộc đời mình. Tuy nhiên, sự thật là, nếu Chúa Giê-xu không phải là Chúa của tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống bạn, thì Ngài cũng không phải là Chúa của bạn!

A.W. Tozer đã nói một cách khéo léo thế này, “Cơ-đốc giáo đã được pha loãng cho đến khi trở nên nhạt nhẽo đến nỗi nếu nó là chất độc thì sẽ không làm tổn hại ai, còn nếu nó là thuốc, thì cũng không chữa lành được cho ai cả.

Việc đào tạo môn đồ không phải chỉ là một sự kêu gọi hay ân tứ đặc biệt của Thánh Linh dành cho một vài thánh đồ; mà đó là một lối sống vâng phục được mong đợi của toàn thể gia đình Đức Chúa Trời – một minh chứng sống động về chức thầy tế lễ của mọi tín hữu. Thật không may, chính chức vụ thiết yếu này lại bị bỏ quên nhiều nhất.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like