Hê-nóc là một nhân vật trong Cựu Ước mà chúng ta không có nhiều thông tin về ông, nhưng những chi tiết mà chúng ta được biết khiến ông ấy thực sự nổi bật. Hê-nóc được đề cập một lần trong danh sách các tổ phụ trong Cựu Ứớc và hai lần trong các thư tín của Tân Ước, với rất ít chi tiết về đức tin của ông nhưng cũng đủ gợi ý rằng ông ấy có mối quan hệ rất đặc biệt với Đức Chúa Trời. Dưới đây là những gì chúng ta biết về Hê-nóc và tại sao ông ấy lại là một nhân vật quan trọng đến thế.
Hê-nóc là ai trong Kinh Thánh?
Theo Sáng-thế Ký, Hê-nóc là một trong những hậu duệ của A-đam, không phải từ Ca-in hay A-bên mà là từ con trai thứ ba của A-đam và Ê-va, Sết. Cụ thể, Hê-nóc là chắt đời thứ tư của Sết, và cũng là ông cố của Nô-ê. Trong thời đại mà người ta có thể sống khỏe mạnh được cả thế kỷ và Đức Chúa Trời vẫn chưa đặt ra giới hạn 120 năm cho đời người (Sáng-thế 6:3), Hê-nóc trở thành cha năm 65 tuổi và sống trên đất thêm 365 năm (Sáng-thế 5:23 ). Sáng-thế Ký 5 cũng nói rằng Hê-nóc không chết: ông “cùng đi với Đức Chúa Trời, rồi biến mất, vì Đức Chúa Trời đón ông đi”(Sáng-thế 5:24).
Lu-ca đề cập đến Hê-nóc trong gia phả của Chúa Giê-xu (Lu-ca 3:37), được liệt kê cho đến A-đam. Hê-bơ-rơ 11 đề cập đến Hê-nóc trong danh sách “người xưa”, tổ tiên của dân Y-sơ-ra-ên được khen ngợi vì đức tin tuyệt vời của họ. Sách Hê-bơ-rơ cũng làm rõ rằng Đức Chúa Trời “đã tiếp ông lên” không phải là một cách diễn đạt rằng Hê-nóc qua đời và được lên thiên đàng mà thực sự là ông đã được tiếp lên khi đang còn sống. Ông không chết, và đối với gia đình, ông cũng không mất tích một cách bí ẩn. “Hê-nóc được cất lên và không trải qua sự chết… Bởi trước khi được tiếp lên, ông được chứng nhận là đã sống hài lòng Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 11:5-6).
Bên ngoài Kinh Thánh chính thống, có ít nhất ba cuốn sách cổ được cho là của Hê-nóc. Những cuốn sách này thường được liệt kê là một phần của ngụy thư (Pseudepigrapha, hay các bản văn tiếng Do Thái nằm ngoài Kinh Thánh) :
· Sách Hê-nóc (hay 1 Hê-nóc)
· Bí mật của Hê-nóc (hay 2 Hê-nóc)
· Sách Hê-bơ-rơ của Hê-nóc (hay 3 Hê-nóc, cũng như nhiều cái tên khác nữa)
Hầu hết các học giả (và trên thực tế, là phần lớn các Cơ-đốc nhân trong suốt lịch sử) đều cho rằng ba cuốn sách này không thuộc Kinh Thánh vì không phải là do Thánh Linh soi dẫn, mặc dù có thể có một vài lẽ thật trong đó. Giu-đe 1:14-15 có nhắc đến một giai thoại mà dường như là được trích dẫn từ sách 1 Hê-nóc, nơi mà Hê-nóc nói tiên tri rằng ông thấy Đức Chúa Trời đến với “muôn vàn đấng thánh của Ngài” để phán xét và cáo trách những người tội lỗi. Thật khó để nói liệu Giu-đe có coi 1 Hê-nóc là một phần của Kinh Thánh không hay ông chỉ tin vào một phân đoạn cụ thể này. Vì sự tham chiếu này của Giu-đe, mà nhiều hội thánh đầu tiên đã coi 1 Hê-nóc là một phần của Kinh Thánh trước khi Kinh Thánh chính thức được quyết định vào thế kỷ thứ ba. Một số sửa đổi về giáo luật đã diễn ra sau đó, đặc biệt là khi những người Tin Lành và Công Giáo tranh luận về việc phải làm gì với các kinh ngụy tác (Apocrypha) này. Tuy nhiên, ngoài Nhà-thờ Chính-thống giáo Ethiopia, thì không có giáo phái nào tin rằng sách 1 Hê-nóc là được Đức Chúa Trời soi dẫn.
Chúng ta biết gì về Hê-nóc?
Giống như nhiều cái tên khác trong Kinh Thánh thực sự chỉ được đề cập trong gia phả, chúng ta không có quá nhiều chi tiết về cuộc đời của Hê-nóc. Chúng ta chỉ biết được những điều cơ bản (như ông sống được bao lâu, cha và con cháu của ông là ai) và sự thật đáng ngạc nhiên là ông dường như đã được cất lên một cách trực tiếp. Hê-nóc là một trong hai người duy nhất được đề cập trong Kinh Thánh là không kinh nghiệm sự chết tự nhiên, người còn lại là tiên tri Ê-li (xem 2 Các-vua 2).
Dựa trên sự kiện Đức Chúa Trời trực tiếp đón Hê-nóc đi và cách mà Hê-bơ-rơ 11 mô tả ông là một trong những ‘người xưa’ được khen ngợi về đức tin của họ, chúng ta có thể nói rằng ông có mối quan hệ độc nhất với Đức Chúa Trời. Hê-bơ-rơ 11 mô tả đức tin của những người xưa này là sự xác quyết về những điều họ đang hy vọng, là bằng chứng của những điều họ chẳng xem thấy (Hê-bơ-rơ 11:1). Kinh Thánh đặc biệt nhóm ông với Áp-ra-ham và những người xưa khác, những người “là kiều dân và lữ khách trên đất” (Hê-bơ-rơ 11:13) vì họ tìm kiếm quê hương trên trời là xứ đích thực của mình.
Chúng ta cũng biết rằng Hê-nóc xuất thân từ một dòng dõi của những người phụng sự Đức Chúa Trời. Tổ phụ ông, Sết, là con trai út của A-đam, và do đó không phải là người mà bạn mong đợi sẽ được coi là người thừa kế của A-đam. Tuy nhiên, Kinh Thánh mô tả Sết, con trai của A-đam “hình dạng giống như ông, gương mặt giống hệt ông” (Sáng-thế 5:3, BD2011), và dòng dõi của A-đam sau này được tính qua Sết thay vì Ca-in. Hàm ý rằng Sết là một người công chính, người kế thừa các di sản thuộc linh thực sự của A-đam. Sau này trong dòng họ có Nô-ê, hậu duệ của Hê-nóc, cũng được biết đến với sự công bình. Trong thời đại mà loài người trở nên gian ác đến nỗi Đức Chúa Trời quyết định bắt đầu lại tất cả, thì Nô-ê lại là “một người công chính và trọn vẹn [giữa những người sống cùng thời với ông]” (Sáng-thế 6:9). Sau này, dòng dõi ra từ Hê-nóc cũng bao gồm Áp-ra-ham, dân tộc Y-sơ-ra-ên và chính Chúa Giê-xu. Với dòng dõi cao quý đó, thật vinh dự khi Hê-nóc là người duy nhất trong gia đình ông (không tính các hậu duệ sau này là Ê-li và Chúa Giê-xu) được tiếp thẳng lên trời.
Tại sao Đức Chúa Trời không để cho Hê-nóc hay Ê-li chết?
Thật khó nói tại sao Hê-nóc và Ê-li được đối xử đặc biệt đến như vậy. Kinh Thánh gợi ý rằng đức tin tuyệt vời của Hê-nóc là lý do tại sao Đức Chúa Trời đón ông đi. Nhiều người trong chúng ta sẽ không mô tả Ê-li là người có đức tin tuyệt vời, vì ông đã trải qua sự nghi ngờ lớn sau khi bị hoàng hậu Giê-sa-bên dọa giết (1 Các-vua 19). Tuy nhiên, Ê-li đã hầu việc Đức Chúa Trời cách trung tín trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, nghi ngờ và những giai đoạn khó khăn đó không làm mất đi đức tin của ông. Giống như Hê-nóc, Ê-li có đức tin vào những điều mà ông không thể nhìn thấy, có lẽ đặc biệt là trong đợt hạn hán kéo dài ba năm khi ông phải tin cậy Đức Chúa Trời để có thức ăn. Có điều gì đó mới mẻ về sự thật rằng những nghi ngờ của Ê-li không khiến ông bị loại mà cùng với Hê-nóc, ông được vinh danh vì đức tin của mình.
Một lý do khác khiến Đức Chúa Trời chọn Hê-nóc và Ê-li có thể là vì Ngài có một kế hoạch dành riêng cho họ. Nhiều học giả tin rằng hai nhân chứng được đề cập trong Khải-huyền 11 trên thực tế sẽ là Hê-nóc và Ê-li. Những nhân chứng này được mô tả là sẽ nói tiên tri trong 1.260 ngày và có thể làm những điều kỳ diệu như ngăn mưa không rơi xuống và biến nước thành máu (Khải-huyền 11:3-6). Cuối cùng, hai nhân chứng này sẽ bị giết nhưng sẽ được sống lại và lên trời (Khải-huyền 11:7-12). Các học giả đưa ra nhiều lý do tại sao Hê-nóc và Ê-li (chứ không phải Môi-se và Ê-li) mới là hai nhân chứng, một trong những lý do đó là các phép lạ của nhân chứng này tương tự như phép lạ của Ê-li đã từng làm (đóng trời lại, để cho trời không mưa trong những ngày mình nói tiên tri). Tuy nhiên, lập luận chính là Hê-bơ-rơ 9:27 nói rằng con người được định “phải chết một lần, rồi chịu phán xét.” Câu nói này dường như đề cập đến toàn thể nhân loại và cụm từ này là một phần để mô tả về cách mà Con Người Giê-xu đã chết một lần vì tội lỗi của cả nhân loại. Vì vậy, lập luận cho rằng để cái chết của Chúa Giê-xu bao trùm toàn thể nhân loại, thì cuối cùng Hê-nóc và Ê-li cũng phải chết một lần về mặt thể xác.
Hê-nóc và Ê-li (hay Môi-se và Ê-li) có phải là hai nhân chứng hay không, chúng ta sẽ được biết khi sự đó đến. Tuy nhiên chúng tôi muốn cung cấp cho các bạn tất cả những lý thuyết và lập luận từ các học giả để tham khảo và các bạn có thể có được câu trả lời cho riêng mình khi nhận được sự mặc khải từ chính Chúa.
Phụ lục: Những sự thật thú vị về Hê-nóc Ông không phải người đầu tiên mang tên Hê-nóc. Sáng-thế Ký đề cập đến hai người đàn ông tên là Hê-nóc: người thứ nhất là con trai của Ca-in, được đề cập trong Sáng-thế Ký 4. Khi chúng ta biết rất ít về Hê-nóc nổi tiếng này, chúng ta thậm chí lại còn biết ít hơn về nhân vật Hê-nóc được sinh ra trước của ông. Chi tiết duy nhất mà chúng ta thực sự có được về ông ấy là cha của ông là Ca-in đã xây dựng một thành phố và đặt tên thành đó theo tên ông ấy (Sáng-thế Ký 4:17). Hê-nóc đầu tiên này sẽ có một người con trai tên là Y-rát, và nhiều con cháu khác đã ra đời sau đó trước trận lụt lớn. Sự ra đi sớm của ông ấy có thể là một thất vọng đối với gia đình ông. Mặc dù Hê-nóc không chết, nhưng điều thú vị là ông chỉ sống được 365 năm trên đất, khá ngắn so với những người còn lại trong gia đình. Sáng-thế Ký 5 cho thấy cha của ông là Giê-rệt đã sống được 800 tuổi, và con trai ông là Mê-tu-sê-la là người sống lâu nhất được Kinh Thánh ghi lại là 969 tuổi. Vì vậy, Hê-nóc là người có số năm sống trên đất rất thấp trong thang tuổi thọ của gia đình mình nhưng có đặc điểm nổi bật là không bao giờ chết. Điều này chỉ cho bạn thấy rằng bạn không cần phải thi đua với những người khác trong gia đình để tạo ấn tượng. |
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: crosswalk.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com