Giê-ru-sa-lem và Chúa Jesus Người Do Thái (Tiếp theo)
Đôi khi người ta thắc mắc tại sao Chúa Jesus lại là người Do Thái, và liệu đó có phải chuyện tình cờ hay không. Có thể nào Đấng Cứu Rỗi của thế giới là một người Ý, một người Ả Rập, một người Trung Quốc hoặc một người da đen, hoặc thậm chí là một người Hà Lan – như bản thân tôi là người Hà Lan? Việc Ngài phải trở thành con người để cứu rỗi nhân loại vẫn chưa đủ sao? Nhiều người nghĩ rằng việc Ngài là người Do Thái chỉ là vấn đề thứ yếu. Và khi người ta nhìn vào tranh ảnh, tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc, hình vẽ và các loại hình nghệ thuật khác, trong nhiều trường hợp, Ngài thậm chí không trông giống một người Do Thái. Đôi khi Ngài trông giống như một Apollo của Hy Lạp, một người da đỏ Nam Mỹ, một người da đen hoặc một người Trung Quốc – và nhiều người không có vấn đề gì với điều đó. Quan điểm của họ là bởi vì điều quan trọng nhất là Ngài trở thành con người, nên người ta có thể miêu tả Ngài thế nào tùy ý. Vì vậy, người ta sẽ miêu tả Ngài theo cách mà mọi người từ khắp nơi trên thế giới có thể đồng nhất với Ngài. Vậy tại sao Chúa Jesus lại là người Do Thái?
Những điều kiện nào theo Kinh Thánh phải được đáp ứng để Đấng Cứu Rỗi được sinh ra? Phao-lô viết trong Ga-la-ti 4:4 “…Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến, do một người nữ sinh ra, sinh ra dưới luật pháp…” Như vậy, Phao-lô nói hai điều về Ngài. Thứ nhất, vào thời điểm đã định, Chúa Jesus sẽ được sinh ra bởi một người nữ, và thứ hai Ngài sẽ sinh ra dưới ‘Torah’, dưới Luật pháp.
Điều quan trọng nhất là Ngài phải được sinh ra bởi một người nữ. Tại sao điều này lại quan trọng, và nó có ý nghĩa gì? Ngài chắc chắn phải được sinh ra từ dòng dõi của một người nữ – Sáng thế ký 3:15 “…Ta sẽ làm cho mầy và người nữ, dòng dõi mầy và dòng dõi người nữ thù nghịch nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người…” Nhưng điều đó là hiển nhiên, vì mọi người đều là do người nữ sinh ra. Nhưng đây cũng là một bí ẩn, bởi vì ở đây không hề đề cập đến dòng dõi của người nam. Hội Thánh đã dạy rằng đây là sự liên hệ đầu tiên trong Kinh thánh về một nữ đồng trinh sinh con. Nhưng Ê-va sống rất lâu trước thời Áp-ra-ham, và do đó cũng là rất lâu trước thời Y-sơ-ra-ên và sự xuất hiện của người Do Thái trong lịch sử. Như vậy, người nữ này, từ dòng dõi của mình một ngày nào đó sẽ sinh ra Đấng Cứu Rỗi của thế giới, về nguyên tắc thì có thể là bởi bất kỳ người nữ nào trên đất này.
Nhưng rõ ràng Ngài cũng phải được sinh ra dưới ‘Torah’, tức là dưới Luật pháp, do đó dưới Giao ước của Luật pháp. Giao ước này được thiết lập với Y-sơ-ra-ên trong hoang mạc trong cuộc Xuất hành Vĩ đại, khi Môi-se dẫn dân tộc này ra khỏi ách nô lệ của Ai Cập tiến vào miền đất hứa. Tại núi Si-nai, Đức Chúa Trời hiện ra với Môi-se và ban Luật pháp cho ông, và dân Y-sơ-ra-ên đã bước vào vào mối quan hệ của Giao ước này với Đấng Toàn năng qua Môi-se, Xuất Ê-díp-tô Ký 19:3-7 “…Môi-se lên gặp Đức Chúa Trời. Từ trên núi, Đức Giê-hô-va gọi ông và phán: “Con hãy nói với nhà Gia-cốp, và bảo với con dân Y-sơ-ra-ên thế nầy: ‘Các con đã thấy điều Ta làm cho người Ai Cập, Ta đã chở các con trên cánh đại bàng, và dẫn các con đến với Ta như thế nào. Vậy bây giờ, nếu các con thật lòng vâng lời Ta và giữ giao ước Ta thì trong tất cả các dân tộc, các con sẽ là tài sản riêng của Ta; dù cả thế gian đều thuộc về Ta. Các con sẽ trở thành một vương quốc thầy tế lễ và một dân tộc thánh cho Ta.’ Đó là những lời con phải nói lại với con dân Y-sơ-ra-ên.” Vậy Môi-se đến và gọi các trưởng lão trong dân chúng lại, thuật cho họ mọi lời Đức Giê-hô-va đã truyền dặn mình…” và Xuất Ê-díp-tô Ký 24:3-4 “…Khi Môi-se đến và thuật lại cho dân chúng mọi lời phán và các luật lệ của Đức Giê-hô-va, dân chúng đồng thanh đáp rằng: “Chúng tôi sẽ thi hành mọi lời Đức Giê-hô-va đã phán truyền.” Môi-se ghi lại mọi lời của Đức Giê-hô-va. Ông dậy sớm, xây một bàn thờ ở chân núi và dựng mười hai trụ đá tượng trưng cho mười hai bộ tộc Y-sơ-ra-ên…” Vậy, Giao ước Luật pháp đã được thiết lập với Y-sơ-ra-ên.
Và điều thiết yếu thứ ba đối với Ngài là Ngài phải sinh ra với tư cách là Con Vua Đa-vít, và do đó làm ứng nghiệm lời hứa của sứ thần Gáp-ri-ên trong Lu-ca 1:26-35 “…Vào tháng thứ sáu, Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến thành Na-xa-rét, thuộc miền Ga-li-lê, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người nam tên là Giô-sép, thuộc dòng vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Thiên sứ đến gặp cô và nói: “Hỡi người được ơn, chúc mừng cô! Chúa ở cùng cô!” Nhưng Ma-ri rất bối rối về những lời nầy và tự hỏi lời chào ấy có nghĩa gì. Thiên sứ tiếp: “Hỡi Ma-ri, đừng sợ vì cô đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, cô sẽ mang thai, sinh một con trai và đặt tên là JÊSUS. Con trai ấy sẽ được tôn trọng, được gọi là Con của Đấng Chí Cao. Chúa là Đức Chúa Trời sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít, tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp; vương quốc Ngài mãi mãi trường tồn. Ma-ri thưa với thiên sứ: “Tôi chưa ăn ở với người nam nào thì làm sao có được điều đó?” Thiên sứ đáp: “Đức Thánh Linh sẽ ngự trên cô, và quyền năng của Đấng Chí Cao sẽ phủ che cô; cho nên con thánh sinh ra sẽ được gọi là Con Đức Chúa Trời…”
Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi vẫn tổ chức ngày Chúa nhật Lễ Lá ở Hà Lan. Có những thanh gỗ đặc biệt với những con gà nướng thật đặc biệt (hoặc chúng được cho là những con gà trống?) ở trên cùng với những dải ruy băng màu, trứng, cam, cành lá xanh tươi, và những bài hát đặc biệt – tất cả đều là để kỷ niệm ngày Chúa nhật Lễ Lá, ngày Chúa Jesus tiến vào thành phố Giê-ru-sa-lem với đám đông cổ vũ xung quanh Ngài.
Dân Y-sơ-ra-ên tung hô như vừa thắng trận: “…Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến…” Rất đông dân chúng đi trước và đi theo Ngài, vẫy cành cọ và trải áo xuống đường. Và Ngài, cưỡi trên một con lừa, đúng như lời tiên tri của Xa-cha-ri, người đã nói: “…Nầy, Vua ngươi đến với ngươi; Ngài là Đấng Công Chính và ban sự cứu rỗi, khiêm tốn và cưỡi lừa, một con lừa con, là con của lừa cái…” Xa-cha-ri 9:9. Vào lúc đó, cư dân thành Giê-ru-sa-lem tràn đầy mong đợi.
(Còn tiếp…)
Giáo sĩ Willem J. J. Glashouwer
Chủ tịch Cơ Đốc Nhân vì Israel Quốc tế
Chủ tịch danh dự Liên Minh Châu Âu vì Israel
Biên Dịch Cơ Đốc Nhân Vì Israel Quốc Tế