Đền Thờ Ê-xê-chi-ên
Có thể nào một Đền thờ ‘thứ ba’ thậm chí dẫn đến Đền thờ ‘thứ tư’, giống như Đền thờ thứ hai của Xô-rô-ba-bên, đã được mở rộng và tôn tạo bởi Hê-rốt Đại đế? Trên thực tế, một số người gọi cấu trúc của Hê-rốt là Đền thờ thứ ba.
Nhưng trường hợp này thì có lẽ không phải là như vậy. Ngôi đền tiếp theo, ngôi đền cuối cùng như được mô tả trong Ê-xê-chi-ên chương 40 đến 48, đề cập đến một khu phức hợp Đền thờ sẽ tồn tại sau khi Gót và đồng minh của hắn ta bị đánh bại trên các ngọn núi của Y-sơ-ra-ên. Sự thất bại của họ được mô tả trong Ê-xê-chi-ên chương 38 và 39. Một Đền thờ ‘thứ ba’ có thể có của Kẻ chống Chúa dường như sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, và có thể sẽ bị phá hủy trong trận chiến cuối cùng và bởi những trận động đất xung quanh Giê-ru-sa-lem. Nếu nó có được xây dựng, thì cũng sẽ chỉ là một ngôi đền tạm mà thôi. Đó sẽ là một giấc mơ ngắn ngủi của người Do Thái mà cuối cùng có thể sẽ tan thành mây khói, giống như Đền thờ Bar Kochba.
Đền thờ Ê-xê-chi-ên cuối cùng sẽ là Đền thờ ‘thứ tư’ dường như nằm ở một nơi khác. Một số người khẳng định rằng Đền thờ này thậm chí sẽ không nằm trên Núi Đền ở Giê-ru-sa-lem, mà nằm xa bên ngoài thành phố thực tế, gần Si-lô, nơi đền tạm đã tọa lạc trong 400 năm. Thuật ngữ số hiện nay đã trở nên khó hiểu, tùy thuộc vào việc người ta có tin vào một Đền thờ ‘thứ ba’ theo nghĩa đen mà ở đó Kẻ chống Chúa sẽ ngồi hay không!
Xa-cha-ri nói rằng Giê-ru-sa-lem sẽ tiếp tục ở vào đúng vị trí của nó. Xa-cha-ri 12:6 “…Trong ngày ấy, Ta sẽ làm cho các thủ lĩnh Giu-đa giống như một bếp lửa đang cháy giữa đống củi, như một ngọn đuốc cháy giữa những bó lúa; họ sẽ thiêu nuốt tất cả các dân tộc chung quanh, cả bên phải lẫn bên trái. Nhưng cư dân Giê-ru-sa-lem vẫn ở nguyên tại chỗ của nó, tức là Giê-ru-sa-lem…” nhưng khu vực phía nam sẽ trở thành một vùng đồng bằng – Xa-cha-ri 14:10 “…Khắp cả xứ sẽ trở nên đồng bằng từ Ghê-ba cho đến Rim-môn, về phía nam Giê-ru-sa-lem. Thành nầy sẽ được nhấc lên và ở nguyên tại chỗ, từ cổng Bên-gia-min cho đến cổng thứ nhất và cổng góc, và từ tháp Ha-na-nê-ên cho đến hầm ép rượu của vua…” trong khi ngọn núi của nhà Chúa sẽ được lập làm thủ lĩnh của các ngọn núi và sẽ nhô lên trên các ngọn đồi.
Ê-sai 2:2-4 nói: “…Trong những ngày cuối cùng, núi của đền thờ Đức Giê-hô-va sẽ được lập vững trên các đỉnh núi, vượt cao hơn các đồi. Mọi quốc gia sẽ đổ về đó, nhiều dân tộc sẽ đến và nói rằng: “Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Đức Giê-hô-va, đến đền thờ Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Ngài sẽ dạy chúng ta đường lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài.” Vì luật pháp sẽ ra từ Si-ôn, và lời Đức Giê-hô-va sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem. Ngài sẽ phán xét giữa các quốc gia, và phân xử cho nhiều dân tộc. Bấy giờ, họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm. Nước nầy không còn vung gươm đánh nước kia, họ cũng không còn luyện tập chinh chiến nữa…”
Những chi tiết này mang ý nghĩa là vị trí địa lý trong và xung quanh Giê-ru-sa-lem có thể sẽ thay đổi. Núi Ô-li-ve sẽ chia làm đôi (Xa-cha-ri 14:4) “…Trong ngày ấy, chân Ngài sẽ đứng trên núi Ô-liu, là núi đối diện Giê-ru-sa-lem về phía đông. Núi Ô-liu sẽ bị chẻ ra làm đôi ở chính giữa, tạo nên một thung lũng rất lớn từ đông sang tây; một nửa núi dời qua phía bắc, một nửa kia dời qua phía nam…” Giê-ru-sa-lem sẽ chịu động đất (Khải Huyền 11:13), nhưng cuối cùng nó sẽ là một nơi trống trải. Xa-cha-ri 2:4-5 chép: “…Hãy chạy đi nói với chàng trai ấy rằng: ‘Giê-ru-sa-lem sẽ như làng mạc không có tường thành bao bọc, vì có rất đông người và súc vật ở trong nó.’ Đức Giê-hô-va phán: ‘Chính Ta sẽ là bức tường bằng lửa bao quanh thành, và Ta sẽ là vinh quang ngự giữa thành…” Không cần bất kỳ bức tường bảo vệ nào bởi vì sẽ có bình an. Hoàng tử Bình an sẽ ở đó. Cho dù tiến trình lịch sử có trở nên đen tối như thế nào đi nữa đối với thế giới và đối với Trung Đông, thì Y-sơ-ra-ên vẫn đang trên đường đến với sự yên nghỉ của mình. Ngài sẽ đến để ban cho nó sự yên nghỉ. Và Chúa sẽ đặt nơi yên nghỉ của Ngài ở đó mãi mãi!
Như Y-sơ-ra-ên đang trên đường đến sự yên nghỉ, tập trung vào một Giê-ru-sa-lem trên đất, thì Hội thánh cũng đang trên đường đến sự yên nghỉ ở Giê-ru-sa-lem trên trời (Hê-bơ-rơ 12:22-24). Nhưng một ngày kia, Giê-ru-sa-lem trên trời sẽ ngự xuống, khi trời mới và đất mới được hình thành, là nơi sự công bình sẽ ngự trị. (II Phi-e-rơ 3:13; Khải Huyền 21-22:5) Người ta chỉ có thể suy đoán về mối quan hệ giữa hai thành Giê-ru-sa-lem trong Vương quốc Hòa bình của Đấng Mê-si. (Khải Huyền 20:1-10; Xa-cha-ri 14:8-21). Thiên sứ Gáp-ri-ên hứa với Ma-ri trong Lu-ca 1:30-33: “…Thiên sứ tiếp: “Hỡi Ma-ri, đừng sợ vì cô đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, cô sẽ mang thai, sinh một con trai và đặt tên là JÊSUS. Con trai ấy sẽ được tôn trọng, được gọi là Con của Đấng Chí Cao. Chúa là Đức Chúa Trời sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít, tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp; vương quốc Ngài mãi mãi trường tồn…”
Điều mà chúng ta có thể chắc chắn là cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ thực hiện mọi sự trong mọi người (I Cô-rinh-tô 15:28). Ma-ra-na-tha! Lạy Chúa Jesus, xin hãy đến! (Khải Huyền 22:20; I Cô-rinh-tô 16).
(Còn tiếp…)
Giáo sĩ Willem J. J. Glashouwer
Chủ tịch Cơ Đốc Nhân vì Israel Quốc tế
Chủ tịch danh dự Liên Minh Châu Âu vì Israel
Biên Dịch Cơ Đốc Nhân Vì Israel Quốc Tế
Bình Luận: